Quan niệm mới mẻ của Bác Hồ về chữ “Hiếu”

Thứ Hai, 14/11/2022 10:55

. NGUYÊN THANH
 

Không phải cho đến sau này, khi trở thành Chủ tịch Nước Bác Hồ mới dùng nhiều đến chữ Hiếu để giáo dục cán bộ, mà khi còn trẻ, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rất coi trọng chữ Hiếu, không phải chữ Hiếu của Nho giáo mà là Đại Hiếu “tìm đường cứu nước, rửa nhục cho cha” như Nguyễn Phi Khanh nói với Nguyễn Trãi. Ở các vĩ nhân có nhiều tình tiết tương đồng bởi tương đồng về tư tưởng, trong buổi hai cha con Nguyễn Sinh Huy và Nguyễn Tất Thành tiễn biệt nhau cũng có lời của tấm lòng đại hiếu: “Đừng! Con đừng gọi cha lúc này! Con phải gọi Tổ quốc! Đồng bào! Đi…đi con” (Sơn Tùng - Búp sen xanh). Không có người cha yêu nước Nguyễn Sinh Huy sẽ không có người con yêu nước Nguyễn Tất Thành!

Sử dụng những thuật ngữ cũ của Nho giáo nhưng thay vào cách hiểu mới, Hồ Chí Minh là người đầu tiên ở Việt Nam xác lập khái niệm chữ Hiếu với nội hàm rộng rãi hơn là không chỉ hiếu với bố mẹ mà là “trung với nước, hiếu với dân”. Trong bài thơ Người tặng cụ Võ Liêm Sơn (1948) có câu: Sự dân, nguyện tận hiếu/ Sự quốc, nguyện tận trung (Thờ dân trọn đạo hiếu/ Thờ nước trọn đạo trung). Đánh giá ưu điểm của học thuyết Khổng Tử là tu dưỡng đạo đức nhưng lại như người “đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời” (1) nên Người đưa nội dung đạo đức thời đại mới để giáo dục cán bộ. Đó là quan điểm kế thừa, biện chứng “Tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học” và “chỉ có người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại” (2).

Quan niệm này của Hồ Chí Minh là nhất quán trong suốt cuộc đời của Người. Năm 1978 Ban Thường vụ tỉnh ủy Thuận Hải (cũ) tổ chức buổi tọa đàm giữa các nhà nghiên cứu và các trò đã học thầy Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), còn ba cụ tuổi gần tám mươi là Nguyễn Quý Phầu, Từ Trường Phùng, Nguyễn Đăng Lâu. Cụ Nguyễn Quý Phầu kể một hôm Thầy hỏi các trò: “Trong sách có câu “Trai thì trung hiếu làm đầu” các em có hiểu không? Thầy để nhiều em trả lời, rồi giảng giải:

Đất nước ta tính từ ngày có vua Hùng dựng nước, đã được gần bốn ngàn năm. Bốn nghìn năm đó là bốn mươi thế kỷ, thế kỷ nào ông bà cũng đứng lên chống ngoại xâm nhằm giành độc lập tự do cho đồng bào, cho đất nước. Vậy thì phận làm trai trước tiên phải kể đến chữ Trung, là Trung với dân, với nước. Có em nói là trung với vua, nếu là ông vua yêu nước như vua Duy Tân, vua Quang Trung, vua Trần Nhân Tông…thì được, chớ trung với những ông vua không thương dân mà ôm chân ngoại bang thì các em bảo có nên trung hay không?

Rồi thầy giảng chữ Hiếu. Đại ý thầy nói: hiếu là hiếu thảo. Ai cũng có cha mẹ, có anh em, người có công dưỡng dục sinh thành. Ca dao ta có câu: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cha mẹ là ruột thịt, là người thân nhất của mình, nếu không hiếu thảo thương yêu cha mẹ liệu có thể yêu nước thương dân được không? Chữ trung với chữ hiếu phải đi liền với nhau. Trung hiếu với cha mẹ thì phải trung hiếu với dân với nước. Coi việc dân việc nước như việc nhà của mình. Sau cùng thầy nói, thời ấy Cụ Đồ Chiểu nói “Trai thì trung hiếu làm đầu” là phải đạo. Nhưng hôm nay thầy nghĩ trai gái đều nên lấy chữ Trung Hiếu làm đầu”. “Các cụ cũng kể lại, có lần vào xóm nghèo ở bến Cồn Chà về thấy một cụ già rụng hết răng đang ngồi lấy sống rựa giần miếng trầu, thầy Thành liền đỡ lấy và nhai hộ bà cụ. Bà cụ vô cùng xúc động. Trên đường về thầy nói: Hồi nhỏ thỉnh thoảng thầy cũng nhai trầu cho bà ngoại” (3).

Sau này Người giải thích rõ hơn, ngày xưa “Trung là trung với vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ”, còn ngày nay “Trung là trung với Tổ quốc, Hiếu là hiếu với nhân dân”. Vì sao vậy? Vì: “Ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết yêu thương cha mẹ” (4). Giải thích tại sao người cách mạng cũng là người có hiếu nhất, vì hiếu với dân cũng tức là hiếu với cha mẹ: “Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến dày vò…Phải hiểu chữ hiếu của cách mạng rộng rãi như vậy” (5). Cho nên ta hiểu cả cuộc đời Người đấu tranh để giành lại hạnh phúc cho dân, “nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng; gộp những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Nhận được thư, quà của nhân dân, dù bận Người vẫn tự tay viết thư trả lời, cảm ơn chu đáo, ân tình. Đó là cách ứng xử hiếu thảo của người cách mạng đối với nhân dân.

Cần thiết một sự lý giải vì sao Hồ Chí Minh có một quan niệm về chữ Hiếu mới mẻ như vậy. Thời thơ ấu Nguyễn Sinh Cung theo học cử nhân Vương Thúc Quý là người hoạt động bí mật trong phong trào chống Pháp. Cha của thầy là nhà nho Vương Thúc Mẫn đã nhảy xuống ao tự vẫn để khỏi bị giặc Pháp bắt. Thầy Quý dạy trò những chữ khai tâm: học là để vì nước vì dân. Như là hệ quả của một tình yêu thương lớn mà cậu Cung sớm có một tâm hồn nhạy cảm với nỗi đau của con người. Câu chuyện chia chữ cho thấy cậu bé Côn (Cung), ngay từ nhỏ đã sớm có ý thức chia sẻ nỗi đau với anh em bè bạn: “Năm 1895 ông Nguyễn Sinh Sắc đưa vợ và hai con vào Huế. Ông Sắc vừa học vừa mở trường dạy học. Năm lên bảy tuổi Côn đã học sách Luận ngữ…Gần nhà cậu có bé Xển bị tàn tật. Côn đến tận nhà Xển để “chia chữ” (6). Sau này có dịp kể về thời ấu thơ không hạnh phúc, Người ngậm ngùi tâm sự: “...Bác đã từng thèm một cái đồ chơi, ước ao một bộ quần áo mới để mặc Tết. Bác cũng đã mồ côi mẹ từ năm lên chín, lên mười. Bác đã phải bế em trèo trẹo bên hông đi xin sữa cho em sau ngày mẹ qua đời...” (7). Ấn tượng tuổi thơ góp phần quyết định cho sự hình thành tính cách, nhân cách con người sau này. Từ trường hợp Hồ Chí Minh cũng cho thấy rõ điều này. Cậu bé Công lên mười tuổi thì mẹ mất, lại mất trong trường hợp đặc biệt, cha thì đưa con trai cả (cậu Khiêm) về Thanh Hóa làm thi. Đúng là bi kịch chồng lên bi kịch: mẹ chết trong lúc vắng cha, em thì còn đang thời ẵm ngửa lại ốm yếu. Mẹ chết mà không được khóc vì nhà cậu thuê đang ở trong Thành Nội (Huế), mà theo quy định của triều đình thì không được phát tang ở đó. Bà con xóm phố thật tốt đã đưa mẹ cậu đi chôn, rồi cưu mang hai anh em, lớn thì 10 tuổi còn đứa út, mới mấy tháng còn đang khát sữa. Chắc người mẹ ấy chết cũng không yên lòng, còn cậu bé Cung thì gặp một chấn thương tinh thần cực lớn sẽ đi suốt cuộc đời. Cho nên sau này Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có ấn tượng đặc biệt sâu sắc với những người dân nghèo tốt bụng, nhất là với người phụ nữ và trẻ em. Sau này trong trước tác của Hồ Chí Minh, nhất là trong thơ văn, vốn là tiếng nói của tình cảm, thì hai hình tượng này hiện lên thật cảm động và sinh động.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa là bạn, vừa là đồng chí được sống, làm việc với Bác Hồ một thời gian dài nói về điểm đặc biệt nhất ở Hồ Chí Minh là tình thương yêu con người. Ở Hồ Chí Minh có một niềm tin yêu, kính trọng con người vô hạn. Một thái độ cực kỳ chân thành, hết sức tinh tế trong ứng xử. Cái điều đã thúc giục chàng trai Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước chính là tình yêu con người. Tình yêu ấy đi suốt cuộc đời Người, thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Ngay từ năm 1914, khi làm phụ bếp anh Thành thường dọn những đồ ăn thừa vào một chỗ. Thấy vậy ông đầu bếp Ét-cốp-phi-e hỏi: “Tại sao anh không đem những thức ăn này đổ vào thùng như những người khác?”. Anh Thành điềm tĩnh trả lời: “- Không nên đem vứt những thứ này đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy” (8).

Bác dành tình thương yêu đặc biệt cho phụ nữ. Một tình yêu thương rất mực chân thành, chu đáo. Ai cũng xúc động trước tình cảm này của Người. Năm Bác Tôn gái 78 tuổi thì bị ốm nặng. Tự tay Bác Hồ cầm đến một niêu cá trê kho tiêu: “- Chị! Chị ăn đi, ngon lắm. Chính tay tôi kho cho chị đấy!”. Bác Tôn gái thích ăn cá trê. Đau ốm chỉ ăn cá trê” (9). Đồng chí Nguyễn Thị Định, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kể: “Năm 1968 tôi vô cùng cảm động nhận được món quà quý của Bác: chiếc lược làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ. Bác gửi lược cho cả hai cháu Châu và Quyên nữa. Chiếc lược đơn sơ mà sáng đẹp làm sao” (10).

Ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh nêu một nguyên lý nổi tiếng: “Nước lấy dân làm gốc” để nhắc nhở cán bộ phải luôn biết dựa vào dân và phục vụ vì dân. Đấy là Đại Hiếu. Kế thừa và phát triển tư tưởng lấy dân làm gốc của Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh giải thích chữ nhân: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân” (11). Và: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ” (12). Đấy cũng chính là Đại Nhân, Đại Hiếu.

Trong một lần làm việc về cách giáo dục cho thế hệ trẻ, Bác hỏi một đồng chí:

“Chú có biết người xưa đã có những cách giáo dục sâu sắc như thế nào không? Chú còn nhớ những chuyện Nhị thập tứ hiếu không? Bác gần tám mươi tuổi mà vẫn còn nhớ chuyện ông Lão Lai, vợ chồng Quách Cự, chú bé Hán Lục Tích... hiếu thảo với cha mẹ như thế nào. Những chuyện như thế ngày xưa cả những người không biết chữ cũng thuộc. Các chú phải biết rút kinh nghiệm. Học tập cách giáo dục của ông cha ta” (13).

Đây là bài học cho chúng ta hôm nay về việc “Học tập cách giáo dục của ông cha ta” nhưng phải gắn với hoàn cảnh của thời đại mới. Bác Hồ đã phát triển chữ “hiếu” ở ngày xưa là “chỉ có hiếu với bố mẹ”, còn ngày nay chữ “hiếu”, ngoài nghĩa gốc phải mở rộng thành “trung với nước, hiếu với dân”. Về cách giáo dục chữ Hiếu, trong một lần nói chuyện về hội hoạ Bác Hồ nói thật thấm thía:“Vẽ rất quan trọng, Bác gần tám mươi tuổi rồi mà Bác còn nhớ hình ảnh ông Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ trong sách giáo khoa ngày xưa. Nhân dân ta rất thích tranh vẽ, nhưng có những bức vẽ không ai hiểu gì cả. Hình như mấy chú vẽ cho mình xem chứ không phải vẽ cho quần chúng…” (14). Ít nhất có mấy ý nghĩa sau toát ra từ ví dụ này: Một là, “Nhân dân ta rất thích tranh vẽ”, do vậy “Vẽ rất quan trọng” trong việc tuyên truyền giáo dục. Hai là nhắc nhở mọi người về “đạo hiếu” và một trong những cách giáo dục là bằng “tranh vẽ”. Ba là những bức vẽ (về đạo hiếu) phải chân thực, giản dị, dễ hiểu, phù hợp với trình độ thưởng thức của người xem.

Người Việt xưng hô theo nguyên tắc trọng tình, coi người giao tiếp với mình như người trong gia đình, người tuổi anh chị gọi anh chị xưng em, người tuổi bậc cha mẹ mình thì gọi cô, chú, bác xưng con, cháu, người đáng tuổi ông bà mình thì gọi ông, bà, cụ xưng cháu... Bác Hồ là một điển hình cho lối xưng hô giao tiếp gia đình coi nhau như anh em trong một nhà vậy. Với các cụ già, theo đúng truyền thống “xưng khiêm hô tôn”, Người gọi cụ, các cụ xưng “tôi”. Ngay tên những bài thơ cũng nói lên tình cảm này Tặng Bùi Công (Tặng Cụ Bùi), Tặng Võ Công (Tặng Cụ Võ). Có trường hợp Người xưng “cháu” với một cụ tuổi cao:

“Thưa cụ.

Những vị Thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà...

Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khoẻ để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc” (15). Đây là lời thư của vị Chủ tịch nước Hồ Chí Minh gửi cụ Phùng Lục ở huyện Ứng Hoà, Hà Đông (cũ). Nhưng qua sự xưng hô ta lại thấy đó còn là lời của một người cháu yêu viết cho người ông đáng kính. Đối với nhân dân nói chung Người gọi bằng hai chữ “đồng bào” thân thiết, trong giao tiếp bao giờ Người cũng nhất quán với nguyên tắc là người trong một nhà. Một cụ già mặc áo nâu, lưng còng, tóc bạc phơ, tay chống gậy tre lập cập từ ngõ trong ra. Thấy Bác, cụ xúc động làm rơi chiếc gậy xuống đường. Bác Hồ cúi xuống cầm chiếc gậy ân cần đưa tận tay cụ” (16).

Từ những ứng xử văn hóa đời thường cũng cho thấy quan niệm của Hồ Chí Minh đi theo đúng với phong tục dân tộc: tất cả như anh em trong một nhà, và gia đình là nền tảng của xã hội. Chúng ta chú ý quan niệm ở Người trước sau như một. Trong thời kỳ hoạt động tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc có viết một bài báo Lòng hiếu thảo của người Trung Hoa, có đoạn: “Gia đình là nền tảng của xã hội và lòng hiếu thảo là nền tảng của gia đình. Chính trên nền tảng này đã hình thành nên những luật lệ, phong tục, thể chế, triết học, nghệ thuật và tư tưởng Trung Hoa” (17). Với quan niệm như vậy ta dễ hiểu thời gian còn ở Pháp Nguyễn Tất Thành ba lần gửi thư cho Khâm sứ Trung kỳ và Toàn quyền Đông dương nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của cha là Nguyễn Sinh Huy. Anh cho biết đã nhờ gửi ba ngân phiếu nhưng mới chỉ nhận được một lần hồi âm (18).

Chữ Hiếu ngày nay đang bị mai một. Một hướng khắc phục là làm tốt hơn nữa việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh!

N.T

----------

(1). Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 1994-2002. 12 tập. Tập 6, tr 320); (2). Tập 6, tr 46; (4). Tập 5, tr 640; (5). Tập 7, tr 60; (11). Tập 8, tr 276; (12).Tập 5, tr 643; (13). Tập 12, tr 558; (14).Tập 12, tr 552; (15). Tập 5, tr 427.

(3). (Trình Quang Phú – Đường Bác Hồ đi cứu nước. Nxb Thanh Niên, tái bản lần thứ 9. 2011, tr 48, tr 49.

(6). Sơn Tùng - Bác ở nơi đây – Nxb Thanh Niên, 2008. tr 70; (7). tr 176.

(8). Bác Hồ sự cảm hoá kỳ diệu – Nxb Thanh Niên, 2007. tr 8.

(9). GS Trần Văn Giàu - Hồ Chí Minh vĩ đại một con người. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 463.

(10). Trần Đình Việt, Trần Đương...(Sưu tầm, biên soạn) - Bông hồng của Bác. Nxb Phụ nữ, 1985. tr 25.

(16). Nguyễn Sông Lam, Bình Minh (tuyển chọn) - 120 câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb Thanh niên, 2010, tr 26.

(17). Song Thành sưu tầm và dịch. Tạp chí Lịch sử Đảng, số 5/1988, tr 17.

(18). Biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị quốc gia, 2006, tập 1, tr 48, 49.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)