Dòng chảy

Nhà văn Lê Lựu: Gói trọn cuộc đời trong trang viết

Thứ Năm, 10/11/2022 16:43

Chiều tối ngày 9 tháng 11 năm 2022, bà Lê Thị Lương, con gái nhà văn Lê Lựu điện thoại cho Văn nghệ Quân đội và Hội Nhà văn Việt Nam thông báo, nhà văn Lê Lựu, cha bà đã rời cõi tạm. Nhà văn của Thời xa vắng đã ra đi trong sự tiếc nhớ của đông đảo các thế hệ người viết trong và ngoài quân đội, của bạn đọc và những người cầm bút Nhà số 4 hôm nay.

Bài liên quan:

Phía sau gương mặt đầy sóng gió...

Đồng nghiệp văn giới nhớ tiếc nhà văn Lê Lựu

Lê Lựu: Báo chí, văn chương thăm thẳm nỗi người

Nhà văn Lê Lựu: Hoài vọng và cô đơn

Nhà văn Lê Lựu vừa rời cõi tạm.

Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942, theo thông tin trong hồ sơ, nhưng thực tế ông sinh năm 1938, tại làng Mãn Hoà, xã Tân Châu, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên. Tháng 2 năm 1959 ông nhập ngũ vào Quân khu 3. Ông làm quen với việc viết báo, viết văn từ khá sớm, ngay khi mới bước chân vào môi trường quân đội.

Theo ông chia sẻ về quá trình làm quen với việc viết văn và cộng tác với Văn nghệ Quân đội trong bài viết Phía trước tôi, nhà số 4 thì truyện ngắn đầu tiên ông viết có tên Tôi định trốn viết về chuyện của chính ông và hai người đồng đội cùng làng, cùng nhập ngũ, vì đói mà rủ nhau, dự định phân công một người trốn từ Đồ Sơn là nơi đơn vị đóng quân về nhà ở Hưng Yên lấy thêm ngô khoai lên để “chống đói”. Tuy truyện ngắn đầu tay mà ông ghi là “truyện ngắn sâu sắc” ấy không sử dụng được nhưng ông đã nhận được thư hồi âm của Chủ nhiệm Văn Phác. Lá thư hồi âm theo mẫu in sẵn ấy đã làm ông vừa vui, vừa buồn. Buồn vì truyện không được in nhưng ông vui vì được hẳn Chủ nhiệm tạp chí gửi thư hồi đáp. “Cả đại đội đều biết tôi đã viết được truyện ngắn sâu sắc, được hẳn Chủ nhiệm tạp chí gửi thư riêng”, Lê Lựu chia sẻ trong bài viết. Ông mạnh dạn viết thư cho toà soạn xin chỉ ra thiếu sót cũng như hướng dẫn cách viết. 26 ngày sau ông nhận được thư hồi âm của nhà văn Từ Bích Hoàng, nhà văn của Văn nghệ Quân đội ngày ấy dặn dò anh lính trẻ Lê Lựu căn kẽ những thứ cần làm để bắt đầu viết báo, viết văn. Từ đó ông giữ liên lạc, miệt mài viết và bước đầu có những tác phẩm được sử dụng trên tạp chí. Truyện đầu tiên của ông được Văn nghệ Quân đội in là Tết làng Bụa. Tiếp sau đó, một loạt truyện ngắn của Lê Lựu ra đời như Trong làng nhỏ, Người cầm súng; Phía mặt trời, Truyện kể từ đêm trước… Đến khi công bố truyện ngắn Người về đồng cói thì Lê Lựu đã được coi là cây bút viết truyện ngắn.

Năm 1972 ông được điều từ Báo Quân khu 3 về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm biên tập tại Ban Văn xuôi do nhà văn Từ Bích Hoàng, người đã viết thư động viên và khuyên ông học cách thức viết văn, làm báo từ những ngày đầu tiên phụ trách. Năm 1974 ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Lê Lựu gắn bó với nghiệp văn và với Văn nghệ Quân đội cho đến khi nghỉ hưu, năm 2002 với cấp hàm đại tá. Tên tuổi của ông cũng gắn liền với Nhà số 4 - Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Một bản tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu do Nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành. 

Lê Lựu có một sự nghiệp văn học bề thế với gần 40 đầu sách viết chủ yếu từ những năm 1970 đến những năm đầu tiên của thế kỉ XXI. Ông thành công cả với truyện ngắn, truyện kí, và đặc biệt là tiểu thuyết. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, có thể coi Người về đồng cói là truyện đặc sắc nhất của Lê Lựu trong thời kì chống Mĩ. Nhưng văn nghiệp của Lê Lựu được ghi dấu đậm nét bằng tiểu thuyết. Những tác phẩm của ông được coi như hàn thử biểu của thời đại, một số tác phẩm được coi như những dự báo, tiếng nói phản tỉnh, sự mở đường về tư tưởng khi nhìn nhận lại một thời đoạn của đất nước. Ba tiểu thuyết Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội, Sóng ở đáy sông đã ghi dấu tên tuổi của Lê Lựu trên văn đàn, trong đó 2 tiểu thuyết Thời xa vắngSóng ở đáy sông đã được dựng thành phim truyện điện ảnh, được tái bản nhiều lần từ khi ra đời, thường xuyên, liên tục cho tới hôm nay. Mới nhất, hai tiểu thuyết này cũng vừa được công ti Sbooks phối hợp cùng Nhà xuất bản Văn học tái bản trong năm 2021.

Trưởng thành trong chiến tranh chống Mĩ, phụng sự nền văn học cách mạng; gắn bó với đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, sau khi đất nước đổi mới, đến những năm tháng Mĩ xoá bỏ cấm vận đối với Việt Nam, việc giao lưu, kết nối văn hoá, văn học nghệ thuật giữa Mĩ và Việt Nam cũng được xúc tiến cởi mở. Lê Lựu lại là một trong những nhà văn đầu tiên sang Mĩ để đối thoại văn hoá, có những cảm nhận sâu sắc về chuyến đi qua tập truyện kí  Một thời lầm lỗi, và sau này là tập Trở lại nước Mỹ từng gây dư luận xã hội những năm đầu thế kỉ.

Nhà văn Lê Lựu và nhà văn Nguỵ Ngữ trong chuyến đi Mĩ giao lưu văn học. Ảnh do nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình cung cấp

Sau khi nghỉ hưu, Lê Lựu tiếp tục xây dựng Trung tâm Văn hoá doanh nhân do ông sáng lập và giữ cương vị giám đốc. Tạp chí Văn hoá doanh nhân cũng được ra đời và duy trì. Khi sức khoẻ không cho phép, Lê Lựu vẫn vừa cần mẫn làm việc vừa chữa bệnh. Khi bệnh tình trở nặng, ông đã lui về điều trị một thời gian tại nhà riêng ở Hà Nội. Những năm cuối đời ông được con gái cả là Lê Thị Lương đưa về quê chăm sóc. Sau sáu mươi năm rời quê hương, ông lại trở về làng quê, sống trong vòng tay yêu thương của những người thân và bà con chòm xóm. Tuy không còn hiện diện thường xuyên trong làng văn nhưng tên tuổi của ông vẫn được nhắc nhớ, tác phẩm của ông vẫn được đón nhận với sự trân trọng.

 Hơn sáu mươi năm ra đi từ làng quê, đằng đẵng những năm tháng với biết bao thăng trầm, biến động về đời tư cùng quá trình lao động văn chương đam mê cực nhọc, Lê Lựu lại trở về quê hương, khép kín một hành trình. Con người văn chương và con người cuộc đời ông vẫn vẹn nguyên sự mộc mạc, giản dị nhất. Có thể nói Lê Lựu đã gói cả cuộc đời mình vào trang viết, trong đó có cả những trang đời sâu thẳm của cá nhân ông và cả những trang đời rộng lớn của quê hương, đất nước. Tất cả đã hiện diện trong những trang văn, nơi mang lại cho ông những vinh quang, sự yêu mến của bạn đọc, sự ghi nhận của đồng nghiệp trong văn giới.

Đại tá, nhà văn Lê Lựu từ trần hồi 17 giờ 25 phút ngày 9 tháng 11 năm 2022. Tang lễ nhà văn đã diễn ra trọng thể và đầm ấm tại tư gia con gái cả của ông ở thôn Mãn Hoà, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Các nhà văn Văn nghệ Quân đội cùng thời và các nhà văn thế hệ sau và nhiều đồng nghiệp đã đến viếng, chia buồn cùng gia đình nhà văn. Lễ truy điệu Đại tá, nhà văn Lê Lựu diễn ra lúc 7 giờ 20 phút ngày 11 tháng 11 năm 2022. Thi hài ông được hoả táng và an táng tại quê nhà.

P.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)