Hạnh phúc gắn liền với dân chủ - Một quan niệm nhân văn đặc sắc của Bác Hồ!

Thứ Ba, 12/07/2022 15:04

. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ
 

Triệt để tuân theo nguyên tắc “Dân là chủ” và “Dân làm chủ”, Bác Hồ nhắc nhở cán bộ: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng biện chứng đầy ắp chất sống thực của cuộc đời: nhân dân muốn đảm bảo được quyền làm chủ thì cần có Đảng lãnh đạo. Đảng muốn giữ vai trò cầm quyền thì phải “lấy dân làm gốc”. Phải nắm chắc nguyên lý: “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Với dân, Bác Hồ mong muốn mỗi người dân học tập nâng cao tri thức để làm chủ được tốt hơn, để hiểu biết quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm và bổn phận trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Bác dạy “quan tham vì dân dại”, dân hiểu biết thì quan tự phải “liêm”. Như vậy, nguồn lực trí tuệ từ dân còn góp phần làm trong sạch, liêm chính hóa bộ máy Nhà nước!

Tư tưởng vì con người, đặt con người cao hơn tất thảy là điểm tựa vững vàng giúp Bác Hồ có cách giải quyết tuyệt vời, kịp thời, hiệu quả. Lời Bác không chỉ vang vọng ở đất nước mình, còn vang vọng khắp năm châu, “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Đó là tư tưởng con người là nguồn lực vĩ đại và vô tận nên tất cả đều vì con ngườ. Trên báo Cứu quốc số 411, Người có viết bài báo Tìm người tài đức: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức”. Bài báo toát ra cái tình tin dân, trọng dân, nhất là tư tưởng dân chủ phổ quát cho mọi thời đại: mọi nguồn lực đều có ở dân, vấn đề là biết cách tìm ra và sử dụng nguồn lực ấy có vì dân không. Thế nên Người kịch liệt phê phán những cán bộ cơ hội: “Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân phì gia”. Người dạy cán bộ phải biết học dân: “Có người cho là “dân ngu khu đen”. Thế là tầm bậy. Dân rất thông minh. Quần chúng kinh nghiệm sáng kiến rất nhiều. Chỉ cần mình có biết học hay biết lợi dụng mà thôi”.

Một xã hội hạnh phúc là xã hội dân chủ, dân là chủ và dân làm chủ. Một biểu hiện sinh động của dân chủ là đối thoại. Cơ sở triết học của đối thoại là cái tôi mỗi cá nhân với trường nhìn đặc trưng chịu quy định của vốn sống, vốn văn hóa, tài năng, cá tính… Cùng hướng trường nhìn về một vấn đề nhưng mỗi người, với điểm nhìn khác nhau, cái tôi khác nhau, lại có “điểm mù” khác nhau nên không thể có cái nhìn trùng nhau. Có người thấy nhiều, có người thấy ít, người chỉ nhìn thấy mặt này, người lại chỉ thấy được mặt kia, chẳng ai biết hết. Về vấn đề này Bác Hồ cũng là nhà biện chứng khi nhắc nhở những người làm công tác huấn luyện, cũng là nhắc nhở mọi người nói chung, ai mà “tự cho là mình biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”. Qua đối thoại những cái nhìn ấy sẽ làm giàu, bổ sung cho nhau bằng cái mới, cái khác, cái lạ. Cho nên đối thoại chấp nhận sự đa ý kiến, nhiều chiều với những tranh luận, phản biện. Người hạnh phúc là người được đối thoại, được nói ra ý mình để người khác nghe, cật vấn, phản bác, và ngược lại. Nhờ đó mỗi người được mài sắc thêm cái tôi, giàu có thêm tri thức, năng động nhạy bén trong phương pháp. Đấy là cơ sở cho sự cộng cảm, thấu cảm lẫn nhau để thân ái, hòa bình, hợp tác, hữu nghị…

Đối thoại là hạt nhân của giao tiếp mà không có giao tiếp không thể làm nên xã hội. Tinh thần dân chủ của đối thoại thể hiện rõ ở chỗ nâng vị thế của người tiếp nhận từ bị động thành chủ động. Chỉ nghe và làm theo là bị động, như kiểu học trò “tập trung chăm chú nghe giảng” từ thầy được coi là trò ngoan; nghe đúng, làm theo đúng được coi là trò giỏi. Trò “giỏi” nhưng ít sáng tạo vì cái giỏi ấy phần lớn của thầy, chưa phải đích thực của trò. Đấy chưa phải là đối thoại. Đối thoại là tiếp thu với sự phản biện, chọn lọc, đưa ra ý mới… Nhờ đối thoại mà hiểu biết nhân lên hiểu biết, sáng tạo nhân lên sáng tạo, con người được là chính mình, làm chủ mình rồi làm mới mình. Đối thoại làm nên bản chất cuộc sống.

Để có đối thoại, các bên tham gia đều phải có vốn tri thức sâu rộng về giao tiếp văn hóa, về lĩnh vực cùng quan tâm. Bác Hồ là một trong số rất ít các vĩ nhân của thế giới đương đại có thể đối thoại với hầu hết các nền văn hóa lớn. Có ba nguồn văn hóa cơ bản để tạo nên Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, một là học tập, kế thừa tinh thần yêu nước thương người trong văn hóa Việt; hai là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Đông, nhất là tư tưởng đạo Nho và giáo lý nhà Phật; ba là nhờ được đi tới hầu khắp các nền văn hóa phương Tây, học tập và thu lượm những điều tiến bộ ở nhiều tôn giáo, ở rất nhiều chủ nghĩa, khuynh hướng, đặc biệt ở chủ nghĩa Mác...Hồ Chí Minh như cây đại thụ văn hóa cường tráng nhờ ba chùm rễ khỏe khoắn cắm sâu vào mảnh đất văn hóa nhân loại để cành lá vươn cao lên bầu trời nhân dân khắp thế giới mà quang hợp ánh sáng của tự do, bình đẳng, bác ái, của trí tuệ, tình thương... Vì lẽ ấy mà ở Hồ Chí Minh đã tạo cho riêng mình một chủ nghĩa nhân văn vừa phương Đông lại rất phương Tây, cổ điển, truyền thống mà mới mẻ, hiện đại; bình dân giản dị mà bác học trí thức; trong sáng hồn nhiên mà sang trọng vương giả... Những điều ấy thể hiện rất rõ ở từng câu chữ. Mà “ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng” (Mác) nên tìm hiểu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trước nhất phải đi từ ngôn ngữ. Thành thạo 12 ngôn ngữ chính trên thế giới nên Người đã nắm rất chắc và làm chủ các chìa khóa giải mã các nền văn hóa lớn. Thật sự hiểu sâu từng “quẻ” trong Kinh Dịch - cuốn sách cổ nổi tiếng phương Đông nghiên cứu về quy luật vũ trụ,Nguyễn Ái Quốc mới có thể mỉa mai cực kỳ thâm thúy hình tượng Khải Định trong Lời than vãn của Bà Trưng Trắc, cho rằng “mệnh” Khải Định ứng với quẻ Dương Cửu lên ở mức cao nhất (là vua) rồi sẽ tuột xuống thân phận thảm hại đớn hèn nhất (là nô lệ, tay sai). Đối với nước Pháp xâm lược Người luôn cố gắng tìm một cơ hội hoà bình. Sang thăm nước Pháp, đáp từ trong buổi tiệc G.Biđôn, Chủ tịch Chính phủ Pháp chiêu đãi ngày 2-7-1946, Bác Hồ nhắc đến đạo Nho (Bác gọi là đạo Khổng): “Chúng ta chẳng đã ruồng bỏ được cái chủ nghĩa đế quốc xâm lược và cái chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi không còn thích hợp với thế giới hiện tại đấy ư? Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp”. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” là câu nói nổi tiếng của Khổng Tử, trở thành một ứng xử văn hóa phương Đông: Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Đây chính là mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau, giữa người với người, quốc gia này với quốc gia khác. Do vậy mang tầm phổ quát toàn nhân loại không riêng gì của phương Đông. Hồ Chí Minh đã nhắc khéo nước Pháp: đã từng đau khổ vì bị Đức xâm lược thì chắc nước Pháp rất hiểu nỗi khổ đau mất nước của quốc gia khác. Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Chả lẽ nước Pháp lại đi xâm lược Việt Nam?

Nhìn từ lý thuyết đối thoại ta cũng thấy Bác Hồ là người rất hạnh phúc!

Trong đối thoại thì tất cả đều bình đẳng, ai cũng có quyền nói, không ai hơn ai, không ai là kẻ lớn, kia là phận nhỏ, cũng không ai có quyền ép người này phải thế này, phải thế kia… Đối thoại văn hóa tối kỵ những câu mệnh lệnh thức hay cầu khiến… Trước một vấn đề các bên đều có chính kiến, phản biện, bảo vệ. Là người hiểu sâu sắc vấn đề này nên Bác từng nói dân chủ là phải để cho dân được “mở miệng”. Không ngẫu nhiên dễ thấy (cả trong trước tác và đời thường) một nguyên tắc đối thoại của Người với dân là luôn đưa ra những câu hỏi để được nghe trả lời. Hỏi để được biết tình hình, là đưa ra vấn đề rồi khơi gợi cho dân nói, hỏi để tôn trọng dân, hiểu dân... Tháng 9-1958 về thăm tỉnh miền núi Yên Bái, Người nói: “Tỉnh nhà có 10 dân tộc anh em. Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ. Ví dụ: 10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xoè 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào?...”. Có rất nhiều ví dụ tương tự nhưng ví dụ mà ai cũng biết là khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, một vị Chủ tịch Nước hỏi dân: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?” thì chính là một biểu hiện của tinh thần dân chủ, không còn khoảng cách giữa vị Chủ tịch và dân thường.

Được nói ra những điều mình nghĩ, được nghe những điều mình cần, đấy là hạnh phúc. Sống ở thời đại Hồ Chí Minh là hạnh phúc vì được nói và nghe như vậy.

Đối thoại để gần nhau, hiểu và trách nhiệm với nhau hơn nên không thể thiếu sự chân thành. Chỉ có sự chân thành làm sứ giả thì trái tim mới đến được trái tim, mới kết nối được những tâm hồn. Chỉ có chân thành mới làm người ta thấu hiểu nhau để thấu cảm về nhau. Đây là lời Bác Hồ nói với những người mẹ Pháp có con nghe lời bọn thực dân đi xâm lược Việt Nam mà nguy hiểm đến mạng sống: “Các bà yêu đất nước mình, các bà mong muốn nước mình được độc lập và thống nhất. Nếu có kẻ nào tìm cách xâm phạm nền độc lập và sự thống nhất ấy, thì tôi tin chắc rằng các bà sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ nó. Chúng tôi cũng thế, chúng tôi yêu Tổ quốc Việt Nam của chúng tôi, chúng tôi cũng muốn Tổ quốc chúng tôi độc lập và thống nhất. Liệu các bà có kết tội chúng tôi vì chúng tôi đã đấu tranh chống những kẻ tìm cách chinh phục và chia cắt Tổ quốc chúng tôi không?”.

Có thể coi đây là một mẫu mực về cách lập luận đối thoại phản đề “thấu lý đạt tình”, rất mực chân thành, tình cảm và rất mực sắc sảo, trí tuệ. Cũng là mẫu mực về tư tưởng tất cả vì con người, con người là trên hết!

N.T.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)