Thím tôi

Thứ Hai, 20/03/2023 00:10

. HÀ NGUYÊN HUYẾN
 

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà bất cứ người phụ nữ nào bước vào làm dâu trong nhà tôi đều gọi bằng thím. Chẳng bao giờ tôi bận tâm bởi tôi coi đó là một lẽ tự nhiên, tôi còn quá nhỏ. Sau này lớn lên, tôi biết, tôi gọi họ như vậy bởi nhà tôi là “chi trưởng” (chi lớn nhất). Mẹ tôi là con dâu cả của một gia đình, một dòng họ lớn đã tồn tại lâu đời ở đây, làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Mẹ tôi kể: Mẹ về làm dâu nhà tôi năm mười sáu tuổi. Hai năm sau, chưa kịp có con thì nhà tôi gặp phải đại hạn. Trong hai ngày, hai người mà theo vai vế họ chỉ gọi mẹ tôi là chị chết đột ngột khi chưa đầy bảy tuổi. Rồi… một cô nữa ra đi, tất cả đều yểu mệnh. Mẹ tôi bảo: Lúc lâm bệnh trên da thịt họ vằn vèo những vết bầm tím. Một cụ lang thuốc giỏi trong làng được mời đến thăm bệnh, bảo: Đây là một chứng đậu rắn, không thể chữa được. Nhưng chẳng biết từ ai mà dân làng đồn thổi rằng: các cô, chú ấy bị “thần trùng” đánh nên trên người vằn vện những vết roi. Nếu không cầu cúng, “trùng” sẽ bắt thêm người. Thần trùng bắt người biết đến lúc nào mới đủ… Trong làng đã có những gia đình chỉ vài năm mà mất đi hơn chục mạng người, già có trẻ có. Cả nhà sợ lắm!

Thế là năm ấy mẹ tôi phải đứng ra lập một cái đàn tràng để cúng. Mẹ tôi nói: Cháu còn ít tuổi, lại mới về làm dâu, làm sao cáng đáng được việc này. Mấy bà thím của bố mẹ tôi bảo: Không ai bắt chị phải làm gì cả, chúng tôi sẽ lo liệu tất, chị là dâu trưởng, lẽ thường phải thế cho có đầu, có mỏ là được. Thế là các bà vào tận làng Yên Mỹ (Thanh Mỹ) gần chân núi Ba Vì đón một ông thầy phù thủy có tiếng là cao tay về lên đàn giải hạn. Chuyện ấy cho đến tận bây giờ, sau mấy chục năm có người kể lại: Voi giấy, ngựa giấy to như thật. Người nộm cắm hai bên vệ đường dài từ nhà ra đến cửa quán ngoài cánh đồng…

Sau khi cúng lễ, tiền bạc vô cùng tốn kém nhưng các gia đình nhỏ trong gia đình lớn mà nhà tôi là trưởng đều tự nguyện đóng góp. Mẹ tôi đứng ra thu tiền và thanh toán mọi khoản sòng phẳng, mạch lạc, không có điều tiếng gì. Các bà thím của bố mẹ tôi đều bảo chị trưởng lo liệu rất tốt. Sau này tôi mới biết đó là phẩm chất của một người đàn bà trên danh nghĩa là dâu trưởng của một dòng họ. Và càng thấm thía khi dân gian bạc khẩu bảo rằng: “Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng!”

 

Minh họa: Đặng Tiến

Thủa thiếu thời, tôi nhận thấy những người đàn bà trong làng hầu như không bao giờ ngủ trưa. Trưa nào cũng vậy, họ thường tụ tập ở một nhà nào đó. Trong gia đình tôi tất nhiên là nhà tôi. Vai trên bố mẹ tôi (là các thím của bố mẹ) chúng tôi phải gọi họ bằng bà trẻ. Ngang vai với mẹ tôi, tôi gọi họ là thím. Trong số đó có hai bà trẻ. Tôi không biết tên thật của họ là gì, cả nhà, cả làng gọi bằng chức danh hay nghề nghiệp của chồng họ để tỏ sự tôn kính. Một bà là bà Trưởng Bạ (chức danh cho người cai quản sổ sách ruộng đất trong làng). Một bà là bà Phó Bạc (thợ bạc). Cả hai bà đều đã già nhưng còn khỏe mạnh và minh mẫn. Trong cải cách ruộng đất 1954 nhà tôi lên thành phần địa chủ, mẹ tôi sợ lắm. Nhà cửa ruộng đất mất đã đành nhưng còn bản thân mình khó tránh khỏi họa đấu tố oan uổng và nhục nhã.

Mẹ tôi sẩy dạ, đẻ non anh trai tôi mới tròn bảy tháng tuổi. Ngày ấy quê tôi không có nhà hộ sinh, sản phụ thường sinh nở ở một góc nào đó trong nhà. Gia đình địa chủ sẽ không ai đến vì sợ liên lụy, cầm chắc cái chết. Trong lúc nguy kịch mẹ tôi bảo chị gái tôi lúc bấy giờ mới bảy tuổi đầu chạy đi gọi bà Phó Bạc nhưng trong lòng thì không hi vọng gì. Đang lúng túng thì mẹ tôi nghe thấy tiếng người nói to như cãi nhau ngoài đầu ngõ: Người chửa cửa mả, huống hồ là đẻ đái. Các ông có cho tôi đi không thì bảo? Thế là bà Bạ và bà Phó đã vượt vòng vây của du kích vào để cứu mẹ tôi. Mãi mấy hôm sau bố tôi mới về được. Chức danh của bố tôi lúc bấy giờ là Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn Tây (sau hòa bình lập lại), vậy mà trình bày mỏi cả mồm với du kích mới về được nhà mình thăm vợ con. May mắn, nhà tôi được xuống thành phần trung nông lớp trên. Mãi cho đến sau này thỉnh thoảng hai bà mới đến nhà tôi vào buổi trưa. Chỉ có buổi trưa mẹ tôi mới có thời gian để tiếp chuyện mọi người. Hai bà thường nói với mẹ tôi những việc lớn trong gia đình như cưới treo, giỗ chạp, tang ma…, bao giờ hai bà cũng bắt đầu bằng câu: Bác trưởng ạ, chỉ có bác mới nói với cả nhà được.

Cũng như vậy, các thím em mẹ tôi cũng hay đến nhà trò chuyện. Tôi hay ngồi nghe lỏm. Sau này tôi mới biết, toàn là chuyện “mẹ chồng, nàng dâu”. Mẹ tôi chăm chú lắng nghe, rồi đưa ra những lời khuyên nhủ. Chẳng biết lời nói của mẹ tôi có tác dụng gì không nhưng gia đình nọ cũng bớt đi những lời chì chiết, cãi cọ. Song, đến nay tôi nhận ra rằng, kiên nhẫn lắng nghe người khác cũng là một phẩm chất!

“Miếng trầu là đầu câu chuyện” bây giờ vẫn được người ta sử dụng, vận dụng vào những hoàn cảnh cần thiết nhưng có lẽ nó không còn đúng ý nghĩa như thời của mẹ tôi và các thím. Các thím đến nhà ai cũng biết ăn trầu, cho đến bây giờ trải bao biến động thăng trầm chúng tôi vẫn giữ được cái tráp trầu của mẹ. Cái tráp sơn “then” (đen) có nắp đạy, mở nắp ra có hai ngăn. Ngăn trên nông hơn ngăn dưới và có nhiều ô đề bày trầu, cau, vỏ chay, thuốc lào, ống đựng vôi… Chỉ có thế thôi, “ăn trầu và trò chuyện” mà mấy chục năm trời hầu như trưa nào nhà tôi cũng có khách. Sự việc ấy kéo dài cho đến khi mẹ tôi mất năm sáu mươi tư tuổi. Chẳng biết có phải bây giờ không còn ai ăn trầu cho nên các thím cũng ít đến nhà tôi hay thời thế đã thay đổi. Ở làng nhưng “kín cổng cao tường” đang là một cách sống ở nông thôn…

*

*        *

Bao nhiêu năm trôi qua nhưng mỗi lần nhìn chiếu phản kê ở gian giữa nhà khách, lòng tôi lại bồn chồn nhớ mẹ, nhớ các bà trẻ, các thím. Ai còn ai đã đi theo mẹ tôi. Tôi không muốn chuyển chiếu phản này đi đâu. Bố tôi bảo đẻ ra đã thấy nó được kê ở đấy rồi. Không biết với các con tôi thì sao, song với tôi nó đã gắn liền với bao chuyện vui buồn của một gia đình, một dòng họ.

Ấy vậy mà một lần nó đã được nhấc ra, đó là vào năm 1972. B52 của đế quốc Mĩ ồ ạt đánh phá Hà Nội. Nhà tôi phải đào một cái hầm trủ ẩn ngay trong lòng nhà mới mong có thể chạy kịp xuống ẩn nấp. Sau khi đắn đo, chiếc hầm được quyết định đào ngay dưới gầm phản. Chiếc phản được nhấc ra, đặt dựa nghiêng vào bậu cửa gian bên cạnh. Tôi không tin vào mắt mình, chạy lại gần để nhìn cho kĩ. Trời ơi, trừ một phía chiếu phản tiếp giáp với với bậu cửa gian giữa, ba phía còn lại đều trắng toát. Những vệt vôi không biết từ đời nào, vệt nọ chồng lên vệt kia, ba cạnh phản nếu người nào không biết cứ tưởng ai đã cố tình quét vào đó một lớp vôi. Riêng tôi thì hiểu, mỗi lần ăn trầu, các thím tôi, người nào cũng thế, ai cũng làm đúng trình tự của câu ngạn ngữ: Ăn trầu phải mở trầu ra, một là bùa ngải hai là mặn vôi! Những ngón tay lấy đi phần vôi thừa của miếng trầu được quệt xuống mặt trái của chiếu phản họ đang ngồi vô tình đã làm nên như vậy. Nếu như mỗi vệt vôi là một câu chuyện, bao nhiêu chuyện của các thế hệ tính đến mẹ tôi đã được lưu giữ ở đây. Tôi coi đó như một kí ức không lời của một gia đình, một dòng họ. Hình ảnh mẹ tôi, các bà trẻ, các thím mỗi ngày càng sâu đậm tâm thức tôi.

Nhưng có một thím bước vào gia đình tôi không ăn trầu, chẳng biết có phải là người thím cuối cùng thuộc thế hệ mẹ tôi hay không nhưng so với mẹ tôi thì thím ít hơn bốn chục tuổi, gần bằng tuổi chị gái tôi. Tên thím là Khanh nhưng cả nhà gọi thím theo tên chồng, thím Hoạch. Thím là con người của thế hệ mới, theo truyền thống gia đình, chúng tôi kính trọng thím Hoạch một cách tự nhiên. Thím là người đàn bà có chiếc xe đạp Thống Nhất đầu tiên trong gia đình tôi và có lẽ là người đàn bà đầu tiên trong làng biết đi xe đạp. Chú tôi là một người giỏi giang. Sau 1954, chú Hoạch tôi đang bước vào độ thành niên. Chú hăng hái hoạt động các phong trào, đoàn thể… được kết nạp Đảng và được cử làm xã đội trưởng dân quân du kích. Khoảng những năm sáu mươi, huyện Tùng Thiện triền khai đắp đập Xuân Khanh. Đây là công trình thủy lợi quan trọng đầu tiên trong vùng nên trai tráng của các huyện lân cận cũng được huy động tham gia. Tôi được nghe kể lại không khí sôi động lắm. Trên khắp công trường, chỗ nào cũng đầy ắp tiếng cười và những điệu hò đối đáp của nam thanh nữ tú. Vào giai đoạn cuối, mặt đập nhô cao bằng phẳng nên được coi như là sân khấu ngoài trời. Trong mọi hoạt động có môn vật được nhiều người ưa thích. Một hôm trong giờ giải lao, đô vật Võng Xuyên (một xã của huyện Phúc Thọ, đây cũng là đất vật) thách đấu với thanh niên cả huyện, mấy ngày trời mà không ai dám đấu… Vậy mà chú Hoạch tôi ứng thí. Không có giải mà keo vật quyết liệt, đến bây giờ mỗi khi nhắc về chú mọi người vẫn kể về keo vật năm ấy. Thắng đô vật Võng Xuyên tiếng tăm chú Hoạch tôi vang dội cả công trường. Thím tôi khi ấy là cán bộ hội phụ nữ huyện Tùng Thiện. Chú thím gặp nhau như trai tài gái đảm…

Bước vào nhà tôi, thím Hoạch cũng như những người đàn bà khác. Nếu có khác chỉ là thím không ăn trầu và ngày hai buổi đi về bằng xe đạp. Thím cũng hay đến nhà tôi vào buổi trưa nhưng là trưa chủ nhật. Không dám ngồi đối diện với mẹ tôi, lần nào cũng lựa rồi ghe ghé ngồi xuống phản. Rất nhiều chuyện nhưng tuyệt nhiên không có chuyện nào về “mẹ chồng, nàng dâu”. Mẹ tôi bảo: Một câu mẹ em, hai câu cũng mẹ em. Nhà mình thật có phúc mới có được thím!

Chẳng là nhà chồng thím hoàn cảnh lắm. Ông bà trẻ tôi sinh hạ được ba người con, chú Hoạch tôi là lớn. Tiếp đến là một cô và một chú nữa. Không biết vì nguyên nhân gì mà tự nhiên bà trẻ tôi bị thần kinh. Không đập phá cãi cọ, không quên chuyện gì, gặp những đứa trẻ đi ngoài đường chỉ cần nghe tiếng là biết nó con cháu nhà ai. Thậm chí còn nhớ cả đến ngày giỗ của những người trong làng… Bà trẻ tôi chỉ có mỗi tội là nói, nói suốt ngày đêm trừ lúc mệt quá thiếp đi, thức dậy lại nói. Tôi rất thích nghe chuyện của bà mặc dù mỗi khi bà đến nhà, tôi có cảm giác sờ sợ. Chuyện của bà toàn chuyện ngày xưa, năm này qua năm khác, tôi biết nhiều chuyện trong làng cũng một phần nhờ vào bà… Từ ngày bị thần kinh bà không buôn bán hay làm gì được nữa. Sáng nào cũng vậy bà đun một ấm nước chè tươi rồi một tay ấm, một tay bát bà ra chợ Mía. Không nài nỉ ép buộc, chỉ lởi xởi mời chào. Lạ lùng là quần áo lôi thôi rách rưới, cái khăn tùm hụp che đi cặp mắt toét (người toét mắt rất sợ ánh sáng chói) nhưng ấm nước chè chỉ nửa buổi là hết, ai muộn là không còn để uống. Chợ có đông thì cũng chỉ một ấm, không bao giờ có ấm thứ hai. Có người uống lâu năm sinh nghiện, hôm nào vắng bà lại mong mỏi, nhắc nhở.

Riêng tôi thì bảo bà là một phần của chợ Mía - một cái chợ quê đông đúc nổi tiếng trong vùng. Nếu có ai động chạm đến tự ái thì bà chỉ cười, tay rót nước, tay nhận những đồng xu, miệng bảo: Tao bây giờ giời hành mới nên nông nỗi này, nhà tao ngày xưa giàu như vua Kẻ Gốm (chắc là làng Bát Tràng)… Quả là vậy, bà trẻ tôi xuất thân trong một nhà giàu có ở làng Đông Sàng (một làng của xã Đường Lâm). Gia đình bà có mười anh chị em nhưng chỉ có một người con trai. Chín chị em người nào buôn bán cũng giỏi. Hàng hóa ở chợ Mía nhiều người nói, một thời là do chị em nhà bà thống thủ. Trong số chín người đàn bà ấy có hai người làm dâu nhà tôi. Em gái bà lấy chú ruột tôi, thím tôi bị quy địa chủ mất sạch ruộng đất, không được vào hợp tác xã. Vậy mà chỉ buôn thúng bán mẹt (trong thời bao cấp) thím tôi nuôi cả nhà qua cơn bĩ cực. Mẹ tôi bảo lúc còn con gái thím ấy chỉ có xuôi trầu vỏ mà nổi tiếng chợ Đồng Xuân…

Khi có con dâu bà trẻ tôi vẫn không hề thay đổi, vẫn nước chè tươi bán rong chợ Mía, vẫn cái khăn trùm nửa mặt và những câu chuyện triền miên không kể ngày đêm. Nếu có khác là những đồng xu bán nước chè được bà cất vào một cái lọ. Bà bảo: Cóp làm vốn cho cái Khanh. Con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về. Bà phân biệt ra mặt với cô con gái. Biết ý, chị dâu lại hết sức yêu chiều cô em chồng nên cửa nhà êm thấm lắm. Dân làng Mông Phụ bảo, trời ăn ở lại với gia đình ông bà trẻ tôi.

Thế rồi năm 1964, chú Hoạch tôi nhập ngũ. Sau mấy tháng huấn luyện, chú vào Nam chiến đấu. Thím Hoạch có xe đạp nên càng năng về hơn, chăm chút mẹ chồng chu đáo hơn. Có được mảnh vải phân phối lại đem về cho mẹ chồng. Bao nhiêu là vải, năm này qua năm khác vẫn được bà trẻ tôi cất kĩ, không hề may mặc, ai nói cũng không được. Trong nhà có kẻ bạo mồm bảo: Bà có biết con dâu bà nó làm gì không? Hội trưởng Hội phụ nữ huyện đấy, bà cứ ăn mặc lôi thôi thế xấu mặt nó. Bà trẻ tôi chỉ cười bảo nó làm gì kệ nó, tôi là mẹ nó, tôi đối với nó cốt ở cái tấm lòng.

Thế rồi chú tôi không bao giờ trở về nữa. Chiến tranh ác liệt, hôm báo tử chú cả nhà chỉ biết chú hi sinh ở mặt trận phía Nam. Tang tóc, cô quạnh trùm lên mái nhà bà trẻ tôi. Thím Hoạch buồn lắm, đi đi về về, lặng lẽ như một cái bóng. Âu sầu và thời gian đã lấy đi tuổi trẻ của thím. Bà mẹ chồng động viên: Thằng Hoạch nó mất rồi, Khanh ạ, bầm coi mày như con gái...

Cho đến một hôm, sau gần chục năm góa bụa, bà trẻ tôi bảo thím: Khanh này, nghe bầm nói đây, trong muôn ngàn nỗi khổ ở đời thì khổ nhất là người đàn bà không có chồng. Nếu coi bầm là bầm thì con đi lấy chồng đi… Bà trẻ tôi nói xong, thím tôi ngả đầu vào vai mẹ chồng. Hai người đàn bà lặng lẽ khóc.

Thím Hoạch đi lấy chồng, thím là người duy nhất trong gia đình tôi bước chân ra. Mẹ tôi buồn lắm, bảo: Âu cũng là cái số thím ấy phải thế! Trước hôm ấy thím quay về nhà, trả lại gia đình nhà chồng chiếc xe đạp Thống Nhất. Chẳng biết do vô tình hay cố ý mà cả nhà bà trẻ tôi không ai ở nhà. Thím dắt xe đạp vào buồng rồi bọc gói một số tư trang đi như trốn khỏi mái nhà mà đời người đàn bà khi lấy chồng không ai lại nghĩ có ngày hôm ấy.

Sau thời gian thím Hoạch tôi tái giá (thím tôi nắm nối với một người đàn ông góa vợ ở đầu thị xã Sơn Tây), bà trẻ tôi ốm, không ra chợ Mía bán nước chè nữa, nhưng trong muôn vàn câu chuyện của bà vẫn có thím Hoạch, thím vẫn hiển hiện trong đời sống của gia đình chúng tôi. Lấy chú tôi chưa kịp có con thì chú đi…

Tôi ra tỉnh học, thỉnh thoảng lại gặp thím trên đường. Cho đến tận bây giờ tôi không hỏi ai và thật ra tôi không muốn tìm hiểu tại sao thím lại bỏ công tác về tần tảo chợ búa độ nhật nuôi con mình, con chồng bằng một gánh hàng rong. Nhiều hôm vắng vẻ tôi dừng xe lại chào thím lễ phép, thím ngẩng nhìn tôi ngỡ ngàng: Anh có phải là… con chị Ngoạn (Ngoạn là tên bố tôi) không? Ôi, cháu tôi lớn quá rồi, suýt nữa thím không nhận ra. Bố, mẹ cháu có khỏe không?

*

*           *

Tôi vào đại học rồi ra trường, biết gia đình thím hình như cũng không được cơm lành canh ngọt bởi người chồng cờ bạc rượu chè. Mỗi lần về quê, vẫn thấy thím trên đoạn đường từ làng tôi ra phố. Cái đòn gánh tre ngày càng vít cong hai đầu đè lên thân hình mảnh dẻ của thím. Tôi không dám chào chỉ lặng lẽ đứng nhìn. Thím tôi đi khỏi, chỉ còn tiếng kĩu kịt như nỉ non, như oán hờn của phận người hiện hữu đấy mà như thực như hư trên con đường lầm bụi hai chiều hối hả xe cộ ngược xuôi.

Hôm bà trẻ tôi mất, tôi kịp về, mọi người bảo rằng bà cụ không ăn uống, không nói năng một tuần liền. Trước phút lâm chung bà trẻ tôi chỉ xin một bát nước chè tươi. Đỡ bà dậy, bà rít một hơi cạn bát nước rồi mạch lạc dặn chú tôi: Bầm đi đây, vải vóc cái Khanh cho, bầm để cho mày. Còn cái lọ này cho cái Khanh.

Nghe tin bà trẻ tôi mất, thím Hoạch tôi về. Ai cũng đoán thế nhưng không ai biết cụ thể sẽ như thế nào. Thím dừng lại trước sân, đàng hoàng xin cả nhà cho phép để tang bà trẻ tôi như mẹ chồng. Không ai nỡ từ chối. Thím tôi mặc áo xô đại tang tiến đến bên thềm nằm phủ phục cất tiếng khóc:

Mẹ ơi!... Ới mẹ ơi!...

Tiếng khóc tắc nghẹn, uất ngất vang vọng rồi lịm tắt. Cả đám tang đông như thế mà lặng phắc không một tiếng động. Tôi đã đi dự nhiều đám tang thấy người ta nhiều khi là khóc hờ. Nhưng hôm nay, trong đám tang này có lẽ là lần đầu tiên trong đời tôi thấy người khóc thật. Tôi liếc nhìn những gương mặt giãi dầu mưa nắng, những gương mặt từng trải sóng gió cuộc đời, rồi những khuôn mặt non trẻ. Tất cả đều đầm đìa nước mắt nhưng tuyệt nhiên không có một tiếng xụt xịt than vãn nào. Ai cũng để cho nước mắt mình tự chảy…

Sau ngày cất đám bà trẻ tôi xong, theo lời mẹ dặn, người em chú Hoạch tôi mang cái lọ của bà trẻ tôi ra. Một cái lọ đựng hạt giống khá to và nặng. Mọi người có mặt hôm đó ai cũng hồi hộp không biết trong lọ đựng gì mà bà cụ chằng buộc cẩn thận thế kia. Rồi cái nút cũng được mở, chú tôi đổ ra cái nong xảy. Lùm lùm một nong toàn tiền xu, những đồng xu có lỗ một thời, lâu lắm rồi không ai nhìn thấy nữa. Mọi người chợt hiều đây là những đồng tiền công quả của những năm tháng bán nước chè ngoài chợ Mía của bà trẻ tôi. Tôi bốc một vốc lên tay, một xu, hai xu và năm xu. Có đồng còn óng ánh mới, có đồng đã bị móp méo, mòn vẹt do bọn trẻ chúng tôi dùng những đồng xu này đánh đáo. Tôi chợt nhớ đến một thời trên mỗi góc con tem thư có in giá mười hai xu. Ai đó bảo bây giờ tiêu thế nào được những đồng tiền này. Đợi lúc vắng vẻ, tôi bảo chú tôi mang những đồng tiền này đến phường đúc, đúc một cái mâm để lên bàn thờ mà thờ.

Sau này, mỗi lần đi lên cao nguyên, tôi cũng cố gắng qua Đà Lạt. Giữa thành phố hoa thơ mộng, trong nghĩa trang thành phố này có phần mộ của chú Hoạch tôi. Gần đây, tôi lên thăm mộ chú. Tôi chìm đắm vào không gian u tịch của nghĩa trang chiều. Chẳng có gì ngoài tiếng reo vi vút của hàng thông vĩ mã. Tôi không ngờ một cuộc đời sôi động của chú tôi mà giờ đây lại nằm yên nghỉ trong một nghĩa trang thanh tịnh thế. Trước khi chia tay, tôi nhẩm đọc tên chú khắc trên bia: Liệt sĩ Hà Mạnh Hoạch. Cấp bậc trung úy. Chức vụ: Chính trị viên đại đội. Sinh ngày… Hi sinh ngày…

Lần nào cũng thế khi chia tay chú người mà tôi nhớ đến đầu tiên là thím tôi. Giá như không có chiến tranh...

H.N.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)