Đại tá, NSND Lê Thi: Hơn 40 năm gắn bó cùng Điện ảnh Quân đội nhân dân

Thứ Sáu, 20/12/2024 14:20

. LƯU QUẢNG

Dáng người nhỏ, nhanh nhẹn, tư duy mạch lạc, khúc chiết, Đại tá, Đạo diễn, NSND Lê Thi dường như trẻ hơn nhiều so với tuổi 80 của mình. Hơn 40 năm trong Quân đội và cũng từng ấy năm gắn bó với máy quay, có mặt ở những chiến dịch quan trọng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông cùng với những đồng nghiệp của mình đã để lại nhiều thước phim tư liệu quý giá không chỉ với riêng Điện ảnh Quân đội nhân dân mà còn cho cả lĩnh vực phim tài liệu Việt Nam.

Lê Thi sinh năm 1944 ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ngay từ khi còn nhỏ ông đã có niềm đam mê với nghệ thuật, âm nhạc và điện ảnh. Năm 1962, ông tốt nghiệp trường Âm nhạc Việt Nam. Sau đó, ông làm việc tại Sở Văn hóa Hà Nội. Trong quá trình làm việc, với niềm đam mê với phim ảnh, ông tiếp tục đi học thêm chuyên ngành quay phim. Từ đó, điện ảnh gắn bó với ông tới tận hôm nay.

Đại tá, NSND Lê Thi.

Năm 1966, ông nhập ngũ và làm quay phim thuộc Xưởng phim Quân đội. Nhà quay phim Lê Thi luôn có mặt ở các chiến trường khốc liệt từ Quảng Bình trở ra Bắc cho đến Mộc Châu, Sơn La. Với ông, những ngày giặc Mỹ bắn phá Hà Nội năm 1972 là những ngày không thể nào quên. Ông vẫn nhớ như in không khí vắng lặng bao trùm Hà Nội trước mỗi trận không kích của quân đội Mỹ. Luôn có mặt tại những điểm cao để quay được những thước phim lịch sử, những chiến sĩ cầm máy quay như ông gần như không có một bữa ăn, giấc ngủ được trọn vẹn. Khi giặc Mỹ bắn phá Khâm Thiên, phố Huế, Bệnh viện Bạch Mai tàn khốc, ông đã có mặt để ghi lại những tư liệu lịch sử. Những thước phim của ông ngày ấy luôn đầy ắp tinh thần bất khuất của những người dân Hà Nội, sự dũng cảm của những người lính trên trận địa pháo, sự kiên cường của người dân Thủ đô trong sắp xếp lại cuộc sống sau mỗi đợt oanh tạc. Những hình ảnh quý giá ấy, ngay sau đó đã được chắt lọc thành bộ phim tài liệu: Hà Nội - Bản hùng ca.

Chia sẻ về kỷ niệm làm phim, Đại tá NSND Lê Thi cho biết: ngày ấy, quay bằng máy quay Konvas, không có ống kính têlê. Ban ngày, các nhà quay phim chọn sẵn vị trí đứng quay, góc độ, xác định cự ly, lựa chọn khẩu độ. Đêm đến, khi có lệnh báo động là phải vác máy quay ra vị trí. Ở trận địa xa, không thể nghe khẩu lệnh của người chỉ huy, trời lại tối nên những nhà quay phim phải dựa vào kinh nghiệm của mình. Khi nghe tiếng "cách" nghĩa là lúc quả tên lửa đã được nhả chốt. Phải vững tay máy bình tĩnh lia theo quả tên lửa cho đến khi trúng mục tiêu.

Điều tự hào nhất đối với NSND Lê Thi là ông và những người làm phim cùng thế hệ đã được sống và làm nghệ thuật trong những năm tháng kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Ông tâm sự: "Ngày ấy, những chiến sĩ quay phim như chúng tôi đi chiến trường theo chế độ B "ngắn", tức là có chiến dịch thì vào, hết chiến dịch lại ra. Giờ đây, tôi cũng không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu chiến dịch bởi cứ nhận lệnh là khoác ba lô lên đường. Những người lính quay phim ngày ấy rất vất vả. Ngoài hành trang như các đồng chí bộ binh gồm ba lô quân tư trang, lương thực, thực phẩm thì còn mang theo máy quay phim nặng tới trên 20kg. Chưa kể bọc gạo sấy chống ẩm cho máy. Một nguyên tắc bất di bất dịch là mất gì thì mất không bao giờ được mất máy quay. Khi có nổ súng tại trận địa thì những người lính quay phim cũng chính là những người đầu tiên nhô lên để đảm bảo công tác lưu giữ hình ảnh"...

Phong cách tư duy của đạo diễn NSND Lê Thi được thể hiện ngay trong những bộ phim mà ông thực hiện. Có lẽ, là người từng chứng kiến nhiều hy sinh, mất mát của đồng đội tại các chiến trường nên trong những thước phim của NSND Lê Thi, bên cạnh những tư liệu sự thật đắt giá, là cái tình người ngấm vào từng khuôn hình. Khi đất nước hòa bình, những bộ phim của ông đi sâu vào số phận con người, những góc khuất phía sau chiến tranh. Phải kể tới phim “Đường mòn trên biển Đông” (sản xuất năm 1995), chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyên Ngọc. Cùng đạo diễn với ông là NSƯT Phạm Nguyên. Đây là bộ phim đầu tiên về con đường Hồ Chí Minh trên biển, khắc họa đậm nét hình ảnh các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, các chiến sĩ Đoàn tàu Không số đã tạo nên một huyền thoại về con đường vận chuyển trên biển, có những đóng góp không nhỏ vào thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Những ngày làm phim, ông cùng cả đoàn đi khắp nơi tìm gặp những nhân vật có mặt trên con tàu Không số ấy. Công việc vô cùng khó khăn, vất vả, ngay cả chính quyền các địa phương cũng không biết vì các đồng chí hoạt động hoàn toàn bí mật. Cũng từ phim này, những chiến sĩ quả cảm trên con tàu huyền thoại năm nào đã được nhiều người biết đến. Những câu chuyện xúc động lần đầu tiên được đạo diễn Lê Thi hé lộ như chuyện gia đình anh hùng Hồ Đức Thắng. Khi đồng chí Hồ Đức Thắng nhận nhiệm vụ chở vũ khí vào miền Nam thì người vợ của ông được tổ chức bí mật cho gặp chồng. Về nhà, bà mang thai nhưng bị cả gia đình chồng nghi ngờ dằn hắt. Bà đã âm thầm một mình chịu đựng. Mãi 10 năm sau, đất nước thống nhất, ông trở về, bà mới được minh oan, cô con gái mới được nhận cha, nhận họ. Không chỉ là tác giả của những bộ phim tài liệu quý giá như “Đường mòn trên biển Đông”, “Người anh cả quân đội” (chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp), NSND Lê Thi còn tham gia làm phim truyện, với các bộ phim lớn “Hà Nội 12 ngày đêm” (đạo diễn Bùi Đình Hạc), “Tiếng cồng định mệnh” (đạo diễn Khắc Lợi), để lại nhiều ấn tượng cảm xúc khó quên cho khán giả.

Trưởng thành từ một anh binh nhất đến sĩ quan mang quân hàm đại tá, người lính Cụ Hồ ấy đã tròn 44 năm 8 tháng tuổi quân, từ một người quay phim tới đạo diễn được nhiều người biết. Nhưng ông luôn tâm niệm cần giữ vững gốc rễ, cội nguồn của mình bởi những gì ông có được ngày hôm nay là nhờ sự hi sinh của dân tộc, của rất nhiều đồng đội. Chính lịch sử hào hùng, lí tưởng cách mạng cao đẹp cùng những gửi gắm cho thế hệ tương lai đã chắp cánh để tài năng, tâm huyết của người đạo diễn ấy bay xa.

Đại tá, NSND Lê Thi chia sẻ: “Đến nay, tôi vẫn giữ nguyên vẹn niềm tự hào là một nhà làm phim của quân đội. Quân đội cho tôi điều kiện trưởng thành, học tập, rèn luyện và làm nghề. Trong niềm tự hào chung của anh em nghệ sĩ quân đội, chúng tôi luôn khắc sâu ghi nhớ những hy sinh của những đồng chí, đồng đội. Giữ tư thế đứng lên tuyến đầu, số lượng 30 nghệ sĩ của Điện ảnh Quân đội hy sinh trong các cuộc kháng chiến đã chiếm gần một nửa tổng số văn nghệ sĩ của cả nước hy sinh, là minh chứng cho câu nói “sinh nghề tử nghiệp”.

Với ông, còn sức khỏe, còn đam mê thì còn làm phim. NSND Lê Thi đang cùng êkíp của mình thực hiện bộ phim tài liệu Tiến bước dưới quân kỳ. Đây là một trong những dự án lớn của Điện ảnh Quân đội nhân dân hướng tới những ngày lễ lớn của đất nước và quân đội. Bộ phim có hai tập với tên gọi từng tập là Chiến đấu giành độc lậpSẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Bộ phim nói về quá trình 80 năm chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Đội quân từ nhân dân mà ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì nhân dân mà chiến đấu, đã tiến bước dưới lá quân kỳ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Bộ phim dự kiến ra mắt vào tháng 12/2024, trong dịp kỷ niệm 80 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).

Đã bước vào tuổi tám mươi và nghỉ hưu nhiều năm, nhưng ngôi nhà số 17 Lý Nam Đế, trụ sở của Điện ảnh Quân đội nhân dân vẫn là nơi đi về thường xuyên của NSND Lê Thi. Ông coi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình, vì ông có phần may mắn hơn 38 đồng đội đã nằm xuống khi đang làm nhiệm vụ. Đây cũng là số lượng nghệ sĩ hi sinh lớn nhất so với các đơn vị, các lĩnh vực khác của ngành văn hóa. Ông chia sẻ: “Làm phim tài liệu phải xác định sự khách quan, sự khoa học lịch sử nằm trong tổng thể chung chứ không phải để tôn vinh riêng một cá nhân, một con người cụ thể. Phim tài liệu càng không được dựa vào giai thoại hoặc những câu chuyện truyền miệng mà phải là những chi tiết trung thực, những dữ kiện đã diễn ra, đã được ghi lại bằng sử sách”.

Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và quá trình hoạt động nghệ thuật trong quân đội, trong lĩnh vực điện ảnh, Đại tá, NSND Lê Thi đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huy hiệu, huân chương cao quý: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương chiến công; Huân chương Quân kỳ quyết thắng; Huân chương Chiến sĩ giải phóng; Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 1, 2, 3; Huy hiệu vì sự nghiệp Điện ảnh; Huy hiệu vì sự nghiệp Báo chí và nhiều bằng khen cao quý.

LQ

 

VNQD
Thống kê