Dòng chảy

Triển lãm Ngày rộng 3: Sự dịch chuyển của tư duy sáng tạo

Thứ Hai, 25/04/2022 06:39

 Sự cách li xã hội, cách li con người là một hiện thực chưa từng có nhưng cũng là đòn bẩy, động lực cần thiết để nghệ sĩ nhìn lại, chiêm nghiệm và chính họ sẽ góp phần định hướng cho tương lai của nghệ thuật. Triển lãm mĩ thuật Ngày rộng lần thứ 3 với chủ đề Ngàn thước lên cao sẽ đưa đến cho hội hoạ những khả năng khác, hoặc bước ra khỏi đời sống thực tại để đắm mình vào tưởng tượng, hoặc đối diện với hiện thực để tìm ra sự khả dĩ, hoặc là đan xen giữa thực và ảo… Dù chọn cách thế nào thì cũng không thể phủ nhận Ngày rộng 3 đã đánh dấu sự trở lại đầy hứng khởi, tươi mới và chín muồi hơn của nhóm các hoạ sĩ: Phùng Văn Tuệ, Nguyễn Lê Anh, Nguyễn Quang Hoan, Kuolg Trần và Phạm Khải. Triển lãm được bắt đầu từ ngày 22/4/2022 tại Hà Nội.

Các họa sĩ tại Triển lãm Ngày rộng 3.

Ngày rộng 3: Ngàn thước lên cao dẫn dụ công chúng tìm về với không gian tự nhiên, không gian văn hoá cùng đời sống của đất và người vùng cao. Ngàn thước lên cao ở đây hẳn không chỉ là sự hùng vĩ đến choáng ngợp của núi non như ý thơ Quang Dũng. Hội hoạ không đơn thuần là thể hiện diện mạo bề ngoài mà khơi gợi, khắc hoạ ý nghĩa bên trong. Tôi nghĩ, chủ đề này muốn nói nhiều hơn đến hành trình sáng tạo nghệ thuật của các hoạ sĩ. Ngàn thước lên cao không chỉ là một sự dịch chuyển thông thường, đó còn là sự dịch chuyển trong suy tư, tư duy sáng tạo của họ.

Đề tài là điều mà công chúng có thể nhìn vào nhận biết, tuy nhiên điều quan trọng hơn của nghệ thuật lại nằm ở cách mà hoạ sĩ tiếp cận với đề tài. Có những hoạ sĩ khám phá đề tài thông qua nghệ thuật, nhưng ở triển lãm này chúng ta sẽ nhận thấy các hoạ sĩ thông qua đề tài để khám phá nghệ thuật. Đây chính là một cách tiếp cận mang tính sáng tạo, uyên áo hơn và cũng là điều mà những nghệ sĩ đích thực luôn hướng đến.

Tác phẩm của họa sĩ Phùng Văn Tuệ.

Kiên định với phong cách biểu hiện trừu tượng để kiếm tìm những điều ẩn sâu bên trong vẻ bề mặt cũng như cảm xúc sâu kín của nội tâm, hoạ sĩ Phùng Văn Tuệ đã làm nên sự độc đáo của riêng mình. Say mê với những vũ điệu và giai điệu của vùng cao, tranh Phùng Văn Tuệ như đang khắc hoạ lại, neo giữ lấy những vỉa sâu trầm tích - điều làm nên hồn cốt của vùng cao. Để bản sắc vùng cao qua ngôn ngữ hội họa đạt hiệu quả cao, hoạ sĩ chú trọng vào hòa sắc trầm ấm. Về bút pháp, bề mặt tranh được hoạ sĩ phủ nhiều lần để tạo lớp lang chiều sâu trong không gian. Với phong cách biểu hiện trừu tượng thì người xem sẽ không thấy được sự cụ thể trong mỗi bức tranh nhưng nhìn sâu vào tác phẩm ta sẽ thấy ở đó là trùng điệp những giá trị và vẻ đẹp của miền núi đang ẩn tàng. Đây không chỉ là thách thức với hoạ sĩ mà ngay cả với người xem. Đi tìm vẻ đẹp trong tranh là cách mà công chúng cũng trở nên như người đồng sáng tạo với hoạ sĩ. “Thách thức cũng là động lực để chúng ta chinh phục, vượt qua”, hoạ sĩ Phùng Văn Tuệ chia sẻ.

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Lê Anh.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Lê Anh lại như đang diễn giải cái điều mà anh cảm thấy hơn là điều mà anh nhìn thấy. Cảm nhận này trước hết đến từ bố cục tranh như màu sắc, đường nét, hình khối. Nhưng nếu như thử bỏ qua sự quan tâm đến bố cục thì người xem sẽ vẫn bắt gặp một hiện thực đầy sinh động, quyến rũ và chân thực. Điều này cho thấy khả năng tái hiện và tái tạo kí ức của hoạ sĩ. Nguyễn Lê Anh khắc hoạ phong cảnh và con người vùng cao bằng kí ức của mình, nghĩa là những hình ảnh ấy đã được phóng chiếu qua lăng kính của cái-đã-qua. Điều này giúp hoạ sĩ lưu giữ lại được sự rung cảm chân thực bởi những khoảnh khắc chớp sáng lay động nhất. Tôi cho rằng, cái mà anh đang biểu đạt trong tác phẩm của mình không còn đơn thuần là một phiên chợ vùng cao, cảnh vật vùng cao, con người vùng cao như tên của nó nữa mà đó là một vùng cao trong tâm thức sáng tạo của anh.

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quang Hoan.

Vùng cao của Nguyễn Quang Hoan là những sắc hoa rực rỡ trong cái nhìn xa vợi, những triền núi cao vời sắc nhọn mà thật mềm mại trong nét vẽ giàu cảm xúc, những dáng người nhỏ bé đơn lẻ nhưng không chênh vênh bởi sự bền bỉ gắn kết với núi cao. Tranh Nguyễn Quang Hoan mang đến cảm giác tinh tế bởi hoà sắc nhẹ nhàng, anh sử dụng những gam màu trung tính kết hợp những gam màu mạnh tạo điểm nhấn cho bức tranh. Về tạo hình, hoạ sĩ chọn lối tối giản nhưng vẫn nổi bật và tôn vinh được nét đặc trưng của vùng cao. Một điều quan trọng nữa mà Nguyễn Quang Hoan luôn làm được trong tác phẩm của mình, đó là anh tạo được không khí cho tác phẩm.

Kuolg Trần (Trần Cường) tươi mới và mãnh liệt trong bút pháp, tranh của anh rất gần với chủ nghĩa biểu hiện, nhưng cũng lại phảng phất đây đó những tinh thần của chủ nghĩa tượng trưng. Mỗi tác phẩm là những cung bậc cảm xúc về tình yêu, nỗi nhớ quê nhà và hình bóng của một nàng thơ luôn ẩn hiện. Yếu tố đó cũng tạo nên sự xuyên suốt, nhất quán và ấn tượng riêng biệt cho lần triển lãm này của hoạ sĩ. Những nét vẽ bản năng và vô thức được thôi thúc từ chính nội tại đã làm rõ hơn cho ý tưởng đi tìm bản ngã của người nghệ sĩ. Với màu sắc rực rỡ kết hợp với tạo hình mang ý đồ (luôn luôn có nhân vật thể hiện bản ngã được vẽ màu sắc đậm, đen và đường nét mạnh, với nhiều hình thù nhiều khuôn mặt nhìn ở góc độ khác nhau. Đối lập với hình tượng đó thường là các cô gái với tạo hình mềm mại). Cái tôi luôn được đề cao và cân bằng với cái siêu tôi, sự cân bằng ấy giữ cho tác phẩm không bị rơi vào thế cực đoan mà vẫn đi đến được sự tận cùng của sáng tạo.

Tác phẩm của họa sĩ Kuolg Trần (Trần Cường).

Vẫn sử dụng bút pháp quen thuộc nhưng Phạm Khải trong lần trở lại này đã trở nên lắng đọng hơn. Với hơn 10 bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh quê hương Phạm Khải cho thấy đây chính là đề tài lớn mà anh muốn khai thác trên hành trình hội hoạ của mình. Có thể thấy cảm xúc, ý tưởng của người vẽ gửi gắm trong những hình ảnh tái hiện một thời đã qua, đã bị thay đổi với dòng chảy của thời đại mới ở miền núi xứ Thanh. Hoạ sĩ chỉ còn có thể dựng lại khung cảnh ấy trong tranh nhưng đó là những điều sẽ còn mãi và luôn sống động trong nguồn cảm hứng của họa sĩ. Vẫn là cách tả và kể về quê hương với những hình ảnh quen thuộc gần gũi nhưng họa sĩ đã chọn cho mình góc nhìn để diễn tả được nhiều hơn nội tâm và tái hiện rõ rệt hơn kí ức đã qua. Mọi cảm thức và nhận thức của chúng ta về thế giới xung quanh là nhờ vào ánh sáng, Phạm Khải chú trọng nhiều vào ánh sáng, điều này tạo được không gian đa chiều cho tác phẩm.

Tác phẩm của họa sĩ Phạm Khải.

Cùng có mối quan tâm về một đề tài nhưng mỗi họa sĩ đã biểu đạt đề tài ấy một cách khác nhau bằng tư duy nghệ thuật của mình. Như vậy, điều quan trọng vẫn là tư duy nghệ thuật của mỗi họa sĩ sẽ làm nên sự khác biệt trong sáng tạo. Tư duy ấy được phát xuất từ chính cảm nhận, quan sát, ứng xử của họa sĩ với đề tài, bối cảnh mà họ quan tâm. Các họa sĩ đã cho thấy nghệ thuật chính là “sự giao đãi giữa nội tâm và ngoại giới” trong những khoảnh khắc có thể là thăng hoa, có thể là khổ ải để làm nên những tác phẩm duy nhất, không thể lặp lại.

Các tác phẩm trong Triển lãm Ngày rộng 3: Ngàn thước lên cao phần lớn được các họa sĩ thực hiện trong những ngày tháng đỉnh cao căng thẳng của dịch bệnh. Ở trong bối cảnh hiện thực không thể chối bỏ ấy thì người hoạ sĩ được quyền chối bỏ những gì theo họ là phi nghệ thuật để tìm đến những ẩn khuất, những vẻ đẹp thực sự. Đây cũng là cơ hội để họ nhìn sâu vào bản thể và kiếm tìm/nhận ra nhân diện của chính mình trong nghệ thuật rõ nét hơn.

Triển lãm kéo dài đến ngày 28/4/2022 tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

KIM NHUNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)