Cảm hóa

Chủ Nhật, 21/04/2024 13:36

Đây là một bức ảnh ít xuất hiện khi nói về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức ảnh chụp một người lính Điện Biên đang an ủi một tù binh bị thương của Pháp. Bức ảnh như một thông điệp về chính sách đối với tù, hàng binh của ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Võ Dược, vốn ở Cục Địch vận thuộc Tổng cục Chính trị, khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ông được giao làm Tiểu đoàn trưởng, Trại trưởng Trại tù, hàng binh Điện Biên Phủ. Khu vực được chọn làm trại tù ở vị trí từ Tuần Giáo đi vào Điện Biên khoảng 30 km nữa. Khi giao nhiệm vụ cho ông tại đây, cấp trên cho biết sẽ có khoảng một vạn tù binh, ông Dược và các đồng đội phát hoảng vì trong tay không có gì hết, lại phải đảm bảo việc ăn uống cho tù binh. Trưởng trại tù hàng binh nhớ lại, đầu tiên phải huy động lực lượng làm lán trại cho anh em ở, sau đó vào làng mượn nồi niêu, xoong chảo để nấu ăn. Giữa tháng ba, Chiến dịch bắt đầu, tù binh về lác đác, nhưng sau đó số tù binh ngày càng đông, để đáp ứng các bữa ăn, công Dược chỉ đạo cấp dưới đi tìm những thùng phuy để nấu cơm mới đủ cho tù binh ăn.

Về tinh thần tù, hàng binh, những người mới đến trại, họ rất tự tin là Việt Minh sẽ không làm gì được tập đoàn cứ điểm của Pháp, nhưng khi Cứ điểm Him Lam bị tiêu diệt thì tinh thần của họ chùng xuống. Những loạt đến sau tỏ rõ sự chán chường, khiếp nhược. Khi quân ta đánh chiếm xong đồi A1 cũng đồng nghĩa với kết thúc trận chiến, lúc này số hàng binh lên đến cả chục ngàn.

Ông Dược sau này đã kể lại, các ông được cấp trên chỉ đạo phải đối xử tốt với hàng binh, họ là kẻ thù nhưng sau bị bắt rồi thì mình phải thể hiện được cái nhân đạo. Với những người lính gốc châu Phi thì phía ta chăm sóc và tuyên truyền nhiều hơn, kích thích tinh thần dân tộc trong họ vì đất nước họ cũng là thuộc địa của Pháp, bị áp bức bóc lột.

Ông Bùi Đáp, bác sĩ quân y của ta tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ kể, phía Pháp cũng có bệnh viện dã chiến ở khu trung tâm Mường Thanh, vị trí gần hầm chỉ huy của tướng De Castries. Sau khi ta chiến thắng, tiến vào khu trung tâm trực tiếp xuống hầm điều trị thương binh của Pháp để tiếp nhận và điều trị. Thương binh Pháp được đưa lên đồi cao, nơi thoáng mát dựng lều bạt để chữa trị, cho đến khi họ bình phục mới trao trả về nước. Thời điểm gần kết thúc chiến dịch, tù binh bị bệnh nhiều, nằm la liệt khắp cánh rừng, ta phải cứu chữa đồng loạt. Ngoài số bị thương trong hầm, 11.721 hàng binh đều trong tình trạng thê thảm, không bị thương nặng thì cũng kiệt sức do thiếu ăn, thiếu ngủ và bị bệnh truyền nhiễm.

Sau này ông Dược kể lại, tháng 8 năm 1954, ta trao trả tù binh đợt 1 cho Pháp tại Tuyên Quang, mỗi ngày ta thông báo cho Pháp ở Hà Nội là sẽ trao trả bao nhiêu, nhưng dường như phía Pháp chỉ quan tâm khi nào tướng De Castries của họ được thả. Cũng trong thời gian này, đơn vị ông Dược còn thu thập được một vạn chữ kí của tù, hàng binh Pháp đề nghị chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Đông Dương để gửi sang Hội nghị Genève 1954 phục vụ việc đàm phán đi đến thành công.

Trọng Thái tổng hợp

VNQD
Thống kê