. OANH HOÀNG
Nhắc đến họa sĩ Nguyễn Thụ, mọi người sẽ nhớ đến bức tranh Bác vẫn đang cùng chúng cháu hành quân sáng tác năm 1970, ông cùng người bạn, người đồng nghiệp của mình, họa sĩ Huy Oánh là đồng tác giả. Hình ảnh Bác Hồ trong tranh được lấy nguyên mẫu từ bức ảnh cùng tên của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định.
Từ bức tranh nổi tiếng đó, tên tuổi của họa sĩ Nguyễn Thụ được biết đến. Bằng tài năng và sự thuần khiết của mình, ông dần khẳng định vị trí trong nền mỹ thuật nước nhà, vừa ở cương vị người thầy, người làm nghệ thuật và hiệu trưởng trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam. Ông hưởng thọ nhân gian 93 năm - “tuổi xưa nay hiếm” nhưng sự ra đi của ông khiến nền mỹ thuật thiếu vắng một nét lụa mềm mại, dịu dàng và ẩn chứa nhiều tâm tư.
Họa sĩ Nguyễn Thụ sinh ngày 12/12/1930 tại xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1946, ông đi kháng chiến, tham gia thiếu sinh quân và làm họa sĩ phục vụ công tác tuyên truyền, cổ động cho kháng chiến chống Pháp.
Hoạ sĩ Nguyễn Thụ.
Năm 1955, ông chính thức vào học hệ Trung cấp, khóa do họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách của Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cùng với các họa sĩ như Văn Đa, Quang Thọ … Sau đó ông theo học hệ cao đẳng khóa 1 của trường từ 1957-1962 và được giữ lại làm giảng viên.
Năm 1984, ông được phong hàm Phó giáo sư. Và làm Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ 1985 đến 1992, sau 7 năm ở cương vị Phó hiệu trưởng. Ông được phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1989.
Cây cổ thụ của làng tranh lụa
Bức tranh làm nên tên tuổi của họa sĩ là dòng tranh cổ động, nhưng ông lại là người có tiếng trong giới tranh lụa và là người thầy đáng kính của Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tranh lụa được coi là thể loại tranh có chất liệu khó thể hiện cảm xúc và có ảnh hưởng đến sự thăng hoa của tác giả trong khi sáng tác. Nhưng những nhược điểm đó lại được họa sĩ Nguyễn Thụ chinh phục, “thuần hóa” để trong quá trình làm việc, những điều đó trở thành ưu điểm, giúp ông có những dấu ấn riêng, tạo nên một Nguyễn Thụ vừa phiêu vừa cá tính trong từng đường nét. Ông cũng không ngại ngần chia sẻ tất cả những kĩ thuật vẽ lụa hay bí kíp riêng của mình để làm phong phú cho nền nghệ thuật nước nhà.
So với các thể loại tranh khác, tranh lụa có chút khác biệt trong cách thể hiện màu sắc trên lụa. Điểm đặc biệt nhất giữa kĩ thuật vẽ lụa cũ và hiện đại ở Việt Nam là những bức tranh lụa cũ thường được vẽ trực tiếp trên lụa khô trong khi tranh lụa hiện đại giống như sự nhuộm đi nhuộm lại màu lên mặt lụa ướt. Hầu hết các họa sĩ vẽ tranh lụa thường phác họa kĩ trước khi sáng tác. Trong quá trình vẽ, họa sĩ thường vẽ từ màu sáng đến màu tối và sử dụng nhiều lớp màu để tạo nên vẻ đẹp tiềm ẩn đằng sau một bức tranh lụa. Bằng cách sử dụng màu sắc đương đại, tranh lụa Việt Nam có một vẻ đẹp bí ẩn vì sự mềm mại, tinh tế, phong cách và linh hoạt.
Có thể nói tranh lụa của Nguyễn Thụ rất khác với các bậc thầy trước đó như Nguyễn Phan Chánh, Trần Đông Lương, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Thị Lựu, Mai Trung Thứ... Tranh của ông nhẹ nhàng thuần khiết và trữ tình. Cách xử lí kĩ thuật, sử dụng lụa Việt Nam, với kĩ thuật màu nước riêng, ông tạo nên những tác phẩm tinh tế, mịn màng, óng ả, lên được từng thớ lụa, sợi lụa. Ông được mời đi triển lãm tranh ở Mĩ, Pháp và nhiều tác phẩm của ông được các nhà sưu tập lùng mua.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết: "Các chi tiết khuôn mặt, bàn tay, bàn chân trong tranh Nguyễn Thụ dường như chỉ nắm bắt sao cho gần cấu trúc thực tế, hầu như không có những chi tiết vẽ sâu, không có sự chồng đè nét. Với nửa thế kỉ theo đuổi hội họa, tranh lụa Nguyễn Thụ có vị thế riêng trong nền mĩ thuật Việt Nam hiện đại, một phong cách phương Đông trong dòng chảy mới và hướng về chủ nghĩa hiện đại phương Tây (Modern Art) mà hầu hết họa sĩ theo đuổi".
Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội Mĩ thuật Việt Nam - nhấn mạnh, họa sĩ Nguyễn Thụ là người thầy vô cùng đáng kính trong giới mĩ thuật Việt Nam, là người tạo nên phong cách vẽ tranh lụa rất riêng biệt. "Họa sĩ Nguyễn Thụ có nét vẽ đôn hậu với những đề tài cũng rất giản dị và gần gũi, từ phong cảnh đến thiếu nữ miền núi, ông xử lý kĩ thuật rất cao tay, sử dụng lụa Việt Nam với kĩ thuật màu nước, tạo nên những tác phẩm tinh tế, mịn màng, óng ả, lên được từng thớ lụa, sợi lụa", họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ.
Câu chuyện trong tranh lụa thường sẽ cho người xem thấy một ý đồ rõ ràng qua bố cục, hình khối và màu sắc. Tuy nhiên, sự đơn giản đấy lại chính là điểm mạnh trong sáng tác của mỗi họa sĩ. Họa sĩ Nguyễn Thụ từng kể lại câu chuyện khi họa sĩ Quang Thọ, người bạn thân tình của ông đến chơi, ngắm bức tranh Xóm núi Đen của ông đang vẽ nhận xét là “đơn giản”. Ông liền mang tranh đi rửa cho màu trôi hết và mang vào soi dưới bóng đèn. Dưới ánh sáng lờ mờ, bỗng ông thấy một hiện tượng rất thú vị đó là những thớ ngang, thớ dọc của chất liệu lụa hiện lên rất rõ nét. Sau đó, ông tiếp tục dùng điệp sửa lại hình núi, mái nhà, đoàn người, rồi thêm bụi tre… Lúc này, màu đen của núi trong bức tranh hiện lên rất rõ nét. Năm 1979, họa sĩ Nguyễn Thụ hoàn thiện bức tranh, lấy tên là Làng ven núi rồi mang bức tranh đi dự Triển lãm Hội họa quốc tế hiện thực ở Sophia (Bulgaria). Tác phẩm này của ông được các họa sĩ nước ngoài đánh giá cao. “Họ cứ thắc mắc là họa sỹ này đã xử lý mảng đen như thế nào và tại sao bức tranh lại lên những thớ ngang, dọc được như thế…”, họa sĩ Nguyễn Thụ nhớ lại. Năm đó bức tranh của ông đã đoạt Giải vàng tại triển lãm.
Sau này, họa sĩ Nguyễn Thụ cũng kể lại cho họa sĩ Quang Hải, con trai của họa sĩ Quang Thọ rằng: "Chính vì nhờ có bố cháu bốp thẳng như vậy, nên bác ức mang tranh ra máy nước cọ rửa... không ngờ lại thu được hiệu quả bất ngờ".
Người thầy điềm đạm, nhân từ
Họa sĩ Nguyễn Thụ là Nhà giáo Nhân dân, nguyên Hiệu trưởng Đại học Mĩ thuật Việt Nam trong nhiều năm. Ông có đóng góp rất lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam tài năng, được giới mĩ thuật đánh giá cao và có dấu ấn riêng trên con đường phát triển nghệ thuật. Là thầy, ông có sự kiên nhẫn, điềm đạm và từ tốn trong giảng dạy, giao tiếp cùng sinh viên, nhưng cũng không vì thế mà mất đi vị thế, uy nghiêm để với mỗi học trò của mình, ông còn là một người chia sẻ đam mê nghệ thuật, nhân sinh quan.
Họa sĩ Vi Kiến Thành nhận định người thầy Nguyễn Thụ có phương pháp sư phạm giảng dạy khá hiện đại, ông tôn trọng tự do sáng tạo, không bao giờ áp đặt ý kiến chủ quan. Ông cũng là người luôn tâm tình, gợi mở để sinh viên khai thác, phát huy được tới tận cùng cái tôi sáng tạo nghệ thuật.
Họa sĩ Hồ Trọng Minh theo học họa sĩ Nguyễn Thụ từ những năm 1990 khi anh mới bước chân vào đại học và sau đó học cao học năm 2009. Trong con mắt của anh, thầy mình là người truyền dạy tỉ mỉ và gần gũi - "Tại đại học, chúng tôi được thầy hướng dẫn vẽ lụa với cách vẽ không rửa, không nhuộm, sau đó lại được thầy dạy bồi tranh. Thầy khá kĩ trong việc chọn hồ và giấy bồi tranh, những tranh bồi theo cách của thầy không bị cứng đơ và mất hết xơ lụa. Lên cao học, thầy dạy vẽ hình họa và chuyên chất liệu lụa. Cách giảng dạy nhẹ nhàng, và thường ký họa cùng học viên ngay tại lớp".
Kí ức về người thầy không chỉ của họa sĩ Hồ Trọng Minh mà nhiều người khác là hình ảnh về một “ông tiên” với mái tóc bạc sáng lấp lánh dưới những vệt nắng xiên ở sân trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam. Người thầy đấy không chỉ truyền dạy kiến thức về mĩ thuật mà còn có những câu chuyện sinh động về một thời thiếu sinh quân, về nét đẹp của con người trong kháng chiến, về cuộc sống đang dần đổi thay như cách mà những mảng màu sắc dịu êm hiện ra trước mỗi người khi thưởng tranh ông.
"Phong cách sống Nguyễn Thụ vừa sang trọng vừa gần gũi. Thầy nói nhỏ nhẹ, chậm rãi nhưng rất rõ ràng. Từng lời góp ý đều mang tính gợi mở và tạo cảm xúc cho sinh viên. Chúng tôi học ở thầy nhiều điều từ nghề nghiệp tới cách sống. Nhưng với tôi có lẽ là ngưỡng mộ thầy tài năng và tâm hồn trong sáng, hồn hậu, một thế giới quan và nhân sinh quan rất nhân văn", họa sĩ Hồ Trọng Minh cho biết.
Họa sĩ Nguyễn Thụ giành được nhiều giải thưởng lớn của nhà nước, ngành mĩ thuật và nước ngoài như Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001), Giải thưởng trong Triển lãm Mĩ thuật toàn quốc: Giải Ba (1960), Giải Nhì (1976, 1990), Giải Nhất (1980). Ông cũng đạt nhiều giải thưởng nước ngoài và tham gia triển lãm tại nhiều nước như Bulgaria, Nga, Đức, Pháp, Thái Lan… Tác phẩm của ông được lưu giữ trong nhiều bảo tàng quốc gia, bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước./.
OH
VNQD