Thi tứ mùa xuân

Thứ Ba, 24/01/2023 08:00

 Khi những vần thơ xuân gửi đến Văn nghệ Quân đội là khi mùa xuân về với Người Biên Tập. Những ngày giáp tết là những ngày lòng người bao náo nức xen lẫn bâng khuâng, chúng ta hướng đến những điều tươi vui nhưng cũng không quên nhìn lại những điều đã cũ. Cảm xúc ấy rất dễ gợi đến những câu thơ. Hay nói đúng hơn, thơ thường đến từ những cảm xúc như thế.
Tác giả Trần Ngân ở Yên Bái, trong bài thơ Mùi tết xưa viết: Lòng ta ở giữa lưng chừng/ Mùa xuân chớm đến ngập ngừng buồn vui/ Nhành mai trắng đến ngậm ngùi/ Bên thềm năm mới nhớ mùi tết xưa. Đó là cảm xúc của người con đi xa nay mới trở lại quê nhà trong ngày tết. Chỉ có đi xa, ta mới càng thấy rõ hơn những gì thân thuộc, sâu đậm trong lòng mình. Mùi tết xưa với tác giả Trần Ngân là lá mùi già, bánh chưng xanh, dưa hành, khói bếp… Đó đều là những hương vị không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận thấy và bồi hồi nhớ khi nhắc đến tết. Tuy nhiên, thơ cần một cách viết gợi hơn là tả, trong cảm xúc ấy, nếu như tác giả có cách viết giàu sự liên tưởng hơn thay vì liệt kê những món ăn, những hình ảnh quen thuộc thì bài thơ sẽ ý vị hơn rất nhiều. Mỗi người đều có những câu chuyện riêng, cảm xúc riêng khi đứng trước những đề tài chung. Đây cũng là câu trả lời của Người Biên Tập với tác giả Trần Ngân, bởi tác giả có hỏi: Tôi đã gửi nhiều bài thơ dự thi có đề tài về người lính, tôi cũng viết về chiến tranh và những hi sinh xương máu, nhưng chưa được ban biên tập sử dụng.
Tác giả Dương Tâm ở Hà Giang, trong bài Tết biên viễn có viết: Bên tai rừng hát thì thầm/ Gió đông nhè nhẹ, thưa dần sương đêm/ Lặng nghe hơi thở biên cương/ Lòng vui phơi phới bước đường tuần tra… Đó là cái tết của những người lính biên phòng đang đêm ngày canh giữ bình yên nơi địa đầu Tổ quốc. Mùa xuân mang đến những nhớ mong, mùa xuân cũng mang đến những hi vọng. Người Biên Tập rất vui khi gặp được hình ảnh đầy lạc quan, tin yêu của người chiến sĩ trong bài thơ này. Hình dung những người lính tuần tra trong đêm sương lạnh, và đất trời đang từng bước sang xuân, như thể người lính đang dần đi đến mùa xuân sẽ cho người đọc cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp của đất nước, của con người khi mùa xuân đến. Người Biên Tập tiếc là, tác giả Dương Tâm dùng thể thơ lục bát để biểu đạt cảm xúc của mình về vẻ đẹp ấy nhưng còn có những câu thơ gieo vần chưa thật chuẩn, cũng như việc một bài thơ mà tác giả cùng lúc gửi đến nhiều địa chỉ sẽ khiến những người làm biên tập có phần e ngại trong việc sử dụng bài. Mong tác giả Dương Tâm sẽ lưu ý thêm về điều này.


Cùng trong nguồn cảm hứng về mùa xuân biên giới, nhưng ở một góc nhìn khác, tác giả Phan Quốc Bình ở Trà Vinh viết bài Mùi hương im lặng: Dọc biên giới sang xuân/ màu hoa đào nhảy nhót/ và hoa ban trắng muốt/ mùi hương nhởn nhơ trò chuyện trên đường/ thật không ngờ những năm xa vắng/ tôi trở về đồng bằng/ mùi hương trốn theo/ im lặng. Mùa xuân biên giới không chỉ mang lại cảm xúc cho những người lính đang trực tiếp canh giữ đất trời mà còn là nỗi nhớ khôn nguôi của những người đã từng gắn bó hay dẫu chỉ một lần gặp rồi xa… Tác giả Phan Quốc Bình đã có những cảm nhận sâu sắc và thực sự đã có một xuân biên giới của riêng mình. Về chất thơ, bên cạnh những câu thơ giàu hình ảnh thì bài thơ vẫn còn có câu đơn giản, chưa được gọt giũa để tinh tế hơn.
Những chàng trai cô gái đang yêu là hình ảnh không thể thiếu trong thơ xuân gửi đến Văn nghệ Quân đội. Mùa xuân là mùa của hò hẹn, mùa của lứa đôi nên những vần thơ như cũng thêm xao xuyến. Tác giả Cao Nhật Quyên ở Khánh Hoà viết: Ta hẹn cùng em ngày xuống chợ/ Để nhìn phố thị đón mùa xuân/ Em tươi như đóa phong lan nở/ Dẫm nắng mai thơm trải khắp rừng… Hạt cườm rúng rính váy hoa mây/ Rạo rực trong tôi mỗi bước ngày/ Ghé quán nghỉ trưa vui cốc rượu/ Tôi mời em uống mà tôi say. Còn tác giả Mai Hoa ở Hải Phòng lại có những câu thơ rất lãng mạn về mùa xuân vùng biển: Đã bao lần hẹn anh về với biển/ Mà đường xa cách trở ngại ngần/ Gió lạnh thổi buốt dài bãi cát/ Dấu chân nào lẻ loi/ Xuân vừa đến hoa sóng bừng biển biếc/ Xóm chài vui đón khách ghé thăm. Xuân ước hẹn ở phố lại mang một sắc thái khác trong thơ của tác giả Văn Thiêm ở Hà Nội: Mưa Quảng Bá cho anh duyên cớ/ Che cho em đi hết chợ hoa/ Cành lê trắng làm tim anh ngây ngất/ Trên tay em năm ngón nở òa. Có thể nói, mùa xuân là một cái cớ rất hữu tình để các chàng trai, cô gái bày tỏ lòng mình. Những lời khó nói hay chưa nói có thể nhờ xuân để bộc bạch, mượn xuân để đối phương hiểu được lòng mình. Thơ như một phương tiện để người viết truyền tải cảm xúc bằng ngôn ngữ. Việc tìm đến thơ để nói lên những rung cảm của lòng mình cũng là một lựa chọn rất đỗi tự nhiên, bởi thơ dường như là hình thức nghệ thuật gần gũi nhất với cảm xúc của con người. Tuy vậy, để có những câu thơ hay thì mỗi người viết cần phải trau dồi kĩ năng ngôn ngữ và đặt mình vào tình thế sáng tạo ở mức độ cao nhất.
Tác giả Lệ Thu ở Phú Thọ gửi thư về ban biên tập với những lời tâm huyết rất đáng quý: “Em là giáo viên dạy văn của một trường trung học phổ thông. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã bồi đắp cho em cảm xúc và kĩ năng văn chương, tạp chí cũng truyền lửa cho em để em chuyển tiếp tình yêu văn chương đến cho những lớp học trò. Thơ từ sách giáo khoa đến thơ trên tạp chí là một khoảng không lớn mà em biết mình phải tự lấp đầy khoảng không ấy khi muốn tiếp cận với dòng chảy của văn học đương đại…” Người Biên Tập rất cảm ơn tác giả Lệ Thu với những lời chia sẻ hết sức chân tình. Cùng với đó tác giả gửi đến toà soạn chùm thơ xuân với nhiều cung bậc khác nhau của cảm xúc. Đó là nỗi rạo rực của tuổi trẻ khi đất trời vào xuân: những mầm xuân đang trổ/ từ đất trời hay từ những đam mê; là những thương nhớ về một mùa xuân dĩ vãng: bây giờ nhìn cánh đào phai/ mùa xuân còn nhắc những ngày năm xưa/ ước gì trời lắc thắc mưa/ để ta sống lại giao thừa tuổi thơ; là những mộng ước đắm say và thầm kín trước vẻ đẹp của sắc xuân: em như xuân chín trên cành/ chờ người nên mới tự xanh lòng mình. Tác giả Lệ Thu đã mang đến những câu chuyện, những tâm tình khác nhau qua mỗi bài thơ, mà tất cả đều khởi từ mùa xuân. Nếu tác giả Lệ Thu chắt chiu hơn những xúc cảm, nắn nót hơn trong từng câu chữ thì sẽ có những bài thơ trọn vẹn hơn. Sự lan man của cảm xúc cũng là vấn đề mà rất nhiều người viết vấp phải. Bởi không phải cứ có cảm xúc là có thể viết thơ mà người viết cần phải lắng những cảm xúc ấy vào ngôn từ để mỗi câu thơ viết ra trở nên hàm súc nhất, cô đọng nhất, nhưng cũng nói được nhiều nhất lòng mình.
Một mùa xuân mới đang dần đến với tất cả chúng ta. Người Biên Tập rất vui khi cảm nhận được nguồn thi tứ dồi dào cũng như những tình cảm ấm áp từ phía các cộng tác viên thân quý. Tết đến xuân sang, chúc các bạn ngập tràn tươi vui và sáng tạo.
NGƯỜI BIÊN TẬP

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)