Tính nữ, biểu tượng và lạc thú trong "Căn phòng máu"

Thứ Tư, 08/03/2023 06:31

Có nhiều định kiến vẫn luôn tồn tại khi phát triển tiếp những câu chuyện gốc đã quá nổi tiếng. Trường ca Achilles của Madeline Miller từng bị cho là không hơn không kém một cuốn fan-fic của Odyssey, trong khi Căn phòng máu của Angela Carter từng bị lo ó vì cách khai mở có “phần lệch” chuẩn những câu chuyện cổ. Tuy thế qua những tác phẩm kể trên, ta có thể thấy một chiều kích khác và những câu chuyện tưởng chừng ẩn giấu, từ đó mang đến trải nghiệm chuyên biệt, hoàn toàn độc đáo.

Gồm 10 cốt truyện tam tấu, sóng đôi cũng như đơn lẻ được lấy cảm hứng từ Mèo Đi Hia, Người đẹp và Quái Vật, Bạch Tuyết, Cô bé quàng khăn đỏ hay Carmilla… Tác phẩm của nhà văn đứng vị trí thứ 10 trong số 50 nhà văn Anh quan trọng nhất từ năm 1945 đã mở ra được những chân trời mới, nơi đó nữ giới và những ham muốn của mình đã được bộc lộ một cách sắc nét và đầy thức thời, trong một bối cảnh nam giới ngự trị và nhiều vấn đề về định kiến giới vẫn đang tồn tại.

Bằng 10 câu chuyện với các giọng kể cũng như dung lượng hoàn toàn khác nhau, Angle Carter không chỉ khai thác những kí ức cũ, mà bằng cách vận dụng tối đa lối biểu đạt cường độ cao của tiểu thuyết ngắn, bà đã đẩy người đọc vào một khu rừng mà ở nơi đó mình là người kể, còn người quan sát được chất chồng lên trên những cái lồng, với những con mắt mở to được ngâm trong thứ formandehyt như đang đại diện cho những góc nhìn cố hữu từ lâu.

Phong cách riêng biệt

Nhà văn Angela Carter.

Những truyện cổ tích nắm giữ vai trò vô cùng quan trọng trong tác phẩm này. Với Angela Carter, bà coi truyện cổ tích như những tác phẩm khoa học – viễn tưởng từ trong quá khứ, do đó bà “không có ý làm ra những phiên bản hay những truyện cổ tích dành cho người lớn”, mà chỉ “lấy chính cái nội dung tiềm ẩn sẵn trong các câu chuyện truyền thống và sử dụng lại nó”.

Điều này tạo được cảm giác như déjà vu, khi con người ta những tưởng thấy rất quen thuộc nhưng cuối cùng hóa ra lại rất xa lạ. Angle Carter đi giữa lằn ranh bạo lực và nhục dục, để khai thác những khía cạnh tình dục dị giới đầy ham muốn. Ngày nay ta có thể thấy vô vàn những tác giả nữ mạnh mẽ phô bày bản thân, từ Annie Ernaux, Yoko Ogawa cho đến Mary Gaitskill hay Zadie Smith, thế nhưng vào năm 1979, đây là một điều mới mẻ gần như chưa có tiền lệ.

Do đó trên đà của những cấu trúc đã sắp xếp sẵn, Angela Carter tha hồ xoay chuyển góc nhìn, từ đó trang hoàng thành những điều mới. Carter không chỉ khai thác đi đến tận cùng của tiểu thuyết ngắn, mà ở đâu đó bà còn điểm tô trong những tác phẩm một thứ hương xa mang về từ thời Victoria, với ngôn từ, cảnh trí… được xếp đặt hoàn hảo và cũng mở ra những lối đi riêng chờ người thưởng thức.

Vì thế nếu không muốn tìm những tham chiếu mới về bản năng, tình dục và bạo lực, thì ta hoàn toàn có thể đọc Căn phòng máu như một tác phẩm độc lập, mang đầy màu sắc cổ tích nếu hồi cố về những anh em Grimm và Andersen. Ở đó có một nàng ma cà rồng không còn là Carmilla như lần đầu tiên mà nó xuất hiện ở xứ Ireland, mà đây nhập nhoạng cùng với bầu bạn của Fuentes, của Annie Rice trong Nàng Aura hay Claudia, hình thành một tính cách mới, bí ẩn hơn, huyễn hoặc hơn, cùng những lá bài báo tử cầm sẵn trong tay.

Carter đem theo cách viết cuốn hút kì lạ, thứ mà rất nhiều nhà phê bình cho rằng đã chết ở tại thế kỉ 20. Ta thấy rất nhiều cảm hứng của Andersen và những nhà văn viết truyện thần tiên khác ở bà, khi luôn mở đầu bằng lúc tả cảnh, để rồi sau đó nhập cảnh vào hồn, làm nó như một đường dẫn và bám theo nó, khai thác triệt để. Kết cấu ba hồi từ đoạn mở đầu cho đến diễn biến và rồi khép lại bằng những cao trào đầy những cú twist cũng là một vỏ bọc truyền thống khác, cho thấy Carter tham vọng xây dựng nhiều hơn tấm gương phản chiếu những điều mới mẻ, mà ở đâu đó vẫn giữ được nét truyền thống.

Và cũng như đã nói trên, Carter cũng đã khai thác vô cùng triệt để cấu trúc mà một tuyển tập truyện ngắn có thể mang đến. 10 câu chuyện là 10 tòa tháp khác nhau, có tòa vươn đến trời xanh bằng dung lượng khổng lồ, nhưng cũng có tòa chỉ nom vài trang, vươn lên chỉ mấy mươi mét. Tuy thế cái hay là Carter biết cách co, duỗi, nén, xả những mạch truyện này, để sau những câu chuyện dài như Căn phòng máu, Cô chủ trong ngôi nhà tình yêu… ta liền gặp những phản đề trong Đứa trẻ tuyết, Hội sói vô cùng kiệm lời mà đầy rung động.

Phong cách Carter cũng dễ dàng thấy trong tập truyện này, đó là lẫn tránh đến mức tối đa ngôn ngữ hội thoại, và đa dạng đến mức tối đa giọng kể, góc nhìn của mình. Xen kẽ phần lớn là những tác phẩm mang tính gothic, ta cũng thấy được một nét khôi hài rất Cervantes như trong câu chuyện về Mèo Đi Hia. Đáng nói tuy chỉ có một câu chuyện như thế trong tác phẩm này, thế nhưng ấn tượng về một vở kịch đầy tính châm biến lại ở lại mạnh nhất và “chiếm hữu” nhất khi khép sách lại. Nó như phía dương của một hình sin và Carter đã cố khắc họa, và làm được rất thành công.

Tính nữ, biểu tượng và lạc thú

Tập truyện Căn phòng máu.

Như đã nói trên, Angela Carter là một nhà văn khai thác được những tính nữ vô cùng độc đáo. Bà đã dựng nên những căn phòng riêng, từ đó nữ giới không còn e ngại hay là lo sợ phán xét. Trong bầu không khí hoài cổ và đầy kinh dị, nữ giới bộc lộ hết những phẩm chất của mình, vì họ rõ ràng biết rằng mình không còn con đường nào khác, hoặc cũng có thể đây là “đòn bẩy tung cánh” cho họ một con đường mới. Những thời bị động của các nhân vật nữ truyền thống đã qua, giờ đây họ chỉ bị động trong những ham muốn của mình.

Truyện ngắn cùng tên và cũng dài nhất dường như hay nhất và là điển hình cho thế giới Angela Carter. Các nhân vật nữ của bà vẫn chịu những sự đàn áp từ trong lịch sử, khi phải lấy những người mình không hề yêu vì nhà quá nghèo hoặc là phá sản, và cũng đôi khi họ hoàn toàn không có danh tính. Việc được thoát li ra khỏi đói nghèo đã khoác lên họ một cảm giác mới, bằng việc tân hưởng khoái cảm của bộ quần áo mới với những dự cảm hi vọng, cảm nhận sức nặng không thể đong đếm của tuổi trưởng thành là những tiềm năng tình dục vẫn còn ẩn giấu.

Carter gửi gắm hình tượng nữ cường trong những truyện ngắn, dù họ có là tuyệt bích hay thật ích kỉ. Như thể trong hai câu chuyện sóng đôi được lấy cảm hứng từ Người đẹp và Quái vật, nếu câu chuyện đầu bà cho cô gái ích kỉ quên đi lời hứa, tận hưởng một cuộc đời mới, thì cốt truyện sau lại đầy phản kháng, vươn đến tự do. Cả hai hình tượng trong câu chuyện đó thật ra vẫn luôn tồn tại trong mỗi con người, và dù cho có lựa chọn hướng nào đi nữa, thì bà cũng đã nêu bật khả năng có quyền lựa chọn của người phụ nữ trong cảnh tù đày.

Ham muốn và những khát khao cũng được trình bày một cách rõ ràng và đầy chủ động. Như thể trong truyện Căn phòng máu, nó xuất phát từ những vị thế cũng như ý thức vai trò của người làm vợ, còn với Cô chủ trong ngôi nhà của tình yêu, đó là truyền thống gia đình, ý thức về sự kế thừa cũng như khát khao dục tính còn đang ẩn giấu. Ở phía ngược lại, thông qua tính chất châm biếm và đầy giễu nhại của Mèo đi hia, Carter cũng dựng nên một hình tượng lẳng lơ, không hề che giấu với những giao hoan cũng như bùng nổ trên nền sân khấu như vở melo đang được làm quá lên, nhưng cũng từ đó cho thấy khao khát không thể dừng lại, đã bị kìm nén từ rất lâu rồi.

Ngoài những điều đó, hành động và cái chết để phản kháng lại những kềm kẹp cũ đã giam hãm họ cũng là một hướng nhìn khác đã được thể hiện. Đó là người mẹ “chim ưng” cưỡi ngựa, bắn hổ ở tận Đông Dương để cứu con mình khỏi lò sát sinh với những nhục hình tận thời Trung Cổ, hay cũng là một sinh vật đã bị rù quến, và rồi lặng lẽ lấy mạng vị Thần Dắt Trẻ khi đã nhận ra trạng thái giam hãm và đầy tuyệt vọng của bản thân mình. Đó còn là một tổ hợp vô cùng khó hiểu giữa người và sói, với sự biến hình và những dịch chuyển vô cùng phức tạp, từ đó phóng chiếu những nét giảo quyệt vào người phụ nữ.

Bằng cách khai thác đi đến tận cùng cấu trúc của tiểu thuyết ngắn cùng những đóng góp của cốt truyện cổ tích, cách xây dựng sóng đôi, tam tấu cũng như nắm giữ nhịp điệu một cách bậc thầy và các hình tượng vô cùng độc đáo… Với Căn phòng máu, Angela Carter mở ra một góc nhìn mới về tính nữ và sự độc lập vô cùng quan trọng. Bước ra đời thực từ chuyện cổ tích, những người phụ nữ rồi sẽ làm nên lịch sử, xoay chuyển dòng đời và ghi tên mình thật là lâu dài như chính Carter đã làm được.

LINH TRANG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)