Lịch sử là giấc mơ của sự thật

Thứ Hai, 05/06/2023 15:44

Lê Vũ Trường Giang sinh năm 1988 tại Huế, tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học Huế. Anh là tác giả của 8 tác phẩm, công trình trên nhiều thể loại như bút kí, truyện ngắn, khảo cứu văn hóa, đã đoạt hàng chục giải thưởng văn học trung ương và địa phương. Riêng với Văn nghệ Quân đội anh đoạt giải Ba Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới (2018 - 2019); Tặng thưởng truyện ngắn năm 2010 và Tặng thưởng bút kí năm 2018. Với Hội Nhà văn Việt Nam, tác phẩm Bạc màu áo ngự của anh được trao Giải thưởng Tác giả Trẻ năm 2022.

- Trước hết xin chúc mừng anh vừa đoạt giải tác giả Trẻ của Hội nhà văn Việt Nam với tập truyện ngắn Bạc màu áo ngự. Cảm xúc của anh khi đoạt giải thưởng này?

+ Tôi rất vui. Đó là một vinh dự trong sự nghiệp sáng tác và là nguồn động viên để tôi tiếp tục cầm bút, lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc nhất. Bạc màu áo ngự được trao giải thưởng lần này khiến tôi rất bất ngờ đến không thể tin được, vì phải vượt qua nhiều vòng chấm công tâm, kĩ lưỡng của các ban giám khảo và nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ khác, nhiều trong số họ rất nặng kí, rất có chất lượng mà tôi mến mộ. Và một thực tế nữa tôi vẫn chưa thật sự tâm đắc lắm với tác phẩm của mình.

- Đề tài lịch sử là sở trường của anh và nó cũng chiếm dung lượng lớn trong tập Bạc màu áo ngự. Tôi cũng thích đề lịch sử như anh nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nghe thấy rằng, do các tác giả bí đề tài nên mới viết lịch sử bởi ở đó có những cốt truyện sẵn. Anh nghĩ sao về ý kiến này?

+ Nếu nói tác giả bí đề tài thì chúng ta đã không có Nguyễn Huy Tưởng, Võ Thị Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh… Và ngay cả người đang phỏng vấn tôi là nhà văn Uông Triều đây cũng là một tác giả khiến văn đàn “sửng sốt” vì những gì được cho là “bí đề tài”. Và “cốt truyện có sẵn” duy nhất chính là những nhân vật trong tác phẩm đa phần chỉ là cái bóng của thời gian, những người không còn cơ hội để nói những gì chân thật nhất, sâu kín nhất trong con người họ.

Nhìn chung đề tài lịch sử trong văn học xoay quanh những vấn đề còn bỏ ngỏ trong lịch sử dân tộc, nhất là đời sống chính trị của tầng lớp trên. Lòng yêu nước, những tấm gương đạo đức, những phản kháng trước thế lực ngoại bang, những chuyện đấu đá nội cung, tranh giành vương vị… đã vẽ nên một bức tranh sống động, chân thật của thời đại xa xăm theo cách của riêng mình. Lịch sử luôn còn đó những dấu hỏi, những bí ẩn không có lời giải đáp, những sâu kín tâm hồn của nhân vật lịch sử mà chúng ta khó lòng tiếp cận được. Tôi quan niệm rằng lịch sử là giấc mơ của sự thật. Những khoảng trống còn lại là công việc của nhà văn, chỉ có thể là nhà văn mới đào xới lên những điều tưởng chừng ngõ cụt, tưởng chừng là đúng/sai, tưởng chừng đã đóng đinh trong tri thức lịch sử. Một sự phóng tưởng xuyên thời gian dựa trên những cứ liệu thuyết phục, rằng quá khứ luôn luôn là kho báu cho mỗi bài học của chúng ta. Nói như vậy để biết rằng, sự tưởng tượng, sáng tạo của nhà văn đẩy đến độ cực hạn vì anh phải quay về quá khứ vài chục năm, vài trăm năm thậm chí đến cả nghìn năm để trò chuyện với nhân vật, sống cùng nhân vật, ăn ở, suy nghĩ cùng nhân vật. Nếu không có cái căn nền của tri thức, niềm đam mê với dĩ vãng, cảm quan nhạy bén với thời gian và một tư chất sáng tạo thì thật khó để viết một tác phẩm văn học về đề tài lịch sử.

Lê Vũ Trường Giang thứ 2 từ phải sang cùng các bạn viết trẻ

- Và khi viết về lịch sử, triết lí của anh là gì, chiêu tuyết cho nhân vật lịch sử hay chỉ là phục dựng, tái hiện sự kiện, biến cố?

+ Tôi bị hấp dẫn bởi thứ tinh thần bứt phá từ đám đông của những con người có tâm hồn hồi cố, luôn căng đầy hứng thú với trò chơi của lịch đại. Tôi tò mò rằng lịch sử sau cánh cửa này chứa đựng gì, có thật sự hấp dẫn và cần thiết cho chúng ta, những người đang sống trong hiện tại này không. Tôi muốn hiểu biết quá khứ, một cách chân xác nhất có thể. Dĩ nhiên, sống trong một thời đại ai cũng muốn tiến về phía trước, mình lại đi lùi, cạy cục với những thứ quá vãng, những con người chỉ còn trong sách vở, bi kí hay chỉ là câu chuyện truyền miệng của bao người. Với lịch sử, chúng ta còn quá nhiều việc để làm. Đó là một đời sống khác tôi hằng thích thú. Nhưng càng thích thú hơn cái tôi muốn đào sâu, muốn khám phá là thời gian, vấn đề này bao trùm lên tất cả. Tôi đang sống và viết bên dòng thời gian, điều đó gợi cho tôi nhiều hiếu kì về cái sống, cái chết, cái còn, cái mất. Thời gian lướt qua, thật sự lướt qua, đi ngược chiều lại ý muốn, ý chí của tất cả chúng ta, nói như Nietzsche “phải đau đớn, đau đớn về sự lướt qua và muốn mình lướt qua mình”. Lịch sử dường như là sự lướt qua cả hiên ngang lẫn quằn quại.

- Và với những nhân vật, sự kiện gây tranh luận như vua Gia Long hoặc Mậu Thân ở Huế, anh sẽ xử lí thế nào, liệu anh có run tay hoặc sợ bị ném đá?

+ Quan điểm của tôi là sự tiếp cận và chọn điểm nhìn phù hợp mà người viết có thế mạnh, có sự am hiểu thấu đáo. Tôi không giỏi trong việc tạo ấn tượng hay tạo tranh luận. Làm “nóng” tác phẩm bằng những chi tiết nhạy cảm/phản cảm, hoặc ngẫu hứng hoặc tất nhiên, không phải là thượng sách. Văn chương là vẻ đẹp, nó đến từ cái đẹp, từ nhân văn, nhân bản và công việc của nhà văn là hướng đến những giá trị phổ quát đó. Hãy trả những gì của lịch sử cho lịch sử đúng nhất mà anh có thể. Tôi thường đặt mình trong hoàn cảnh cụ thể, thời gian cụ thể hay nói cách khác khi viết tôi phải “xuyên không” phải “hóa thân/nhập thân” vào nhân vật. Khi đó thời gian thực không còn tồn tại nữa. Tôi đã sống và viết như những gì đã trải qua trong tâm tưởng rằng tôi cũng có ở đó, với họ thời điểm này, sự kiện kia. Và khi chọn được điểm nhìn rồi, tôi sẽ đồng cảm, thấu hiểu. Và như trên đã nói, hãy chạm tới cái đẹp nhất nếu có thể. Làm nhà văn, anh phải mạnh dạn chạm vào những vùng mà người khác ngại khám phá. Cái tôi tự tin nhất là nền tảng tri thức lịch sử, văn hóa, những thứ sẽ làm giàu cho tác phẩm. Nếu có dư luận, trước hết tôi sẽ lắng nghe, tiếp thu. Nếu vấn đề đó không chính xác tôi rất cảm ơn sự quan tâm của người đọc về tác phẩm của mình. Nếu là sự bịa đặt, chụp mũ tôi chọn cách im lặng.

- Với vai trò là nhà văn am hiểu lịch sử, anh có định thổi luồng gió mới vào lịch sử với quan điểm hiện đại và có những kiến giải mới dưới ánh sáng khoa học?

+ Có thể tôi thuộc một tip người thích làm điều gì đó khác biệt. Tôi thích cái mới, thích sáng tạo nhưng sức vóc có hạn nên vẫn còn lầm lũi trong ngõ nhỏ. Anh đã đưa ra một vấn đề lí thú là có sự can thiệp “dưới ánh sáng khoa học” và có thể đây là một kênh cần thiết cho những nhà văn viết về đề tài lịch sử. Khoa học đơn giản chỉ là sự thay thế sai lầm này bằng sai lầm khác tiến bộ hơn. Khoa học luôn mang khát vọng về chân lí, về cái đúng nhất, tương đối nhất, điều mà con người dường như luôn khát khao. Lịch sử sẽ hấp dẫn hơn, thú vị hơn trước những quan điểm mới, thông tin mới mà trước đó dường như là định kiến bất di bất dịch. Bản thân tôi cũng thích thú với những vấn đề này, nhất là sự thay đổi nhận thức. Và trong tác phẩm văn chương, những cái mới này là cần thiết, nó cho bạn đọc một cách nhìn mới, khác với những gì mà chúng ta nói ở trên là “những cốt truyện sẵn”.

- Ngoài truyện lịch sử ra tôi biết anh còn viết bút kí văn học và khá thành công với thể loại này, ví dụ tập Đi như là ở lại. Điều gì thôi thúc anh lựa chọn thể tài không hề dễ này?

+ Bút kí là cả một sự hấp dẫn. Sự xác tín về nội hàm của thể bút kí văn học ở tính phi hư cấu (nonfiction) có thật sự cần thiết không, qua đó nắm bắt được những chất liệu chính yếu, rằng hiện thực là nền tảng và sự thật là tiêu chí của bút kí. Bút kí theo tôi phải đề xuất được thể văn phóng khoáng, mạnh mẽ, sâu sắc, lối viết linh hoạt, lúc khoan lúc nhặt, có thể nhẹ như lông hồng mà cũng nặng ngàn cân. Những tác phẩm bút kí có giá trị văn học ngoài đáp ứng các giá trị hiện thực được dung nạp, phải khai thác triệt để sức mạnh của ngôn ngữ, giá trị mĩ học, đặc tính nhân văn và hòa trộn nhiều thể loại được trích xuất như một bản hợp xướng ngôn ngữ, tạo nên lối viết liên văn bản đầy sức cuốn hút. Để làm được điều này không phải việc dễ dàng. Có lẽ tôi là người đã khắt khe với con chữ vì rằng những gì viết ra thì thật không thể tùy tiện.

Tôi cũng không chủ ý chọn bút kí trong quá trình lao động chữ nghĩa. Tôi chỉ thấy rằng dù gì chúng ta, những kẻ hiện hữu trong đời sống chật hẹp này nên chăng đuổi bắt một bầu trời khác ngoài cơn mơ đến đi sau mỗi giấc ngủ, là bầu trời của nắng gió, của cái đẹp, của những điều cần chiêm nghiệm về những vùng đất đã thức dậy hay đương mơ về một quá khứ xa xăm nào đó. May thay, bút kí vừa vặn cho mong muốn đó nên cũng tập tành một chút. Với tôi, tác phẩm bút kí là những “nguyên liệu nguồn” cần thiết để cung cấp cho các thể loại hư cấu như truyện ngắn, tiểu thuyết mà tôi đang xây dựng.

- Thế hệ 8x, đầu 9x các anh đã gặt hái nhiều thành công, ví dụ như Nguyễn Thị Kim Hoà, Đinh Phương, Trần Đức Tín… Anh nghĩ sao về những bạn viết cùng thời với mình, liệu họ có vượt qua các thế hệ trước trong một tương lai rất gần và trở thành những trụ cột của nền văn học đương đại?

+ Đó là những bạn văn rất siêu, luôn rạo rực sáng tạo, nghiêm túc trong lao động nghệ thuật và luôn có những thứ khiến người khác ngạc nhiên về sự cần mẫn, nhiệt tâm cùng con chữ. Tôi không dám đưa ra dự báo gì to lớn nhưng nếu có những vị trí thì họ rất xứng đáng bởi tôi tin rằng những gì các bạn đang làm chỉ là “khúc dạo đầu”, chúng ta còn cơ hội để chứng kiến cả một đường văn sau này. Ở đây tôi muốn nói rằng những người trẻ, chúng ta phải sống cùng sức mạnh dẻo dai của mình trên trang viết. Việc hệ định lại những giá trị để chúng ta theo đuổi có thể là những quyết định lịch sử của chính chúng ta. Tôi cũng quan tâm một ít về thứ tinh thần phản hiện thực - phản hiện thực truyền thống của văn học Việt Nam. Tinh thần phản hiện thực muốn tách rời khung hiện thực trước mắt và mở rộng “biên độ” của hiện thực được phản ánh. Đó cũng là lối đi mới cho văn chương mà những người viết trẻ nên chú tâm.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

UÔNG TRIỀU thực hiện

VNQD
Thống kê