Dòng chảy

Hội thảo thơ và văn xuôi: Khi người viết trẻ còn nhiều do dự

Thứ Hai, 20/06/2022 18:01

 Trong khuôn khổ Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X đã diễn ra hai buổi hội thảo thơ và văn xuôi “Vì sao chúng ta viết?” Các đại biểu trẻ trên cả nước đã bước vào hội thảo với một tinh thần cởi mở, nhiệt huyết và trách nhiệm. Cùng tham dự là các nhà văn, nhà thơ gạo cội của nền văn học Việt Nam như Nguyễn Đức Mậu, Tô Nhuận Vỹ, Bảo Ninh, Dương Hướng, Hữu Thỉnh, Trần Anh Thái…

Chỉ một câu hỏi tưởng như đơn giản, dễ trả lời là “Vì sao chúng ta viết?” nhưng khi mỗi tác giả tự nhìn nhận lại công việc cầm bút của mình một cách nghiêm túc và tìm câu trả lời thực sự thì đây lại là câu hỏi khó.

Không gian trưng bày tác phẩm của những người viết trẻ tại hội nghị.

Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ bày tỏ: Đi tìm căn nguyên và trả lời câu hỏi vì sao một người quyết định cầm bút, quyết gắn bó trọn đời với công việc chữ nghĩa là hết sức quan trọng. Ðây có lẽ là khởi đầu để chúng ta xây dựng đội ngũ ổn định các nhà văn kế cận tâm huyết trong tương lai, khi những dự định mơ hồ về con đường văn chương trở nên tường minh. Câu trả lời này người viết trẻ phải tự mình đi tìm, không thể khác.

Để trả lời được câu hỏi này, các tác giả đã thảo luận, chia sẻ các vấn đề xung quanh công việc viết của mình.

Với thơ, khám phá ra mình là quan trọng nhất

Trong buổi hội thảo thơ, các đại biểu rốt ráo và trăn trở rất nhiều với vấn đề xung quanh việc sáng tác thơ. “Vì sao chúng ta viết?” là câu hỏi rộng mở nhưng cũng buộc chúng ta phải chặt chẽ, trách nhiệm hơn bởi sự viết của một người không đơn thuần là bản năng mà còn là ý thức. Và từ đây, câu hỏi đặt ra đầu tiên cho các tác giả là, họ viết từ điều gì, vốn sống có quyết định đến tác phẩm của họ hay không?

Tác giả Lữ Hồng đến từ Gia Lai chia sẻ: vốn sống rất cần cho sáng tạo nghệ thuật, bởi thơ sử dụng nhiều chất lượng của cảm xúc, cảm xúc có từ rung động, rung động bắt nguồn từ cuộc sống từ vốn sống của chính tác giả. Tác giả càng trải qua nhiều thực tế, càng va chạm thì càng cảm xúc, những tác phẩm hay là tác phẩm gần gũi với đời sống. Và với cá nhân Lữ Hồng chị viết để xoa dịu chính mình và để tri ân đất và người Gia Lai.

Cùng quan điểm trên, số đông các tác giả cho rằng cảm xúc là điều quan trọng nhất trong thơ, nhưng để có được điều đó, trước hết người viết cần được đắm mình vào hiện thực cuộc sống thì mới bật ra được cảm xúc. Tác giả Lê Thị Tuyết Lan ở Bình Dương bày tỏ, chị viết từ buồn vui trong cuộc sống và vốn kiến thức cuộc sống rất mênh mông đa dạng như đi dạy học và đi làm công nhân đã giúp cho sáng tác của chị.

Tại hội thảo về thơ, các tác giả trẻ đã đem đến những quan niệm khác nhau trong sáng tác.

Nhà phê bình Hoàng Thuỵ Anh đã đặt ra câu hỏi, vậy tại sao có những tác giả không đi, không trải nghiệm nhưng tác phẩm cả họ vẫn đầy chất đời sống? Và có không ít tác giả đã viết từ vốn đọc của mình, họ trải nghiệm cuộc sống bằng sự đọc để tích luỹ cho mình những kiến thức, hiểu biết và cả cảm xúc.

Tác giả Lê Đỗ Lan Anh cho rằng, vốn sống và vốn đọc phải được dung hoà thì người viết mới có những tác phẩm vừa cảm có chất đời sống vừa có yếu tố nghệ thuật. Vốn sống để thực tế, đọc sách để tìm ngôn ngữ.

Quan tâm đến những thảo luận của người trẻ về thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã lắng nghe tất cả những gì họ bày tỏ và nhà thơ cũng đưa ra nhận định của mình: Hiện thực là những gì chúng ta nhìn thấy nghe thấy nhưng nếu không có trí tưởng tượng thì không bao giờ có nghệ thuật. Sự suy tưởng hiện thực, gọi tên hiện thực mới là quan trọng. Có những nhà thơ vĩ đại của thế giới dù không trải nghiệm nhiều về sự dịch chuyển, thay đổi, họ chỉ sống và ngẫm mà vẫn có tác phẩm lớn. Vậy thì, rõ ràng, chúng ta thấy phải thông qua nhà thơ để hiện thực trở nên thơ. Cái đẹp ở xung quanh ta chỉ khi ta kiếm tìm bằng đôi mắt khác. Chúng ta nên tiếp nhận hiện thực, chuyển hoá hiện thực bằng triết học, mĩ học, tôn giáo … Thi ca luôn là sự bí ẩn, mang đến sự sáng tạo kì vĩ nên mỗi nhà thơ cần mở ra một không gian khác, mỹ học khác, cái đẹp khác.

Cuộc toạ đàm được mở ra một hướng mới từ những gợi mở đó. Nhà thơ Lý Hữu Lương cho biết: hiện thực không giúp gì nhiều cho anh. Anh viết bằng không gian văn hoá, bằng tiềm thức và anh cho rằng nếu chỉ viết bằng hiện thực thông thường thì tác phẩm chỉ mang tính “xuất khẩu thành thơ".

Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định, mỗi người viết nên trải qua ba cấp độ là đọc, sống, thể nghiệm. Cấp dộ nào cũng quý, vận dụng được nhiều hay ít là do người viết. Người viết có thể có vốn sống trực tiếp hoặc gián tiếp. Song, vốn sống trực tiếp ngồn ngộn là chất liệu quý báu. Ví dụ, nhà văn Nguyên Hồng sống trong nghèo khổ, ông viết rất hay về cảnh cơ hàn. Kể cả các nhà thơ có trình bày rằng mình viết bằng tiềm thức đi nữa, thì đó vẫn là giấc mơ méo mó của hiện thực. Người viết nếu coi thường vốn sống, hiểu biết mà chỉ viết từ sách vở thì đó là một cảnh báo.

Dường như mỗi người viết sẽ có một quan niệm khác nhau về hiện thực, thực tại của mình. Nhà thơ Lữ Mai bày tỏ, mỗi nhà thơ có một con đường riêng, cá tính riêng, câu chuyện riêng, cách thức riêng để đến với thơ. Chúng ta cần phải có một đời sống khác. Thơ cho chúng ta sống được nhiều hơn.

Với tác giả Trần Đức Tín (Khét) thì: chúng ta không có khái niệm nào nhất định về sáng tác. Tôi viết vì tôi đang sống. Chúng ta là cá thể riêng nên không thể lặp lại ai. Điều quan trọng nhất là chúng ta có đủ can đảm để đi đến tận cùng bản thể của mình không?

Trả lời cho câu hỏi, thế nào là đi tận cùng trong sáng tạo, đó có phải là dũng cảm nói ra những thầm kín của riêng mình không, nhà thơ Hữu Việt khẳng định: đi tận cùng không phải là tiết lộ bí mật cá nhân mà là đào sâu tận cùng vào thế giới tâm hồn mình.

Tâm huyết với những người viết trẻ, nhà thơ Hữu Thỉnh lắng nghe họ nói và cuối cùng, bằng kinh nghiệm của người đi trước ông lên tiếng: Tôi rất chú ý đọc thơ bạn trẻ và đọc kĩ lưỡng, hứng thú, muốn phát hiện, tìm kiếm những tiếng nói mới trong thơ. Các bạn viết rất tự do, thoải mái, có những chân dung tâm trạng riêng. Tôi quan niệm đọc thơ là đi tìm tâm hồn của người viết. Hiện thực và vốn sống cần thiết nhưng cần phải được chuyển thành những vấn đề của tâm trạng, nỗi niềm, suy ngẫm. Các bạn bây giờ viết giống nhau quá, ít lưu lại được dấu ấn riêng, mà thơ là dấu ấn cá nhân, thơ để người viết lưu lại được dấu ấn riêng. Cái cuối cùng là dấu ấn cá nhân riêng biệt, không lặp lại, không giống ai. Văn xuôi có thể che giấu cá nhân, không cần cảm xúc nhưng nhà thơ chính là nhân vật của mình, không có ai khác ngoài mình, đó là bản sắc cá nhân phải được khẳng định. Sáng tác là phát hiện khám phá ra mình. Khám phá ra hiện thực rất quan trọng nhưng khám phá ra mình là quan trọng nhất.

Văn xuôi và sự tự do trong tư duy sáng tạo

Tại toạ đàm văn xuôi, tham dự cùng các tác giả trẻ có các nhà văn Nguyễn Bình Phương, Bảo Ninh, Dương Hướng, Khuất Quang Thuỵ, Nguyễn Ngọc Tư, Y Ban, Thuỳ Dương…

Vượt qua những định kiến của chính mình, học hỏi, trải nghiệm thế nào để có tác phẩm tốt là những vấn đề mà các cây bút văn xuôi quan tâm tại hội nghị lần này.

Các đại biểu văn xuôi bàn về sự tự do trong tư duy và sáng tạo. Tác giả Phát Dương đặt ra câu hỏi: Chúng ta có được tự do viết hay không? Có dám viết những gì chúng ta muốn không? Hay chúng ta ngần ngại rào cản? Hay chúng ta còn đang ngần ngại công chúng sẽ đón nhận tác phẩm của ta ra sao? Giám khảo giải thưởng văn chương sẽ đánh giá gì?

Trả lời cho những băn khoăn này, nhà văn Khuất Quang Thụy cho rằng, người viết trẻ đừng tự kiểm duyệt mình, đừng hạn chế tự do sáng tạo của chính mình. Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận định, những cuốn sách gai góc, tác giả gai góc đã xuất hiện như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… họ đã trở thành những bóng lớn trên văn đàn, nên chúng ta cứ viết, không có rào cản nào cả; quan trọng là các bạn phải viết thật hay. Hãy dấn thân vào con đường văn học mênh mông để viết…

Là cây bút thành danh sớm, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã trở thành giám khảo một số giải thưởng văn chương uy tín. Chị cho rằng việc quan sát giám khảo, thế hệ đàn anh nghĩ gì về mình, công chúng đón nhận ra sao… đều là những yếu tố ngoài tầm kiểm soát. Điều quan trọng nhất với nhà văn là làm sao viết tốt mà thôi. Nhà văn không nên quan tâm mọi người nói gì, việc của nhà văn là viết mà thôi. Nhiều khi, người viết cứ quan tâm tới giải cấu trúc, hậu hiện đại, tư tưởng, trường phái… như mình cứ mang cái áo vào cho mình. Đó thật ra là câu chuyện của giới phê bình, nhà văn hãy cứ viết thôi, quan trọng là viết tốt.

Một số tác giả trẻ bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề làm sao để viết được một tác phẩm thật sâu. Nhà văn Lê Vũ Trường Giang (Huế) đối thoại với những bạn viết cùng thế hệ với quan điểm: Chúng ta đừng tự đội cho mình một “vòng kim cô”, khi viết, ai cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, song, với người trẻ, tư tưởng là quan trọng, điều đó không có nghĩa bắt buộc người viết phải đọc hết mọi luồng tư tưởng. Người trẻ chưa có thời gian để trải nghiệm nhiều, hãy sống thật sâu, lắng nghe những thân phận, những câu chuyện quanh ta. Văn học phải hòa trộn giữa hư cấu và phi hư cấu, hãy thường xuyên trao đổi, quan sát, nuôi dưỡng cảm xúc chân thành bằng việc sống thực với đời sống này, từ đó, ta cảm nhận được vẻ đẹp của đời sống tâm hồn. Người viết trẻ đừng mặc chiếc áo quá rộng so với chính mình, mỗi người đều có hạt ngọc của riêng mình, hãy mài giũa thật sáng, thật đẹp. Bên cạnh khuyến khích trải nghiệm, Lê Vũ Trường Giang cho rằng người trẻ nên đọc để tạo nên trường tư tưởng.

Nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang cho rằng chúng ta đừng tự đội cho mình một “vòng kim cô”, khi viết.

Một xu thế mà nhiều cây bút trẻ quan tâm hiện nay là văn học mạng. Cây bút Lê Ngọc đến từ Ninh Bình đặt ra câu hỏi về chất lượng văn chương trên Internet. Tác giả Nguyệt Chu nhận định, Internet là nơi có đủ vàng và thau, người cầm bút trẻ cần nghiêm khắc với mình để không bị cuốn vào những giá trị ảo từ mạng, còn người đọc nên có kiến thức, bản lĩnh để lựa chọn những gì mà mình sẽ tiếp nhận.

Từ trao đổi về văn học mạng, tác giả Trần Duy Thành đến từ thành phố Hồ Chí Minh đưa đến câu chuyện về công bố tác phẩm: Anh cho rằng nhà văn nên quan tâm hơn tới việc công bố tác phẩm của mình, trong đó Internet là công cụ thuận lợi. Với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xuất bản, anh chia sẻ: một nhà sách khi lựa chọn bản thảo có nhiều tiêu chí. Những tác giả trẻ có sách in nhiều, số bản in lớn… đều là những người đã xây dựng tốt hình ảnh của mình trên mạng xã hội.

Một số tác giả trẻ bày tỏ sự quan tâm về trại sáng tác, chương trình đào tạo viết văn, hỗ trợ chính sách đối với người viết văn… Tuy nhiên, nếu thực sự quan tâm và hết mình với câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?” thì có lẽ câu trả lời quan trọng nhất không nằm ở những vấn đề đó. Thay vì đặt ra câu hỏi làm sao để có được những ưu tiên, chính sách cho người viết thì chúng ta cần tự hỏi chính mình, làm sao để có được những tác phẩm văn học chất lượng. Đó mới là điều quan trọng nhất với người cầm bút và điều này chắc chắn nằm ngoài những vấn đề nêu trên.

ANH THƠ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)