Đất, một biểu tượng trong bộ ba tác phẩm của Pearl Buck

Thứ Năm, 01/08/2024 09:11

Đất đóng một vai trò quan trọng trong tác phẩm, xuyên suốt bộ ba tiểu thuyết “Đất lành”, “Đời con” và “Ly tán” của Pearl Buck. Đi qua nhiều biến cố lịch sử, thông qua việc miêu tả một gia đình qua ba thế hệ, Pearl Buck muốn nhấn mạnh nét văn hóa truyền thống đặc trưng của Trung Quốc: sự gắn bó với đất, coi đất là người bạn tri kỉ, là nguồn lợi sinh sôi, là sự bình an trong tâm hồn và trên hết, là biểu trưng của quê hương, cội rễ.

Trong mỗi nền văn hóa đều có sự tồn tại của các biểu tượng như là những chỉ dấu của đời sống tinh thần, xã hội của cộng đồng. Có những biểu tượng mang tính phổ quát trên toàn thế giới như đất, nước, lửa, sông… và cũng có những biểu tượng mang tính cá nhân hay dân tộc hơn, ví dụ như biểu tượng con trâu, con cò trong văn hóa Việt Nam. Khái niệm biểu tượng có thể dùng để chỉ một thực thể hay sự vật hiện tượng bao gồm hai mặt: mặt tồn tại trong hiện thực khách quan hoặc trong sự tưởng tượng của con người, như con người nhìn thấy; mặt khác là nhằm biểu trưng cho điều gì đó, chẳng hạn như nước thì luôn tượng trưng cho sức mạnh mềm mại hoặc là sự trôi chảy của thời gian. Ý nghĩa biểu trưng này sẽ thay đổi tùy theo nền văn hóa và tâm thức của mỗi dân tộc hay cá nhân. Một nhà văn tài năng sẽ biết sử dụng những biểu tượng vào trong tác phẩm để sáng tạo theo phương thức của riêng mình và khơi gợi nhận thức cũng như cảm xúc cho độc giả.

Bộ ba tác phẩm “Đất lành”, “Đời con” và “Ly tán” của Pearl Buck có khá nhiều biểu tượng. Có biểu tượng mang tính phổ quát, có biểu tượng mang tính chất Trung Hoa: đất, đôi bàn chân bó nhỏ, chiếc giày, chiếc quan tài… Nhưng đất là biểu tượng chi phối toàn bộ các tác phẩm. Pearl Buck kể về ba thế hệ trong một gia đình Trung Quốc gốc gác nông dân. Vương Long là người đã xây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng và làm giàu lên từ đất. Ba người con trai của Vương Long chọn ba hướng đi khác nhau. Người con cả tiếp tục làm điền chủ, người con thứ hai trở thành thương gia và người con út Vương Mãnh Hổ thì trở thành tướng quân cát cứ một vùng. Ngỡ rằng họ đã rời xa đất đai nhưng bằng những phương cách thầm lặng và kỳ lạ, đất đai vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Và như một vòng quay của số phận, người con trai duy nhất của Vương Mãnh Hổ là Vương Nguyên đã không sống một cuộc đời như người cha mình mong muốn, trở thành tướng quân giống như ông, mà lại quay trở về gắn bó với đất đai.

Bộ ba tiểu thuyết của Pearl Buck mới được dịch và giới thiệu đầy đủ tại Việt Nam. 

Theo “Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới”: “Đất đối lập với trời một cách tượng trưng như là bản nguyên thụ động đối lập với bản nguyên chủ động; khuôn mặt nữ tính đối với khuôn mặt nam tính của thế giới. Trong Kinh Dịch, đất là quẻ khôn, là tính thụ động hoàn hảo, tiếp thu tác động của nguyên lí chủ động là quẻ càn. Đất chống đỡ, trời che phủ. Mọi con người đều sinh ra từ đấy, vì đất là đàn bà và bà mẹ, nhưng nó hoàn toàn phục tùng nguyên lí chủ động của Trời. Mọi động vật cái có bản chất của đất. Xét ở mặt tích cực, những đức tính của đất dịu dàng và chịu phục tùng, là tính kiên định, yên tĩnh và bền bỉ” (Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới”, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Phòng, Nguyễn Văn Vĩ dịch. NXB Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, 1997, trang 228). Nhân vật Vương Long mang tính chất của đất, sinh ra từ đất, chất phác như đất. Vương Long chỉ an tâm khi cuộc đời mình gắn bó với đất đai. Xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp, từ chế độ ruộng đất của Trung Quốc qua hàng ngàn năm lịch sử, với hình thức là một tư liệu sản xuất đặc biệt, từ đó trở thành tâm lý thấm sâu trong mỗi người dân về tầm quan trọng của đất đai. Qua ngòi bút văn chương của Pearl Buck trong tác phẩm “Đất lành” thì ý nghĩa nổi bật của biểu tượng đất chính là nơi nuôi dưỡng, chở che, là nguồn sống và cũng là sự gắn kết con người. Đất đai và sự chăm chỉ lao động đã biến gia đình Vương Long từ một nông dân nghèo khổ thành một gia tộc giàu có. “Số bạc ấy từ đất đai mà có, từ mảnh ruộng mà anh đã cày sâu cuốc bẫm, vất vả lao động mà có. Anh mưu sinh nhờ đất; anh đổ từng giọt mồ hôi để làm ra hoa màu từ đất, rồi bán hoa màu lấy số bạc ấy” (Pearl Buck, “Đất lành”, Nguyễn Vân Hà dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024, trang 47). Và ở phần kết tác phẩm, khi Vương Long đã là một ông già gần đất xa trời thì lời dặn dò cuối của ông với con cái vẫn là: “Một gia tộc sẽ chấm hết, khi họ bắt đầu bán đất,” ông nói giọng khàn đặc. “Chúng ta từ đất mà ra và chúng ta sẽ quay về với đất, nếu còn giữ được đất đai, các con có thể sống tiếp, không ai có thể cướp đất của các con...” (Pearl Buck, “Đất lành”, Nguyễn Vân Hà dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024, trang 383).

Với tác phẩm “Đời con”, dường như đất đai đã xa rời từ khi Vương Long qua đời và ba người con trai của ông đã bán đất để sống theo ý muốn của bản thân. Nhưng không ai trong số họ thấy hạnh phúc và hài lòng với chính bản thân mình, cho dù họ vẫn giàu có, vẫn quyền lực. Sang đến tác phẩm “Ly tán”, ngược lại với nhan đề tác phẩm, khi mà cả gia tộc phân li theo những con đường đi khác nhau, lý tưởng sống khác nhau, thì cậu cháu nội Vương Nguyên sau nhiều dằn vặt, mâu thuẫn nội tâm, đã quay về với đất đai, mượn đất để chữa lành và cũng nhờ đất mà tìm thấy được tình yêu và hạnh phúc. Đất ở đây lại mang thêm ý nghĩa tái sinh sự sống và hành trình cuộc đời con người cũng là hành trình tìm về với đất như tìm về một sự chở che, nuôi dưỡng. Ngay từ khi còn nhỏ, Vương Nguyên đã đặc biệt thích đất đai, đồng ruộng và ngôi nhà cũ của ông nội Vương Long như một tổ ấm bình yên, đẹp đẽ, đối lập với thế giới phức tạp, xô bồ bên ngoài, giúp cậu xoa dịu những vết thương lòng, xoa dịu những bất trắc, bất toàn của cuộc đời. “Cậu có thể phóng mắt đến tận chân trời, ngắm những thôn xóm bé nhỏ ẩn sau lùm cây rải rác trong vùng, nằm xa phía tây bức tường thành thị trấn, đen đúa nhấp nhô nổi trên nền trời màu men sứ. Bởi ngày nào cũng nhìn ngắm thỏa thuê tùy thích, khi ngồi trên lưng ngựa hay cuốc bộ trên mặt đất, mà cậu thấm thía ý nghĩa của từ “quê hương”. Những cánh đồng, mặt đất, bầu trời, những ngọn đồi nhợt nhạt, trơ trụi, thân thương này, tất cả đều là quê hương cậu.” (Pearl Buck, “Ly tán”, Nguyễn Quang Huy dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024, trang 31). Như vậy đất đai ở đây lại mang thêm tầng ý nghĩa là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi con người và không ai có thể rời xa mà không lưu luyến.

Nữ nhà văn Mĩ Pearl Buck.

Đất đóng một vai trò quan trọng trong tác phẩm, xuyên suốt bộ ba tiểu thuyết “Đất lành”, “Đời con” và “Ly tán” của Pearl Buck. Đi qua nhiều biến cố lịch sử, thông qua việc miêu tả một gia đình qua ba thế hệ, Pearl Buck muốn nhấn mạnh nét văn hóa truyền thống đặc trưng của Trung Quốc: sự gắn bó với đất, coi đất là người bạn tri kỉ, là nguồn lợi sinh sôi, là sự bình an trong tâm hồn và trên hết, là biểu trưng của quê hương, cội rễ.

Bộ ba tác phẩm “Đất lành”, “Đời con” và “Ly tán” của Pearl Buck có thể đọc riêng rẽ, độc lập, nhưng cũng có thể đọc liền mạch bởi tuy viết về những số phận riêng, nhưng xuyên suốt cả ba tác phẩm vẫn có thể thấy hình ảnh chung về những con người và đất nước Trung Hoa của một thời đại đã qua, cuộc sống của họ, nhân sinh của họ và những khổ đau, vật vã của họ trên mảnh đất quê hương. Từ đó có thể thấy tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu sâu sắc của một phụ nữ Mĩ đã gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất phương Đông xa xôi này. Khi Pearl Buck qua đời, thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc đã ca ngợi bà là “người bạn của nhân dân Trung Hoa”. Nhưng có lẽ Pearl Buck còn hơn là một người bạn, bởi vì trái tim của bà đã dành trọn cho đất nước đẹp đẽ, vĩ đại mà đầy khổ đau trong những năm tháng bà sống ở nơi đây cho mãi đến những ngày cuối đời trên đất Mĩ.

HÀ THANH VÂN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)