Trong mưa có ba người

Thứ Hai, 28/12/2020 06:07

Trong mưa có ba người là truyện ngắn gần như nhập môn của tôi được viết vào năm 2007 in trên báo Văn nghệ Trẻ do nhà văn Bảo Ninh biên tập. Thực ra cũng chính do Bảo Ninh thúc giục tôi mới có truyện ngắn này. Nó được viết ra trong một khoảng thời gian kỉ lục với tôi. Hai tiếng rưỡi đồng hồ. Báo chí có ngày giờ không thể chậm trễ. Nó cũng chính là lần đầu tiên tôi thử sức viết cho báo chí. Và có được bài học rất thiết thân.

Làm thế nào để viết nhanh như thế? Đó là câu hỏi trước đó tôi thường đặt ra cho mình. Và cũng không thể hỏi ai. Câu trả lời của tôi đơn giản chỉ là bắt tay vào. Hi vọng lần sau sẽ nhanh hơn lần trước giống như anh thợ ngày càng cao tay nghề. Nhưng mọi việc diễn ra không đơn giản như thế.

Tôi không viết bằng cách ghi chú trước hết như một dàn bài. Đại khái là có chuẩn bị trước những nội dung gì cần viết. Cách thức này giống như bài tập làm văn từ thời phổ thông chán ngắt. Thế nhưng những bài học văn phổ thông với tôi là một tài sản. Cho đến tận bây giờ vẫn chỉ có thế thôi. Suốt từ thời đi học phổ thông cho đến nay tôi đã chẳng được học thêm chút nào về văn học nữa. Đó là một trở ngại rất lớn khi bắt đầu cầm cây bút sắt.

Không ghi ra giấy những gì định viết thì đương nhiên những thủ pháp thắt mở cho một truyện ngắn đều là ngẫu hứng. Câu chuyện và bút pháp nó dẫn mình đi. Cũng có lúc thất bại. Phải bỏ đi viết lại từ đầu. Chẳng sao cả. Đằng nào thì mình cũng có kiếm ăn bằng chữ nghĩa đâu. Có lẽ suy nghĩ lạc quan ấy đã nâng đỡ tôi suốt cả một chặng đường hơn chục năm với gần ba mươi cuốn sách đã in. Chẳng dài mà cũng không ngắn. Cách viết thiếu chuẩn bị ấy có lẽ hợp với tôi hơn cả. Một người chẳng bao giờ thấy cái hay của cốt truyện. Không những thế, mọi cốt chuyện trên đời hầu như đã có người viết cả rồi. Và hơn nữa, cái gọi là non-fiction với tôi chưa bao giờ được quan niệm là văn học.

Tất nhiên văn học phi hư cấu có những thành tựu của nó được nhiều người công nhận. Cũng chẳng sao cả. Giống như bên hội họa của tôi. Sẽ có hàng nghìn người vẽ một đối tượng tạo hình cho ra hàng nghìn tác phẩm khác nhau nhưng vẫn chia ra làm hai loại chính. Hư cấu và phi hư cấu.

Tôi chọn truyện ngắn Trong mưa có ba người là bởi những lí do như thế. Câu chuyện ở đây gần như không có chuyện. Đó là cách viết mà tôi lựa chọn cho mình kể cả khi viết những tiểu thuyết hơn trăm nghìn chữ. Chuyện này nói ra rất đáng phải xin lỗi các thầy giáo dạy văn.

Nhà văn ĐỖ PHẤN

*

*      *

Cơn mưa tháng bảy dai dẳng không ngờ. Chiếc xe buýt ào vào bến đậu. Tiếng phanh rít hậm hực. Người lái xe dĩ nhiên thuộc lòng từng bến đón trả khách. Đến cả hành khách cũng thuộc. Nhưng có lẽ như một đứa trẻ thuộc bài. Khi cô giáo bắt đứng lên đọc trước lớp một bài học thuộc lòng, nó sẽ đọc với một tốc độ phi mã. Một phần vì sợ không đọc kịp những gì nhớ ra trong đầu. Phần khác, cô giáo cũng thuộc bài, chả cần phải nghe kĩ thêm một lần nữa bài học mà mình còn thuộc hơn nó. Lái xe nào thì cũng đã từng đi học, ít nhất là học lái xe và những điều luật giao thông hết sức dài dòng. Cực kì bí hiểm. Đầy cạm bẫy. Tốt nhất là thuộc lòng cho kịp với tốc độ thi trắc nghiệm. Tốc độ xe đã có bộ phanh đảm nhiệm. Xe buýt đi như bão cuốn dưới mưa. Nó cũng chạy mưa? Cách bến đậu chỉ chừng hai chục mét. Vẫn rồ ga. Chỉ để phanh gấp.

Cách bến đậu chừng hai trăm mét, cơn mưa ập xuống. Đường càng vắng. Tiếng bánh xe xé nước rát rạt. Cái gạt nước trên kính lái giơ cánh tay gầy nhẳng vuốt mặt. Tiếng động phát ra lùng bùng, vấp váp.

Nhà chờ không một bóng người. Bến áp chót. Gọi là nhà mà không phải là nhà. Cái mái cong há hốc như cười. Nhe hàm răng sáng quắc là dãy ghế dài bằng inox cho khách chờ xe. Một thiết kế tuyệt vời dành cho văn minh công cộng. Hai ống thép trắng to bằng cỡ cây tre hàn dính với nhau thành “mặt” ghế. Chân cũng là hai chiếc ống ấy chôn sâu xuống mặt đất. Chưa từng có thứ gì trên đời chân giống như mặt. Người ta thường kính trọng mặt hơn chân. Lúc tức giận lên đến cực điểm. Chửi nhau. Gọi nhau là thằng mặt... giữa hai chân.

Hai người đàn bà xuống xe. Nhảy hai bước qua rãnh nước chui vào mái nhà chờ. Vào đến nơi mới biết. Nhà chờ được thiết kế chỉ để che những cơn mưa không gió. Và nắng thì luôn luôn phải ở giữa đỉnh đầu. Tuềnh toàng ba bên. Không thấy bản tin dự báo thời tiết nào đề cập đến góc nghiêng của hạt mưa. Trong thơ thì có. Thiết kế nhà chờ xe vì thế được phê duyệt. Nhân rộng ra khắp các thành phố. Loại một. Loại hai. Loại ba.

Không thể ngồi lên chiếc ghế ở nhà chờ xe. Nó thật là tục tĩu đối với những gì người ta định mời mọc. Nhưng cũng không thể đứng. Mưa hắt ướt gần hết hai ống quần. Mà phụ nữ có vẻ sợ ướt quần hơn nam giới, chẳng biết vì sao. Ở quán bia thỉnh thoảng vẫn thấy vài ông từ nhà vệ sinh đi ra, cửa quần ướt loang rộng bằng cả bàn tay, vẫn nói cười vung vít, hò hét như điên.

Cuối cùng thì cũng phải tìm ra cách thích nghi. Hai người đàn bà lục lọi trong túi lấy ra lủng củng những món đồ dễ vỡ. Gương. Lược. Son phấn. Bút chì. Cặp tóc bằng nhựa. Lọ vitamin E và những chai lọ khác bằng thuỷ tinh dày không sợ vỡ, có thể để lại. Ví tiền không vỡ, cũng chẳng có đủ tiền để mà nhàu nát. Chẳng hiểu vì sao trong hai chiếc túi lại có nhiều thứ giống nhau đến như vậy. Thậm chí khi quan sát thấy người trước mặt rút từ trong túi ra thứ gì, người kia cũng lập tức rút ra một cái tương tự trong túi mình. Đàn ông có thế không nhỉ? Đàn ông độc thân thường trong ví có vài chiếc bao cao su, cũng chỉ để dự phòng cho giống với tưởng tượng, ít khi dùng.

Những thứ còn lại trong túi hai người đàn bà chắc cũng chẳng khác gì nhau. Túi được đặt lên mặt “ghế” làm chỗ ngồi. Họ ngồi quay mặt vào nhau. Co chân lên ghế. Im lặng. Mưa tầm tã. Sáu giờ chiều đã tối mịt. Ánh đèn xe trong mưa toả ra những quầng sáng vàng rực. Có cảm giác như những chiếc xe đang gắng sức chậm chạp đẩy cái khối vàng rực khổng lồ ấy vào sâu trong màn đêm...

Minh họa: Bùi Trọng Dư

Nếu ở nông thôn? Hẳn là họ đã bắt chuyện với nhau từ lâu lắm rồi. Bọn lừa đảo trên xe thường lợi dụng thói quen hay chuyện của các bà các cô. Nhiều lần thành công chỉ bằng những mánh khoé cũ rích. Kể lể. Mời mọc.

Ở thành phố không dễ giở những trò như vậy. Nhất là chốn đông người. Cậy răng một người lạ còn khó hơn việc xô đẩy họ đi mà chiếm chỗ. Dân phố lãnh đạm khinh khỉnh cũng là để giấu đi nỗi sợ sệt mà thôi. Và hình như ở một nơi đông đúc như thành phố, người ta có ít chuyện để nói với nhau. Hay chỉ có mỗi một chuyện? Không cần nói thì ai cũng biết. Bon chen?

Trong ánh đèn quảng cáo hắt ra từ lưng nhà chờ xe buýt, gương mặt hai người đàn bà phảng phất buồn. Họ còn khá trẻ. Chỉ như vừa mới qua thời thiếu nữ chưa lâu. Cô áo vàng có nước da mịn sáng màu. Trang điểm nhẹ. Ăn mặc đẹp. Kín đáo. Đôi mắt buồn bã nhớ nhung ngơ ngác. Cô áo đen lớn tuổi hơn. Ăn mặc trẻ trung sành điệu theo lối thời trang hip hop. Quần bùng nhùng hở rốn. Tốn quá nhiều vải cho những chỗ không cần che. Bàn tay thô ráp chằng chịt vết nẻ.

Sốt ruột, áo vàng lên tiếng bâng quơ, biết bao giờ mới tạnh? Áo đen thẫn thờ nhìn dòng nước phăng phăng đổ về khu nhà cao tầng, tạnh rồi cũng chưa thể lội vào.

Chợt nhìn lên khu chung cư cao ngút ngát lốm đốm đèn như một chiếc lồng ánh sáng mơ hồ giữa mưa. Những tầng trên cùng, ánh sáng liền lại thành một mảng. Không còn rõ ranh giới hình thù. Hi vọng nhỏ nhoi của các cô nằm ở một trong những đốm sáng tù mù trên ấy.

Thiết kế hạ tầng khu đô thị mới đã được chuẩn y từ hơn hai mươi năm trước. Nó quá nhỏ so với những công trình khổng lồ mọc lên sau này. Mưa lớn. Đường ngập nước mênh mang. Có thể tưởng tượng ra cả một tiếng gọi đò. Nhà cao tầng in bóng rung rinh mặt nước. Dãy đèn đường đã tắt ngấm từ lâu. Đường dây điện ngầm của nó chưa đủ an toàn trong nước?

Mưa vẫn cồn cào. Biển nước khu chung cư ngày một toả rộng. Nó bò lan theo những con đường kẻ ô vuông vức như bàn cờ. Cái gọi là “quy hoạch” có lẽ đã được hiểu theo nghĩa sỗ sàng trắng trợn như một thông báo. Ở đây có quy hoạch.

Nước mấp mé lưng chừng chân ghế. Hai cô gái chán nản nhìn nhau bỗng cùng bật cười. Cô áo vàng nhanh nhảu, mà này, từ nãy đến giờ em quên hỏi tên chị. Chị là Hường, còn em? Em là Hồng, buồn cười nhỉ, Hường cũng là Hồng, thế là cùng tên.

Thành phố cứ dài rộng mãi ra thế này chán quá, khách hàng thường xuyên của em đã có sáu bảy người chuyển ra khu đô thị mới. Địa chỉ ở cả đây nhưng mới chỉ tìm được có hai người. Một ở tầng mười sáu. Một ở tầng chín. Khác cầu thang. Lên xuống chóng cả mặt.

Không những cùng tên mà em còn là đồng nghiệp với chị nữa đấy. Nãy giờ xem em giở đống đồ nghề chị đã định hỏi. Lại thôi. Chẳng xấu xa gì nhưng không hiểu tại sao ai làm nghề này cũng muốn kín đáo. Bộ đồ nghề của em chị biết. Của một người chưa lâu năm trong nghề. Vì thế lại càng nên thận trọng khi hỏi han. Ngày mới ra làm, chị đã từng tự ái khi nghe người khác nói về nghề nghiệp của mình.

Khách hàng của em hôm nay là một người mới. Chủ điều em đến đây dặn cứ chờ hết mưa thì gọi điện. Khách sẽ ra đón. Thôi chết! Điện thoại đâu rồi? Cô đứng bật dậy. Lênh khênh trên ghế. Nhấc vội chiếc túi xách mở nắp lục lọi. Nó đây rồi! Nhưng sao thế này? Màn hình chỉ còn là một ô vuông mờ mịt hơi nước.

Chị quên mất điện thoại ở nhà. Địa chỉ khách hàng thì nhớ. Tầng mười. Nhà H. Phòng 1004. Nhưng bây giờ nhớ cũng chẳng để làm gì. Làm sao mà lội vào khu nhà ấy được?

Mưa đã qua khúc dạo đầu vồ vập hối hả. Tiếng mưa chậm lại ít nhiều nhưng hạt mưa vẫn dày đặc sung mãn. Tiếng ếch nhái hân hoan trong màn mưa. Đậm đặc đông đúc. Trong ánh đèn xe qua lại. Nhìn rõ những bong bóng lớn đuổi nhau trên mặt đường vỡ tan tạo nên những âm thanh trầm đục cáu kỉnh...

*

*      *

Trong căn hộ tầng mười. Người đàn ông độc thân đi lại bồn chồn. Càng ngày càng có nhiều đàn ông độc thân. Đi lại bồn chồn. Đàn bà độc thân thường hay nằm. Đàn ông độc thân hay bật máy xem đĩa hình sex. Nghe nhạc không lời. Họ chán những gì có lời? Chán đến mức chỉ muốn sống ở chỗ không lời.

Thỉnh thoảng, hắn dừng chân ngó vào chiếc màn hình lớn trong phòng khách. Không hẳn để xem. Ở phía ấy vừa phát ra một âm thanh. Tựa như tiếng người? Một tiếng rên. Khoái cảm cùng cực của tình dục. Hắn dừng hẳn lại. Đôi trai gái trần truồng trên màn ảnh đang quằn quại. Những động tác cuối cùng. Có tiếng chép miệng đầy tiếc nuối. Giống như tiếng kêu của cá trê mắc cạn...

Rất ít người biết đến cuộc sống độc thân của đàn ông thành phố. Nó diễn ra như thế nào? Không có bất kì một ước thúc về đạo đức nào trong bốn bức tường độc thân. Vậy thì họ có thể mở các đĩa hình sex. Tha hồ hút thuốc lá. Thắp nến hay bật đèn? Uống rượu hay nước lọc? Mặc quần áo gì? Có nhất thiết phải mặc quần áo? Mời mọc những ai? Dĩ nhiên chỉ mời đàn bà? Không cần thiết phải mời thêm một nỗi cô đơn đàn ông nào đến nữa. Những cô đơn thường mời nhau ra quán. Nhưng mời bao nhiêu đàn bà? Đến vì việc gì? Nhân dịp nào?

Bồn chồn nhìn ra cửa sổ căn phòng. Cửa lắp kính chết. Chẳng thể mở để ngó đầu ra ngoài. Người ta tính toán cả rồi. Con người quý nhất có mỗi cái đầu. Chẳng nên thò nó ra ở tầng mười cao ốc. Ở trên máy bay cũng vậy.

Mưa đều đều kẻ dòng sau lớp kính. Sau mưa là tối đen. Hơn tám giờ tối. Điện thoại di động mất sóng. Máy bàn gọi đến đâu cũng không có người nghe. Số lạ. Người độc thân ít khi dùng đến máy bàn. Nhất là ở những chung cư xa thành phố cũ. Đã ra đi là phải đến tối mới về. Máy bàn chỉ để gọi cấp cứu và báo cháy.

Chiều nay trước lúc đi làm về đã điện thoại cho hai chủ tiệm massage bảo họ điều nhân viên đến. Phải cẩn thận thế là vì đã nhiều lần nhân viên không tìm được nhà. Ra khỏi cửa ô là đến ngay những khu đô thị mới, giống hệt nhau về độ cao bởi chủ đầu tư anh nào cũng muốn “ăn” bằng hết hệ số sử dụng đất đai. Giống nhau về màu sắc và cách bố trí những ô cửa mặt ngoài. Đó là lời giải cho bài toán tiết kiệm vốn đầu tư nhất. Đằng nào những căn hộ chẳng đem bán cho những ai có nhu cầu ở tập thể. Ở tập thể còn mong gì khác người? Giống nhau cho đỡ công thiết kế.

Mua căn hộ sống độc thân ở khu đô thị mới. Tưởng sống dễ dàng thuận tiện. Ít va chạm. Nhiều tiện nghi. Tránh được ồn ào phố xá. Nhưng hoá ra không phải thế. Nó chỉ thoả mãn được trí tưởng tượng về một nơi ở mới. Thoả mãn cả những gì không thể tưởng tượng ra. Nhưng đấy là tưởng tượng. Vẫn phải mang theo nếp sống từ đô thị cũ đi thì mới có cái dùng. Buổi sáng là cà phê. Ở đâu? Phở cũng thế! Nhẩn nha đọc báo ở chỗ nào? Buổi chiều hết giờ làm việc la cà quán bia, quán rượu. Hôm nào mỏi mệt thì gội đầu, massage. Túm năm tụm ba bình phẩm bàn tán về các cuộc thi hoa hậu. Cũng gọi là quan tâm ít nhiều đến tình hình nhan sắc nước nhà. Toàn những thứ không thể có ở nơi vừa mọc lên thành phố.

Gọi hai nhân viên massage lên cũng chả sợ thừa. Ai có việc người nấy. Nếu không muốn cùng làm, một cô có thể ngồi chơi. Chơi cũng là một việc. Cung cấp hơi người. Là thứ những kẻ sống một mình luôn thiếu. Tiền thù lao chả đáng gì. Chỉ thi thoảng...

Mà cũng chỉ còn mỗi một thói quen gọi người massage để chứng tỏ mình vẫn là dân phố. Thiếu tiền ăn chứ không bao giờ thiếu tiền mua hoa.

Nhưng phải đợi. Trong mưa.

Chuông điện thoại để bàn bỗng reo vang. Hắn chồm người qua đi văng nhấc vội máy. Như sợ mất một tia hi vọng. Có thể là cuối cùng. Tối nay!

Cuống quít. Vâng tôi nghe. Đúng rồi! Chưa thấy đâu... mưa to. Để tôi xem. Ngập. Từ nãy đến giờ không nhìn xuống đường. Thôi đành vậy. Cảm ơn!

Thẫn thờ. Gác máy. Lầm bầm, mưa khốn kiếp!

Lại chuông. Hắn đã định không thèm nhấc máy. Nhưng không nhấc máy cũng chả còn việc gì lấp vào khoảng thời gian thừa ra của buổi tối. Thì nhấc. Vâng. Ngập. Tôi biết rồi! Thế ư? Tôi sẽ xuống nhà xem thử. Còn ở đấy thì đón. Không thấy cô ấy gọi?

*

*      *

Mưa vẫn khoan thai nặng hạt. Chẳng có một dấu hiệu nào chứng tỏ nó sắp tạnh. Có thể còn dai dẳng hết đêm. Những chiếc bong bóng lớn phập phồng lưu luyến trôi một quãng dài mới vỡ. Miệt mài. Bất tận.

Có lẽ phải đón xe về, mình chịu khó đội mưa chạy sang nhà chờ đối diện bên kia đường! Hường đứng dậy lom khom trên ghế. Xắn quần. Hồng cũng dậy theo, em đành chịu ướt, quần em chật quá! Cả hai lao xuống đường. Chạy bừa qua dải phân cách lớn trồng cỏ. Những con nhái đang phồng mang gọi bạn bỗng im bặt. Phóng lao nhao trên mặt cỏ đầm đìa.

Chiếc xe buýt cũng vừa dừng bánh. Chuyến cuối cùng. Trên xe chỉ có hai người. Một ôm tay lái. Một cầm cặp vé kéo nhanh các cô lên xe. Họ biết nhau.

Phụ xe nhìn các cô ái ngại, may đấy, chậm tí nữa là đội mưa mà về. Hường buồn rầu, ngập quá, không làm sao mà lội vào được, khách chắc bực mình lắm đấy. Hồng tìm trong chiếc túi ướt nhèm rút ra mấy đồng tiền giấy. Cũng ướt. Phụ xe xua tay vẻ thông cảm, thôi, không phải mua vé đâu, đằng nào cũng chạy xe không về bến. Cảm ơn anh, hôm nào đến chỗ em gội đầu, massage.

*

*      *

Người đàn ông độc thân bước ra từ buồng thang máy tầng trệt. Xòe chiếc ô đen cán gỗ. Cẩn thận xắn thêm hai gấu chiếc quần soóc lửng rằn ri. Lội ào xuống thềm. Căn theo hàng cột điện mà đi. Con đường ngập giờ chỉ còn trong trí nhớ.

Mưa phập phồng. Trên mái ô. Thả những dòng nước liền mạch chảy dài vây kín. Thân hình chập chờn ma ảnh của hắn như đứng trong một cái rọ nước.

Một cột đèn. Hai cột đèn. Mười lăm cột đèn. Nhà chờ xe hiện ra. Mỏng mảnh. Cô độc. Không một bóng người. Giật mình, hắn đột ngột đưa tay xem đồng hồ. Mười giờ hai mươi phút. Chiếc “ghế” dài bằng ống thép trắng uốn éo méo dưới bóng đổ của những hình vẽ trên tấm biển quảng cáo vẫn sáng đèn. “Làm thế nào để cho một con voi vào tủ lạnh?” Hắn phì cười. Quảng cáo trà Lipton mà đã định cho voi vào tủ lạnh? Quảng cáo massage thì cho cái gì vào cái gì?

Thất vọng. Hắn dò dẫm theo con đường cũ quay về. Một cột đèn. Hai cột đèn...

Vừa đi vừa nghĩ. Những ý nghĩ dường như làm luôn cái việc nghĩ hộ hắn. Một năm. Hai năm. Liệu mười năm nữa buồng thang máy có trở thành cái kho đựng rác? Hành lang công cộng mười năm mọc ra bao nhiêu cái bếp than tổ ong nhọc nhằn nhả khói? Nhưng mười năm nữa sẽ có tiệm massage. Ở ngay cạnh nhà. Tha hồ mưa...

10/2007
Đ.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)