Thế giới sẽ được vẽ ra theo cách các nhà thơ nhìn thấy nó

Thứ Tư, 03/08/2016 00:28
dien dan van nghe

Thơ là không gian, là thế giới tuyệt đẹp mà có vẻ như chỉ nhà thơ mới nhìn thấy nó và truyền lại bằng ngôn ngữ. Thế giới ấy có sức lan tỏa, chiếm lĩnh trái tim và tâm thức người đọc, đánh thức lương tri, lương tâm và lương năng của họ. Thế giới ấy có thể hoán cải công chúng từ những người lạnh lùng, trơ ỳ cảm xúc thành những người biết yêu thương và khao khát cái đẹp, từ đó, họ biết hành động và dám hi sinh cho những điều cao cả vì một xã hội công bằng và bác ái, một thế giới hòa bình và tự do.

Vậy nhà thơ nhìn thế nào, thấy những gì trong thế giới ấy? Các nhà thơ thường ghi lại những di biến xảy ra trong ẩn ức, những tâm sự cần giãi bày, khát vọng vượt thoát… Di biến ấy có lúc diễn ra trong nội tâm, hoặc có thể thông qua một hiện tượng cụ thể nào đó của đời sống. Chính di biến ấy đã mở cánh cửa tâm hồn nhà thơ vào thế giới của cộng đồng.

Thế giới của thơ ca thường bắt đầu từ những điều giản dị, đôi khi rất nhỏ bé. Như một mầm cây, hơi thở, giọt nước, sợi tóc, côn trùng… Nhà thơ ấp ủ những điều bé nhỏ ấy bằng trái tim nhân hậu, giàu lòng vị tha, khoan dung vì con người. Những con giống, hạt mầm ấy được gieo trên cánh đồng ngôn ngữ của nhà thơ, chúng tự sinh sôi thành một thế giới riêng trong lòng người đọc, ngẫu nhiên và vô tình. Thế giới thơ ấy luôn soi sáng, ám ảnh người đọc suốt những chặng đường đời, để họ biết suy nghĩ và hành động vì những điều cao cả, tốt đẹp. Nó cũng đồng thời là những rào chắn ngăn cản con người không bước qua ranh giới giữa thiện và ác, lương tâm và tội lỗi…

 Mỗi bài thơ hay là một định nghĩa riêng về thơ, là con đường độc đạo đến với cái đẹp. Sau khi được bạn đọc tiếp nhận, bài thơ đó sẽ ẩn sâu trong tâm trí và tình cảm của mỗi con người, trở thành hành trang, tài sản tinh thần của họ. Vẻ đẹp ấy của thơ mang một quyền năng và ánh sáng đặc biệt. Thơ kết nối tâm hồn với tâm hồn, là sự đồng cảm và hòa điệu, hướng những người có cùng khát vọng về phía ánh sáng, trợ giúp họ vượt qua khó khăn, tồn tại được qua những cơn bĩ cực của lịch sử. Thơ ca thường sâu lắng dịu dàng như hơi thở của người mẹ, của người tình. Đôi khi chỉ thoáng qua như làn hương mỏng, tia nắng cuối ngày, cánh chim xa… Nhưng chính sự mỏng mảnh, dịu dàng ấy lại có sức mạnh lớn lao, đánh thức nhân tính, hoàn thiện nhân cách và phẩm giá con người. Ví như một đám mây bay qua trong bài thơ của nhà thơ Nga Joseph Brodsky (1940 - 1996) sau đây từng khiến nhiều người đọc ở mọi quốc gia, trong những không gian địa chính trị khác biệt đều ngước lên cùng với nhà thơ để nghe một nhịp điệu khát sống, khát tự do, hòa bình trên mặt đất:

Bên trên chúng ta,
một chiếc bóng lướt qua và
                                                 tan rã,
chỉ cần khóc và hát,
chỉ cần khóc và hát,
chỉ cần sống.
(Anh có nghe, có nghe chăng anh

- bản dịch của Diễm Châu)

Trong thế giới hiện sinh, cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, dân chủ và độc tài, tự do và mất tự do… vẫn diễn ra ở khắp mọi nơi, tại những điểm nóng bỏng trên địa cầu. Những vấn nạn của nhân loại như phân biệt chủng tộc, kì thị tôn giáo, sắc tộc, tranh giành đất đai, tài nguyên, thôn tính biển đảo, khoảng không… rồi những cuộc chiến tranh tàn khốc, khủng bố với đủ mọi thủ đoạn dã man luôn là câu chuyện đau lòng xảy ra hàng ngày ở khắp các châu lục. Những hành động vô ý thức của con người như phá hoại thiên nhiên, hủy hoại môi trường sống, phá vỡ cân bằng sinh thái… đang là mối lo chung của toàn nhân loại. Hơn lúc nào hết, đây chính là thời điểm các nhà thơ cần hành động để đạt được những mục đích mới của sáng tạo. Các nhà thơ cần tái thiết thế giới bằng vẻ đẹp và quyền năng của thơ ca. Chọn lựa những nét đẹp nhất, tinh túy nhất để tạo nên một thế giới cái đẹp hoàn mĩ không tội ác, không buồn khổ. Thế giới ấy mong manh, diễm lệ mà đầy hi vọng song không kém phần mạnh mẽ, cá tính và quyết liệt.
10259891 590052941093690 509133035637352582 n
Bài thơ Nam quốc sơn hà được thể hiện bằng thư pháp-Ảnh: TL

Kinh nghiệm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam qua các thời đại cho thấy, văn học, đặc biệt thơ ca, chính là nguồn động lực to lớn, là vũ khí sắc bén chống lại sự xâm lược của ngoại bang, là sức mạnh đoàn kết dân tộc để mọi người cùng chung lòng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dân tộc Việt Nam coi bài thơ “thần” Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam:
Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

(Bản dịch của Hoàng Xuân Hãn)

 Bài thơ Nam quốc sơn hà đã rèn luyện ý chí sắt đá, xây một thành lũy vững chắc trong lòng mỗi người dân nước Việt. Dân tộc Việt Nam từng chiến đấu và chiến thắng nhiều kẻ thù ngoại xâm bằng ý chí và lòng yêu nước được hun đúc qua bài thơ này. Đó là một minh chứng về quyền năng và sức mạnh của thơ ca đã giúp dân tộc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đến tận bây giờ.

Câu chuyện về thế giới hôm nay đã đổi khác. Nhiều vấn đề nóng bỏng và cấp bách đang diễn ra hàng ngày trước mắt nhân loại. Như một số đường biên quốc gia vừa được vẽ lại bằng máu. Phong trào “Mùa xuân Arab” đã đẩy Trung Đông và Bắc Phi lún sâu vào xung đột, khiến bạo lực lan đến châu Âu. Sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), một tổ chức khủng bố quốc tế, chính là hiểm họa của toàn nhân loại. Làn sóng di dân, tị nạn đang tràn sang châu Âu từ những vùng chiến tranh, xung đột. Thay đổi khí hậu, môi trường đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tài nguyên của trái đất đang dần kiệt quệ. Các vấn đề về bệnh dịch, sức khỏe ở các quốc gia đang phát triển. Sự bùng nổ về kinh tế tăng trưởng tột bậc của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ đã làm gia tăng các siêu đô thị. Theo tạp chí Kinh tế Viễn Đông (Far Eastern Economic Review), dự kiến tới năm 2025 chỉ riêng châu Á sẽ có ít nhất 10 siêu đô thị... Ở nhiều nước kém phát triển, các khu ổ chuột đông đúc là nơi có tỉ lệ bệnh tật cao nhất do điều kiện vệ sinh thấp, suy dinh dưỡng và thiếu dịch vụ y tế. Ước tính tới năm 2030 trên thế giới sẽ có hơn hai tỉ người sống trong các khu ổ chuột đó. Vấn đề toàn cầu hóa đã làm thay đổi mọi xã hội và kinh tế toàn cầu, nhưng mặt trái của nó “mang một khuôn mặt xấu xí, gớm ghiếc” như nhà kinh tế học Joseph E. Stiglitz đã từng nhận xét. Các chương trình hành động của Liên hiệp quốc Agenda 2030, gọi tắt là Các mục tiêu toàn cầu (The Global Goals) nhằm tăng cường sự phát triển bền vững, sự bình đẳng giữa các quốc gia, giảm chạy đua vũ trang và sử dụng vũ khí hạt nhân, không đói nghèo, khỏe mạnh và đời sống tốt đẹp, giáo dục chất lượng, bình đẳng giới, nước sạch và điều kiện vệ sinh, đối phó khí hậu, hòa bình và công lí…

Tôi hào hứng với những chủ đề mà Ban tổ chức Liên hoan thơ quốc tế Medellin (Medellin International Poetry Festival) lần thứ 26 đề ra, trong đó “Thơ ca - Hòa bình - Hòa giải” - một vấn đề cấp bách chắc chắn đang được mọi người quan tâm. Các nhà thơ và các bạn yêu thơ quy tụ về đây để cùng nhận diện những vấn nạn của loài người và bày tỏ quan điểm sáng tạo bằng lập luận, định hướng và bằng chính tác phẩm của mỗi nhà thơ. Thơ ca, theo tôi, ngoài vẻ đẹp được khởi sinh từ thuở sơ khai của loài người và mãi sau này, nó còn mang một thông điệp của quyền năng và sức mạnh tâm hồn. Trong lúc này, tác phẩm của mỗi nhà thơ cần đấu tranh trực diện với cái ác, cái xấu xa, tàn độc sinh ra từ con người. Thơ ca cũng như con dao mổ cần lách sâu vào từng vùng hoại tử, bóc tách tế bào đã chết để làm lành những vết thương trên từng cơ thể. Những vùng hoại tử trong tâm hồn con người chính là những âm mưu đen tối sinh ra những tội ác chống lại nhân loại, sinh ra những kì thị sắc tộc, tôn giáo, châm ngòi nổ cho những cuộc chiến tranh tàn khốc và hủy diệt. Vùng hoại tử trong tâm hồn là cái ác, cái xấu xa, những thói hư tật xấu làm tha hóa, mất nhân tính, biến một bộ phận người thành thú vật trong cộng đồng người…

 Thế giới sẽ được vẽ lại theo cách các nhà thơ nhìn thấy nó. Chúng ta cần những tác phẩm đấu tranh trực diện với cái ác, cái xấu xa tội lỗi để hòa giải những bất đồng, đem lại hòa bình cho các dân tộc. Các nhà thơ, theo tôi, cũng đồng thời là những kiến trúc sư xây dựng xã hội, xây dựng thể chế. Chúng ta có quyền đưa ra những mô hình xã hội thiết kế theo nhân sinh quan của thi sĩ. Cách tổ chức và vận động trong “mô hình” ấy có thể chưa hợp lí, thậm chí phi lí, nhưng từ đó vẻ đẹp và quyền năng cái đẹp của thơ ca sẽ tự phát sáng, mở đường cho những nhà hoạch định chính sách, chính trị, kinh tế, ngoại giao, giúp họ nhìn rõ hơn tương lai và biết được những hiểm họa của nhân loại. Văn học, đặc biệt thơ ca, luôn mang khả năng dự báo, tiên báo.

Mỗi nhà thơ là một thế giới riêng, đặc sắc về thơ. Đó là đặc thù và thủ pháp sáng tạo. Nhưng, chúng ta có chung một đích đến chân lí Chân - Thiện - Mĩ. Sự đoàn kết, quy tụ sáng tạo của các nhà thơ vì hòa bình, hòa giải thế giới là sự nghiệp góp gió thành bão, là ánh sáng trong ánh sáng, là nhiều dòng sông cùng đổ về biển để tạo thành đại dương rộng lớn. Được sống trong một thế giới hòa bình, tự do, bình đẳng… vốn là giấc mơ của nhân loại từ xa xưa đến tận bây giờ và mãi sau này. Bằng tài năng và nội lực sáng tạo, mỗi nhà thơ cần vẽ lại thế giới theo thế giới quan riêng của mỗi người. Đó là cách chúng ta để cho ánh sáng tâm hồn được lan tỏa, cho khát vọng hòa bình, hòa giải được hiện thực hóa ở khắp mọi nơi trên trái đất.
M.V.P
----
1. Tham luận tại Liên hoan thơ quốc tế Medellin lần thứ 26 tại nước Cộng hòa Colombia, từ ngày 18 đến 25/6/2016.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)