Mưa Ắng Bằng

Thứ Năm, 21/12/2023 00:42

. BÙI TUẤN MINH
 

Minh họa: Lê Anh Vân

1.

Bà Sửu chết khoảng giữa mùa mưa, đúng cái ngày đất trời muốn rửa trôi thế giới. Hôm ấy, trời tối sầm, gió nổi, cây cối ngả nghiêng, hết lật trái rồi phải muốn bật cả gốc. Mây kéo về trên đỉnh Ắng Bằng trông như một chiếc ô khổng lồ xám xịt. Chớp giật liên hồi, từng vệt ngoằn ngoèo chằng chịt, những tiếng sấm nổ chát chúa vỡ óc inh tai. Mưa ào ào trút xuống như hàng vạn mũi tên thủy tinh vỡ trên đá, cắm phập vào đất làm núi chảy máu vàng oạch. Nước cào đá, xói đất, chảy như núi lở, cuốn phăng mọi thứ chắn ngang nên chẳng ai xuống được làng báo tin có người chết.

Không biết Ắng Bằng có từ bao giờ. Cái tên dễ khiến con người ta liên tưởng đến sự lộng lẫy, nhưng thực chất lại là một thung lũng hoang vu lưng chừng núi, chỉ trồng được mấy loại ngô, khoai ngắn ngày trên lớp đất mỏng giữa những vạt đá. Dân nghèo xác xơ. Một sự che đậy bằng hai chữ mĩ miều. Trước khi được coi là khu kinh tế mới, nơi này chỉ lưa thưa những khóm cây dại không tên. Sau đó, hơn chục hộ gia đình dắt díu nhau lên với hi vọng cuộc đời mới. Không điện. Không trường. Không nước ngọt. Chẳng xe máy nào vào nổi thung lũng heo hút bằng lối mòn nhỏ trông như cọng rạ khô vắt vẻo sườn núi, muốn đến phải đi bộ hàng giờ. Được vài năm, niềm tin hao mòn, đời sống chẳng khấm khá hơn mà ngày càng khốn khó, người dân chán nản, nhếch nhác kéo nhau về làng, thung lũng còn lại vài ngôi nhà ấm lửa. Những đống lửa khai hoang làm rẫy đỏ rực vạt núi mỗi chiều hoang hoải bớt dần, duy chỉ có một vạt lửa nơi cao nhất thung lũng mùa nào cũng cháy. Người ta bảo đó là đám ruộng của chú Biển, con bà Sửu, mẹ con chú ấy đã ở đây trước khi nơi này thành khu kinh tế mới. Họa hoằn lắm dân làng mới thấy Biển vác bó củi, bao ngô, tải sắn xuống dưới núi bán hoặc đổi những đồ dùng thiết yếu.

Mỗi lần thấy anh xuống làng, đám trẻ con lại chạy theo sau í ới: Chú Biển từ chiến trường về/ Cớ sao chú bỏ người yêu lên rừng/ Cô thì một dạ thủy chung/ Biển thì lẩn khuất trùng trùng núi non. Nghe chúng hát, anh chỉ lặng lẽ cười.

Bọn trẻ nghe người lớn kể, chú về sau ngày thống nhất. Lạ thay, chẳng nhớ nhà mình, cứ ngơ ngác quên làng, quên xóm. Có người nói trong đầu chú đầy mảnh đạn, nghe vậy, ai cũng thương xót, họ phải dắt chú vào tận sân. Bà Sửu đang ngoài vườn, ném xuống đất mớ rau vừa hái vồ lấy chú, chẳng tin vào mắt mình, bà khóc lên thành tiếng. Chú nhìn mẹ rồi quỳ xuống, mặt áp vào bụng bà, người rung lên chằm chặp. Chẳng biết khi ấy chú nói điều gì, bà lại khóc rống lên. Trước nhà, bụi tre oằn mình thê thiết. Cảm xúc từ những góc tối thẳm sâu nhất của người mẹ vỡ ào ra, tưởng như đời bà chỉ khóc có lần này. Dân làng chẳng phân biệt được tiếng khóc ấy vui hay buồn.

Cô Liễu hớt hải chạy sang, thấy chú lành lặn cô mừng mừng tủi tủi, chỉ chờ được người yêu quay lại để sà vào lòng. Vậy mà hai mẹ con mãi chẳng rời, cô đành lẳng lặng đứng ở phía sau. Phải mất đến một lúc, khi chào hỏi mọi người, chú mới gật đầu mỉm cười cho phải phép, rồi hờ hững chẳng để ý đến cô. Cử chỉ ấy chẳng khác gì gáo nước lạnh dội vào lòng tự ái sau những năm đằng đẵng đợi chờ. Lồng ngực như bị bóp nghẹt, cô be mặt khóc, cô chạy về, bước chân nặng nề tựa như đang trân mình leo lên đỉnh núi.

2.

“Mẹ già rồi, không đi xa được.”

“Kìa mẹ.”

“Hay là con đi một mình, mẹ chết ở đây thôi.”

“Sao con bỏ mẹ lại được, không vì mẹ con đã không trở về, phải đi khỏi cái làng này mẹ ạ.”

“Họ có làm gì con đâu.”

“Nhưng con không thể sống giả dối mãi, nếu không đi xa được thì ta lên Ắng Bằng.”

“Lên đó lấy gì mà sống, con có chịu khổ được không?”

Lời bà Sửu ngày nào văng vẳng bên nhát cuốc thi thoảng va vào những viên đá nảy lên chan chát, nát tâm can. Đời người, chẳng gì đau đớn hơn việc tự mình đào mồ chôn máu mủ. Mỗi lần cuốc xuống đất là mỗi lần anh xót xa, nước mắt lót thót rơi xuống huyệt bì bõm nước. Mưa đã không ngớt mấy ngày, dội xối xả vào lòng người.

“Chú về bên bà đi, cứ để chúng tôi.”

Đó là hai trong số ít người còn lại trên thung lũng, họ vẫn nương tựa vào nhau để sống. Ở nhà, vài người phụ nữ phụ giúp dọn dẹp việc bếp núc, chiếc phản gỗ anh nằm được dỡ ra, một người biết về mộc đang đục đẽo ghép lại thành quan tài. Nơi góc nhà lạnh lẽo, bà Sửu nằm đó giữa làn khói trắng bảng lảng. Khuôn mặt khắc khổ theo bà sang bên kia thế giới, như một sự lo lắng cho người ở lại. Anh bần thần gục đầu lặng lẽ bên cạnh. Hơn ai hết, anh hiểu nỗi lòng của mẹ. Cả đời hiền lành chỉ biết lo cho người khác, mẹ chấp nhận sống giữa sự thật và giả dối để con trai sống một cuộc đời yên bình. Hồi mới lên đây, hai mẹ con làm một ngôi mộ gió nhìn xuôi về phương nam. Cứ chiều chiều đợi tắt nắng là mẹ ra đó ôm gối thẫn thờ. Những đêm mất ngủ mẹ lại lầm lũi ra mộ gió buông ánh nhìn u uất vào cô tịch, hun hút dưới núi. Chính điều đó càng làm anh day dứt, nhiều lúc anh chỉ muốn chết đi khi thấy mẹ kín đáo dấm dứt khóc. Hai mẹ con sống với nhau cùng nỗi đau chẳng thành lời, với kí ức chẳng thể nào nguôi ngoai.

3.

Trời còn chưa sáng, những tiếng xì xào làm hai anh em tỉnh dậy, Đông thấy cậu và mẹ đang vội vã gấp quần áo của cả nhà vào mấy chiếc vali.

“Cô mau xuống làm ít cơm nắm ăn dọc đường, nhớ đem theo cả muối vừng, hai thằng nhỏ không ăn nhạt được”.

“Vâng.”

Mẹ lại như một cái máy tất tả chạy xuống bếp, mẹ lúc nào cũng vậy, làm vợ cậu nhưng Đông thấy mẹ không khác gì ở đợ. Từ sáng đến tối lúc nào cũng thấy mẹ quần quật, không trên nhà thì dưới bếp. Cậu trừng mắt là mẹ rúm người. Mẹ kể, nếu không có cậu, mẹ đã chết đói dọc đường và không có anh em Đông bây giờ. Ngày ấy, quân Nhật tràn đến gây ra nạn đói hoành hành, đâu đâu cũng có người chết đói. Những cánh đồng bỏ hoang không lúa, không khoai. Những con sông không tôm, không cá. Những ngôi nhà văng vẳng tiếng bi ai. Ông bà ngoại bảo mẹ đi khỏi làng, biết đâu còn cơ may sống sót, ở lại cũng chết, bà con cũng bỏ làng đi gần hết cả. Mẹ đi từ làng này tới làng khác, cứ nghe nói ở đâu có cái ăn là mẹ tới, dần dà lạc đến Hà Nội. Cậu thấy mẹ có nhan sắc nhưng đói khát ngoài cửa nên cưu mang, sống như vợ chồng chẳng hôn thú gì. Cậu một đời vợ đã li dị, làm việc cho sở thuế vụ Bắc kì, tính tình cục cằn, gia trưởng, vì thế, không bao giờ mẹ được ngồi ăn cơm chung mâm với cậu. Cảm giác mang ơn luôn khiến con người ta sống cuộc đời không phải của mình, hai anh em thương mẹ nhưng chỉ biết thương thôi.

Nghe tin Việt Minh lan đến quê, ông bà ngoại còn sống, mẹ có ý muốn về thăm. “Không phải lúc này”, cậu gắt. Mẹ lại im, đành đánh tiếng về con vẫn khỏe cho ông bà yên tâm. Sống với cậu một thời gian, mẹ sinh ra hai anh em giống nhau như hai giọt nước, từ nước da ngăm đen đến lời ăn tiếng nói, cách đi đứng, điệu bộ, người ngoài khó mà phân biệt được. Gần đây, Đông thấy cậu hay lo lắng, đi sớm về muộn, hồi chiều bạn cậu đến chơi, kể về việc không rút được tiền ở ngân hàng Đông Dương, người Pháp nói muốn rút thì phải vào ngân hàng trong Sài Gòn. Tiếc của vì cả gia tài đều để trong đó, cậu nghĩ mãi có nên đi hay không, ở lại thì sợ Việt Minh trả thù vì làm cho Pháp. “Em đi chợ thấy người ta bảo họ chỉ muốn đuổi người Pháp, chứ không hại người Việt mình”. “Đàn bà biết gì”, cậu quắc mắt.

Đến tối, cả gia đình xuống tới Hải Phòng, bến cảng người chật như nêm, chen chúc lên tàu, ai cũng lo lắng, vội vã. Cậu xách vali, mẹ dắt tay hai anh em đi sát theo sau. Người ta bắt đầu giẫm đạp, xô đẩy nhau khi nghe tin đây là chuyến tàu cuối. Vài người ngã xuống biển, tiếng la hét, khóc lóc của già trẻ át hẳn tiếng của đám lính Pháp quát tháo. Đám lính cầm súng gắn lưỡi lê sáng quắc như muốn đâm thủng vào niềm hi vọng mơ hồ mong manh của người xứ Bắc về vùng đất nghe vẽ là tự do, sung túc.

Khi cả gia đình chen gần đến cầu tàu, Biển tuột tay mẹ, từng lớp người như sóng chen lên đẩy Đông về phía sau.“Cậu dắt lấy con”, mẹ hốt hoảng dúi tay Đông vào cậu rồi len ra phía sau. “Đồ ăn hại, có giữ con thôi cũng không làm được”, cậu nói như quát. Chen lấn mãi, mẹ mới ôm được lấy Biển, ngoảnh lại thấy cậu và Đông đã trên tàu, lính Pháp không cho người lên nữa. Chiếc tàu rời bến, vài người trên bờ cố với theo rơi xuống nước. Đông hét lên tuyệt vọng khi nhìn thấy mẹ và anh đang chới với giữa đám đông.

Bóng người ở lại mờ dần rồi mất hẳn, Đông gào đến khản tiếng khi bến cảng đã thành đường chân trời. Cậu thất thần bên cạnh hàng trăm khuôn mặt ngơ ngác trong chuyến hải trình không biết ngày trở lại.

Minh họa: Lê Anh Vân

4.

“Anh khác quá rồi”.

“Anh chẳng nhớ nổi những gì chúng ta đã hứa hẹn với nhau, những gì anh viết trong thư gửi về từ chiến trường anh cũng đã quên sạch. Vậy mà em lại hi vọng vào những lời có cánh”.

...

“Đàn ông các anh thật tồi tệ”, tiếng Liễu đầy trách móc, giận hờn.

Đó là lần đầu tiên anh gặp riêng Liễu kể từ khi trở về, dù mẹ đã nhiều lần nói không thể lẩn tránh mãi. Họ bước đi trên bờ đê đầy cỏ may, gió hồ Tuy Lai thông thốc thổi tung mái tóc người con gái lỡ thì. Những sợi tóc dài thi thoảng bay sang dính chặt vào môi, vào cổ như muốn kéo anh lại, muốn anh hít hà chúng. Liễu ba mươi tuổi, đã chờ đợi ngần ấy năm, bố mẹ cô khuyên nhủ, thậm chí cả chửi mắng. “Mày định sống thế này cả đời hả con, hay mày ăn bùa mê thuốc lú gì của cái thằng đó?”.

“Tất cả là tại chiến tranh, anh không có lỗi.” Nói rồi, Liễu cầm tay anh chạy đến một vạt đê có khóm cây dẻ, mùi hoa rưng rức thơm. Kéo anh ngồi xuống. Cô vén áo cầm tay anh luồn vào trong và giữ chặt nơi đó, đôi mắt nhìn thẳng vào người đàn ông đang bối rối: “Anh còn yêu em không?”

Dường như Liễu đã đánh cược duyên phận của mình vào câu hỏi đó, cô im lặng chờ đợi. Anh thấy dưới bàn tay mình da thịt đàn bà mềm mại và mát rượi. Sau một hồi bất động, những ngón tay bắt đầu rung lên trên bầu ngực đầy đặn mịn màng. Người phụ nữ mỉm cười, đôi mắt hờ khép. Rồi cô hôn anh đến điên dại, hôn cho những mùa xa cách, cho những ngày đạn bom. Bàn tay anh siết mạnh bạo hơn, gót chân nghiêng trượt hằn bãi cỏ. Hương bồ kết tóc mây, mùi cỏ may hoang dại quện nồng nàn…

Chợt anh dừng lại, hổn hển: “Em tha thứ cho anh. Với mẹ, anh có thể là Biển. Nhưng với em, anh không thể. Anh…”

“Kìa, anh sao thế? Người anh lạnh toát cả rồi”.

Anh muốn nói gì đó nhưng cổ họng như cứng lại. Anh vùng dậy, hốt hoảng chạy, những đám cỏ may ra sức níu chặt lấy chân người.

Liễu thẫn thờ nhìn bóng người hun hút vào đêm, cảm xúc đứt đoạn, cô gục đầu, be mặt khóc. Đêm lặng lẽ ăn trăng như gặm nhấm nỗi đau của người con gái.

5.

Sau một mùa mưa, hố bom đã thành vũng sâu đầy rẫy côn trùng rả rích, cỏ xanh mọc tràn trên tàn tích.

Dưới gốc cây, một kẻ có khuôn mặt bặm trợn đang vểnh tai nghe những tiếng bom nổ ùng ục phía đằng xa vọng lại. Hắn cười vẻ đắc chí, rồi ném cho mỗi người một điếu Bastos như phần thưởng nhiệm vụ vừa hoàn thành. Đó là gã toán trưởng biệt kích, đã từng là tiểu đoàn trưởng bảo an nhưng bị kỉ luật vì tằng tịu với vợ thượng cấp. Trong mắt Đông, hắn là kẻ máu lạnh, một tên chống Cộng điên cuồng. Còn Đông, là lính truyền tin, chuyên xác định tọa độ đối phương rồi gửi về căn cứ. Mấy đêm anh không ngủ. Vết cắn của những con vắt hôm trước làm anh ngứa ngáy và khó chịu. Lũ vắt bâu vào Đông như muốn hút cạn nguồn sống, trừng phạt kẻ đã khiến bao con người phải chết sau những tọa độ được anh đánh dấu. Trước đây, anh nghĩ mình không phù hợp làm lính biệt kích, nghe người ta nói phải hổ báo, dũng mãnh, không sợ chết mới vào được lực lượng này. Nhưng khi bị bắt đi quân dịch Đông mới hiểu. Lính biệt kích dễ chết và đào ngũ nhiều. Những thằng con cháu nhà giàu thì làm lính đô thành, còn những loại lèm nhèm như anh thì chèn vào đây cho đủ quân số. Mấy thằng cố vấn Mĩ tuyên bố cứ qua tay chúng huấn luyện là biệt kích sẽ chiến sòng phẳng với Cộng quân. Đông nhổ toẹt. Đám lính già dơ nhất kể khi chạm trán với quân chính quy Bắc Việt, qua vài loạt đạn đã phải rút. Mấy toán biệt kích xâm nhập trước, có toán nào về được nguyên vẹn, thậm chí có nhiều toán mất tích nguyên nhóm. Vậy mà chúng cứ không ngừng ném quân vào giữa những cánh rừng đầy cạm bẫy với cái chết chờ đợi sẵn. Nhiều lúc bất mãn, đám lính vẫn nói với nhau, không hiểu chúng đang chiến đấu vì điều gì.

Bỗng có tiếng thú chạy làm cả đám giật thót mình. Những ánh mắt căng ra không ngừng quan sát xung quanh. Tên toán trưởng nói thào thào giữa không gian chỉ còn tiếng thở. “Đù má, chốn này nguy hiểm quá, không cẩn thận là mất mạng với Việt Cộng như chơi.”

Ngay sáng hôm sau hắn ra lệnh cả toán mặc trang phục, đội mũ tai bèo, đeo ba lô như quân đối phương. Cả nhóm đang lấy nước dưới suối thì giật mình nghe tiếng hú gọi phía xa hướng đầu nguồn, một người lính Bắc Việt gọi vọng lại hỏi sắp đến 367 chưa. Có lẽ đó là một trạm giao liên chuyển quân của quân chủ lực Bắc Việt bên kia dãy núi. Tên toán trưởng nhanh trí nhảy phắt lên mỏm đá ra hiệu đi thẳng và đáp vọng lại. “Sắp đến rồi các đồng chí ơi, cứ đi thẳng đến chân núi”. Nghe vậy người lính nhập vào hàng quân dài dằng dặc. Ngay sau đó, toán biệt kích phải di chuyển tránh xa dòng suối càng nhanh, càng xa càng tốt, bởi sẽ chẳng bao giờ có may mắn lần nữa.

*

*         *

Sau lần đột nhập đó, Đông tìm mọi cách rời lực lượng biệt động. Cậu chết bởi đạn lạc sau khi vào đây được mấy năm, chỉ còn mẹ và anh Biển, chẳng biết giờ họ ở nơi nào miền Bắc. Bao năm nay hình ảnh hai người ruột thịt tuyệt vọng bên cầu cảng ngày nào vẫn luôn ám ảnh, giày vò tâm trí. Đông tìm mọi cách chuyển về làm chân văn phòng nghiên cứu hồ sơ tù binh Bắc Việt với hi vọng mong manh, biết đâu trong số hồ sơ ấy có manh mối để hỏi thăm anh và mẹ.

Một chiều nắng xế, lòng Đông phấn chấn với một bản danh sách chuẩn bị cho các đợt trao trả tù binh giữa hai phía. Hiệp định đã được kí kết, hòa bình đang đến. Ánh nắng chênh chếch tua tủa những thanh sáng vàng vọt lọt qua khe cửa nhảy nhót trên đống giấy tờ lộn xộn. Đông đọc đi đọc lại gần như thuộc từng dấu phảy hồ sơ của một người tên Bạch Văn Hùng. Đó là quê ngoại mà mẹ vẫn hay nhắc đến. Ngay chiều hôm đó, với lí do cần khai thác thêm thông tin bổ sung hồ sơ, Đông đến ngay trại Thủ Đức, nơi giam giữ những người lính phía bên kia.

Bao trùm căn phòng là thứ bóng tối lúc thâm u kìn kịt, khi đục mờ luênh loáng. Quản ngục cho Đông biết, người tù Bạch Văn Hùng có nhiều hôm mê sảng rồi lảm nhảm: “Cố mà sống, nếu đã bị bắt thì đừng chết trong tù”. Đông đến trước, tắt điện, ngồi trong căn phòng thẩm vấn ấy cả tiếng đồng hồ. Đông muốn có một sự chuẩn bị thật kĩ càng. Đông muốn từ trong bóng tối nhìn ra, quan sát thật kĩ người tù binh và khi điện được bật lên, người tù ấy sẽ cảm được sự thân thiện và cầu thị, chia sẻ của Đông.

Vừa thấy người tù binh bước vào cửa, Đông nhổm lên nhưng kìm lại được, cố gắng giữ thái độ lãnh đạm, không vồ vập. Ngăn cách hai người là chiếc bàn sắt lạnh ngắt và tập hồ sơ màu nâu đất. Khi ánh đèn được bật lên, anh ta hơi nheo mắt vì bất ngờ bị chói, sau một chút ngỡ ngàng, ánh mắt anh ta lướt trên mặt Đông rồi kéo nhanh xuống chữ Đông ở ngực áo. Anh ta nhíu mày, nhưng ngay lập tức, trở lại với vẻ mặt thản nhiên, chờ đợi.

“Tôi đến đây không phải để thẩm vấn mà muốn hỏi anh vài điều”. Đông dợm lời rồi bắt đầu bằng việc kể về hiệp định hòa bình vừa kí và những nội dung trong đó mà không nói về chiến tranh, lí tưởng như những bài tâm lí chiến mà Đông được học. Người tù binh nghe bằng thái độ im lặng. “Ít ra, anh ta cũng lắng nghe chứ không có vẻ bất hợp tác.” Đông nghĩ, rồi chuyển sang hỏi thăm về quê hương bản quán. Nói rồi Đông lấy ra từ ngực áo ra một tấm ảnh gia đình bốn người, chỉ vào lần lượt bố, mẹ, mình và người anh song sinh tên Biển.“Đây là gia đình tôi, chúng tôi đã thất lạc nhau, bố tôi chết rồi, chỉ còn mẹ và anh trai. Quê quán của anh là quê ngoại của tôi, anh có biết họ không?”

Ánh mắt Đông đầy khẩn thiết nhìn vào đôi môi người tù binh chờ đợi. Chỉ cần một tiếng “Có” thôi. Không gian, thời gian trong phòng ngưng lại trên đôi môi người tù binh ấy.

Anh biết họ phải không?” Giọng Đông run run, như muốn lạc đi.

“Tôi và hai mẹ con bà Sửu cùng làng, trước khi tôi đi, bà ấy vẫn còn sống mạnh khỏe”.

“Thế còn anh Biển?”

“Biển chết rồi”.

Đông sững người, lặng im hồi lâu, cố tĩnh lại. Gương mặt tái đi, đôi môi run run mấp máy của Đông cùng vẻ ngoài giống hệt Biển đã thuyết phục người tù binh hoàn toàn. Anh ta bắt đầu kể việc cùng đơn vị với Biển, đã từng nghe Biển nói có một người em song sinh thất lạc và luôn đau đáu sẽ đi tìm sau chiến tranh. Rồi trận chiến cuối cùng trên điểm cao chỉ còn lại hai người. Biển hi sinh, còn anh ta bị bắt...

Người tù binh im lặng. Hình như có một suy nghĩ vừa lướt qua trong đầu. Anh ta liếc nhanh ra cửa rồi vội nhoài người qua bàn, ghé vào tai Đông nói nhanh:

“Cậu có muốn trở về nhà với mẹ mình không?”

Tim Đông nhói lên một nhịp khi nghe câu hỏi. Sau mấy ngày suy nghĩ, anh quyết định gặp lại người tù binh ấy. Một kế hoạch chạy trốn cho cả hai người được lập. Đông bố trí một chiếc xe Jeep đến trại lấy cớ cần đưa Hùng đi thẩm tra. Khi xe chạy gần tới vùng giải phóng thì bị truy đuổi. Chỉ có Đông nhảy thoát vào bưng. Còn Hùng đã bị cảnh sát bắn chết...

6.

Ắng Bằng bao nhiêu năm vẫn vậy, cảnh vật vẫn điềm nhiên như vốn có, nương rẫy bỏ hoang mọc lên những lùm dẻ nưng nức thơm, hương tỏa khắp mỗi khi có ngọn gió trườn qua thung lũng. Nơi đây đẹp nhất sau cơn mưa, trời trong văn vắt có thể phóng tầm mắt tới thật xa, nhất là chỗ dải đất nhô ra, nơi có hai ngôi mộ nằm cạnh nhau. Đông đã gắn trên mộ gió một cái bia bằng đá, sau đó anh đi đâu chẳng ai biết. Ngôi nhà của hai mẹ con bỏ hoang, rêu ngủ. Cô Liễu đã đi lấy chồng chẳng mấy khi về quê.

Sau này, thi thoảng có người từ xa lên núi, phải đi qua vị trí có hai ngôi mộ, họ vẫn thắc mắc về mộ phần có khắc tên liệt sĩ Nguyễn Văn Biển, hi sinh năm 1972, nhưng chẳng người dân nào trả lời thuyết phục.

B.T.M

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)