Đấu tranh chống quan niệm thiếu niềm tin vào Tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ Nhật, 21/05/2023 08:03

. TRẦN CÔNG THANH

 

Trong bài viết quan trọng mới đây (2021) “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mĩ ngày càng cao”.

Một trong những mũi nhọn mà các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” là tập trung xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Ý thức rất rõ sự ảnh hưởng to lớn của hệ tư tưởng này trong mọi lĩnh vực của đất nước, đặc biệt trong đời sống văn hoá tinh thần nên chúng tuyên bố không úp mở rằng sở dĩ chế độ cộng sản ở Việt Nam còn tồn tại được là nhờ nương tựa, núp vào cái bóng “thần tượng Hồ Chí Minh”, nên muốn thể chế chính trị ở Việt Nam sụp đổ thì một trong những mục tiêu quan trọng nhất là phải xóa bỏ bằng được “thần tượng” này. Đó là lý do những thập niên gần đây, chúng ráo riết thực hiện âm mưu hạ bệ, bôi nhọ, xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nhằm làm suy giảm niềm tin và lòng tôn kính của nhân dân ta đối với lãnh tụ, với Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng đang cố gắng tạo ra một sự “nhận thức lại” trong tư tưởng một số ít người, dần dần lan rộng ra nhiều người, đặc biệt những người có khả năng tư duy và trình độ nhận thức còn hạn chế, dễ hoang mang dao động. Sự tác động này vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa trước mắt vừa lâu dài, nhằm dẫn đến sự “thoát li thần tượng” góp phần làm phai nhạt tiến tới xoá bỏ sự ảnh hưởng của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đối với một bộ phận đảng viên và quần chúng.

Thế mà, hôm nay vẫn có số ít cán bộ đảng viên ta là học trò học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh lại có biểu hiện dao động, hoài nghi, thiếu tin tưởng vào Tư tưởng của Người. Có thể kể ra những biểu hiện ấy là:

1. Thiếu khát vọng về lý tưởng tốt đẹp. Bất cứ ai cũng đều có một lý tưởng cho riêng mình. Đó là mục tiêu cũng là động cơ phấn đấu học tập, lao động để đạt mục đích đề ra. Với cán bộ đảng viên thì lý tưởng riêng nằm trong lý tưởng chung của Đảng là phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Mong muốn tột bậc của Bác Hồ là “độc lập cho Tổ quốc”, “tự do cho đồng bào”, “ai cũng có cơm ăn áo mặc”, “được học hành” đã thôi thúc Người lên đường tìm đường cứu nước. Lý tưởng biểu hiện ra hành động. Nhiều cán bộ đảng viên vì thiếu lý tưởng mà làm việc cầm chừng theo kiểu “trung bình chủ nghĩa”, làm cho xong chuyện, “sáng vác ô đi, tối vác về”, không dám đổi mới, làm thì sợ sai, sợ mắc khuyết điểm. Trong cơ quan họ như những cái bóng, nói như dân gian là nếu “bỏ thì thương vương thì tội”!

2. Lười học lý luận, giáo điều, bảo thủ, xơ cứng. Lý luận là ánh sáng soi đường, không học hoặc học qua loa đại khái, học chống đối thì làm gì có “ánh sáng” để mà đi. Nghị quyết Đảng là chủ trương đường lối mà nhiều cán bộ đảng viên không học Nghị quyết, thậm chí không biết nội dung Nghị quyết thì “lãnh đạo” được ai (?). Vì thiếu lý luận nên dẫn tới giáo điều, dựa nhiều kinh nghiệm nên bảo thủ. Trong khi đó thực tiễn ở ngày hôm nay thay đổi đến chóng mặt, không có cái nhìn của lý luận không thể nắm bắt được bản chất và dự đoán được tình huống.

3. Tuyệt đối hóa lý luận, xem Chủ nghĩa Mác, Tư tưởng Hồ Chí Minh là “kinh thánh”, cái gì, ở đâu cũng Mác nói thế này, Bác Hồ nói thế kia nhưng chẳng ăn nhập gì với thực tiễn, chẳng giúp ích cho thực tiễn. Trong khi đó thước đo lý luận là ở thực tiễn. Triết học Hồ Chí Minh là triết học thực tiễn, triết học hành động. Vì không hiểu, không nắm bắt được thực tiễn nên cán bộ để phong trào đi xuống, dân tình kêu ca, thế thì cán bộ ấy hiểu gì về Chủ nghĩa Mác, về tư tưởng Bác Hồ?

Lại có khuynh hướng tuyệt đối hóa Tư tưởng Hồ Chí Minh mà bỏ qua Chủ nghĩa Mác, cho rằng vì Tư tưởng Bác Hồ mới phù hợp, thích hợp với cách mạng Việt Nam. Khuynh hướng này hoặc là lười học lý luận, kém hiểu biết, đơn giản hóa hoặc là a dua theo tư tưởng phản động đang muốn tách rời Tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác. Trong khi đó Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng Chủ nghĩa Mác một cách sáng tạo, phát triển một cách sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam để tạo ra một hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, mà cho đến hôm nay thực tế đã chứng minh một cách sinh động nhất đó là sự đúng đắn của thời đại, của lịch sử. Chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, là ngọn cờ, là điểm tựa cho cách mạng Việt Nam tiếp tục vững bước đi lên gặt hái những thành tựu mới. Không chỉ tiếp thu, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác mà Bác Hồ còn tiếp thu những tinh hoa tư tưởng khác của dân tộc và nhân loại. Người từng nói: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội… Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” (1). Thế nên Tư tưởng Hồ Chí Minh đậm đà bản sắc riêng: giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, quốc gia và quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã có những đóng góp lớn lao đối với sự phát triển, làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Vì những lẽ này, đối với cách mạng Việt Nam, Chủ nghĩa Mác và Tư tưởng Hồ Chí Minh là một khối thống nhất, hữu cơ, không thể tách rời.

4. Tư tưởng của Bác Hồ và chính Người là hiện thân của quan niệm “một tấm gương sống còn giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tâm lý học hiện đại khẳng định phương pháp giáo dục tốt nhất là giáo dục bằng chính nhân cách nhà giáo dục. Đảng ta cũng yêu cầu cán bộ đảng viên lãnh đạo bằng cách nêu gương. Thế mà ở một số nơi có cán bộ lại theo đuôi quần chúng, không bằng quần chúng. Có cán bộ lãnh đạo cao nhất (giám đốc) mà khi cả nước căng mình chống dịch Covid thì ngược lại, làm “tấm gương xấu” cho mọi người! Những người này thường là người ích kỷ chăm chăm vun vén lợi ích cá nhân, “cánh hẩu”, “vị lợi riêng quên lợi chung”...

5. Bi quan về chủ nghĩa xã hội, dao động trong suy nghĩ, việc làm. Đến nay ai cũng thấy sự đổ vỡ của Liên Xô (cũ) là tất yếu vì những sai lầm quá lớn, nhưng có cán bộ đảng viên ta chỉ nhìn thấy hiện tượng rồi nghe lời kích động của kẻ xấu mà có những phát ngôn không chỉ ngược với đường lối Đảng mà còn ngược cả với đạo lý truyền thống. Cũng vì bi quan mà thu mình lại trong cái vỏ ốc cá nhân nên có cán bộ né tránh, ngại va chạm, không dám đấu tranh, không có chính kiến, cơ hội đúng kiểu “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi” như Bác Hồ từng lên án.

6. Lại có cán bộ đạt được một ít thành tích thì lên mặt thỏa mãn, cứ huênh hoang cho rằng cơ quan đi lên là nhờ “tài năng” mình lãnh đạo. Họ đã không biết rằng “nước lên thuyền lên”, cơ quan ấy nằm trong tổng thể công cuộc Đổi mới chung của Đảng. Hơn nữa, dù người ấy có tài thật nhưng cũng còn nhờ sự ủng hộ của đồng chí đồng nghiệp, quần chúng...

Cần có giải pháp nào để sửa chữa, khắc phục!

Một là, đưa cuộc Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào thực chất hơn nữa. Thực tế cho thấy việc đẩy mạnh Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là đúng đắn, cần lan toả sâu rộng hơn nữa vào mọi tầng lớp, nhất là với cán bộ đảng viên. Phải coi đây là việc làm thường xuyên, lâu dài, hàng ngày. Đây là cách rất cơ bản để “nâng cao đạo đức cách mạng” góp phần “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Hai là, cần có chế độ kiểm tra, giám sát việc học tập lý luận, nghị quyết Đảng một cách chặt chẽ, thưởng phạt công minh, đưa vào tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cán bộ đảng viên.

Ba là, đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu một cách thiết thực, hiệu quả Chủ nghĩa Mác Lê-nin - một trí tuệ lớn lao, một tài sản văn hóa tinh thần vô giá của nhân loại. Cần chứng minh sự gặp gỡ với các chủ nghĩa, các trào lưu tư tưởng lớn khác trên thế giới xưa nay để thấy được giá trị, chiều sâu và ý nghĩa phổ quát của Chủ nghĩa Mác. Cần khắc phục thực tế ở một số trường đại học hiện nay, dạy và học Chủ nghĩa Mác – Lênin còn đại khái, hình thức.

Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chống tham nhũng vừa để trong sạch, lành mạnh hóa Đảng lãnh đạo vừa củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Năm là, tư tưởng Hồ Chí Minh có một mạch nguồn từ văn hóa dân tộc, do vậy việc phục hưng, làm sống lại các giá trị văn hóa cổ truyền chính là một cách tăng cường sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh. Ví như tình yêu con người, trọng người, quý người hay tinh thần đoàn kết... trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì những điều ấy đã rất sâu đậm trong truyền thống dân tộc. Hạt nhân cơ bản của văn hóa truyền thống là văn hóa gia đình. Bác Hồ vĩ đại là nhờ được sinh ra trong một gia đình nền nếp, lao động và trọng chữ nghĩa, trọng luân lý. Thế nhưng cấu trúc gia đình hiện đang bị lung lay dẫn đến những hậu quả dễ thấy như đạo hiếu bị coi thường, tình anh em, vợ chồng bị coi thường... Rất nên đưa giáo dục văn hóa gia đình vào giảng dạy ở nhà trường từ phổ thông đến đại học.

T.C.T

---------

(1).Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện nghiên cứu tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, NXB Khoa học xã hội, 1996, tr 152.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)