Món quà văn học cho thiếu nhi thời Covid

Thứ Hai, 15/08/2022 00:25

. TRỊNH ĐẶNG NGUYÊN HƯƠNG
 

Cuối năm 2019, dịch Covid xuất hiện, nhanh chóng lan rộng và gây chấn động toàn cầu. Dịch bệnh làm đảo lộn nhiều trật tự cũ, thay đổi tới gốc rễ những thói quen sống và sinh hoạt của cả nhân loại. Đau thương, mất mát, thiệt hại về vật chất và tinh thần của thế giới trong thời gian dịch bệnh hoành hành khó có thể đo đếm hết. Năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhịp sống dần trở lại bình thường nhưng cuộc sống của con người không thể trở về như trước nữa. “Bình thường mới” là khái niệm xuất hiện sau đại dịch Covid-19 vừa qua. Dịch bệnh đã để lại dấu ấn lên mọi mặt của đời sống con người trong đó có văn học. Nhiều tác phẩm viết về dịch Covid-19 đã ra đời như các tiểu thuyết Đảo bạo bệnh (Đức Anh), Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái (Iris Lê), Những ngày cách ly (Đào Quang Thắng), tự truyện Đi qua hai mùa dịch (Dy Khoa), trường ca Sự sống và lòng biết ơn (Phạm Phương Thảo), tập truyện ngắn và tản văn Cô Vy tự sự - Gió và tình yêu vẫn thổi (Nhiều tác giả) và nhiều tác phẩm bút kí, ghi chép. Đầu năm 2022, văn học thiếu nhi cũng đóng góp cho đề tài này với Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng (Nguyễn Nhật Ánh) và Cơ Bản là Cơ Bản (Huy Thông). Trong Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng, Nguyễn Nhật Ánh thấp thoáng nhắc tới một căn bệnh cúm gắn liền với tử thần, cách điều trị phổ biến là phun thuốc khử trùng, ăn tỏi, uống thuốc. Rồi dịch bệnh cũng qua đi, trả lại bình yên cho khu trại bên bờ suối. Tuy nhiên, ở tác phẩm này, Nguyễn Nhật Ánh không hướng ngòi bút tới đối tượng chính là dịch bệnh hay đời sống các con vật trong mùa dịch. Bệnh cúm chỉ xuất hiện như một lát cắt rất nhỏ trong tác phẩm rồi nhường chỗ cho những tình tiết và sự kiện khác quan trọng hơn. Vì thế, chỉ có thể xem Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng là tác phẩm đầu tiên xuất hiện thấp thoáng hình ảnh đại dịch Covid-19 trong văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại. Cơ Bản là Cơ Bản của Huy Thông lại mang chứa một không khí và tinh thần khác. Cuốn sách ghi lại kí ức về tuổi thơ thành phố, về tình hình học tập và sinh hoạt của thiếu nhi trong bối cảnh đại dịch từ góc quan sát của cậu bé Trần Cơ Bản, 12 tuổi. Tác phẩm là món quà ý nghĩa với bạn đọc tuổi nhỏ cũng như giúp các bậc phụ huynh trở lại tuổi thơ để hiểu và gắn kết hơn với thế giới tuổi thơ.

Tuổi thơ thành phố trong đại dịch toàn cầu

“Ve vẻ vè ve/ Cái vè Covid/ Từ đâu xuất hiện/ Thiệt mạng bao người/ Rình rập khắp nơi/ Gây bao tai họa/ Phố phường quán xá/ Bỗng chốc vắng hoe/ Từ phố đến quê/ Chung tay chống dịch…” Không khí thời đại nhanh chóng được tái hiện ngắn gọn qua bài vè của chú bé Cơ Bản mở đầu tác phẩm. Nhờ bài vè này mà Bản nhanh chóng nổi tiếng ở lớp, ở trường và trên mạng xã hội như một cậu bé thần đồng. Từ góc quan sát của nhân vật chính, đại dịch không hiện ra qua những con số thống kê, những tác hại khủng khiếp mà qua những gì cậu bé chứng kiến và ghi nhận trong đời sống hàng ngày. Phố phường vắng ngắt, học sinh không được tới lớp; thay vì đến trường, Bản và các bạn học online để đảm bảo việc học không bị gián đoạn bởi dịch bệnh. Như mọi cô cậu học trò thuộc lứa tuổi nhất quỷ nhì ma, Bản thích ứng thật nhanh với tình hình mới. Cậu phát hiện ra những điều thú vị mà dịch bệnh mang lại như không phải dậy sớm, không bị bố mắng, mẹ giục giã mỗi sáng, cũng không cần cả quần áo chỉnh tề trong giờ học. Giờ đây, cậu ung dung sử dụng những “mánh khóe” lợi hại để qua mặt thầy cô và tận hưởng những giờ phút tự do làm những gì mình thích ngay trong giờ học như mặc quần đùi trước màn hình máy tính, “chuồn ra bếp lục lọi đồ ăn, ních căng bụng rồi quay lại”. “Nếu bị cô giáo hỏi, tôi chỉ cần nói mạng bị lỗi, máy tính treo đơ, phần mềm trục trặc hoặc em vừa đi vệ sinh là xong.” Hoặc cao thủ hơn, “tôi đổi tên mình trong ứng dụng Zoom thành “reconnecting” (đang kết nối lại) rồi để đấy nằm ngủ”. Rất nhiều mánh khóe được sử dụng để mang lại sự tự do và sung sướng cho những cô cậu nhóc mùa Covid được nhà văn tái hiện trong tác phẩm, khiến mỗi bạn đọc nhỏ tuổi có thể nhận ra mình cũng như khiến thầy cô, cha mẹ bật cười vì những chiêu trò của bọn chỉ đứng sau quỷ và ma. Như vậy, ngay cả một cậu bé chăm ngoan, học giỏi nhất lớp - niềm tự hào của mẹ cha - cũng đã “thay đổi” chóng mặt trước diễn biến mới của đại dịch Covid-19. Việc học trực tuyến, trên bề mặt cho thấy năm học vẫn tiếp tục, việc học hoàn toàn không bị gián đoạn bởi dịch bệnh nhưng mặt khác mở ra những xáo trộn sâu sắc trong thói quen sinh hoạt cũng như đời sống tâm hồn, tình cảm của biết bao học trò trên cả nước.

Sau một thời gian cảm thấy hứng thú với những chiêu trò qua mặt thầy cô, bố mẹ, Cơ Bản thấm thía nỗi buồn của sự cô đơn, của việc thiếu vắng bạn bè, nỗi buồn vì mất đi những kết nối trực tiếp với đời sống. Cậu nhận ra căn hộ chung cư tù túng, chật hẹp, không cho phép cậu được hoạt động, được giao tiếp, được vui chơi với bất cứ ai. Ngoài việc học, việc nhà, giờ đây cậu còn phải tham gia vào việc kinh doanh của mẹ, trở thành một “lao động nhí” thực thụ. Hằng ngày, Cơ Bản sáng tác vè minh họa cho những sản phẩm của mẹ, đọc vè, tương tác trực tuyến với mẹ trên mạng để thu hút khách hàng. Sự khó khăn, thiếu thốn do dịch bệnh đã lan tới ngôi nhà êm ấm của Bản cũng như nhiều bạn nhỏ khác. Cậu nghe thấy những tính toán của mẹ, những băn khoăn của cha, thấy mẹ mệt nhoài vì ngoài công việc chính mẹ còn bán hàng online để tăng thu nhập, ngôi nhà nhỏ “từ phòng khách đến phòng ngủ, chỗ nào cũng ngồn ngộn hàng hóa”. Tình cảnh của cậu và các bạn nhỏ thành phố được tổng kết qua những câu vè đầy tâm trạng: Ve vẻ vè ve/ Cái vè con nít/ Ở nhà tránh dịch/ Chẳng có chỗ chơi/ Suốt ngày không rời/ Tivi, iPad... Tác động của đại dịch Covid-19 rồi đây sẽ được thống kê qua những con số điều tra, nghiên cứu cụ thể, còn ở tác phẩm của Huy Thông, người đọc nhận ra ảnh hưởng của dịch bệnh tới tuổi học trò. Việc học online một mặt đảm bảo tiến độ, chương trình học cho học sinh vùng dịch nhưng mặt khác việc thay thế kết nối thực (với thiên nhiên, môi trường, với thầy cô, bè bạn) bằng kết nối ảo thông qua mạng internet đã cắt đứt liên hệ sống động, mật thiết giữa học sinh và đời sống học đường. Tương tác qua màn hình máy tính hoặc điện thoại kéo dài nhiều tháng đã âm thầm, lặng lẽ ăn mòn niềm vui, sự hứng khởi với việc học, với cuộc sống của các bạn học sinh thành phố nói riêng, cũng như với học trò cả nước nói chung.

Trong thời đại giàu thông tin và biến động, những sự kiện quan trọng của hôm qua có thể nhanh chóng bị lãng quên ở hôm nay. Vì vậy, nếu năm 2019, đại dịch Covid là nỗi khiếp sợ, ám ảnh toàn cầu thì tới năm 2022, khi nhịp sống dần trở lại bình thường, kí ức về những ngày tháng ngột ngạt, khó khăn dần mất dấu trong tâm trí của mọi người. Ghi lại hình ảnh tuổi thơ thành phố trong đại dịch toàn cầu, Huy Thông đã góp một phần vào công việc “lưu trữ” thời gian.

Những kết nối cần có với đời sống thực

Cơ bản là phải thay đổi là tên chương 7 của cuốn sách. Cha của Cơ Bản sớm nhận ra những bức bối của con, nếu tiếp tục sống như vậy, cậu không thể trở thành một đứa trẻ vui vẻ và hạnh phúc. Tài sản của tuổi thơ không thể chỉ là thành tích học tập, mà còn là những niềm vui bè bạn, là sự trưởng thành cả về trí tuệ, thể chất và tâm hồn. Nghe lén câu chuyện của bố mẹ, Bản thầm đồng tình với bố: “Con bức bối lắm rồi đây. Suốt ngày ru rú trong nhà đã bức bách thì chớ, lại còn phải vắt óc làm thơ, làm vè cho mẹ bán hàng, chẳng chóng thì chầy, con cũng sẽ tẩu hỏa nhập ma mất thôi!” Tâm sự của Bản có lẽ cũng là tâm sự chung của phần lớn học sinh thành phố trong thời gian phải học online do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 kéo dài. Tác giả Huy Thông qua câu chuyện cụ thể của cậu bé Bản được mệnh danh là thần đồng đã đặt ra vấn đề: Đâu chỉ cần đảm bảo cho trẻ cơm ăn, áo mặc, những tiện nghi vật chất đầy đủ, được học, mỗi đứa trẻ cần sự tương tác, kết nối trực tiếp với bè bạn, với thiên nhiên, với cuộc sống thực sinh động để phát triển như một con người bình thường. Mất đi những tương tác và kết nối trực tiếp với đời sống, mỗi đứa trẻ sẽ lớn lên thiếu hụt và khiếm khuyết về mặt tinh thần, đó là những “di chứng” rất sâu, rất lâu mà không phải người lớn nào cũng có thể dễ dàng nhận ra.

Sau một kì học online, sau lễ bế giảng trực tuyến chưa từng có trong lịch sử giáo dục, người cha nhanh chóng nhận ra những vấn đề của cậu con trai thần đồng. Cách “sửa chữa” hiệu quả nhất là cho Bản về quê nội, một vùng quê miền núi để cậu được tắm mình trong thiên nhiên, trong môi trường văn hóa của quê hương và có những người bạn mới. Ở quê, Bản cùng Huyền (em con cô Út), Kiên (bạn cùng lớp với Bản) đã có những trải nghiệm đáng nhớ như: đi chăn trâu, xem lễ hội rối Chuộc (một lễ hội đặc biệt vì con rối biểu diễn xong sẽ được hóa/ đốt ngay trên sông), dự đám ma của người Mường (một đám ma không buồn mà còn có biểu diễn chèo đò để làm vui), rồi tập bơi, tắm suối, học nhóm bếp, kéo luồng giúp bố và chú Tôn lợp lại những lớp học bị tốc mái… Nhờ “lăn mình” vào thiên nhiên và đời sống mà Bản và Kiên, hai cậu học trò thành phố, học được những kĩ năng chưa từng có trong sách vở. Đặc biệt, hai cậu bé hiểu thêm cuộc sống khó khăn, lam lũ, đầy hiểm nguy của các bạn học sinh dân tộc thiểu số. Bản và Kiên xúc động, mong muốn được làm gì đó để giúp đỡ các bạn bè nơi đây. Vậy là, từ những đứa trẻ vốn chỉ quẩn quanh với bài vở trong bốn bức tường, khi tận mắt chứng kiến và trò chuyện với các bạn học sinh miền núi, đôi mắt của Bản và Kiên thêm rộng mở, đôi chân thêm dẻo dai, đôi tay thêm mạnh mẽ, còn trái tim và tâm hồn của hai cậu bé lần đầu xa thành phố đã biết đập những nhịp đập trìu mến yêu thương và khao khát tương trợ, giúp đỡ bạn bè.

Định vị mình trong thế giới tuổi teen

Câu chuyện khép lại với một kết thúc đẹp. Bố mẹ Kiên khi biết câu chuyện về trường cô Út đã tài trợ đồng phục, khăn quàng đỏ và dép mới cho các bạn học sinh cũng như gấp rút tiến hành xây khu nội trú và thư viện mới cho trường. Mẹ của Bản mang những cuốn sách cậu đã đọc lên để góp vào thư viện của các bạn học sinh. Tất cả những việc đó được người lớn giữ bí mật nên Bản và Kiên bất ngờ, đầy hạnh phúc khi nhận ra bố mẹ trong sự kiện đặc biệt của trường. Rồi chú Tôn (người bạn thân vất vả, cơ cực của bố Bản) được nhận làm bảo vệ, con bé Bông Trăng con chú được đi học, bản thu âm rap của Huyền đã được phát sóng trong chương trình “Rap Kids Việt Nam”… Cậu bé Cơ Bản trở về Hà Nội sau kì nghỉ hè đầy ắp trải nghiệm. Cậu nhận ra, bố mẹ không đặt lên vai mình bất cứ kì vọng lớn lao nào. Cậu có thể thoải mái ước mơ: “Tôi muốn là chính tôi. Cơ Bản là Cơ Bản là Cơ Bản.” Ước mơ ấy cậu nhận ra qua bản rap của Huyền.

Xuyên suốt tác phẩm, bạn đọc còn được thưởng thức những bản rap sống động, đầy ắp tâm tư tuổi teen của cô bé Huyền 13 tuổi. Lấy nghệ danh là Huyền Mystery (Huyền Bí ẩn), cô bé thật sự là một “bí ẩn” trong mắt của gia đình: Mẹ tôi bảo tôi là con gái rách giời/ Ngang ngang, ngạnh ngạnh không nghe lời/ Ông tôi bảo, tôi là người khó bảo đến thần linh cũng còn phát nản/ Điên điên, khùng khùng, chập chập, cheng cheng/ Bà nội tôi bảo, tôi như người cõi trên/ Mơ mơ mộng mộng chẳng nên việc gì... Với người thân, Huyền không giống ai, không nghe lời, khiến người lớn phát nản. Huyền cũng đầy băn khoăn về chính bản thân mình: Mình là ai, là gì trong thế giới này? Làm sao để có thể định vị được tọa độ của bản thân mình khi thế giới ngoài kia đầy bí ẩn? Như kho báu còn đóng kín, làm thế nào để Vừng ơi mở ra/ Vừng ơi mở ra/ Để tôi thấy được tôi là chính tôi/ Tôi là con bé 13 tuổi/ Tuổi thơ dần đi qua còn tương lai thì chưa tới/ Trẻ con không ra trẻ con người lớn không ra người lớn, đôi khi không hiểu nổi/ Thất thất thường thường thi thoảng thế thôi? Hơn ai hết Huyền khao khát “tôi được là chính tôi” nhưng là “tôi” là như thế nào thì chính Huyền cũng chưa hiểu rõ, vì “dù sao tôi cũng mới 13 tuổi thôi”. Khát vọng được khám phá, được hiểu về mình gửi trong lời hát lặp đi lặp lại: Vừng ơi, mở ra/ Vừng ơi, mở ra... Khao khát được nhận ra mình là ai, định vị được mình trong thế giới có lẽ là khao khát thường trực của tuổi teen. Qua những nhân vật như Huyền, Cơ Bản, Kiên…, tác phẩm của Huy Thông đặt ra vấn đề: Cần lắng nghe, trân trọng những “hâm dở”, thất thường và khao khát được khám phá bản thân của các bạn tuổi teen. Cần tạo những khoảng trống tự do nhất định cũng như bồi đắp tình yêu quê hương, gia đình, tình cảm bè bạn nhằm giúp tuổi mới lớn có được đôi cánh để bay cũng như gốc rễ để trở về và lí do để ở lại (theo cách nói của Đạt Lai Lạt Ma).

Viết cho thiếu nhi luôn là một thách thức. Bởi lẽ, nếu mỗi nhà văn gồng gánh trên vai “áp lực” về tính giáo dục, về sự dạy bảo, về trách nhiệm quan tâm nhắc nhở thiếu nhi thì đó chính là rào cản để đi tới trái tim bạn đọc. Với Cơ Bản là Cơ Bản, nhà văn Huy Thông đã chọn cách kể khá truyền thống: kể chuyện theo trật tự thời gian. Câu chuyện bắt đầu từ khi dịch Covid bùng phát khiến bọn trẻ phải học online, tới lễ bế giảng trực tuyến rồi tiếp theo là kì nghỉ hè của Bản và các bạn. Trên trục thời gian tuyến tính khá giản dị ấy, nhà văn mở ra thế giới tâm hồn của tuổi nhỏ với lối viết hóm hỉnh, nhẹ nhõm, hài hước. Nhan đề Cơ Bản là Cơ Bản ấn tượng và gây bất ngờ khi tên nhân vật chính lại là chú bé có cái tên Cơ Bản. Sau đó, mạch truyện xuyên suốt 22 chương đều bắt đầu bằng từ “cơ bản” như: Chương 1: Cơ bản là tôi và những mánh khóe mùa Covid; Chương 2: Cơ bản là cầu được ước thấy; Chương 3: Cơ bản là trong cái khó ló cái khôn; Chương 4: Cơ bản tôi là thần đồng; Chương 9: Cơ bản là tôi thiếu cơ bản; Chương cuối: Cơ Bản là Cơ Bản… Từ “cơ bản” lặp đi lặp lại cho thấy dụng ý của tác giả: Vấn đề cơ bản là gì với một đứa trẻ tuổi teen? Những gì mà người lớn và tuổi teen hay trầm trọng hóa có thực sự đáng ngại hay không? Phải chăng, mọi áp lực học hành, thi cử, những căng thẳng của thời đại... sẽ được “tháo ngòi” khi người lớn quan tâm, lắng nghe và tôn trọng thiếu nhi? Người đọc nhận thấy tình yêu thương và sự trân trọng tuổi thơ của nhà văn Huy Thông. Dù viết về cậu bé thần đồng hay người bạn chuyên quay cóp, “chơi bẩn” tên Kiên, cô bé Huyền ương bướng hay những học trò miền núi chất phác… thì nhà văn đều dành cho mỗi em tình cảm yêu thương và cái nhìn rất mực trìu mến. Từ cái nhìn yêu thương, trân trọng này, nhà văn phát hiện ra, mỗi đứa trẻ đều đẹp đẽ, giàu có, đầy nội lực. Chỉ cần người lớn biết lắng nghe, tin tưởng và cất đi những áp lực lên tuổi nhỏ, để mỗi thiếu nhi được là mình với tất cả những dở dở ương ương trên hành trình nhận thức và khám phá, khi đó, kho báu sẽ mở cửa mà không cần tới câu thần chú “Vừng ơi, mở ra!”

Trong bối cảnh văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại còn thưa vắng và ít ỏi, ngoài những tên tuổi quen thuộc như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Kao Sơn, Nguyên Hương, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Thế Hoàng Linh… thì sự góp mặt của Huy Thông với Cơ Bản là Cơ Bản đầu năm 2022 là một món quà ý nghĩa với bạn đọc cả nước. Tác phẩm không chỉ là quà tặng cho thiếu nhi mà còn giúp người lớn có cái nhìn thoáng rộng, cởi bỏ bớt những lo âu, áp lực cho mình và áp lực lên thiếu nhi trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày càng mất kết nối giữa người lớn và trẻ em dẫn tới nhiều sự việc đáng tiếc gần đây. Cơ Bản là Cơ Bản của Huy Thông giúp người đọc trở về khu vườn tuổi nhỏ và bắt đầu với những gì cơ bản nhất để hiểu và yêu thương, trân quý tuổi thơ. Tác phẩm cũng cho thấy cách người lớn đã giúp thiếu nhi bước ra khỏi đại dịch như thế nào, định vị mình ra sao trong một thế giới đầy hoang mang và biến động.

T.Đ.N.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)