Nhạc sĩ Thuận Yến: Như con tim chỉ dành cho… âm nhạc

Thứ Hai, 16/12/2024 05:44

. KỲ DUYÊN

Có một nhạc sĩ, khi còn sống, đã có một tình khúc rất nổi tiếng - Chia tay hoàng hôn trong hàng loạt những tình khúc nổi tiếng của mình - lại được trình bầy bởi một giọng ca cũng nổi tiếng và đặc biệt nốt. Và khi ông trở về với cát bụi, sự chia tay của ông với cõi tạm này- cũng vẫn là mỹ mãn với sự vinh danh cao nhất của nhà nước - Giải thưởng Hồ Chí Minh - dành cho những văn nghệ sĩ có những đóng góp xứng đáng vào nền nghệ thuật âm nhạc nước nhà.

Cuộc đời sáng tác âm nhạc của ông khá đặc biệt. Gia tài âm nhạc của ông thật đáng nể với hơn 500 ca khúc được chia hai phần rõ rệt. Một bên là những sáng tác, những ca khúc cách mạng gắn liền với cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc, nuôi dưỡng sự lạc quan và niềm tin yêu vô bờ bến vào lý tưởng của thời đại khi đó. Một bên là những tình khúc thời hòa bình, những tình khúc của yêu thương, lay động sâu sắc con tim người nghe, thức tỉnh nơi họ những xúc cảm chân thành và đẹp đẽ, cho dù thân phận con người là thăng trầm dâu bể, là hỉ nộ ái ố đời thường…

Cái tên Thuận Yến và con đường theo đuổi nghệ thuật âm nhạc ở ông cũng như một duyên nghiệp. Ông tên thật là Đoàn Hữu Công, quê ở Duy Xuyên (Quảng Nam). Tuổi thơ, cậu bé Công đã sống trong một “cái nôi” nuôi dưỡng âm nhạc một cách tự nhiên. Cha ông, một ông giáo dạy chữ Nho biết chơi đàn bầu. Từ năm 1940, lúc mới 8 tuổi, cậu bé Công đã làm quen với âm nhạc cải lương, hát bội, hát bài chòi, âm nhạc nhà thờ Công giáo xứ Trà Kiệu. Cái làng nhỏ của ông nhiều người biết chơi đàn mandolin, hoặc hát hò khoan đối đáp. Những nốt nhạc đồ rê mi pha son…, đã thấm vào ông như một định mệnh, dẫn dắt ông đi trên hành trình của kiếp người sau này.

Cách mạng như một làn gió lạ cuốn chàng thanh niên Đoàn Hữu Công đầy tố chất nghệ sĩ vào đó với sự háo hức của tuổi trẻ. Năm 1949 ông gia nhập Khu ủy Liên khu V, làm liên lạc chuyển thư báo, trông coi kho sách. Những lúc rảnh rỗi, ông được xem các nghệ sĩ đóng kịch, hát bài chòi, được học đàn guitar mà cuốn Ký âm pháp và hòa âm của nhạc sĩ Ngọc Trai khi đó, có thể coi như cẩm nang đầu đời dẫn dắt Đoàn Hữu Công vào con đường nghệ thuật sáng tạo vừa quyến rũ vừa đầy khắc nghiệt.

Nhạc sĩ Thuận Yến.

Lại những quãng rẽ như những cung bậc cuộc đời đầy biến động. Lúc được biệt phái sang quân đội. Lúc theo Khu ủy mở mặt trận Bắc Tây- nguyên trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Lúc đi học Trung cấp âm nhạc. Nhưng dù ở đâu, thì văn nghệ vẫn là nghiệp gắn với ông như bóng với hình. Và thế là những ca khúc sáng tác đầu tay ra đời, như Hò dân công; Thi đua sản xuất, tuy còn non nớt nhưng đã phần nào thể hiện được khí chất của người nhạc sĩ tài hoa…

Đỉnh cao của khát vọng thỏa chí làm trai của ông, phải nói là năm 1965, khi ông xung phong đi chiến trường B, cùng với đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên. Bút danh Thuận Yến ra đời cũng từ đây, khởi đầu chỉ là sự nhầm lẫn thường tình - ông lấy Thuận Yên từ Duy Thuận (quê cha) và Duy Yên (quê mẹ). Thế nào mà người biên tập và phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam lại nghĩ là Thuận Yến. Và rồi, cái tên Thuận Yến, bỗng trở thành quen thuộc, rất có duyên với bạn nghe đài qua hàng loạt những sáng tác của ông - một thời đất nước đầy giông bão - Hát mừng quê ta giải phóng; Mỗi bước ta đi; Bài ca tiếp vận; Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin; Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc….

Nhưng đỉnh cao của các ca khúc sáng tác còn chính là hàng loạt ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bác Hồ, một tình yêu bao la; Vầng trăng Ba Đình; Người về thăm quê… , về người mẹ Việt Nam, về người chiến sĩ áo vải đã dấn thân trong cuộc trường chinh bảo vệ Tổ quốc. Dù bên cạnh đó, ông còn viết cả một số tác phẩm như bản sonate Tự nguyện, trang giao hưởng 5 chương Khúc nhạc miền Trung, hành khúc Những bàn chân không mỏi. Rồi viết nhạc cho múa, viết nhạc cho phim. Một sức sáng tạo dồi dào, đáng nể.

Bất ngờ nhất, gia tài âm nhạc của ông, nếu thời chiến tranh mang âm hưởng của tình yêu đất nước của một thời cuộc gian nan nhưng đầy khí phách, thì gia tài âm nhạc của ông ở thời bình lại rất thiết tha, đậm đà tình yêu trai gái, tình yêu nam nữ, với đủ “cung bậc người”- nỗi buồn đau, niềm hạnh phúc, nỗi thất vọng, khát khao… Cho đến bây giờ, kể cả khi ông đã đi xa, nhưng những ca khúc hay nhất, quyến rũ lòng người nhất: Chia tay hoàng hôn; Màu hoa đỏ; Khát vọng; Tình yêu không lời… vẫn là niềm yêu thích, say mê của khán thính giả các lứa tuổi bởi ca từ đẹp như thơ: Anh phải về thôi xa em thôi/ Hoàng hôn yên lặng cũng theo về/ Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/ Mà lời từ biệt chẳng lên môi… (Chia tay hoàng hôn) Bởi tâm hồn trẻ và đầy triết luận của ông, những nốt nhạc đồng cảm với ông, đã “chạm” được đến muôn mặt của đời sống con người và xã hội hiện đại hôm nay. Chạm được đến những góc khuất thẳm sâu con tim, hóa thành sự bí ẩn lôi cuốn...

Gia tài âm nhạc ấy nảy nở và thăng hoa trên một hạnh phúc riêng nhiều thăng trầm và đầy từng trải bởi chiến tranh, xa cách, có niềm vui và nỗi đau của sự hợp tan của con cái… Đó là cuộc gặp gỡ giữa ông với nghệ sĩ đàn tranh Hồ Thanh Hương, người sau này trở thành bạn đời của ông, và sinh hạ cho ông hai người con đều tài giỏi: Ca sĩ Thanh Lam “người đàn bà hát” nổi tiếng và DJ Trí Minh - người sáng lập nên Liên hoan âm thanh Hà Nội.

Cái gien trội nghệ thuật âm nhạc của hai ông bà đã sinh nở ra một ca sĩ Thanh Lam, thông minh, xinh đẹp, cá tính cực mạnh sở hữu một giọng nữ trung đầy nội lực, làm chủ một kĩ thuật thanh nhạc đa dạng biến hóa trong phong cách. Người được coi là ca sĩ mở đường, định hướng cho nền nhạc nhẹ Việt Nam đầu thập niên 90 và có ảnh hưởng không ít đến những thế hệ ca sĩ thành danh sau này.

Những tình khúc Chia tay hoàng hôn; Khát vọng; Tình yêu không lời… của Thuận Yến được rất nhiều ca sĩ biểu diễn, nhưng chắc chắn một điều khó ai có thể vượt qua Thanh Lam. Không chỉ bởi kĩ thuật điêu luyện mà còn bởi cô chính là con gái của Thuận Yến, là máu thịt của ông, là một bản thể khác của ông, mà âm nhạc là sợi nhau nuôi dưỡng…

Nhạc sĩ Thuận Yến đã sống hết một đời người đáng sống. Đã yêu và sáng tạo như con tim và âm nhạc ở ông là phải thế. Cho đất nước, cho cộng đồng. Và ngay cả khi trở về với cát bụi, cuộc Chia tay hoàng hôn cuối cùng của đời người- tài năng của ông vẫn được ghi nhận, vinh danh.

KD

 

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất