Núi lửa giấu mặt

Thứ Tư, 13/09/2023 17:14

Núi lửa ngầm là các núi lửa nằm dưới bề mặt đại dương ở những độ sâu khác nhau. Điều đáng nói là chúng hoàn toàn có thể hoạt động và phun trào dưới nước. Theo thống kê, số lượng núi lửa nằm dưới biển chiếm tới 2/3 tổng số núi lửa trên thế giới.

Các núi lửa dưới đại dương hầu hết đều phun trào lặng lẽ nên không được để ý. Sự hiện hữu của nước có thể thay đổi một cách to lớn các đặc tính của một vụ phun trào núi lửa và sự nổ của núi lửa ngầm so với núi lửa trên mặt đất. Chúng tác động đến bề mặt đại dương, đôi khi tạo ra những đáy biển mới.

Chẳng hạn, nước khiến mắc ma nguội và rắn lại nhanh hơn nhiều so với phun trào trên mặt đất, thường biến nó thành thủy tinh núi lửa. Hình dạng và cấu trúc của dung nham hình thành bởi núi lửa ngầm cũng khác với dung nham phun trào trên mặt đất. Khi tiếp xúc với nước, một lớp vỏ rắn hình thành xung quanh dung nham. Các lớp dung nham tiếp theo lại chảy vào lớp vỏ này, tạo thành thứ gọi là dung nham gối.

Vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai dưới Thái Bình Dương vào tháng 1/2022 đã giải phóng một lực tương đương hàng trăm quả bom nguyên tử, gây sóng thần dữ dội và những dòng chảy như tuyết lở. Các nhà khoa học ghi nhận núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đã phun đất đá, tro bụi và khí gas khắp đáy biển với tốc độ 122km/h. Đây là vụ phun trào mạnh nhất được ghi nhận từ trước đến nay bằng thiết bị hiện đại. Cột phun trào của núi lửa cao tới 57km, trút thẳng xuống nước, chảy theo các sườn dốc dưới biển. Tốc độ và cường độ của dòng hải lưu lớn đến mức có thể di chuyển ít nhất 100km dưới đáy biển. Vụ phun trào đã gây ra một trận sóng thần dữ dội và làm hỏng cáp viễn thông dưới đáy biển kết nối quần đảo Tonga với phần còn lại của thế giới. 

Còn vụ phun trào của ngọn núi lửa chìm dưới nước có tên East Epi của Vanuatu, quốc đảo ở Thái Bình Dương, vào 1/2/2023, tro bụi được núi lửa từ dưới nước phun lên khỏi mặt biển cả trăm mét, mặt đất rung chuyển khi núi lửa hoạt động. 

Năm 2009, một nhóm các nhà khoa học đã thực hiện cuộc thám hiểm tới khu vực ngọn núi lửa Tây Mata ở Thái Bình Dương để quan sát hoạt động của nó. Trong khoảng một giờ, họ nhìn thấy khói bốc lên. "Sau đó, dung nham đỏ tuôn ra", nhà hải dương học Joe Resing, trưởng đoàn thám hiểm, cho biết.

Bà Tamsin Mather, một nhà núi lửa học và giáo sư khoa học Trái đất tại Đại học Oxford (Anh), cho biết, không có con số chính xác của các núi lửa dưới biển đang hoạt động, nhưng ước tính dao động khoảng hàng nghìn.

Trọng Thái tổng hợp

VNQD
Thống kê