Ống kính nhà văn

Pác Thay - Vùng đất còn phong kín

Thứ Ba, 17/11/2020 18:09

Pác Thay là tên của một bản thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Vùng đất này đã sinh ra nhà văn Cao Duy Sơn, nhà thơ Y Phương, nhà thơ Từ Ngàn Phố… và thế hệ 7x nổi lên một gương mặt nghệ sĩ Tày đang được chú ý trong giới mĩ thuât thủ đô: hoạ sĩ Hoàng A Sáng.

Vùng đất đẹp mơ màng nằm kề biên giới cùng những phong tục độc đáo trong văn hoá của người Tày cũng đã đi vào rất nhiều những tản văn của Y Phương khiến chúng càng trở nên huyền bí.
Đã đi rất nhiều bản làng vùng cao, nhưng dường như chưa bao giờ tôi gặp một nơi nào đẹp và nguyên sơ như Pác Thay.

Pác Thay nằm gọn trong một thung lũng với tứ phía là núi cao, rừng cây biếc xanh. Bản Pác Thay là bản người Tày toàn tòng, định cư từ rất lâu đời. Người Tày ở Pác Thay cũng sinh sống trên nhà sàn, chăn nuôi gia súc gia cầm dưới gầm sàn, nhưng nhà sàn ở Pác Thay không phải dựng bằng gỗ mà được xây bằng đá. Bậc thang dẫn lên sàn nhà cũng bằng đá. Mái lợp ngói âm dương. Và vì xây bằng đá nên rất bền, có lẽ không hiếm những ngôi nhà có tuổi thọ hàng trăm năm. 
 Theo lệ người Tày, thường ở đầu bản trồng một cây đa, cuối bản trồng một cây gạo. Cây gạo này nằm ở cuối làng.

Lúa vàng ruộm, thơm tho trên khắp các cánh đồng. Giờ đã vắng tiếng đập lúa. Các gia đình thường thuê máy tuốt, nhanh gọn, đỡ vất vả.

Đường làng nhỏ hẹp, sân hẹp, nên lúa được phơi luôn trên mặt ruộng vừa gặt xong.

 Lúa chín, căng mẩy mang tới một thứ xúc cảm được mùa rất đặc trưng. Nhìn lúa óng lên dưới nắng sớm, lòng người tự dưng rộn ràng, hạnh phúc.

Bà lão này đã hơn tám mươi tuổi, không nói được tiếng phổ thông,
nhưng bà luôn thường trực một nụ cười chất phác.
Suốt dọc hai bờ sông có rất nhiều cọn nước. Giờ đang mùa gặt, chủ yếu cọn được nghỉ ngơi. Một vài chiếc vẫn quay thì dòng nước bị chặn lại, chảy ngược ra sông. Cọn nước ở Pác Thay đã được thay khung sắt, do một tổ chức của Đức tài trợ với mục đích để người dân không phải chặt cây trên rừng về dựng cọn nữa. Dù bằng gì, dù mang thông điệp gì, những cái cọn vẫn là một hình ảnh tuyệt đẹp mang tính biểu tượng của tập quán canh tác lúa nước miền núi.
Đầu bản có một cây cầu treo. Cuối bản cũng một cây cầu treo. Cả hai đều bắc qua sông Bắc Vọng.
Nhưng cầu treo cuối bản đã bị chặn lại, không cho dân sử dụng nữa vì xuống cấp. Thay vào đó, người ta qua lại trên một con đập tràn. Cây cầu treo không sử dụng nữa vẫn vắt qua sông như một nét vẽ.
Tuy nhiên, không phải lúa vàng trên tất cả mọi thửa ruộng. Ở Pác Thay, cũng như nhiều bản làng miền núi sát biên khác, rất nhiều người lao động khoẻ mạnh đã bỏ ruộng đồng sang bên kia biên giới làm thuê.  
Những thửa ruộng mỡ màng, phẳng phiu, màu mỡ bị bỏ hoang, cỏ mọc bời bời. Mẹ của bạn tôi, một bà lão đã hơn tám mươi tuổi, quá nhớ mùa màng nhưng các con cháu đều đi xa, nhà không có ai làm ruộng được. Bà tiếc ruộng bỏ không. Nhớ những năm xa xưa, để có thêm một thửa ruộng thì phải gom góp bao nhiêu năm trời mới mua được. Con cháu thương nỗi tiếc nhớ của bà mà thuê người làm. Một vụ toàn bộ chi phí mất 8 triệu đồng, trong khi nếu mua gạo về ăn thì cả gia đình chỉ tiêu đến 5 triệu một năm cho tiền gạo là cùng.
Pác Thay trong buổi sớm cuối thu đầu đông, long lanh vàng mật ngọt. Khoảnh khắc tuyệt diệu của buổi sáng ấm áp, no đủ sẽ khiến ai ai cũng cảm thấy thật hạnh phúc vì được sống. Vùng đất này vẫn còn phong kín với du khách, như sơn nữ ngủ quên trong rừng. Nếu một ngày có dịp đến Trùng Khánh, bạn nhớ đừng bỏ qua Pác Thay, vẻ đẹp nguyên sơ của một bản Tày đang đợi bạn.
Tổ chức trang: Vũ Thành Duy
Thực hiện: Đỗ Bích Thúy
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)