Nhà văn - bác sĩ Phạm Ngọc Khuê: Bước chân người lính Tây Tiến năm xưa

Chủ Nhật, 16/01/2022 00:22

. HỒ ĐỒNG
 

Bác sĩ Phạm Ngọc Khuê sinh ngày 10 tháng 5 năm 1913, quê gốc ở làng Hòe Lâm, xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Năm 1927 ông vào học trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi), sau đó học trường Albert Saraut, năm 1944 lấy bằng bác sĩ của Trường Đại học Y Đông Dương. Năm 1946 tình nguyện vào bộ đội. Kinh qua các chức vụ: Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 52 (Trung đoàn Tây Tiến), Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 304, Chủ nhiệm Quân y Quân khu 3. Năm 1958 chuyển ngành về Hải Phòng làm Giám đốc Bệnh viện Lao Cầu Niệm, sau đó là Trưởng ban Chống lao Thành phố Hải Phòng. Năm 1972 về hưu sống tại Hải Phòng, mất năm 1996. Đây là mấy nét trích ngang về bác sĩ Phạm Ngọc Khuê. Nhìn lại, cuộc đời ông là một cuộc chiến liên tục, sôi động, đầy nét hấp dẫn, như tên cuốn sách viết về ông Bước chân người lính Tây Tiến năm xưa (2018) của tác giả Phạm Thanh Lương, con gái ông.

Trước hết tôi muốn nói tới đóng góp của nhà văn Phạm Ngọc Khuê đối với văn học những năm trước Cách mạng tháng Tám. Trước khi nhận bằng bác sĩ, Phạm Ngọc Khuê đã nổi tiếng trên văn đàn. Giáo sư Hoàng Như Mai từng viết: “Hồi tôi học y khoa (sau tôi chuyển sang luật khoa), học trên tôi 5 lớp có anh Phạm Ngọc Khuê, vừa là sinh viên, vừa là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Anh đứng riêng một lối thơ hoàn toàn khác với các khuynh hướng Thơ mới. Thơ anh chắc và khỏe, sừng sững như những công trình điêu khắc hùng tráng (bài Con trâu). Văn anh viết rèn luyện ý chí cho thanh niên (Óc khoa học, Nghị lực, Anh bạn đi đâu…)”

Ngoài 3 quyển sách mà giáo sư Hoàng Như Mai nhắc ở trên, năm 1941 Phạm Ngọc Khuê cho ra mắt 2 cuốn sách của bộ Sức khỏe mới, gồm 8 tập. Cuốn đầu là Một sức khỏe mới và cuốn sau mang tên Nguồn sinh lực. Với kiến thức của một người Tây học, ông đưa ra nhận định có tính khái quát: Một người khỏe phải khỏe về thể chất và tinh thần… Sống là điều hòa các năng lực thăng bằng chớ quá thiên về xác thịt, về tình cảm hay về lí trí…

Với các giá trị khoa học, nhân văn và văn chương, hai cuốn sách trên đã được nhà báo Đinh Gia Trinh - một cây bút có hạng trên Thanh Nghị (do Vũ Đình Hòe làm Chủ nhiệm) - đánh giá rất cao: “Hai tác phẩm ấy có một tính cách đặc biệt: đại diện cho một loại sách đứng đắn, nghiêm trang, cần phải mong mỏi mỗi ngày một nhiều lên, loại sách triết lí và khoa học trong văn chương ta”; ông Phạm Ngọc Khuê “cho ta tin rằng văn chương Việt Nam có thể đi đến rõ rệt và đẹp đẽ để mang những tư tưởng mới của thời đại” (Thanh Nghị, số 6/1941).

Cho đến khi xuất hiện cuốn Cải tạo sinh lực của Phạm Ngọc Khuê ở Nhà xuất bản Hàn Thuyên thì tác giả này trở thành cây bút chủ lực của Nhà xuất bản, bên cạnh những tên tuổi lẫy lừng có sách in ở Hàn Thuyên: Đặng Thai Mai với Văn học khái luận, Đào Duy Anh với Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Chu Thiên (Hoàng Minh Giám) với Lê Thánh Tông, Nguyễn Đổng Chi với Văn học cổ sử, Nguyễn Đức Quỳnh với Lịch sử thế giới, Trương Tửu với Kinh thi Việt Nam, Nguyễn Du và Truyện Kiều, và các tác giả khác: Lê Văn Siêu, Nguyễn Tế Mỹ, Nguyễn Huy Tưởng, Bùi Huy Phồn…

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Hồng Lâm - người chiến sĩ trẻ nhất đoàn Tây Tiến năm xưa, sau này là Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Cộng đồng - đã viết về sự hấp dẫn của sách Phạm Ngọc Khuê lúc đó như sau: “Sách hấp dẫn người đọc đến mức có những người mê Phạm Ngọc Khuê như… mê gái, theo cách nói của bạn hữu cùng thời với ông.” Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng là người rất yêu thích Phạm Ngọc Khuê, theo như nhật kí của ông các ngày 7/2/1939 và 17/8/1944 được dẫn lại trong một bài viết của anh Nguyễn Huy Thắng, con trai ông.

Năm 1946 vào bộ đội, Phạm Ngọc Khuê trở về với nghiệp chính của mình là bác sĩ quân y, chăm lo sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Những năm ông làm Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 52 là thời gian có nhiều kỉ niệm nhất. Năm 1948 bộ đội trung đoàn ở rừng sốt rét rụng hết tóc, đồng thời chấy rận nhiều do không có xà phòng, dầu gội như bây giờ. Trong hoàn cảnh ấy chỉ có cách là bác sĩ khuyên lính gọt trọc đầu, bản thân ông cũng gọt, vì thế mà mới có biểu tượng “Đoàn binh không mọc tóc”. Ông hay xuống các đơn vị chiến đấu, hòa mình cùng lính; vì có tâm hồn vui vẻ, lãng mạn, trẻ trung nên được các chiến sĩ yêu thích. Có chuyện kể, ra suối thấy một chiến sĩ tắm mà mãi chưa lên bờ, ông khuyên: “Đừng ngâm mình dưới nước lâu, dễ bị ốm đấy.” Anh đội viên thẹn thùng: “Quần áo em phơi trên kia chưa khô.” Bác sĩ Khuê đưa bộ quần áo mới của mình định thay nói: “Chú cứ cầm lấy mà dùng.” Ông thường chia sẻ quần áo cho người thiếu thốn, chỉ giữ đủ dùng cho mình.

Cũng năm 1948, Quang Dũng - một người bạn, người em của Phạm Ngọc Khuê trong trung đoàn - cho ra đời bài thơ Tây Tiến. Biết ông là nhà văn, Quang Dũng khoe ngay với ông khi mới làm xong. Lê Hồng Lâm là người được ông cho đọc đầu tiên. Từ đó, thi phẩm được phổ biến rộng rãi, phù hợp với hoàn cảnh và nỗi lòng người lính ngày ấy, nhất là các chiến sĩ người Hà Nội. Cho đến khi bài thơ được Quang Dũng đọc tại Hội nghị toàn quân Liên khu 3 ở Phù Lưu Chanh, nó trở thành bài ca bất tử.

Quan hệ giữa Phạm Ngọc Khuê và Quang Dũng (sinh năm 1921) là mối quan hệ anh em thân thiết ngoài quan hệ đồng đội, được hun đắp cho đến thế hệ con cháu của hai người. Qua Mẩu chuyện dọn nhà cho chú Quang Dũng mà tác giả Phạm Thanh Lương ghi lại theo lời mẹ, ta thấy ông bà Khuê, đặc biệt là bà, đã coi nhà thơ Quang Dũng như một người em ruột. Thật cảm động khi đọc bức thư Phạm Ngọc Khuê gửi cho Quang Dũng (năm 1986), động viên nhà thơ đang bị bệnh khi chính ông cũng đã bị bệnh 10 năm rồi.

Trở lại mối giao duyên giữa Phạm Ngọc Khuê và Nguyễn Huy Tưởng. Như đã nói, Nguyễn Huy Tưởng rất quý trọng Phạm Ngọc Khuê. Về phía mình ông Khuê rất nhiệt tình với bạn. Anh Nguyễn Huy Thắng đã viết: “Năm 1939 khi soạn tập thơ Nhất điểm linh đài và còn đang băn khoăn không biết thơ mình hay dở thế nào, liệu có nên xuất bản, cha tôi đã tâm sự với ông Khuê và thật mừng khi được ông nhận lời đọc hộ. Và sau đó năm 1941 không quên lòng sốt sắng với thi ca của bạn, ông đã cho đăng bài thơ Quan âm của cha tôi trên số 3 của tờ Ngòi bút mà ông là Chủ nhiệm.”

Cũng theo bài viết của anh Nguyễn Huy Thắng thì bên cạnh lòng nhiệt tình, ông Khuê còn là người chân tình và thẳng thắn. Anh Thắng viết: “Ông Khuê xem ra đã góp ý cho cha tôi khá kĩ, chê nhiều hơn là khen”, “Ông chê rằng cha tôi tỉnh nhiều lắm” (ngày 22/2/1939), nghĩa là thơ còn chưa mạnh mẽ, sôi động. Chính điều này đã giúp ông Tưởng nhận ra “sở trường của mình không phải là thơ mà là văn, cũng không phải là văn xuôi mà là kịch, lại không phải là hài kịch mà là bi kịch, như vở Vũ Như Tô nổi tiếng của ông”. Như vậy, sự thẳng thắn chân tình của ông Khuê đã góp phần tạo nên một hướng chuyển tuyệt vời cho ông Nguyễn Huy Tưởng trong sự nghiệp văn chương của mình. Sự thẳng thắn của ông Khuê còn thể hiện ở chỗ dám nói với ông Tưởng những ý kiến trái chiều của mình về công tác báo chí mà ông Tưởng là người phụ trách sau Cách mạng tháng Tám.

Trong vụ việc Nhân văn - Giai phẩm, ông Nguyễn Huy Tưởng bị làm khó bởi bài tùy bút Một ngày chủ nhật và là bạn của Phạm Ngọc Khuê, mà ông Khuê là bạn thân của ông Trương Tửu. Ông Tưởng phải làm kiểm điểm. Anh Nguyễn Huy Thắng viết: “Sức ép của sự quy kết chắc chắn là không nhỏ, không khí của những cuộc đấu tranh tư tưởng trong giới văn nghệ chắc chắn quyết liệt, kết quả là vào một ngày tháng giêng năm 1958, cha tôi khi kiểm thảo tại Hội nghị văn nghệ Đảng đã xác nhận có liên hệ với hai người là Trần Đức Thảo và Phạm Ngọc Khuê. Người đầu là nhà triết học trứ danh và cũng là duy nhất của Việt Nam. Người sau là vị bác sĩ bạn ông. Không rõ cha tôi đã liên hệ những gì, vì ông không ghi rõ trong nhật kí, nhưng ta có thể đoán được rằng đó không phải là những điều tốt cho bạn. Vì thế ông đã rất hối hận, đến mức tự sỉ vả mình trong nhật kí là thấy hèn.”

Phạm Ngọc Khuê là một người quảng giao. Ông có rất nhiều bạn, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ. Nguyễn Tuân là một người bạn tâm đắc của ông. Dưới đây là một đoạn mà ông Lê Hùng Lâm kể lại:

Mùa thu năm 1948 nhà văn Nguyễn Tuân tìm đến, ở cùng với bác sĩ Phạm Ngọc Khuê một tuần. Ông thích đàm đạo văn chương thời cuộc và thưởng thức cà phê phin, mứt mận, xôi vò, chè đường do bà Khuê nấu nướng thết bạn văn của chồng. Một buổi đã ngà ngà say, hai ông cao hứng rủ nhau “ra trận”. Khi chia tay tiễn hai ông ra mặt trận, bà Khuê tần ngần vuốt lại cái túi dết ông đang đeo và trách: “Sao không bảo em trước, để em giặt sạch cái túi này, là bác sĩ ai lại đeo cái túi màu cháo lòng.” Ông Khuê nheo mắt: “Cái túi phong trần này đã theo bước chân anh trên mọi nẻo đường, em bỏ hết gió bụi đi thì tiếc quá.” Nguyễn Tuân và Phạm Ngọc Khuê cùng cười vang rồi lên đường.

Trong cuộc đời của mình, bác sĩ - nhà văn Phạm Ngọc Khuê đã phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Một trong các giai đoạn đó là thời Cải cách ruộng đất năm 1955. Tại quê, ông nội bị quy là địa chủ, bị đấu tố, bị tịch thu nhà cửa, gạo thóc. Người lớn phải bố trí cuộc chạy trốn cho ba chị em: Thảo, Đỉnh, Thái (người bé nhất 5 tuổi) ra Hà Nội. Rồi ông nội chết vì say nắng… Khi đó có nhiều bạn học cũ của ông Khuê trong thành khuyên ông nên cho cả nhà đi vào Nam, bởi họ trọng tài của ông. Thậm chí họ còn bố trí tàu ở Hải Phòng đón gia đình ông Khuê. Nhưng là một đảng viên, là bộ đội Cụ Hồ, bao năm ý chí được rèn luyện, lập trường kiên định tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ông ở lại không đi vào Nam. Rồi thời Nhân văn - Giai phẩm, trong đợt chỉnh huấn Đảng ông thật thà khai là mình chơi thân với ông Trưởng Tửu nhóm Hàn Thuyên, mà ông Trương Tửu bị quy là Nhân văn - Giai phẩm. Thế là từ đó ông Khuê bị nhiều định kiến không đáng có. Tuy vậy ông vẫn im lặng chấp nhận. Ông làm việc hết sức mình cho sự nghiệp chữa bệnh cứu người, không viết lách nữa, kìm năng lực, khả năng tư duy mình ưa thích, tránh mọi phiền phức có thể xảy ra.

Ngược về giai đoạn 1938 - 1945, cũng là một giai đoạn đầy khó khăn đối với Phạm Ngọc Khuê. 25 tuổi ông kết hôn với bà Trần Thị Lạng (1918 - 1945). Vừa học trường y, vừa kiếm sống nuôi vợ con (dạy học ở Thăng Long cùng với nhà giáo Võ Nguyên Giáp, viết báo, viết sách…) Vợ ốm đau, con còn nhỏ, nhiều khó khăn nên việc học kéo dài. Năm 1944 mới thi tốt nghiệp bác sĩ. Gặp hai biến cố nặng nề: con chết, đến năm 32 tuổi thì vợ chết. Vượt lên mọi khó khăn, chính trong giai đoạn này Phạm Ngọc Khuê đã có những đóng góp xứng đáng trên văn đàn như đã đề cập. Đó là thời vang bóng của ông.

Người ta nói, đằng sau người đàn ông thành công bao giờ cũng có bóng dáng của một người phụ nữ hiểu biết. Đối với ông Phạm Ngọc Khuê, người phụ nữ hiểu biết đó chính là bà Vũ Thị Thanh Hảo - người vợ của ông mà ta đã biết đến bà qua những ứng xử của bà trong quan hệ với nhà thơ Quang Dũng và với nhà văn Nguyễn Tuân ở phần trên. Thật may mắn cho Phạm Ngọc Khuê, năm 1946 khi làm bác sĩ quân y ở Sơn Tây, qua giới thiệu của một người bạn học cũ, ông đã gặp bà Hảo tại đây, một mối lương duyên thật hoàn hảo, lúc đó ông Khuê 33 tuổi (đã qua một đời vợ), bà Hảo 23 tuổi. Duyên trời định để ông bà sống bên nhau 49 năm (từ năm 1947 đến khi ông mất năm 1996). Bà đã theo ông suốt 8 năm kháng chiến, cùng ông tận tụy chăm sóc thương binh, nhân dân và đàn con nhỏ. Bà là người thuộc tuýp công - dung - ngôn - hạnh, nhưng không phải là người nhu mì, thụ động mà nhiều khi rất quyết đoán. Việc bà đấu tranh cho chị Phương Thảo đi học ở Đức thật cảm động. Chị Phạm Thanh Lương viết: Khi nghe bác Phụng lãnh đạo quân y nói “Sắp có lớp đi học nước ngoài cho con cán bộ cao cấp, chị về viết đơn đi”, thế là mẹ bảo anh Đỉnh cho một tờ giấy rồi viết đơn xin cho chị Thảo đi học. Ngày xưa ở quê chị không được đi học, chỉ theo bình dân học vụ ở làng biết đọc, biết viết. Mẹ khai chị học lớp 4 là bậc thấp nhất của tiêu chuẩn. Đến lúc có giấy báo chị được đi học ở Cộng hòa Dân chủ Đức, chú Chương lo chị không học được, bàn với bố đổi cho anh Đỉnh. Mẹ kiên quyết không nghe, bảo rằng như vậy tủi nó. Và bằng những lí lẽ thuyết phục, mẹ đã thành công. Chị được đi học từ năm 1956 đến năm 1962. Đối với chị Thảo và anh Đỉnh, bà là một người mẹ kế tuyệt vời, một niềm hạnh phúc an ủi cho hai chị em khi mẹ đẻ mất sớm.

Kết thúc cuốn sách, tác giả Phạm Thanh Lương viết: “Cha mẹ chúng tôi đi bên nhau thật hài hòa, cuộc đời của kiếp này họ đều là người thành công.”

Đại gia đình 8 người con của ông bà Phạm Ngọc Khuê đã trưởng thành, đóng góp xứng đáng cho xã hội về sức lực, trí tuệ, kể cả xương máu (liệt sĩ Phạm Ngọc Kiên). Ông bà có một đàn cháu chăm ngoan, thành đạt.

Khi tôi đang gõ những dòng cuối của bài viết này thì được tin con trai ông Phạm Kim Đỉnh, cháu nội ông Phạm Ngọc Khuê là anh Phạm Kim Cương - một nhà khoa học trẻ xuất sắc của Việt Nam tại Mĩ - trở về nước cùng với 100 nhà khoa học trẻ Việt kiều khác theo lời mời của Chính phủ nhằm kết nối chất xám, phát triển kinh tế tri thức Việt Nam. Anh Phạm Kim Cương từng đoạt Huy chương Bạc quốc tế về tin học, hiện là một chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã có hơn 10 năm làm việc với các tập đoàn công nghệ lớn của nước Mĩ. Anh cùng với các cháu khác của ông Phạm Ngọc Khuê đang tiếp tục “bước chân người lính Tây Tiến năm xưa”.

H.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)