Người uống giấc mơ

Thứ Hai, 24/08/2020 00:35

(Đọc Phơi riêng tư của Nguyệt Phạm, Nxb Hội Nhà văn, 2019)

Thơ ca luôn là sự nhọc nhằn của người viết. Sự nhọc nhằn ấy không chỉ đến từ lao động chữ nghĩa mà ở đó người viết còn phải bắt buộc đưa ra những lựa chọn của mình. Phơi riêng tư là cách mà Nguyệt Phạm đã chọn, chị phơi trần những riêng tư thầm kín. Đó là sự thầm kín của những giấc mơ, mỗi bài thơ của Nguyệt Phạm như thể khởi nguyên từ những giấc mơ. Chẳng thể tìm nhân dạng của người viết trong thơ nhưng điều cốt tử là ở đó ta tìm được chiếc chìa khóa để bước vào cõi thơ của chị: Sao tôi lại thường nói về những giấc mơ/ Hay đó là điều duy nhất tôi có thể.

Mặc dù thơ ca viết về giấc mơ nhưng nó khơi gợi hiện thực. Như thể Ngọn nguồn thẳm sâu đêm tối là những bình minh thiếu lửa, Nguyệt Phạm đã đi đến tận cùng giấc mơ của mình để bóc tách, phân trần. Dù sau đó chị nhận ra những thê thảm, thất vọng, tổn thương: Ai mua giùm em những mùa thiếu nước/ Đành uống giấc mơ mình đỡ khát qua cơn. Khi đã chọn phơi riêng tư là khi người viết giãi bày mình trong sự không cùng và bất trắc của số phận. Nguyệt Phạm không chống đỡ hay chịu đựng mà chị đồng hành cùng số phận, chị dùng giấc mơ để khám phá số phận của chính mình: Một đêm tháng Tư tôi tự biến mình thành rượu/ Tôi tự say hương mình.

Và khi đã giải mã được chính mình là khi chị đủ tự tin trước cuộc đời. Chị hiểu ngoài kia là gì và những gì đang chờ đợi mình. Khi tôi bước ra sân khấu dĩ nhiên là áo xiêm lộng lẫy/ Đừng tò mò cởi áo tôi ra/ Dù sao bí mật chỉ là một trò tôi chiêu dụ/ Đừng để mắc lừa. Ngay cả khi ngông nghênh và thách thức đám đông Nguyệt Phạm cũng không quên phơi bày mình trước. Điều này có làm cho đám đông rơi vào hẫng hụt, tẽn tò? Đó không phải là điều chị đang nhắm đến. Tôi muốn nói đến cái khác của Nguyệt Phạm. Em thuộc về một nơi nào khác/ khác mình/ khác người. Trong ý thức của người viết, khác là một nỗ lực, cũng là một tố chất. Đường cả ngàn người sao không ai đi cùng hướng với em. Hướng đi riêng ấy chắc chắn sẽ là một hành trình cô đơn của Nguyệt Phạm mà với sự lao động sáng tạo nghiêm túc, chắn chắn chị sẽ được đáp đền một cách xứng đáng: Em ơi hãy hớp những ngụm đắng theo cung cách khoan khoái/ Hãy tận hưởng niềm đau tới tận cùng mỗi lỗ chân lông/ Đó là nơi tiết ra hạnh phúc.

Cứ ngỡ phơi riêng tư là khi Nguyệt Phạm đã thấu suốt mọi lẽ. Nhưng sau những giãi bày tưởng như đã tường tận về mình thì một khoảng trống lại được mở ra: Những lời không thể giải thích/ Không-thể-minh-bạch cùng ai. Bởi vì ở chị luôn tiềm tàng một bản năng kháng cự. Kháng cự lại sự tẻ nhạt, rập khuôn, sáo rỗng, và kháng cự ngay cả chính mình để được là/trở thành một mình khác: Ngủ giữa những gì thân thuộc/ Tôi biến mất thành những cách xa. Vậy thì thơ có giúp cho Nguyệt Phạm thành toàn? Mọi mơ ước dường như đều diệu vợi, “niềm vui của tôi chỉ là viết được đúng điều mình nghĩ, tìm tương đối đúng từ ngữ, hình ảnh để diễn tả điều mình đang mơ. Tôi vẫn đang phân vân…”. Sự phân vân ấy sẽ làm dài thêm hành trình thơ Nguyệt Phạm, cho dù chị không từng mong muốn mình phải lựa chọn: Tôi mong mình lại mắc kẹt để không phải chọn lựa/ Tôi muốn viết một câu thật ý nghĩa trên vết xe đời mình/ Bằng chính ngôn ngữ đang sống của mình/ Liệu đó có là điều quá sức? Rồi những giấc mơ sẽ trả lời chị.

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG chọn và giới thiệu

Lạc
 
Những ngày hườm chín của em cận kề nhưng ôm trọn
toàn những thổn thức
Lưỡi vẫn nếm đầy vị đắng
Em nhẩn nha nuốt từng ngụm tìm dư vị ngọt ngào
Nhưng ngang trái thay, chúng vẫn còn đi lạc
Tìm đường mãi mà chưa về với em
 
Đừng quẫy đạp
Đừng tìm kiếm
Từ rất lâu em đã mù mờ trong sương đặc
Tưởng ra những bông hoa dại sặc sỡ, những cơn gió mát lành
những giấc ngủ thơm thơm mùi anh
Đi theo giấc mơ hạnh phúc
Đi theo con đường không có thật
Nên vị ngọt cũng chẳng trở thành sự thật
 
Em ơi hãy hớp những ngụm đắng theo cung cách khoan khoái
Hãy tận hưởng niềm đau tới tận cùng mỗi lỗ chân lông
Đó là nơi tiết ra hạnh phúc
 
Tiếp tục hành trình đi em
Hãy đau khổ một cách khoái lạc.
 
Mắc kẹt
 
Tôi mắc kẹt trong cơn bão lũ tâm hồn
Tôi không biết mình có nên/ muốn được thoát ra
Tôi ngồi lì suy nghĩ về chuyện mắc kẹt
Một tình huống lan man quá đỗi
 
Ở những nơi đã qua đã tới
Không có ai đợi chờ
Tôi cũng không biết mình có cần một ai đó đợi chờ
Hạnh phúc hay áp lực
Mọi sự trôi tuột
 
Cơn ẩm ướt đã tạnh
Tôi không còn mắc kẹt
Một chuyến xe qua
Tôi băn khoăn
Chỉ còn tôi và vết xe ở lại
 
Tôi mong mình lại mắc kẹt để không phải chọn lựa
Tôi muốn viết một câu thật ý nghĩa trên vết xe đời mình
Bằng chính ngôn ngữ đang sống của mình
Liệu đó có là điều quá sức?
 
Cơn mưa chỉ tạm bợ mang tiếng nhốt tôi
Tôi bị mắc kẹt trong chính giấc mơ quá sức của mình
 
Sao tôi lại thường nói về những giấc mơ
Hay đó là điều duy nhất tôi có thể
Một giấc mơ hát hoang trên những câu chữ ma mị.
Thành phố lạ
 
Ngày ngước mắt
Em về thành phố lạ
Lạ người lạ phố
Lạ miền nắng quen
Lạ tuổi thơ em, ngôi nhà trắng, chiếc mũ trắng
Con tàu bay lên trong nắng
Hải cảng xưa xa vắng
Anh đòi ăn hết trong mơ
Núi ăn mây, gió ăn sóng
Kí ức ăn ngày qua để tồn tại
 
Không mắt kính
Hấp háy-bụi-tràn-nước mắt
Cho một điều quen đã xa
Cho một điều xa ngỡ quen
 
Em ăn từng mùa anh mục rữa
Thành phố nhỏ, biển êm, đôi mắt cồn cào
Nặng lòng mang gương mặt biểu diễn
Trên ngơ ngác nói cười dây leo đời sống
Tan từng giọt que kem số phận
Con đường đi mãi không tới
Thành phố lạ, miền nắng quen.
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)