“Tiếng thét câm lặng” và nỗi cực nhọc của một người còn sống

Thứ Tư, 07/08/2024 00:41

. LÊ HỒ NAM
 

1. Trong diễn từ Nobel văn học 1994, Kenzaburo Oe đã chỉ ra Cuộc phiêu lưu kì diệu của Nils - tác phẩm dành cho thiếu nhi của nữ văn sĩ Thụy Điển Selma Lagerlof là một trong số những cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn ông trong những năm tháng hậu chiến tối tăm, ngột ngạt. Đặc biệt, ông đã bị ấn tượng bởi đoạn kết trong cuốn tiểu thuyết. Đó là khi cậu bé Nils đã trở về sau cuộc hành trình phi thường, cậu đã khóc to và nói với bố mẹ mình: “I’m a human being again!” (Con lại là một con người!)

Câu nói “I’m a human being again!” đã chi phối toàn bộ trang đời lẫn trang văn của Oe. Trong suốt đời sống lẫn đời văn của mình, nhà văn Nhật Bản này luôn tìm kiếm, đặc tả và nắm bắt trọn vẹn định nghĩa human being bằng tất cả niềm trăn trở, nỗi đau lẫn sự nhọc nhằn. Cụm từ “một con người” chưa bao giờ được định nghĩa một cách đơn giản mà đôi khi, phải trả giá bằng việc rời bỏ những ảo tưởng lãng mạn để dấn sâu vào địa ngục tăm tối của cuộc đời mới có thể thấu hiểu trọn vẹn nó.

2. Tiếng thét câm lặng (hay tên gốc là Đội bóng năm Vạn Diên thứ nhất) được ra mắt năm 1967, là một trong những tác phẩm tiêu biểu đã giúp Oe đoạt giải Nobel văn học. Trước đó, nhà văn cũng đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng khác là Một nỗi đau riêng. Có thể thấy được nhiều điểm giao nhau giữa hai tác phẩm này. Tiếng thét câm lặng cũng có nhân vật chính là một người đàn ông có con nhỏ bị tật bẩm sinh, mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng hiện sinh đến từ đời sống cá nhân lẫn hoàn cảnh xã hội. Trong cả tác phẩm, Oe cũng lựa chọn một sự kiện lớn trong đời sống của các nhân vật làm điểm mốc rồi từ đó triển khai câu chuyện như một dòng chảy dữ dội. Thời gian trong hai tác phẩm này của ông cũng không dài, bị cô đặc lại một cách có chủ đích, như một nhà tù chật hẹp mà các nhân vật là những tù nhân bị giam giữ trong đó.

Tiếng thét câm lặng mang nhiều tham vọng hơn tác phẩm Một nỗi đau riêng ở hầu hết mọi phương diện, từ nhân vật, câu chuyện, ngôn ngữ, biên độ lịch sử. Nhan đề gốc - Đội bóng năm Vạn Diên thứ nhất - đã biểu thị tính phổ quát, nhắc đến một mốc thời gian cụ thể trong lịch sử - năm Vạn Diên thứ nhất hay năm 1860, năm cư dân Nhật nổi loạn chống lại Mạc phủ, cũng là năm đầu tiên đánh dấu sự hợp tác về chính trị giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, dẫn đến những sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Mỹ lên đất nước mặt trời mọc. Sự ảnh hưởng này đã trải dài cho đến tận 100 năm sau (1960), cũng là mốc thời gian chính của tác phẩm, thể hiện trong hình ảnh đội bóng mà ta sẽ được thấy trong tiểu thuyết. Điều này cho thấy Oe muốn tác phẩm của mình đi xa hơn việc chỉ kể một câu chuyện mà còn bao chứa khát vọng muốn được cắt nghĩa một khoảng thời gian của lịch sử cùng số phận của những con người trong đó. Tiếng thét câm lặng có một cách dẫn dắt từ cái riêng tư đến cái phổ quát: bắt đầu bằng một vụ tự tử lạ lùng của một người bạn của nhân vật chính Mitsusaburo, tiếp đến hoạ lên vài nét về tình cảnh của vợ chồng Mitsu, rồi mới bắt đầu mạch truyện chính từ khi người em trai Takashi về nước và cả gia đình trở về ngôi làng quê hương của hai anh em. Trong cái không gian tù túng của ngôi làng chìm trong băng tuyết có thể được so sánh với vùng đất đầy cát của Kobo Abe này, Oe nói đến nhiều vấn đề của con người: từ đánh mất danh tính, đứt gãy kết nối, xung đột giữa truyền thống và hiện đại cho đến sự đánh mất niềm tin trước những đổi thay của cuộc đời. Tất cả những nỗi thống khổ này được nối kết bởi trạng thái khủng hoảng. Khủng hoảng trước thời cuộc. Khủng hoảng trước sự tồn tại của chính mình.

 

3. Trong cuốn tiểu thuyết nhiều tham vọng này, Kenzaburo Oe đã lột tả rõ ràng và chân thực trạng thái của sự khủng hoảng, khiến người đọc cảm nhận sức nặng của nó. Một trong những cách làm tiêu biểu của nhà văn là gắn kết cơn đau tinh thần với cơn đau thể chất, khi những sự sứt mẻ trong tâm hồn đều tạo nên sự nứt nẻ trên thể xác và việc giải phóng hay huỷ hoại thể xác như là cách duy nhất để giải phóng cơn cuồng loạn trong tâm trí mình. Oe đã nhiều lần chủ đích miêu tả chi tiết cơn đau thân thể của Mitsu gắn liền với những sự sang chấn trong tâm hồn, hay nỗi bạc nhược đôi lúc còn khiến cho anh tự so sánh bản thân và cả những người khác với thú vật. Những nỗi đau trên thể xác còn được biểu hiện thông qua những hành vi kì dị, quái lạ, cực đoan. Ví dụ điển hình là cái chết kì dị của người bạn Mitsu: “bôi sơn đỏ khắp mặt và đầu, trần truồng, nhét một quả dưa chuột vào hậu môn và treo cổ tự tử”(1). Cái chết của người bạn ấy như một ẩn dụ cho việc những tiếng gào sâu thẳm bên trong con người có thể đẩy đến sự cực đoan nơi thể xác, và thể xác cuối cùng lại là công cụ duy nhất để con người có thể biểu đạt chính mình, trong cảnh huống tuyệt vọng nhất. Câu chuyện của chị Jin, người phụ nữ đột nhiên thèm ăn và trở nên to béo ở làng, cũng là một minh chứng khác, khi nhà văn đã đồng nhất trạng thái “đói” về mặt sinh lí với trạng thái “đói” về ý nghĩa của sự sống. Ăn là cách duy nhất để chị lấp đầy sự trống rỗng ý nghĩa sự sống bên trong mình, biểu thị sự đói khát mục đích tồn tại giữa cảnh cùng cực. Và một hành vi khác nữa cho việc giải phóng thân thể khỏi tù ngục tâm hồn chính là bạo lực, được thể hiện chủ yếu qua nhân vật Takashi. Bằng bạo lực, Takashi nối kết với tất cả những người trong làng, nối kết chính mình với quá khứ, với năm Vạn Diên thứ nhất. Và cũng bằng bạo lực, cậu dấn thân thật sâu vào địa ngục bên trong mình.

Sự khủng hoảng của các nhân vật trong tiểu thuyết Kenzaburo Oe luôn có sự liên đới lẫn nhau: sự rạn vỡ của người này khoét sâu hơn những vết nứt trong sâu thẳm kẻ khác, tạo nên một vòng luẩn quẩn không thể giải thoát. Tiếng gào thét câm lặng trong Takashi đã đánh thức nỗi bí bách bên trong những thanh niên trong làng, khiến họ cùng cậu giải phóng bản thân bằng bạo lực, rồi lại chính cái bạo lực ấy thu hút chính người vợ của anh trai cậu. Oe, bằng nỗ lực đào sâu tận cùng thế giới tinh thần của những con người khủng hoảng, cho thấy nỗi thống khổ của một cá nhân bao giờ cũng ảnh hưởng và chịu sự ảnh hưởng bởi cộng đồng. Điều đó vừa gợi nên cách tiếp cận vấn đề từ cái riêng đến cái phổ quát của Oe, vừa khơi sâu vào thảm kịch nhân sinh nơi con người bị xoay vần và cầm tù bởi thời thế, và họ chỉ có thể bám víu hoặc giày vò lẫn nhau như không còn cách nào khác. Trong câu chuyện chị Jin đột nhiên thèm ăn, dân làng còn viện trợ đồ ăn cho chị, bởi với họ chị như “một con cừu hiến tế, nhận lấy mọi tai ương đau khổ thay cho toàn dân thung lũng”. Nguyện vọng mê tín này bắt nguồn từ cảnh sống cùng cực của dân làng, rồi khi một điều lạ lùng bỗng dưng xuất hiện mà họ cũng chẳng biết là bắt nguồn từ chính trạng thái sống cùng cực của một cá nhân, họ chỉ biết bám vào điều đó với khát vọng được giải thoát chính mình. Bạo lực hay mê tín đều là những thứ nghiễm nhiên chịu sự phán xét, nhưng khi gắn nó với một hoàn cảnh cụ thể, ta sẽ bị lung lay trước những gì tốt - xấu được hoạch định sẵn trong đầu. Kenzaburo Oe đã làm được một thứ mà nghệ thuật cần: đẩy một vấn đề ra khỏi hai cực nhị nguyên, đẩy lùi sự phán xét dễ dàng của con người trước một điều cụ thể.

Nhưng dù cho miêu tả một cách trực diện những nỗi cay đắng của con người như thế nào, Oe vẫn mở ra cho người đọc những lối thoát, hoặc, miêu tả việc vùng vẫy thoát ra khỏi vũng lầy tăm tối của chính mình như cách cuối cùng mà những con người bé nhỏ trong ngôi làng ấy có thể làm được. Khi luận bàn về trạng thái khủng hoảng của chị Jin, Takashi đã nói rằng bi kịch thực sự của người phụ nữ ấy không dừng lại ở việc chị ta bỗng chốc ngốn một đống thức ăn mà nằm ở việc dù nhận thấy rõ sự trống rỗng của đời mình, chị ta “vẫn phải ngốn đống thức ăn chán chết đó suốt cả ngày”. Một mặt, ngốn cả một núi thực phẩm vào trong người mình ngay cả khi ý thức được nguyên nhân được nhìn nhận là một bi kịch, nhưng mặt khác, hành động này biểu trưng cho nỗ lực thoát khỏi sự tuyệt vọng của chính chị, bởi lúc đó dường như chẳng còn một cách giải quyết khả thi nào khác. Jin liên tục ăn, liên tục phát phì đồng nghĩa với việc chị sẽ tiếp tục ngụp lặn trong nỗi thống khổ câm lặng, nhưng điều đó chưa hẳn trái ngược với việc trong trạng thái vẫy vùng đó, tiềm tàng một thứ niềm tin vô hình, thậm chí quái dị, về một ngày nào đó, người phụ nữ ấy có thể tìm lại ý nghĩa đời sống của mình. Tương tự, tất cả nỗ lực lí giải quá khứ, đặc biệt là hình tượng em trai cụ cố của hai anh em Mitsu và Takeshi cũng là một cách để cả hai thoát khỏi trạng thái “bật gốc” (uprooted) bởi sự phức tạp và mù mờ của nhân vật em trai cụ cố ấy thể hiện nỗ lực chiếm lĩnh quá khứ, tìm lại cái “danh tính” (identity) đã đánh mất của hai anh em. Cuộc hành trình lí giải và cắt nghĩa một lớp dĩ vãng vẫn còn rướm máu ấy cũng là một sự phóng chiếu tâm hồn cả hai: Mitsu tiếp cận em trai cụ cố bằng việc gắn kết những dữ kiện có thật, thể hiện sự điềm tĩnh của nhân vật này, còn Takeshi lại lí giải hình tượng ấy dưới con mắt của chủ nghĩa anh hùng, thể hiện thứ niềm tin riêng của cậu. Nói cách khác, việc hai anh em tìm kiếm sự nối kết với quê nhà cũng chính là cách hai người tìm kiếm sợi dây nối kết với tâm hồn mình để hiểu được chính mình - một bước đệm để tiến đến sự giải thoát. Có thể thấy rằng các nhân vật trong Tiếng thét câm lặng luôn mang những cảm quan, suy nghĩ phức tạp về nhau, đặc biệt trong mối quan hệ giữa hai anh em Mitsu và Takashi. Cách họ dồn nén tất cả những ý nghĩ sâu thẳm ấy đồng nghĩa với việc họ cũng nén chặt những Tiếng thét câm lặng trong mình, và rồi như một quy luật tự nhiên, những tiếng thét ấy dẫu có lặng câm đến đâu, cũng sẽ phải phát ra thành tiếng. Ở phân đoạn gần cuối, Mitsu đã giải phóng chính mình thông qua việc nói rõ tất cả những suy nghĩ và làm cho Takashi đối diện với tất cả nỗi bạc nhược bị giấu kín từ lâu, từ đó khiến cậu buộc phải tự giải thoát bản thân theo cách cực đoan nhất. Cái chết của cậu một mặt là một sự triệt tiêu những ảo vọng về bạo lực, về quá khứ, nhưng cũng là sự giải phóng chính bản thân ra khỏi tất cả những điều đó. Việc Takashi tự sát đã mở ra những biến chuyển mới trong đời sống của vợ chồng Mitsu và cả người dân trong làng.

Với Tiếng thét câm lặng, Kenzaburo Oe đã xây dựng một cái kết tương đối trọn vẹn. Nhà văn đã hé lộ phần quá khứ của em trai cụ cố, người tưởng đã bỏ đi (theo Mitsu) hay một anh hùng (theo Takashi), thực chất sau cuộc bạo động năm Vạn Diên thứ nhất, đã tự giam mình trong một căn hầm và chỉ giao tiếp với người thân bằng việc viết thư. Đó là cách người em trai cụ cố vừa trừng phạt bản thân sau những thất bại của cuộc nổi dậy năm ấy mà mình làm thủ lĩnh. Lựa chọn giam cầm bản thân, sống biệt lập với xã hội ấy khiến ta nhớ đến tình cảnh của Aureliano Buendía trong Trăm năm cô đơn của Marquez, một vị đại tá độc tài, chiến đấu để thỏa mãn bản thân, đến cuối đời lại chìm trong nỗi cô đơn và chỉ biết ngồi khắc những con cá vàng đến khi chết già. Trạng thái cô độc cũng như lựa chọn của hai nhân vật này dễ khiến người đọc nhìn nhận là bi kịch, là nỗi thống khổ, nhưng thực chất, đó lại chính là lúc tất cả lớp áo của bạo lực, của quyền lực, của những ảo vọng giữa đời bị rũ bỏ đi, những biến động thời thế bị bỏ lại đằng sau, để trở lại một thứ trạng thái sống rất con người - cô đơn, tủi nhục và buồn bã. Nhưng trong lựa chọn giam cầm đó, hẳn cụ đã được “trở về”. Takashi hay người bạn của Mitsu, dù đã chọn cách tự vẫn, nhưng trong giây phút ấy, được trở về với chính mình. Takashi đã trực tiếp đối diện với nỗi tủi hổ của cậu, còn người bạn của Mitsu đã được chết theo cách anh muốn, dẫu có kì dị đi chăng nữa.

Lại nói về đoạn kết của Tiếng thét câm lặng, các nhân vật đã phát hiện ra cụ cố đã cho người vẽ một bức tranh địa ngục cho người em trai đang tự giam cầm mình dưới căn hầm nhà kho. Bức tranh ấy, dẫu khắc hoạ trần trụi địa ngục hãi hùng - gợi nhớ đến truyện ngắn Địa ngục trước mắt của Akutagawa Ryunosuke - lại mang một vẻ “dịu dàng sâu đậm” quái đản. Cái vẻ dịu dàng này đến từ việc người xem như được ngắm nhìn hỏa ngục trong tâm mình như một tấm gương, và chỉ khi dám soi thấu chính mình như vậy, con người ta mới có thể tự giải thoát ra khỏi cái địa ngục ấy. Takashi, theo Mitsu, đã chạy trốn khỏi cảm giác dịu dàng ấy để mà dấn thân vào bạo lực, tìm kiếm cái địa ngục khắc nghiệt thực sự của riêng mình mà tự huỷ hoại bản thân. Nhưng đến cuối cùng, Mitsu đã cho người em trai thấy được đâu mới là địa ngục của mình, và cậu đã được giải thoát. Mối quan hệ giữa hai anh em Mitsu và Takashi, đến cuối cùng, dường như là một phóng chiếu của cụ cố và em trai cụ ngày trước, như biểu thị cho việc cả hai đã phần nào tìm lại gốc rễ của mình. Văn chương luôn ngầm nói cho ta rằng sẽ luôn có một lối thoát. Nó hồi sinh con người bằng cách đẩy chúng ta đến tận cùng thống khổ và giải phóng con người ngay tại ngục tù đó. Đến cuối truyện, tất cả những nhân vật khác, dù vẫn còn mơ hồ, đã tìm được một thứ ánh sáng mơ hồ để tiếp tục cuộc sống này. Dù ánh sáng này cũng chỉ le lói, không dễ thấy, con người vẫn có thể bám vào nó hoặc chủ động tìm kiếm nó để tồn tại. Và chẳng phải chính hành động tìm kiếm đó cũng là một thứ ánh sáng rồi sao?

Bắt đầu cuộc sống mới là mệnh đề được nhắc đi nhắc lại trong tiểu thuyết. Dù cho nhọc nhằn thế nào, con người ta vẫn phải sống, vẫn phải bắt đầu lại, bởi không còn cách nào khác. Dẫu có trầy da tróc vảy, vẫn phải sống và bắt đầu

L.H.N

----------------------

1. Những trích dẫn Tiếng thét câm lặng trong bài viết đều từ bản dịch của Vương Hải Yến, Nxb Văn học ấn hành, 2024.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)