Chiến tranh, dịch bệnh và sinh tồn

Thứ Tư, 03/08/2022 00:11

. LÊ THỊ HƯỜNG
 

Trong tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, viết về tâm trạng của trí thức Nga giữa cơn bão chấn chiến tranh cách mạng, nhà văn Boris Leonidovich Pasternak (giải Nobel văn học 1958) để cho nhân vật luận bàn về nhiều vấn đề, trong đó có văn chương nghệ thuật: “Nghệ thuật bao giờ cũng theo đuổi hai mục đích. Nó luôn luôn suy ngẫm về cái chết và qua đó, luôn luôn sáng tạo ra sự sống.” Sống - chết là vấn đề tất yếu của con người. Từ cái nhìn triết học, sống - chết là quy luật thường hằng, hai phạm trù đó không tồn tại riêng lẻ, độc lập. Cái chết không hẳn là sự kết thúc hoặc đối lập với sự sống. “Sống trong chết, chết từ sống” (Freud). “Con người mang nặng mầm hủy diệt trong bản thân từ khi vào đời, vì người là hữu-vị-tử” (Martin Heidegger). Tuy vậy, từ hiện thực chiến tranh, sống chết chênh vênh trên một đường ranh mỏng mảnh, qua đó biểu hiện sâu sắc thân phận con người. Biết bao tác phẩm văn chương đã đề cập thảm hoạ của nhân loại và tình trạng con người trước sức tàn phá của chiến tranh, dịch bệnh và sự huỷ hoại môi sinh. Lịch sử thường có những đoạn khúc lặp lại. Sự sống và cái chết vĩnh viễn đồng hành. Song, huỷ diệt và ươm mầm, lẽ tồn sinh vẫn là quy luật của cuộc sống. Cũng theo Pasternak, “con người sinh ra để sống, không phải để chuẩn bị cho cuộc sống”.

“Chiến tranh là quá ngu dại, nhưng không phải vì vậy mà chiến tranh không kéo dài” (Camus)

Nhìn từ nhiều phía, chiến tranh luôn là thảm hoạ của loài người. Nhiều tác phẩm trở thành kinh điển khi viết về chiến tranh nhưng hiếm có tiểu thuyết nào chịu nhiều sóng gió thăng trầm như Bác sĩ Zhivago của Pasternak. Qua cuộc đời nhọc nhằn của Yuri Zhivago, từ lúc đứng trên nấm mồ của mẹ đến lúc ngã vật xuống mặt đường, là những mảnh vỡ nhộn nhạo của đất nước Nga đầy biến động (bối cảnh chung quanh cuộc cách mạng năm 1917). Tác phẩm đề cập tâm tư, tình cảm của người trí thức trên cái nền của chiến tranh cách mạng, tuổi trẻ và tình yêu, cái chết và sự sống. Chiến tranh ít được miêu tả trực diện nhưng âm vọng của nó lan suốt chiều dài câu chuyện, qua những cuộc đời, những sự kiện chồng chéo, những đối thoại đa chiều của giới trí thức. Chiến tranh, chính trị, tôn giáo, văn chương. Trốn tránh, bắt bớ, đầu hàng, mất tích. Bãi công, biểu tình, đàn áp. Những oái oăm sinh tử, những cái chết “như thân cây bị đốn ngã lần lượt”. Người Do Thái bị nhục mạ trên chính mảnh đất mà họ định cư. Phong trào đấu tranh của giới đại học ở Petersburg và Moskva. Quan niệm của giới trẻ về tinh thần của thời đại. Giới trí thức bị cuốn hút vào thời cuộc, mỗi người có sự lựa chọn riêng, nhưng đều ý thức rõ trách nhiệm của mình. Những tranh luận về thời cuộc, tôn giáo, văn chương nghệ thuật… làm rõ hơn hiện thực chiến tranh cũng như tình cảnh, suy nghĩ của bao con người. “Là người Do Thái, điều đó có ý nghĩa gì? Mà sao lại tồn tại điều ấy?” “Yuri kể rằng chàng đã phải cố gắng lắm mới quen dần với thứ logic đẫm máu của sự tiêu diệt lẫn nhau.” “- Nhưng Tolstoy nói rằng con người càng theo đuổi cái Đẹp thì lại càng xa cái Thiện. - Thế cha quan niệm ngược lại hay sao? Nghĩa là cái Đẹp sẽ cứu thoát thế giới?” Hàng loạt câu hỏi mang tính triết lí nhân sinh, lồng trong câu chuyện tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc lẫn khổ đau. Trên phông nền đó nổi bật là mối tình lãng mạn đầy ngang trái giữa bác sĩ Yury Zhivago và Lara Guishar - cô y tá có “đôi mắt xám và mái tóc vàng”.

Mười tuổi mồ côi mẹ, cậu bé Yury lớn lên trong những hoàn cảnh éo le. Tuổi trẻ, Zhivago thiên về nghệ thuật và sử học nhưng đã chọn nghề y, bởi anh “phát hiện rằng trong đời sống thực tế phải làm một nghề giúp ích cho xã hội”. Ở Zhivago có sự kết hợp hài hoà giữa một bác sĩ và một nhà thơ. Là bác sĩ, lại sống trong thời chiến, anh luôn đối mặt với cái chết. Anh có cái nhìn lãng mạn về cuộc sống nên cảm nhận trong cái chết có ẩn giấu vẻ đẹp của sự sống, “chỗ nào cũng cảm thấy sự hiện diện điều bí ẩn, bắt đầu từ số phận bất định của những xác chết đương nằm dài nơi kia và kết thúc bằng bí mật của sự sống chết đang tự do ngự trị nơi đây”. Anh luôn dằn vặt giữa hôn nhân, tình yêu và trách nhiệm. Mối tình tay ba không một ai có lỗi luôn vò xé lương tâm người bác sĩ trẻ. Tiếng kêu đau đẻ thảm thiết của Tonya khiến Zhivago “vô tình cắn một ngón tay gập lại đến rớm máu” nhưng cảm xúc ngọt dịu, trong trẻo của tình yêu với Lara vẫn luôn ngự trị trong trái tim anh. Khép lại tác phẩm là cái chết đột ngột của bác sĩ, Zhivago ngã vật xuống mặt đường vì căn bệnh xuất huyết tim, giữa lúc nhớ tìm Lara cuồng nhiệt và tuyệt vọng. Còn lại là những lời mê sảng của Lara khi phủ xuống giữa lòng quan tài, giữa các bông hoa và xác chết. “Vĩnh biệt anh yêu dấu và lớn lao của em, vĩnh biệt niềm kiêu hãnh của em, vĩnh biệt dòng sông nhỏ chảy xiết và sâu thẳm của em.” Và “đông hơn cả là những người bạn vô danh hâm mộ tư tưởng khoa học và thơ văn của chàng, họ chưa hề biết mặt con người đã lôi cuốn họ và đây là lần đầu tiên họ đến để nhìn chàng và vĩnh biệt chàng”. Còn lại là tác phẩm. Qua bao nghi kị, cấm đoán, Bác sĩ Zhivago đã làm nên tên tuổi của một nhà văn. Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng cái chết và khép lại cũng là cái chết, nhưng sức sống của con người và sự sống của tác phẩm thì theo quy luật tồn sinh. Nhan đề tác phẩm đã hàm nghĩa là sự sống (Ỉỵ có nghĩa là cuộc sống).

“Trên thế giới, dịch hạch cũng nhiều như chiến tranh. Thế nhưng đứng trước dịch hạch và chiến tranh, người ta vẫn luôn luôn bất ngờ” (Camus)

Chiến tranh, dịch bệnh là nỗi bất hạnh luôn lửng lơ đe doạ loài người. Nó dẫn đến thảm hoạ. Nó làm lộ diện cái ác, đồng thời cũng làm hiện rõ tình người. Dịch hạch (Albert Camus) là những trang văn đầy ám ảnh về vấn đề thân phận con người trước mê cung cuộc đời. “Sáng ngày 16 tháng tư, khi bước ra khỏi phòng làm việc, bác sĩ Rieux đụng phải một con chuột chết ở giữa cầu thang. Ông gạt con vật ra một bên mà không lưu ý và bước xuống dưới nhà.” Nhưng thảm hoạ bắt đầu từ đây. Cả thành phố Oran “lên cơn sốt” vì sự tràn lấn của chuột. Nhung nhúc. Nhớp nháp. Lo âu, lây nhiễm, cách li. Dần dà “thành phố như cuộn mình lại”. Dịch dã biến thành phố thành một mê cung, rối rắm mà trống rỗng. Chết và chỉ có chết. Trên đường phố, trong rạp hát opera. Những con số và rồi những con số ngày càng trở nên vô nghĩa. Những bệnh nhân vật vã. Xác chết ngổn ngang và hoả táng tập thể. “Người ta chở từng đống xác người trong những chiếc xe cứu thương, rồi trên những tàu điện để vứt những xác chết trong hai hầm tập thể, một cho đàn ông, một cho đàn bà, rồi cuối cùng chỉ trong một hầm duy nhất, trước khi có quyết định hỏa thiêu xác chết trong những lò hỏa táng.” Nhưng trên tất cả là quy luật sinh tồn. Tác phẩm trở thành kinh điển, ẩn dụ nhiều mặt của cuộc sống, vượt qua mọi khung khổ của văn chương.

Tiểu thuyết của Camus không viết về tình yêu và hầu như không có nhân vật nữ. Chỉ có chuột, bệnh nhân và những con người hoặc lợi dụng dịch bệnh để làm giàu (Cottard), hoặc tin vào sự trừng phạt của Chúa (linh mục Paneloux), hoặc lăn xả vào mọi nơi mọi lúc để chống chọi với nạn dịch (bác sĩ Rieux, Tarrou). Sự vắng mặt của nữ giới và tình yêu nói lên điều phi lí trong thế-giới-này, thế giới chỉ có chết chóc và sự huỷ diệt. Điều này cũng là thảm hoạ. Trong bầu không khí ngột ngạt đến tuyệt vọng đó, nổi lên hình ảnh bác sĩ Rieux. Đứng về phía các nạn nhân, suy nghĩ và hành động của Rieux xuất phát từ trách nhiệm, nhưng trên hết là lòng yêu thương con người. Camus không ca ngợi, hoặc xây dựng Rieux như một “thiên thần” áo trắng. Nhân vật này là biểu tượng của con người nhập cuộc. Cái lõi đạo đức trong mạch sâu văn bản là lương tâm và trách nhiệm của người bác sĩ. “Dịch hạch gieo rắc khổ ải và đau thương nên nếu không điên thì cũng mù, không mù thì cũng hèn nhát mới cam chịu buông tay trước dịch hạch.” “Chúng ta phải là những người ở lại.” “Không thể làm những bậc thánh và không cam chịu tai ương, người ta gắng sức làm thầy thuốc.” Lời bác sĩ Bernard Rieux như một thông điệp nhân văn của nghề y trong mọi thời đại.

Rồi dịch bệnh cũng qua đi. Nhưng khoảng trống vắng lạnh mà nó để lại vẫn luôn ám ảnh con người. Sau cơn dịch, người dân thành phổ lao vào ăn chơi, hưởng thụ, ồn ào, chỉ có Rieux với nỗi cô đơn của người bác sĩ, suy tư về thân phận con người. Ông cảm nhận: “Đây là cái im ắng của cảnh thất trận; lần này là sự thất trận vĩnh viễn, sự thất trận kết thúc chiến tranh và làm cho cả bản thân hòa bình trở thành một nỗi đau không sao cứu chữa nổi.” Dẫu tập trung về dịch bệnh nhưng ẩn sâu trong lớp biểu tượng trùng phức của Dịch hạch là những ẩn dụ phi lí về cuộc sống, chiến tranh và bạo lực. Hiểu theo nghĩa nào thì tác phẩm cũng mang lại một thông điệp về tình thương và khát vọng thanh bình. Có thể nói, tiểu thuyết này đã “…vượt qua những vấn đề mà nhân loại phải giải quyết để vượt qua ngưỡng cửa của kỉ nguyên hạt nhân mà không hề bị vấp ngã. Sự bừng sống ấy chống lại lịch sử” (Maurice Nadeau).

“Thổi một dúm tro bay khỏi lòng bàn tay - thế là hết. Cái chết là như vậy đấy” (Watanabe Dzunichi)

Một trong những nỗi giày vò người bác sĩ là phải chứng kiến và bất lực trước cái chết “của những con người sinh ra để sống” (Dịch hạch). Nhưng trong cái nghề luôn đối mặt với chết chóc, đau đớn hơn cả là khi người bác sĩ đối diện với cái chết được biết trước của chính mình. “Không ai có thể biết rõ hơn chính bản thân anh, người thầy thuốc, bao giờ cái chết sẽ đến với anh. Cái chết không biết nghỉ ngơi. Sẽ không còn gì hết” (Đèn không hắt bóng). Tác giả Watanabe Dzunichi là tiến sĩ y khoa Nhật Bản. Ông lựa chọn việc viết văn, vì vậy Đèn không hắt bóng là cuốn tiểu thuyết viết về ngành y với những góc khuất nghề nghiệp chỉ có người trong cuộc mới nhìn thấy rõ. Dẫu đi sâu vào những sinh hoạt chuyên môn của bệnh viện Oriental - “một bệnh viện tư thuộc loại thông thường nhất ở Tokyo” - nhưng bi cảm là mạch chủ đạo của tác phẩm. Đó là bi kịch đau đớn của người bác sĩ hằng ngày cứu chữa cho bệnh nhân nhưng bất lực trước căn bệnh nan y của chính mình. Cuối cùng là tự sát. Tác phẩm kết thúc bằng cái chết nhưng gợi niềm bi cảm về cái đẹp của lẽ tồn sinh.

Đèn không hắt bóng là những giằng xé nội tâm của bác sĩ Naoe, “một bác sĩ thiên tài, người đã góp phần lột trần những góc khuất của nghề y”. Naoe là vị bác sĩ giỏi, tiến bộ, đôi lúc quyết đoán một cách tàn nhẫn nhưng lại hợp lí. Trong những hoàn cảnh nghiệt ngã, đặc biệt là khi đối mặt với chết, tất yếu sẽ có những chuệch choạc nhưng người bác sĩ vẫn đứng về phía bệnh nhân. Naoe là con người kì lạ, khó hiểu, thậm chí truỵ lạc dưới mắt mọi người. Anh có vẻ ngoài lạnh lùng, xa cách với đồng nghiệp, hành vi bị coi là bừa bãi. Ở anh luôn có sự bấp bênh giữa thánh thiện và sa đoạ, tài năng và bê trễ. Một mình chống chọi với bệnh ung thư xương, Naoe cố gắng che chắn, thậm chí đeo mặt nạ trong mọi mối quan hệ. Anh lặng thầm tìm lối thoát cho mình bằng những cuộc chơi thân xác. Rượu để quên. Thuốc phiện để giảm những cơn đau thể xác. Tình dục vội vã để lấp đầy nỗi cô đơn. Suy cho cùng, những bừa-bãi-đạo-đức cũng chỉ là sự lựa chọn bất khả kháng để Naoe kiềm chế nỗi đau lớn hơn mức chịu đựng. Mối quan hệ bề ngoài hờ hững với cô y tá Noriko thật ra là tình yêu duy nhất trong những chiếm hữu thân xác vội vàng để che giấu niềm đau của bác sĩ Naoe. Lá thư giãi bày của Naoe để lại trước khi tự sát cho thấy anh đã trốn chạy cái chết trong tận cùng cô độc và kiêu hãnh. “Chỉ có họ và ma túy là có thể giúp anh đừng nghĩ đến cái chết. Chỉ với họ, anh mới cảm thấy mình thuộc về mình, còn tất cả những lúc khác anh đều là sở hữu của sự hư vô...” Con người Naoe bị phân thành nhiều mảnh - những mảnh vỡ của một cái tôi xô dạt, chồng chéo, đồng nhất và đối kháng. Cận kề với cái chết, khi cảm thức về cái hư vô lấn chồng ý thức sống, tình dục là sự xác quyết cái sống trong cái chết. Nó chính là bản năng sống trỗi dậy đẩy lùi cái chết.

Bác sĩ Naoe “sống mà không hắt bóng”. “Dưới ánh đèn này không có một người nào hắt bóng. Những con người không có bóng...” Anh như ngọn đèn mổ trong ngành, không đổ bóng, chỉ thu lại trong quầng sáng riêng mình. Người bác sĩ luôn đối mặt với những tình huống phải lựa chọn. Sự sống và cái chết của bệnh nhân. Tình yêu và trách nhiệm. Công việc và những ham muốn riêng tư. Cái tôi đời tư chống chọi với bi kịch riêng và cái tôi công dân với trách nhiệm của con người đã khoác chiếc áo trắng lương y. Chạy trốn cơn đau thể xác lại chấn thương tâm hồn. Con đường nào cũng là tuyệt lộ. Bất lực, rã rượi thân xác, Naoe chọn tự sát ở hồ. “Thi thể anh sẽ không bao giờ nổi trên mặt nước. Anh muốn rằng cái thân thể mục nát của anh sẽ vĩnh viễn ở lại dưới ấy, ở đáy hồ, giữa những cây cối đã chìm xuống dưới ấy từ xưa.” Cái chết của Naoe là sự giải thoát và giải toả những nghi kị mà người khác dành cho người bác sĩ. Anh đã chọn cái chết êm dịu trong khoảnh khắc đẹp nhất của đời người. Còn lại tình yêu thuần khiết với/của Noriki. “Đứng im trong vùng ánh sáng rực rỡ của ngọn Đèn không hắt bóng, Noriko kiên nhẫn chờ đợi Naoe.” Tình yêu chân chính đã níu giữ họ bên nhau. Mầm sống đang cựa quậy trong cơ thể người mẹ là biểu tượng của cái đẹp bi thương, của sự sống vĩnh hằng. Sự sống và cái chết - hai mặt của một tờ giấy - luôn âm vọng nhiều ý nghĩa.

“Vi trùng dịch hạch không bao giờ chết và mất hẳn. Nó có thể nằm yên hàng chục năm trong đồ đạc, áo quần, chăn chiếu... Nó kiên nhẫn đợi chờ trong các căn buồng, dưới hầm nhà, trong hòm xiểng... Và một ngày nào đó, để gây tai họa và dạy cho con người bài học, dịch hạch có thể đánh thức đàn chuột của nó dậy và bắt chúng chạy đến lăn ra chết ở một đô thành nào đó đang sống trong hạnh phúc và phồn vinh” (Camus). Đó là lời cảnh báo con người phù hợp với mọi thời đại. Nhân loại đã và sẽ còn chênh vênh trước những thảm hoạ. Văn chương sẽ và phải làm đúng “thiên chức” của nó. Những tác phẩm “kinh điển” dẫu có khoảng cách không - thời gian vẫn hồi vọng lời tiên báo, cảnh báo về chiến tranh, dịch bệnh và thân phận con người.

L.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)