Bất chợt mai vàng

Chủ Nhật, 21/01/2024 00:31

(Đọc Bất chợt mai vàng, tập truyện của Nguyễn Trí Huân, Nxb Văn học, 2023)

. TÂM ANH
 

Nguyễn Trí Huân thuộc thế hệ nhà văn quân đội trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Sau nhiều năm bận rộn với công tác quản lí ở những cơ quan văn học nghệ thuật lớn nhất nước như tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, giờ khi đã thảnh thơi, có thời gian dành cho sáng tác, ông lại trở về với đề tài tâm huyết đã làm nên tên tuổi của mình - người lính và chiến tranh cách mạng - bằng tác phẩm mới Bất chợt mai vàng.

Viết về chiến tranh ở thời điểm hiện tại là một việc khó, vì nhiều lẽ. Sau cải cách mở cửa 1986, đặc biệt là sau sự xuất hiện của “hiện tượng” Nỗi buồn chiến tranh, mấy thập kỉ qua, dường như các nhà văn Việt Nam đã khai thác đến kiệt cùng các phương diện của đề tài này. Từ việc mở rộng biên độ (viết về chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc), sử dụng các thủ pháp nghệ thuật mới (huyền ảo, dòng ý thức, phân mảnh, nghịch dị…), đi sâu vào những vấn đề mới (bi kịch hậu chiến, tâm linh, chấn thương chiến tranh, hòa giải…) đến việc mở rộng nhận thức, tư duy về chiến tranh (từ bỏ suy nghĩ đơn giản một chiều “ta thắng địch thua”, “ta tốt địch xấu”…) có thể nói các nhà văn Việt Nam đã làm tất cả trong phạm vi năng lực của mình để miêu tả các cuộc chiến tranh trong thế kỉ trước một cách ấn tượng nhất. Dẫu chưa có được một Chiến tranh và hòa bình phiên bản Việt như mong ước, nhưng các tiểu thuyết về chiến tranh trong những năm qua đã “hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” đó là tái hiện nên một bức tranh vừa sâu vừa rộng về chiến tranh. Điều này là một tín hiệu tốt, tất nhiên, nhưng nó cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với các tác phẩm viết sau về việc bung phá khỏi sự quen thuộc. Bất chợt mai vàng của Nguyễn Trí Huân, theo quan điểm cá nhân tôi, đã vượt qua được thử thách ấy bằng sự nghiêm cẩn của người cầm bút với đề tài mình theo đuổi.

Cuộc chiến được Nguyễn Trí Huân miêu tả trong hai truyện dài của tập truyện là Bất chợt mai vàngCon họa mi lông xù vừa bay vừa hót trải dài trên nhiều phương diện khác nhau. Đó là cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mĩ, chống Trung Quốc xâm lược trong thế kỉ trước và cuộc chiến với dịch Covid-19 diễn ra cách đây hai năm. Giữa các cuộc chiến ấy là cuộc chiến nội tâm dai dẳng, phức tạp với những mâu thuẫn tình cảm đan xen rối như tơ mành của các nhân vật, cụ thể là những người lính Tuân, Kháng, Hương (Bất chợt mai vàng), tướng Phong (Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót). Cuộc chiến nào cũng cam go, quyết liệt theo một cách khác nhau. Nguyễn Trí Huân đã khắc họa nên những ràng buộc vừa chặt chẽ vừa mâu thuẫn, đan xen giữa trách nhiệm, bổn phận với danh dự, lợi ích trong mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, giữa dòng họ với đất nước và thời cuộc xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại. Các cuộc chiến ấy tạo nên thế “chân kiềng” đưa các nhân vật liên tục chuyển từ trạng thái “chiến tranh này sang chiến tranh khác” và chỉ chấm dứt khi họ đã đi gần hết quãng đời trên cõi tạm, “ngộ” được cái đạo khôn cùng của trời đất và cái tình thăm thẳm của con người như bà Hương, ông Tuân (Bất chợt mai vàng) hay thậm chí là chỉ chấm dứt hoàn toàn khi đã đi vào cõi vĩnh hằng như tướng Phong (Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót).

Là tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, hẳn nhiên trong hai thiên truyện sẽ không thể thiếu những trang viết miêu tả đau thương, mất mát, tổn thất, bi kịch trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do của dân tộc. Những mất mát, đau thương (vợ mất chồng, con mất cha mẹ, người dân bị bắn chết, nhà cửa, của cải bị tàn phá…), những bi kịch, chấn thương thời bình... được Nguyễn Trí Huân miêu tả với ngòi bút điềm tĩnh, coi đấy là một hệ quả tất yếu không thể nào tránh khỏi của chiến tranh. Cái mà ông chú tâm là điều gì còn lại sau những đau thương mất mát ấy. Sau mất mát đau thương là tình người trong hoạn nạn, là nghị lực vươn lên trong cuộc sống (trường hợp vợ chính ủy trong Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót); là tủi hổ, ân hận như lão Tuân nhưng cũng có thể là cơ hội, là trục lợi (lão Vãn trong Bất chợt mai vàng là một “con chim lợn” đúng nghĩa)… Ngòi bút của Nguyễn Trí Huân cho chúng ta thấy cuộc sống vẫn vận động theo quy luật của nó ngay cả trong chiến tranh. Cuộc sống bao trùm lên chiến tranh, tức chiến tranh chỉ là một phần của cuộc sống. Chiến tranh không phải bất thường mà là việc… bình thường của con người. Con người ngay từ khi sinh ra đã bắt đầu lao vào cuộc chiến sinh tồn với trời - đồng loại - chính bản thân nhằm sinh tồn và truy cầu hạnh phúc. Vậy nên thay vì ngợi ca hay phê phán, phấn khích hay sợ hãi, hãy chỉ nên coi đó là việc bất chợt (chứ không bất ngờ) có thể xảy ra của đời người, của xã hội như ngẫm ngợi của tác giả cuối truyện Bất chợt mai vàng: “Ngẫm ra, cuộc đời con người là sự xâu chuỗi của những điều bất chợt. Bất chợt vui, bất chợt buồn, bất chợt sống, chết, bất chợt bạn bè… Nhưng sẽ chẳng có sự bất chợt nào đáng kể hơn sự bất chợt mai vàng trước cửa nhà tôi.” Không chỉ riêng với Nguyễn Trí Huân, mà bất cứ nhà văn nào khi ở độ tuổi của ông, tác phẩm đều ít nhiều mang màu sắc của Lão - Trang. Tôi tin thế.

Bên cạnh chiến tranh, một điểm khác rất đáng lưu tâm trong tập truyện này là những trang viết về vấn đề cái cách ruộng đất trong Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót. Đây là phần đáng đọc nhất của tập truyện. Vấn đề cải cách ruộng đất xưa nay vốn được nhiều nhà văn tập trung miêu tả ở góc nhìn của người bị đấu tố, bị oan sai nhưng trong Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót, nhà văn lại miêu tả dưới góc nhìn của “người phán xử” như tướng Phong (khi còn là chàng trai mười tám, đôi mươi). Việc thay đổi điểm nhìn luôn bao hàm sự thay đổi về nhận thức. Qua cái nhìn của Phong, một người thanh niên tốt bụng, thật thà nhưng chưa trải việc đời (khi thực hiện cải cách ruộng đất “đã lăn xả vào công việc cứ nghĩ là mình đang làm việc cho dân, cho nước” chứ không hề có ý định lợi dụng chính sách để trả thù hay tư hữu) và sự xuất hiện trở lại ở làng Hạ của anh Dung từ chiến trường Điện Biên, với Nguyễn Trí Huân, những sai lầm của cuộc cải cách ruộng đất dường như xuất phát chủ yếu từ “vấn đề nhân sự”. Cùng một chủ trương, chính sách nhưng Phong (thời trai trẻ) và anh Dung đã hành động theo những phương thức khác nhau, đưa đến những kết cục hoàn toàn trái ngược. Với kiến giải này, Nguyễn Trí Huân đã đem lại cho tác phẩm của mình một diện mạo khác biệt so với nhiều tác phẩm cùng đề tài.

Những nhân vật quan trọng nhất trong hai thiên truyện là những người lính. Họ có xuất thân đa dạng, từ nông dân như tướng Phong, con nhà cơ bản như Tuân, thành phần trí thức tiểu tư sản như vị chính ủy, hay gia đình có vết đen lí lịch như Kháng hoặc có truyền thống cách mạng như Hương. Trong các cuộc chiến mà người lính phải đương đầu, cuộc chiến nội tâm là dai dẳng, phức tạp nhất. Ở cuộc chiến này, các mâu thuẫn nội tâm của nhân vật dồn lại trên ba trục chính: tình yêu, tình đồng đội và quan hệ dòng tộc. Hương yêu Kháng, người đã có vợ và bốn con. Kháng cũng có tình cảm với cô. Cả hai đã phải trải qua những giây phút đấu tranh quyết liệt để không đi quá xa đến mức không thể cứu vãn được. Tướng Phong và vợ chính ủy có xúc cảm với nhau. Nhưng họ cũng không đủ can đảm bước qua hàng rào luân lí đạo đức. Họ cứ đi bên nhau, chấp chới bên nhau bằng một thứ tình cảm của những người tri kỉ khác giới. Tuân vừa ghét Kháng (vì có tình yêu của Hương), vừa cảm ơn và mến phục Kháng (vì đã bao dung, độ lượng cứu mình nhiều phen). Sau cùng, hành động đi đánh trận thay và sự hi sinh của Kháng đã khiến Tuân phải dằn vặt suốt phần đời còn lại. Bao năm Tuân không dám đến gặp gia đình Kháng để nói một lời cảm ơn, một lời xin lỗi mà chỉ dám gửi tặng cây mai vàng như một tín hiệu cầu mong sự tha thứ, chia sẻ. Với hai trục đấu tranh nội tâm này, Nguyễn Trí Huân đã làm nổi bật lên vẻ đẹp của người lính cách mạng. Đó là vẻ đẹp của tình yêu nước nồng nàn, tình vợ chồng son sắt thủy chung, tình đồng chí đồng đội cao thượng, trong sáng, vô tư.

Đến trục đấu tranh thứ ba, nhà văn lại hướng tới những vấn đề phức tạp thuộc về căn tính dân tộc: mối quan hệ giữa cá nhân - dòng tộc - đất nước. Ông Tuân (Bất chợt mai vàng) sợ đi lính vì là độc đinh. Chưa có được đứa con nối dõi tông đường cho dòng họ thì ông chưa sẵn sàng chết. Khát vọng có đứa con nối dõi tông đường lớn đến mức ông đã định đào ngũ theo giặc để mong có một đứa con. Sau này Tuân đã đạt được nguyện vọng nhưng phải hứng chịu sự coi thường từ những người đồng đội. Ở chiều ngược lại, tướng Phong (Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót) trong men say của lí tưởng cách mạng đã đấu tố, giẫm đạp lên cả người thân ruột thịt và dòng họ vốn một lòng một dạ theo cách mạng. Cái giá phải trả sau này của tướng Phong quá lớn. Sau khi được giải oan, quê hương và dòng họ đã từ mặt Phong, tên ông bị xóa khỏi gia phả. Dù cho sau này Phong lập được bao nhiêu chiến công trong cuộc kháng chiến, được phong tướng, làm được bao nhiêu việc có ích cho đất nước, cho quê hương những mong “lập công chuộc tội” vẫn không được dòng họ tha thứ, thậm chí khi đã chết, ngay cả khi được người dương đồng ý xóa tội thì các đấng tổ tiên linh thiêng ở thế giới bên kia thông qua quẻ âm dương vẫn không dung thứ. Có thể nói, Nguyễn Trí Huân đã đặt nhân vật người lính của mình vào hoàn cảnh éo le nhất: người được dòng họ tôn vinh thì trong mắt xã hội lại là loại hèn nhát, người được coi là có công lớn cho đất nước lại bị dòng tộc coi là kẻ tội đồ “trời không dung, đất không tha”. Cả hai, người đặt dòng tộc lên trên đất nước, người đặt đất nước lên trên dòng tộc, đều sống trong khổ sở, dằn vặt đến hết cuộc đời. Một sự oái oăm, tréo ngoe rất đáng để ngẫm ngợi. Những con người như ông Tuân, như tướng Phong luôn bị kẹt giữa “hai dòng nước” và mặc dù “đã dành cả đời mình, lúc nào cũng hối hả như sợ rằng sẽ không còn kịp để sửa chữa, cứu chuộc lỗi lầm của mình, cũng là lỗi lầm của một thời” nhưng sau cùng vẫn không được toại nguyện. Chiến tranh dẫu là bình thường, dẫu là bất chợt nhưng vẫn đủ sức gây nên những dư ba chấn động cho con người, đặc biệt là những người can dự trực tiếp nhất như người lính.

Những người lính cách mạng trong hai thiên truyện hiện lên với đầy đủ những phẩm chất, tính cách tốt và xấu, những mặt được và chưa được của con người. Họ là đại diện tiêu biểu và có thẩm quyền phát ngôn về chiến tranh và thời đại mình sống. Với Bất chợt mai vàng, Nguyễn Trí Huân một lần nữa xác tín về điều ấy.

T.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)