Nhà viết kịch Sỹ Hanh: kịch là đời

Thứ Sáu, 20/12/2024 05:11

Mỗi khi nhắc đến nhà viết kịch Sỹ Hanh, người yêu mến sân khấu kịch nước ta không thể không nhắc đến những vở kịch nổi tiếng của ông như Tôi đi tìm tôi, Đứa con tôi, Bỉ vỏ, Chia tay hoàng hôn… Trải qua hơn nửa thế kỉ lao động sân khấu với những sáng tạo bền bỉ ông đã có hơn ba mươi tác phẩm sân khấu phong phú về đề tài cho các thể loại kịch, chèo, cải lương, bài chòi và hàng chục tác phẩm chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng như Chí Phèo, Bỉ vỏ… Dẫu các sáng tác của ông đã đi qua hơn nửa thế kỉ, nhưng những vấn đề, sự kiện xã hội đặt ra trong đó vẫn còn nguyên giá trị, và các vở diễn của ông ngày nay vẫn được nhiều đơn vị, nhà hát kịch lựa chọn dàn dựng để đưa đến công chúng.

Sỹ Hanh đến với nghệ thuật sân khấu từ những năm 50 của thế kỉ trước, khi đó chàng thanh niên miền quê quan họ Bắc Ninh lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Quá trình học tập, chiến đấu và trưởng thành trong quân ngũ, Sỹ Hanh bộc lộ tố chất về vẽ tranh, diễn kịch trong công tác phong trào tại đơn vị. Cái duyên sân khấu chuyên nghiệp đến với Sỹ Hanh khi ông lọt vào mắt xanh của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Chính Đỗ Nhuận là người đưa chàng trai trẻ Sỹ Hanh về làm diễn viên kịch của Đoàn văn công Trường Lục quân. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng là người có ảnh hưởng lớn về tư tưởng trong các sáng tác của Sỹ Hanh sau này. Hoạt động trong Đoàn văn công Trường Lục quân phục vụ anh em chiến sĩ chiến đấu trên chiến trường, đến năm 1954 Sỹ Hanh được chuyển về công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị sau khi các đoàn văn công sát nhập.

Ảnh minh hoạ.

Tác phẩm đầu tay của Sỹ Hanh mang tên Ánh sáng ban đầu được Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị dàn dựng vào năm 1959 đã đánh dấu bước chuyển mình của Sỹ Hanh từ vai trò một diễn viên kịch thành một tác giả sân khấu chính kịch được nhiều người biết đến. Nói như Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Chính cú bẻ lái cuộc đời đó đã giúp sân khấu nước nhà có thêm một cây đại thụ sân khấu. “Sỹ Hanh là một nghệ sĩ - chiến sĩ của quân đội. Ông có nhiều đóng góp to lớn cho nền sân khấu nước nhà. Các vở diễn do ông sáng tác và chuyển thể luôn gắn bó với đời sống xã hội hiện thực ngày nay, những số phận con người, những hoàn cảnh xã hội, những hình ảnh chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận… được ông xây dựng với một góc nhìn chân thật mà tác gia luôn là người chứng kiến và dẫn chuyện”.

Nói đến nhà viết kịch Sỹ Hanh là nói đến những tác phẩm gây tiếng vang và gắn với tên tuổi ông như Chia tay hoàng hôn, Đứa con tôi, Cuộc đời tôi... Những vở diễn từ khi ra đời đã gây được tiếng vang lớn bởi nội dung tư tưởng và cả những câu chuyện giản dị đời thường nhưng rất sâu sắc. Kịch của Sỹ Hanh viết về tầng lớp trí thức trong xã hội với những quan điểm và cách nhìn của họ về cuộc sống. Tất cả đều đặt dưới cái tôi của Sỹ Hanh, đó cũng chính là quan điểm sáng tác của ông đúng như những lời tác giả bộc bạch: Người viết kịch phải viết ra sự thật, những vấn đề đời sống xã hội tác động đến mình thế nào, mình sẽ viết ra đúng như thế. Sự chiêm nghiệm thực tế và cảm xúc chân thật của bản thân sẽ quyết định đến sự thành công của tác phẩm, một tác phẩm được viết ra nếu mình chưa cảm thấy ưng ý, chưa thấy hay thì làm sao khán giả thấy hay được.

Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, rồi được cấu trúc, soạn sửa bởi trí óc tinh tế nên các tác phẩm kịch của Sỹ Hanh luôn có một sức hút kì lạ với công chúng, điển hình như vở kịch Tôi đi tìm tôi, tác phẩm ông viết vào đầu những năm 80 của thế kỉ trước, những năm đất nước đang bước vào công cuộc đổi mới với nhiều biến đổi trong cuộc sống. Với cách viết chân thật, khúc triết, mạch lạc đã thật sự thu hút khán giả. Khán giả như bị cuốn theo số phận nhân vật, sống với những đổi thay của những nhân vật được lớn lên trong sự biến động của thời cuộc. Hay như vở kịch Đứa con tôi, một vở diễn rất đời thể hiện được nhiều nhân cách mới với nhiều hình tượng nhân vật được khắc họa rõ nét sinh động, ấn tượng và có sức sống lâu bền. Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Anh Tú - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam từng nhận xét về về vở kịch Đứa con tôi của kịch gia Sỹ Hanh: “Tác phẩm được nhà viết kịch Sỹ Hanh sáng tác dựa trên câu chuyện có thật ngoài đời sống. Văn phong của tác giả Sỹ Hanh cũng rất đẹp, được thể hiện rõ nét qua lời thoại từng nhân vật. Trong một vở kịch thì mỗi nhân vật sẽ là một tính cách và được toát lên bằng ngôn từ và hành động. Những đối thoại của nhân vật trong kịch Sỹ Hanh luôn hấp dẫn và toát ra được tinh thần của tác giả”.

Tôi đi tìm tôi của Sỹ Hanh sau 30 năm được Đạo diễn Anh Tú dựng lại với ekip diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn cả ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khán giả vẫn thấy gần gũi những câu chuyện từ cuộc sống, dù mang tính luận đề nhưng không hề xa cách. Ba số phận trong kịch là ba người bạn thân: Nghiêm, Hào và Oanh. Họ lớn lên trong sự biến động của thời cuộc, để rồi 30 năm sau họ gặp lại nhau. Hào đã ly dị Oanh, sang Mỹ định cư và cưới Mai - một nhà kinh doanh giàu có. Nghiêm trở thành phó giáo sư, yêu Oanh nhưng ngại thổ lộ. Còn Oanh đã là một nhà văn có tên tuổi, nhưng quyết định gác bút vì bất lực trước những hiện tượng cô cho là “cái xấu” trong cuộc sống. Chuyện sẽ không có gì ầm ĩ nếu họ không gặp nhau và vạch trần những mặt trái trong nhân cách của nhau. Oanh mãi lên án “mọi người sống sến” nhưng chính Oanh mới thật sự là mẫu người “sến” khi coi khinh và xa lánh mọi người. Nghiêm cố khép mình trong hàm phó giáo sư để phải sống cô đơn. Còn Hào, quá phóng túng, sống ỷ lại nên cứ “phải sợ vợ ra phép” để yên thân. Họ nhìn thấy họ qua cách nói thẳng về nhau, để rồi sau khi tắm mình trong những lời phê phán của nhau, họ đã thật sự tìm thấy mình.

Trước mỗi đứa con tinh thần của mình, Sỹ Hanh thường đặt mình vào vị trí của khán giả để tự hỏi kịch bản, câu chuyện và đường dây tâm lí các nhân vật được viết ra có hợp lí không, đã gần gũi với cuộc sống chưa, có gì cần điều chỉnh không. Và có lẽ xuất phát điểm từ nghiệp diễn nên Sỹ Hanh dễ dàng nắm bắt những tình huống, chi tiết và cả lời thoại đắt giá để đưa vào kịch bản, thế nên nhân vật nào trong kịch của ông cũng đều có tính cách và đời sống riêng biệt, qua đó diễn viên cũng rất dễ dàng cảm nhận và xây dựng hình tượng nhân vật một cách hay và cá tính nhất.

Ông từng bộc bạch: “Những vở tôi làm ra đều phải có sự hấp dẫn khán giả, tôi luôn đặt mình vào vị trí khán giả để thẩm định bản thảo, chỉ những gì mình tâm đắc thì mình mới đặt bút viết, còn chuyển thể tác phẩm văn học qua sân khấu cũng vậy, chỉ những tác phẩm văn học hay, đủ sức hấp dẫn thì mình làm, mình có thấy hay thì khán giả mới thấy hay và khán giả mới thưởng thức nó. Nhiều tác phẩm văn học Việt Nam và quốc tế tôi đã chuyển thể và đã được khán giả yêu mến cho đến tận ngày nay, điển hình như tác phẩm Chí Phèo, Bỉ vỏ…”

Gần 70 năm gắn bó với sân khấu nhưng dường như tình yêu nghệ thuật trong nhà viết kịch Sỹ Hanh vẫn còn nguyên vẹn, ông vẫn say sưa theo dõi từng chuyển động của sân khấu nước nhà như con tằm rút ruột nhả tơ, mặc dù sức khỏe không còn được như trước nhưng ông vẫn cầm bút sáng tác. Sỹ Hanh vẫn đang viết tiếp tập 3 cho tác phẩm Tôi đi tìm tôi hứa hẹn sẽ là quả bom phá băng cho sân khấu nước nhà./.

(Theo VOV6)

 

VNQD
Thống kê