Vỉa hè thành phố có năm bảy đường

Chủ Nhật, 24/12/2023 10:07

. THANH THẢO
 

Yên ả vỉa hè Hà Nội

Tôi không được sống nhiều với những vỉa hè Sài Gòn, như đã từng lê la vỉa hè Hà Nội ngày xưa, trong và sau chiến tranh. Ngày xưa ấy, vỉa hè Hà Nội thật bình yên, dù bom Mĩ vẫn ném xuống, còi báo động vẫn vang lên, tiếng phát thanh viên vẫn hàng ngày cảnh báo “Máy bay Mĩ đang cách Hà Nội…”

Ngày đó, mỗi lần có dịp tiếp cận vỉa hè Hà Nội, tôi và bạn bè mình lại có cơ hội ngồi chè chén, kẹo lạc, rượu cuốc lủi. Tiền ít, kẹo lạc hay rượu cuốc lủi và lạc rang cũng rất khiêm nhường, đâu có thể như hai người bạn quê Nghệ nói với nhau: “Đời là cái chi/ Xả láng đi mi!” Chúng tôi chỉ kêu mỗi người vài chén chè Thái sao bằng tay, xin bà cụ chủ quán vỉa hè rót bán cho mỗi người một chén rượu cuốc lủi, nhấm nháp với đĩa lạc rang nhỏ xíu. Thế là vui rồi.

Tôi còn nhớ, cuối năm 1975, khi tôi yêu một cô gái sau đó trở thành vợ tôi, cứ mỗi chủ nhật ngày nghỉ của vợ, thì chàng người yêu là tôi lại chở cô gái ấy đi lang thang chơi khắp Hà Nội bằng xe đạp. Hồi đó, phương tiện giao thông chủ yếu là xe đạp hoặc cuốc bộ, dù một số cư dân Hà Nội vào Sài Gòn đã mua hoặc được xe máy, gọi là xe Honda. Nhưng số lượng người đi xe máy hồi ấy ở Hà Nội vẫn không nhiều. Nhớ có một lần, vào buổi sáng chủ nhật, trong túi cạn tiền, tôi đã xin người yêu của mình năm xu. Chỉ để mỗi người uống một cái chè chén, vì tôi chỉ còn năm xu trong túi: lúc bấy giờ chưa ai nói yêu ai/ chỉ biết vui chỉ biết niềm vui gần hơn tất cả/ không hẹn ước không giận hờn không nhà cửa/ suốt ngày chủ nhật/ mà buổi sáng rét ngọt anh đã xin em năm xu/ lúc ấy hiện trước em con người anh như thế/ chẳng có gì bày vẽ thêm đâu (Nhớ - Tặng em - 2/1976)

Thực ra, muốn bày vẽ cũng không được, vì mình chỉ có lương thiếu úy, tháng lãnh 65 đồng.

Những kỉ niệm nhỏ nhoi như vậy mà hai chúng tôi không bao giờ quên được.

 

Vỉa hè phố Hàng Bạc năm 1995 qua ống kính của nhiếp ảnh gia William E Crawford

Ngày ấy quán chè chén vỉa hè Hà Nội chỉ có chè chén chứ chưa có trà đá, vì Hà Nội thuở mới hòa bình còn hiếm đá lạnh lắm. Tôi vẫn nhớ, những cặp người yêu nhau thuở đó mỗi khi dắt tay vào được một quán “Chè đậu đen có đá”, giữa ngày hè, là cảm thấy hạnh phúc lắm. Nếu quán chỉ bán chè đậu đen, thiếu chữ quan trọng nhất “có đá” thì thôi rồi, chẳng ai muốn vào uống cả.

Các bạn mình nay đã trên bảy mươi tuổi, hẳn còn nhớ những cốc chè đậu đen có đá chứ? Nó mát lạnh bàn tay, mát lạnh cổ họng khi mình uống vào, và mát lạnh cả lòng dạ khi mình cảm nhận đá lạnh đang tan trong cơ thể mình. An lành và ngọt mát biết bao nhiêu!

Sau này, mỗi khi ra Hà Nội tôi không còn thấy những quán giải khát “Chè đậu đen có đá” nữa. Một trang sử mới đã được mở, đá lạnh đã trở thành quá bình thường, và gần như không ai còn nhu cầu giải khát bằng “Chè đậu đen có đá”, bởi đã xuất hiện quá nhiều món giải khát mới thu hút khách hơn. Nhưng hồi 75 khi mới hòa bình đó, hưởng được cốc chè đậu đen có đá trong ngày nắng nóng là một diễm phúc của người ở Hà Nội.

Dù chè đậu đen có đá chỉ bán trong quán, không bán vỉa hè, nhưng giữa quán với vỉa hè lúc ấy là một không gian rất hẹp, rất gần gũi.

Tôi thích nhất khi ngồi uống chè chén vỉa hè là được nghe bà con cùng uống chè với mình kể những chuyện “tiếu lâm đời mới”. Những chuyện hết sức hài hước, nghe tới đâu buồn cười tới đó. Các bác đạp xe xích lô thì thường bàn với nhau chuyện nước ta có mỏ dầu hỏa lớn lắm, khai thác lên bán thì “Nước mình giàu đến đít rồi ông ơi!”, nghe vừa buồn cười vừa cảm động.

Ngồi vỉa hè cũng là cơ hội được ngắm nhìn người qua lại, nhất là những mẹ những chị bán hoa, bán chuối tiêu trứng cuốc, hồng ngâm hồng trứng, cốm Vòng hay mùa nào thức ấy, bán những món quà ẩm thực nho nhỏ của Hà Nội khi mình từ nơi xa vừa tới Thủ đô. Có tiền trong túi thì mua, hết tiền thì ngồi ngắm cho đã mắt.

Vỉa hè Hà Nội từ ngày xưa đã là nơi kiếm sống của những người lao động nghèo. Chỉ trừ quán chè chén ngồi một chỗ, còn những người bán rong quà vặt khác đều di động, họ không hề lấn chiếm vỉa hè, mà chỉ dừng lại bán hàng, xong là đi. Sự sinh động của vỉa hè cũng chính là chỗ đó, những gánh hàng rong như những quân cờ di động, có thể là đôi quang gánh, có thể là chiếc xe đạp trành thồ hàng, có thể là cái thúng đội trên đầu… Nó đa dạng và tạo nên màu sắc thu hút trên phố xá Hà Nội. Bây giờ, khách du lịch nước ngoài khi tới Hà Nội đều rất thú vị với những quân cờ di động bán hàng rong này, miễn là họ đừng quấn lấy khách và tìm cách chặt chém khách quốc tế.

Cái ngày đã xa xưa ấy, tôi luôn tìm được sự bình an trong lòng khi ngồi quán chè chén vỉa hè, hay lang thang trên hè phố, chờ chiếc xe đạp hàng hoa với người chị bán hàng lành hiền để mua mấy đóa hoa hồng. Nhiều khi mua hoa chỉ cho vui, gặp bạn tặng bạn.

Nhớ có lần tôi từ Quảng Ngãi ra Hà Nội họp hành gì đó ở Hội Nhà văn, đúng buổi sáng ngày 20/10, ngày Phụ nữ Việt Nam, tôi dừng ở gánh hàng hoa mua hai chục bông hồng vàng thật đẹp, mang tới Hội tặng các em gái văn phòng. Các em vui lắm, mỗi em nhận một bông hồng, khi tôi hỏi ngày lễ Phụ nữ các em có được lãnh đạo tặng hoa không, các em lắc đầu. Tôi chắc chắn không phải là lãnh đạo, nhưng tặng hoa các em ngày 20/10 cũng được chứ nhỉ?

Tôi cũng đã từng được ngồi cà phê vỉa hè ở Paris. Vỉa hè của họ rộng và sạch bong, họ bán cà phê trong quán và cả ngoài vỉa hè, ai muốn ngồi đâu thì ngồi. Nhưng ngồi vỉa hè thú vị hơn nhiều, vừa thoáng vừa dễ dàng ngắm phố. Có lần bạn bè tôi đưa tới quán cà phê nổi tiếng “Café de Flore” với một bảng quảng cáo nhỏ nhưng ai cũng đọc: “Sur Les chemin de la liberte” (J.P.Sartre). Đó là quán cà phê ngày xưa nhà văn, nhà triết học J.P.Sartre sáng nào cũng tới “ngồi đồng” ở đó, uống cà phê và viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Những ngả đường tự do. Quán cà phê nhỏ thôi, nhưng đã dành phòng nhỏ trưng bày một số kỉ vật của nhà văn vĩ đại, kèm với một số hàng lưu niệm của quán có mang tên J.P. Sartre. Tôi đã mua một quyển sổ tay nhỏ, bây giờ vẫn còn giữ làm kỉ niệm. Quán ở địa chỉ 172, đường Saint Germain 75006 Paris.

Chợt nhớ, ở Hà Nội ngày xưa ấy đã có không ít văn nghệ sĩ nổi tiếng từng ngồi ở các quán chè chén vỉa hè, ngồi quán rượu 109 phố Huế mà chủ quán là một bà cụ hiền lành, ngồi quán cà phê mang tên Lâm Toét, uống chịu cà phê và gán nợ bằng tranh nghệ thuật hẳn hoi.

Hà Nội và Paris giống nhau chỗ đó, có điều ông Sartre thì không uống chịu cà phê, ông ngồi cà phê để viết sách, còn các họa sĩ lớn Hà Nội thì uống cà phê chịu và trả nợ tiền bằng tác phẩm nghệ thuật mình vẽ tại nhà. Vậy thôi.

 

Sôi động vỉa hè Sài Gòn

Tháng 5/1975, khi lần đầu tiên được về thành phố Sài Gòn, tôi chưa quan tâm mấy tới vỉa hè. Bấy giờ, cái tôi quan tâm và ngạc nhiên nhất là đường phố Sài Gòn. Đã quen Hà Nội, nhưng đường phố Sài Gòn với tôi là rất lạ. Có nhiều đêm, đứng trên ban công tầng 3 một khu nhà ở đường Hồng Bàng quận Năm, một đường phố khá lớn ở Sài Gòn, tôi cứ ngẩn ngơ nhìn đường phố trong đêm sáng rực ánh đèn, từ đèn nhà, đèn đường, nhưng nhiều nhất là đèn ô tô và xe máy, đặc biệt là xe máy. Xe có động cơ, đèn quét sáng, cứ chạy suốt đêm như thế. Giống như một dòng sông ánh sáng. Kì lạ thật.

Nhưng khi tôi và nhà thơ Ngô Thế Oanh, được hướng dẫn viên tình nguyện tên là Vinh, sau này anh em gọi là Vinh, sinh viên Đại học Vạn Hạnh, quê Quảng Ngãi, dẫn chúng tôi đi bộ rong chơi khắp Sài Gòn, tôi mới thực sự biết vỉa hè Sài Gòn là thế nào. Khi đi chơi ở mấy con phố nhỏ như con hẻm ở quận Năm, tôi và Oanh chợt ngơ ngác nhìn những dãy nhà được dựng lên hoàn toàn bằng giấy vỏ hộp các tông, nhà của những gia đình dưới mức nghèo, những gia đình chạy bom đạn ở quê lên tá túc Sài Gòn, những người dân không còn chỗ nào để đi để ở nữa, nên tấp vào những vỉa hè nhỏ, dựng tạm những túp lều bằng các tông tạm trú qua ngày. Chúng tôi nhìn những túp lều như vậy, vẫn có người đi ra đi vào, mà muốn khóc. Dân mình ở thành phố mà khổ đến thế sao? Sống ở vỉa hè Sài Gòn là thế sao? Đó là điều tôi chưa từng thấy ở vỉa hè Hà Nội, dù Hà Nội ngày chiến tranh cũng khổ lắm.

Rồi Vinh tình nguyện lại dẫn chúng tôi tới vỉa hè đường Lê Lợi, đường Hàm Nghi, nơi có nhiều những quán sách lưu động. Nói lưu động vì những quán sách này quá giản dị, chỉ cần một tấm ni lông thiệt to, trải ra, trên để cơ man nào là sách, mới cũ đủ cả, thế là quán sách trình diện công khai. Dạo đó công an hay thanh niên tình nguyện, còn được gọi là “đội quân cách mạng 30/4” đông lắm, và hay đi thu bắt các quán sách di động này. Cứ mỗi lần có động, tức có đội tuần tra tới “bắt sách”, thế là bà con bán sách lật đật thu túm tấm ni lông, trong đựng toàn sách là sách, và im lặng… chạy. Nói vậy, chứ cũng nhiều lúc rất bình yên, tôi và Ngô Thế Oanh tha hồ chọn sách mình yêu thích để mua. Không cần trả giá, vì sách được bán với giá rất bèo. Mà toàn là sách quý, sách dịch, sách của những nhà văn lớn trên thế giới cả. Chúng tôi như mê đi khi chọn mua sách. Tôi không có tiền, nhưng rất biết chọn sách. Ngô Thế Oanh thì vừa có tiền vừa biết chọn sách. Thế là mua được hàng đống sách quý. Ngay trên vỉa hè con đường vào hàng oách nhất Sài Gòn. Bây giờ là phố đi bộ hàng hiệu.

Thêm một “loại thể” vỉa hè Sài Gòn khác nữa mà tôi rất thích, đó là vỉa hè có những quán nhỏ đặt ngay trên mặt vỉa hè bán giải khát, trong đó có bia con cọp và mồi nhậu gọn gàng là mực nướng. Những quán loại đó được dân Sài Gòn gọi là quán cóc. Tại sao lại gọi quán cóc thì tôi chưa nghĩ ra. Có phải tên cóc vì quán hay… nhảy như cóc, dẹp chỗ này thì nhảy sang chỗ khác, có khi chỉ cách mấy bước chân.

Một lần, tôi đạp chiếc xe đạp truồng không gạc đờ bu, không gạc ba ga, không chuông, không phanh từ chiến khu mang về, đạp lang thang trên các đường phố Sài Gòn và được bà con Sài Gòn nhìn theo với tất cả sự ngạc nhiên: “Xe gì kì vậy ?” Rồi bỗng tôi gặp lại một người bạn thân, nhà thơ Hữu Đạo, thân với tôi hồi trên chiến khu. Anh Hữu Đạo là một thủ lĩnh của phong trào học sinh tranh đấu Sài Gòn, quê Vĩnh Long. Anh em gặp nhau ngay giữa Sài Gòn, mừng quá, bèn dìu nhau vào một quán cóc vỉa hè. Làm mấy chai bia con cọp, nhấm với một con khô mực nướng. Bình dị vậy thôi. Mà sướng.

Nhưng nói tới vỉa hè Sài Gòn, thì điều ấn tượng nhất với tôi trong bao nhiêu năm qua, chính là sự sôi động rất riêng của những vỉa hè này. Dĩ nhiên, có được sự sôi động đặc biệt ấy là do những người buôn bán nhỏ và những ai là khách trong chốc lát của họ trên các vỉa hè tạo ra.

Sự sáng tạo của Sài Gòn không chỉ ở những tòa nhà cao nhất Sài Gòn làm nên đâu, nó còn được tạo ra bởi kính thưa các loại vỉa hè Sài Gòn nữa. Vỉa hè nhỏ lại có sự sôi động lớn, còn vỉa hè lớn lại hàm chứa sự đĩnh đạc của những chủ nhân giàu có đang làm chủ ở đó. Những sắc thái rất khác biệt của những vỉa hè nhỏ và vỉa hè lớn tại Sài Gòn dễ nhận ra, nhưng là người bình dân nghèo, tôi vẫn thích sự sôi động của những vỉa hè nhỏ hơn. Vì nó đặc biệt năng động, rất nhiều màu sắc, nhiều âm thanh, và cách mua bán thì mau mắn, nhanh nhạy, nhiều khi bất ngờ. Như có lần, đã lâu lắm rồi, tôi gặp và chứng kiến hai người có vẻ là bạn với nhau, cùng buôn bán vỉa hè. Họ cá cược, lát nữa trời có mưa không ? Một anh nói không, một anh nói mưa. Vậy, nếu mưa, anh nói không phải đãi anh nói mưa một chầu. Và ngược lại. Nhẹ nhàng thôi, nghèo mà. Nhưng rất vui. Lúc về nhà, tôi viết được bài thơ Mưa Sài Gòn (1992), trong đó kết bằng hai câu của người cá cược cơn mưa: nè, ông trả nhiêu cơn mưa đó/ kiếm chênh lệch mình vô quán nhậu

Năm ngoái, sau 30 năm, tôi viết bài thơ Sài Gòn “bao” đủ thứ, nói về tính cách cởi mở và hài hước của người Sài Gòn, lại nhớ và kết bài thơ bằng hai câu: cười cười bán cả cơn mưa/ anh em nhậu chơi biết mấy cho vừa. Nhiều năm qua, mỗi khi vợ chồng tôi có dịp vào Sài Gòn thăm con và cháu nội, chúng tôi lại hay ngồi ở một quán cà phê trên vỉa hè lớn Sài Gòn. Đó là vỉa hè thuộc đường Nguyễn Du đối diện chênh chếch với nhà thờ Đức Bà. Ngồi cà phê vỉa hè ấy mà nhìn qua nhà thờ Đức Bà, tôi cho đó là một trong những cái view đẹp nhất Sài Gòn. Dĩ nhiên, view đẹp như thế thì cà phê hơi bị đắt. Nhưng hưởng thụ cái Đẹp thì phải tốn tiền thôi.

 

Mùi thơm cháo vịt vỉa hè Quảng Ngãi

Từ khi tách tỉnh Nghĩa Bình, tôi về quê hương Quảng Ngãi đã 34 năm nay. May mắn thế nào, nhà tôi trong ngõ nhỏ, nhưng lại rất gần phố cháo vịt vỉa hè Phan Bội Châu. Gần đến nỗi, mỗi lần anh em bạn bè em út tới nhà tôi nhậu chơi, chỉ cần ới chị cháo vịt tên Xí, là chị mang vào tận nhà ngay, đủ mấy món mình đặt, như thịt luộc, lòng chưng, vịt nướng chao… kèm đủ gia vị và nước chấm mắm gừng. Kèm mấy chiếc bánh tráng gạo giòn tan. Vịt quê tôi chủ yếu là vịt chạy đồng, bây giờ ngoài ruộng cũng không còn mồi mè nhiều như xưa, nên vịt chạy đồng mà chủ yếu nuôi nhốt. Nhưng người bán quán cháo vịt sành điệu chỉ nhìn là biết ngay vịt nào nuôi nhốt cho ăn cám công nghiệp, vịt nào dù nuôi nhưng ăn các món ăn ta truyền thống. Họ chỉ mua vịt ta ăn thức ăn ta, thịt vịt mới thơm và đậm đà. Tôi rất ủng hộ cách lựa chọn này, tất cả cũng là vì khách hàng thượng đế mà.

Dãy quán cháo vịt đường Phan Bội Châu gần nhà tôi không phải là dãy quán cháo vịt duy nhất ở thành phố Quảng Ngãi. Nhưng do nó gần nhà mình, nên hay ăn thôi. Cứ mỗi buổi chiều, bà con bán quán lại khăn gói xe đẩy tiến tới dãy phố này, nơi được phường cho phép bán cháo vịt. Đèn đóm được giăng sẵn, chờ tối là sáng bừng lên với những bảng hiệu mang tên các bà chủ quán. Thực khách có thể ăn cháo vịt, hay nhâm nhi vài ba món đặc sản vịt nhậu với bia cho nhẹ nhàng. Tôi nhớ, có lần ngồi ở quán cháo vịt nhậu món vịt nướng chao, tự nhiên tôi bật ra nhận xét về thơ và nhà thơ, và tôi phát hiện nhà văn Nguyên Ngọc chính là… nhà thơ, sau khi đọc Trở lại Mèo Vạc của ông. Dù Nguyên Ngọc cả đời không viết bài thơ nào, kể cả thơ… tán gái. Nhưng văn xuôi của ông thì đúng là thơ, là văn xuôi thơ. Ấy, ngồi quán cháo vịt đôi khi cũng nghĩ được vài điều.

Đặc điểm dễ nhận nhất của phố cháo vịt chính là mùi thơm bay ra từ dãy phố đầy cá tính. Cứ mỗi chiều, ai đi ngang qua phố cháo vịt đều cảm nhận rất rõ mùi thơm này. Và Quảng Ngãi quê tôi là thành phố nhỏ khiêm nhường, món ăn đặc sản chỉ có don và cá bống sông Trà. Nhưng cá bống giờ cũng cạn kiệt rồi. Chỉ còn don. Giờ thêm cháo vịt. Ai cũng biết, cháo vịt thì có khắp nơi trong nước. Nhưng tôi nhận thấy, cháo vịt Quảng Ngãi vẫn có cái gì thân thân thương thương, và cứ ăn vào mới thấm.

Nhưng bây giờ, mỗi khi tiếp khách từ xa đến chơi với quê mình, mà cứ tiếp cháo vịt thì e hơi khó coi, phải không ạ! Cứ phải cá chình ba món hay cá mú nấu chua cơ. Cháo vịt vẫn là món ăn bình dân. Nhưng có lẽ vì nhà tôi gần phố cháo vịt nên tôi hay nhắc nhớ về nó. Rồi cuối cùng, chỉ tôi và mấy đứa em thân thiết là hay xơi món này tại nhà tôi, đỡ phải đi mua món nọ món kia ở đâu cho xa. Thịt vịt là món ăn rẻ tiền, dành cho người lao động. Thì tôi cũng là người lao động thôi mà, suốt ngày gõ máy tính viết báo kiếm mấy đồng nhuận bút. Không phải lao động thì là gì?

Cháo vịt tốt cho sức khỏe người lao động, lại ngon một cách giản dị. Cứ như thơ tối giản vậy. Mình làm thơ tối giản thì nên xơi món này, nó gợi ý cho mình nhiều đấy.

Sự tối giản rất thì thầm, nhiều khi vô thanh. Nghe được nó, là có thể lần tìm tới những đầu mối, những rễ cây, những ngọn suối, những chồi non. Có nhà thơ viết về bầy vịt chạy đồng, anh nghe được tiếng kêu của quả trứng đẻ rớt tại ruộng. Nghe như thế là cùng cực, là siêu... nghe. Ngày đi qua Đồng Tháp Mười mùa khô, tôi đã thấy những bầy vịt chạy đồng kiểu Nam bộ mà bà con hay nói với tôi, là cả trung đoàn vịt chạy đồng. Nhìn vịt chạy đồng thật thích, chúng vừa bầy đàn vừa cá thể, vừa chạy vừa ăn vừa... chơi, cứ như thể cả mênh mông Đồng Tháp Mười là của chúng. Tại sao hồi đó, tôi không nghe được tiếng những quả trứng đẻ rơi nhỉ?

Những người làm thơ gợi ý cho nhau rất nhiều. Tôi đã nhận được những gợi ý như thế, nhiều khi từ những nhà thơ trẻ, những nhà thơ chưa nổi tiếng. Bản thân thơ tôi chắc cũng gợi ý được cho một số người. Nhưng gợi được nhiều ý cho nhà thơ nhất, chính là thiên nhiên. Khi nào anh trò chuyện được với thiên nhiên, anh sẽ nghe ra tiếng từng quả trứng vịt đẻ rơi, tiếng bông hoa súng chầm chậm nở giữa đồng bưng, tiếng thở nhẹ của dòng sông đang con nước lớn. Và mùi bùn non lúc nước ròng thỏ thẻ với anh. Bảy mươi bảy tuổi, tôi muốn mình học nghe. Và học nói, sau khi nghe được điều gì đó. Một cái cây rung chuông. Một trái cây thầm hát. Những cành lá xạc xào. Và một quả trứng vịt đẻ rơi kể về chuyến phiêu lưu của mẹ con nó giữa đồng. Chỉ nghe được như thế, đã hạnh phúc lắm.

Còn mùi thơm từ phố cháo vịt, nó gợi cho tôi nhớ lại tuổi thơ mình, mỗi khi má tôi thịt một con vịt nấu cháo cho tôi ăn. Mùi thơm từ bát cháo vịt ấy theo tôi suốt nhiều năm cho tới khi tôi trưởng thành, dù thời gian ở miền Bắc tôi ít khi được ăn cháo vịt. Kí ức một món ăn là cái gì mình khó phân định, nhưng nó có thể theo mình nếu mình cảm thấy nó gần gũi như một người thân.

Bây giờ nói ăn cháo vịt thì cũng chỉ là chuyện… ăn, nhưng nếu món ăn giản dị ấy găm vào kí ức từ tuổi thơ của mình, thỉnh thoảng nhẹ lên như tiếng một quả trứng vịt đẻ rớt trên đồng, thì sẽ khác lắm đấy.

Quảng Ngãi tháng 8/2023
T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)