VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Viết sách cho thiếu nhi: Đọc trang đầu phải đọc trang sau

Thứ Hai, 30/01/2023 11:43

Nếu trước đây đa phần văn học thiếu nhi là tác phẩm dịch cũng như được viết từ rất lâu về trước, thì thời gian gần đây có nhiều tác phẩm trong nước được cho ra mắt. Đáng nói đây chủ yếu là các tác phẩm mới, thu hút được lượng độc giả nhỏ tuổi và cả người lớn.

Trong năm 2022 Nhà xuất bản Trẻ đã cho ra mắt hai tác phẩm đầu tiên trong Tủ sách Văn học thiếu nhi, gồm Thung lũng Đồng Vang của nhà văn Trung Sỹ và Những truyện kỳ thú về cọp chưa ai kể của nhà báo Nguyễn Lam Điền. Cả hai tác phẩm đều kèm theo phần minh họa sinh động, bắt mắt… góp phần thu hút thêm độc giả trẻ. Những ngày đầu năm 2023 thì Thung lũng Đồng Vang đã được trao giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2022.

Là một nhà văn quen thuộc viết về chiến tranh, lần này độc giả sẽ rất bất ngờ khi thấy một Trung Sỹ rất khác khi viết những chuyện trong trẻo. Trong khi đó bằng những câu chuyện dân gian mình từng nghe được khi còn thơ ấu, nhà báo Nguyễn Lam Điền đã phục dựng được những mảnh ghép nhỏ về “ông Ba Mươi” đầy linh thiêng cũng như kì bí trong đời sống tín ngưỡng dân gian như một lối mở cho trẻ em lật giở những kì ảo của cuộc sống. Đầu xuân Quý Mão, VNQĐ đã có cuộc trò chuyện nhỏ với hai tác giả.

- Xin chào nhà văn Trung Sỹ và nhà báo Nguyễn Lam Điền. Trước hết tôi muốn hỏi nhà văn Trung Sỹ, xin ông cho biết viết khi viết Thung lũng Đồng Vang thì ông có gặp nhiều khó khăn không khi viết về một đề tài khác hẳn với những tác phẩm trước đây của mình?

Nhà văn Trung Sỹ: Tôi thấy không có khó khăn gì nhiều bởi ai cũng có và thương nhớ một tuổi thơ của mình trước khi rời mái ấm ngôi nhà cha mẹ, trưởng thành trong cuộc đời vất vả. Dù giàu hay nghèo thì đứa bé nào cũng có những người bạn chuồn chuồn, dế mèn, có cào cào châu chấu cùng lũ chim chóc, có những người bạn thuở thiếu thời của mình. Con chim chào mào ngày bé nó hót khác bây giờ, con dế gáy ngày bé nó cũng gáy khác bây giờ. Tôi nhớ và trở lại góc nhìn đấy, đặt trong hoàn cảnh sống hôm nay, và viết thôi.

Nhà văn Trung Sỹ.

- Viết về những em bé vùng cao, người Tày, người Nùng, về những chuyện kể tín ngưỡng, cổ truyền… Xin các ông cho biết mình lấy cảm hứng từ đâu?

Nhà văn Trung Sỹ: Như đã có lần trả lời, tôi có thời gian gần chục năm làm công trình thủy điện trên Thất Khê, thuộc tỉnh biên giới Lạng Sơn. Đấy là quê hương của đồng bào Tày - Nùng. Công nhân cán bộ trong nhà máy thủy điện cũng là toàn bộ các em, các cháu dân tộc địa phương được chúng tôi đào tạo và hiện vẫn đang vận hành nhà máy. Tôi sống với đồng bào, được họ coi như người nhà. Chẳng có lí gì khi ở vùng cao từng đấy thời gian mà không có nhiều hiểu biết phong tục cùng những kỉ niệm đẹp trên một vùng đất đẹp.

Nhà báo Lam Điền: Những truyện kỳ thú về cọp chưa ai kể chỉ là mấy chuyện nho nhỏ mà tôi từng được bố kể, như một kiểu lưu truyền trong gia tộc vậy. Đến khi kể lại cho con trai nghe, thì tôi thấy con mình vẫn rất thích thú, làm tôi nhớ lại hồi nhỏ mình cũng thích thú như thế khi được nghe bố kể. Từ đó mới nghĩ nếu mình viết ra và in được thành sách phát hành cho các em nhỏ thời nay cùng đọc, biết đâu chúng cũng sẽ thích, vậy thì cũng hay hay. Vậy thôi chứ không có gì nghiêm trọng.

Nhà báo Nguyễn Lam Điền.

- Sau tác phẩm này, hai tác giả thấy viết cho thiếu nhi so với viết cho độc giả là người lớn thì có khó hơn không? Và liệu có thông điệp nào được ngầm gửi gắm?

Nhà văn Trung Sỹ: Tôi thấy viết cho thiếu nhi dễ hơn viết cho các độc giả lớn tuổi bởi dẫu sao cũng là viết về những điều đã trải qua. Hơn nữa có thể dừng lại ở việc mô tả sự kiện dưới góc nhìn trong sáng vui vẻ của chúng mà không nhất thiết phải mổ xẻ, đào xới lật lên lật xuống các vấn đề mang nặng tính xã hội rồi lý giải nó.

Cá nhân tôi nghĩ viết cho các em nên cần thiện lành nhân ái, như cây cối cần có tính hướng sáng vậy. Tuy nhiên như các nhà chuyên nghiên cứu đã nhận xét, rằng trong mỗi chuyện cổ tích của Andersen đều có một câu chuyện thứ hai cho người lớn.

Nhà báo Lam Điền: Đây là nguyên bản các câu chuyện dân gian được lưu truyền, tôi nghe sao kể lại vậy, nên nhìn chung là không có phần rút ra bài học gì đâu. Chuyện rút ra gì đó chắc thuộc về một giới nào đó, hoặc phụ huynh, hoặc các nhà phê bình, hoặc chính các bạn đọc... Dù có là ai thì cũng đều tốt cả.

- Các ông nghĩ đâu là yếu tố cần có của một tác phẩm thiếu nhi hay và có chỗ đứng lâu dài trong lòng bạn đọc? Có phải sự tương tác - gắn kết giữa cha mẹ và con cái là mục đích chính khi viết các truyện thiếu nhi ở thời buổi này?

Tác phẩm Thung lũng Đồng Vang của nhà văn Trung Sỹ.

Nhà văn Trung Sỹ: Tôi nghĩ một tác phẩm thiếu nhi hay đầu tiên là phải có sự hấp dẫn, lôi cuốn được các em. Có thể hấp dẫn bằng cốt chuyện phiêu lưu, bằng những khung cảnh thần tiên đầy phép lạ, có khi chỉ bằng việc giúp các em nhìn thấy những góc cạnh khác của những người bạn học cùng lớp, những đồ vật gia dụng, những con vật nuôi quanh ta hằng ngày… nhưng nhất thiết mỗi người đọc nhỏ tuổi phải thấy như mình có mặt, được tham gia trong các câu chuyện đó trong tình thân ái, nghĩa cử nhân văn.

Nhà báo Lam Điền: Tôi nghĩ cứ để các em đọc những gì mà các em thích. Nếu đọc trang đầu mà các em vẫn còn hứng thú đọc tiếp trang sau thì đó là cách trả lời tốt nhất cho việc truyện ấy có hợp với lứa tuổi không. Vì trừ khi việc đọc gắn với nhiệm vụ nào khác, chứ nếu chỉ vì ham thích nội dung mà đọc sách, thì chẳng ai lật trang kế tiếp nếu trang trước mắt đáng chán đến đọc không hết. Phải vậy không?

Các phụ huynh thì nếu có đọc cũng như thích đọc thì cũng hay hay. Nếu phụ huynh cùng đọc với con là việc rất hay, bất kể là loại sách nào. “Tăng tính tương tác” là một khái niệm cũng hay nhưng hơi lớn lao, ở đây tôi chỉ viết ra vài chuyện nho nhỏ, nên dù là các em hay phụ huynh đọc thì đều đáng quý cả.

Cuốn sách Những truyện kỳ thú về Cọp chưa ai kể của tác giả Nguyễn Lam Điền.

- "Viết ra cũng là chữa lành". Ông thấy mệnh đề đó có đúng không thưa nhà văn Trung Sỹ, khi ông viết ra câu chuyện rất trong trẻo và đầy tươi sáng như Thung lũng Đồng Vang, đối lập với những trải nghiệm khốc liệt trong đời lính của mình?

Nhà văn Trung Sỹ: Vâng. Viết cho con trẻ, cho những ngày hòa bình yên ả giữa thành phố hay làng quê mình cũng là một cách để làm dịu đi những năm tháng khốc liệt chiến trường. Mà kể cả có những vết sẹo tinh thần khó lành thì viết cũng như một sự tự an ủi, một thứ thuốc an thần.

Nhà văn Trung Sỹ tên thật là Xuân Tùng, sinh năm 1960 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trung học, năm 1978, ông tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm, trong đó Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu từng lọt vào danh sách đề cử chính thức của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13, năm 2020. Các tác phẩm khác của ông có thể kể đến như Chuyện Lính Tây Nam, Đội trinh sát và con chó Sara…

Nhà báo Nguyễn Lam Điền hiện công tác tại báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh. Anh có một căn nhà không phải để sống mà là để sách. Ước mơ của anh là làm các từ điển giải thích ngôn ngữ, hoặc là mọi thứ liên quan đến ngôn ngữ. Những truyện kỳ thú về cọp chưa ai kể là quyển sách đầu tiên anh viết dành tặng cho mọi phụ huynh và mọi trẻ em theo cách “nếu phụ huynh thiếu chuyện để kể và trẻ em thiếu truyện để nghe”.

THUẬN NGÔ thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)