Trở lại vùng biển thẳm

Thứ Bảy, 13/07/2024 00:47

. NGUYỄN BẢO
 

Tôi nhận được giấy mời của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng dự Lễ đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) cho Tiểu đoàn Đặc công nước 471. Đây là đơn vị được thành lập năm 1971 thuộc Mặt trận 44 Quảng Đà. Hồi thành lập, có ý kiến cho rằng tiểu đoàn đứng chân trong thành phố là không an toàn và sẽ không làm được gì khi xung quanh là địch. Nhưng Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Binh chủng Đặc công Châu Khải Địch khi ấy nói như dao chém thớt: “An toàn hay không, dân lo. Còn có làm được gì không ư? Chỉ cần hàng ngày họ đếm được bao nhiêu tàu xe, bao nhiêu cuộc hành quân đi qua cầu Thủy Tú, có bao nhiêu tàu của địch vào cảng sâu, thế là hoàn thành nhiệm vụ rồi.”

Tiểu đoàn Đặc công nước 471 vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ảnh: Lệ Hà

Vậy mà chỉ hơn bốn năm, từ khi thành lập, 25/2/1971 đến tháng 4/1975, tiểu đoàn không những trụ vững giữa lòng địch mà còn lập những chiến công hiển hách, nức lòng nhân dân cả nước, làm cho kẻ thù bạt vía kinh hồn. Tiểu đoàn đã đánh 41 trận, 29 trận dưới nước, 12 trận trên cạn, tiêu diệt hàng trăm tên địch, đánh chìm 10 tàu vận tải quân sự, đánh hư hại sân bay Xuân Thiều, kho xăng Liên Chiểu, phá huỷ hàng chục tấn hàng hóa, xăng dầu, phương tiện chiến tranh của địch để hôm nay vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kì chống Mĩ cứu nước. Chẳng thế mà Liên, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh tiểu đoàn hồ hởi báo tin cho tôi: “Đơn vị ta được tặng danh hiệu Anh hùng rồi anh ơi!” Nghe vậy tôi mừng khôn xiết. Thật ra, tôi không phải người của 471, chỉ là một phóng viên chiến trường, cùng ăn cùng ở, theo dõi luyện tập và các trận đánh của tiểu đoàn, được mọi người quý mến nhận là người của đơn vị. Vậy thôi. Tất nhiên, những sáng tác đầu tiên của tôi nguyên mẫu là những cán bộ chiến sĩ ở đây. Nơi đây, dòng sông này, vùng biển thẳm này với tôi có biết bao kỉ niệm.

Hôm tôi đi Đà Nẵng, ngày 26/3/2024, Liên đón tôi tận sân bay. Anh dẫn tôi về Hòa Liên, Hòa Lạc, bắc Hòa Vang nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Trước ngày lễ, cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn tụ về nơi đóng quân năm xưa. Một hội trường bình dị ngay bên bờ sông Trường Định được chọn làm nơi họp mặt giao lưu. Kia là cầu Thủy Tú, xa hơn là biển. Biển bao la, thẳm sâu, ôm lấy thành phố Đà Nẵng. Ôi con sông Trường Định của tôi! Ngày nào, hai bên bờ sông cây to, cây nhỏ xanh rợp, tỏa bóng xuống mặt nước làm con sông như hẹp lại; nay mênh mang, tráng khoát, nước êm ả, dìu dịu gợn sóng. Ven sông, lác đác những hàng quán nhỏ, những trường học, khu vui chơi công cộng, hôm nay rực rỡ cờ bay. Hơn năm mươi năm về trước, những trận đánh của tiểu đoàn trên sông, trên biển, trên đảo xuất phát từ dòng sông này. Những chiến công rực rỡ, huy hoàng của tiểu đoàn nở rộ từ nơi đây.

Một cựu chiến binh tôi quen mặt nhưng không nhớ tên chờ tôi trước cửa hội trường. Hàng trăm con người đã ngồi chật kín. Tôi đến muộn. Anh cầm tay tôi mời lên phía trên. Anh chỉ vào chiếc phông vải trắng trên sân khấu với dòng chữ: “Gặp mặt giao lưu chào mừng Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kì chống Mĩ cứu nước. Chủ đề: “Biển đêm và Dòng sông tôi yêu.” Anh hỏi: “Anh thấy thế nào?” Tôi sửng sốt. Bất ngờ quá, đó là tên hai sáng tác của tôi viết về tiểu đoàn năm 1972-1973. Mới hay cái tình người lính với nhau thời chiến tranh sâu đậm, bền chặt đến nhường nào…

*

*        *

Còn nhớ trước khi xa con sông Trường Định, tôi đã dự một trận đánh cầu Thủy Tú bắc qua sông này. Tôi và cán bộ đội, cán bộ tiểu đoàn tiễn năm chiến sĩ Đội 2 xuất trận. Cùng đi theo họ là hai khối thuốc nổ lớn. Khoảng mười giờ đêm, họ lặng lẽ xa chúng tôi, mất hút trong mịt mùng. Nhiệm vụ của họ là đánh sập chiếc cầu, chặn địch hành quân, và chặn những chuyến tàu, chuyến xe chở đạn, súng, khí tài quân sự cho những trận càn lớn, lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Khi họ rời bến, chúng tôi cũng di chuyển đến một mỏm đồi cách cầu không xa; nhìn được hai chiếc cầu bắc song song trên sông: Một cầu cho xe lửa, một cầu cho ô tô và người đi bộ. Đèn đêm sáng rực, thấy rõ bóng địch ôm súng ngạo nghễ đi lại trên cầu.

Thời khắc mà bộc phá của năm chiến sĩ dũng cảm nổ tung là khoảng nửa đêm. Nhưng chưa đến giờ ấy, phía cầu Thủy Tú bung dậy hàng loạt tiếng nổ lớn dữ dội, xé nát trời đêm. Tiếng nổ như thể cả một kho đạn vừa bị kích hoạt. Các tay súng của địch trên cầu, trên bờ sông châu hết về phía mặt nước. Trên trời, trên biển, đèn sáng, pháo sáng hiện ra chóa lóa. Trên đồi, tất cả chúng tôi vụt đứng dậy, chồm về phía ấy, nín thở, tim như muốn ngưng đập. Năm chiến binh của Đội 2 thế nào? Hai khối thuốc nổ đi theo họ ra sao? Không thể biết. Những người đánh cầu rời sông, xuôi ra biển độc lập tác chiến, tự chỉ huy lấy mình, trên không biết, dưới không hay. Những gì diễn ra chỉ họ biết nhưng đã không một ai trở về…

Tối đó, sau cuộc giao lưu, ôn lại truyền thống của tiểu đoàn, tôi, Liên, Giang và Bình cùng ngồi lại với nhau. Giang là Chính trị viên Đội 3. Hồi đến tiểu đoàn, tôi ở đội Giang lâu nhất. Tôi với Giang thân thiết như hai anh em ruột thịt. Bình ở Đội 1. Anh đi trinh sát liên miên, tôi ít gặp nhưng nghe cán bộ tiểu đoàn nhắc về anh nhiều.

Tôi hỏi Liên:

- Sau trận đánh đau thương ở cầu Thủy Tú, các anh có tìm ra nguyên nhân không?

- Hồi đó em đi học. Về đơn vị, nghe tin, em lạ lắm. Sao đánh cầu mang hai khối thuốc nổ mà lại đi năm người. Cầu Thủy Tú đánh nhiều lần rồi, chỉ hai người hoặc bốn người là cùng. Vậy cử năm người đi là thế nào? Thủ trưởng Hòa nói với em mấy lần mình đánh cầu, địch có nghi mình đi bằng đường sông, đường biển. Để ngăn chặn, chúng giăng các hàng rào dưới nước, ta thêm một người nữa là để cắt rào. Em ngẫm nghĩ một lúc rồi nói với tiểu đoàn trưởng: “Vậy thì theo phán đoán của tôi, hai khối bộc phá có thể vướng kíp mìn, nổ ngay khi năm người của ta chưa vào được chân cầu.” Thủ trưởng Hòa cũng đoán vậy nhưng thực hư thế nào chỉ có năm người đã hi sinh biết rõ.

Tôi quay qua hỏi Giang:

- Nghe nói sau đó đội của Giang đề xuất với tiểu đoàn một cách đánh khác: Diệt địch ngay trên hai đầu cầu. Đội của Giang xin thực hiện phương án này. Có phải vậy không?

- Đúng thế anh ạ! Rất tiếc trận đánh xảy ra anh không có mặt. Đánh theo kiểu cũ, địch biết tỏng “bài” của mình rồi, khó tạo bất ngờ. Đánh ngay trên cầu, trên khô là lần đầu, chúng không ngờ. Tiểu đoàn đồng ý với phương án của đội em, giao cho bọn em đi trinh sát và chuẩn bị đánh. Cả đội mừng rơn, náo nức. Cán bộ chiến sĩ trong đội hầu hết ở “trường khom”(1) ra, mong ngóng, chờ đợi một lần được dự trận. 471 chưa lần nào ra quân đông đến vậy. Anh Hương Đội trưởng, chỉ huy đánh phía nam cầu. Em chỉ huy đánh phía bắc cầu. Bọn địch sau lần bị ta đánh “hụt,” ráo riết tăng cường bố phòng cả dưới nước cả trên cầu. Vũ khí, khí tài, lính chiến được tăng gấp đôi trước đây. Ấy, chính thế nên chúng tưởng ta không dám làm gì. Trận này rất quan trọng, phải thắng để dằn mặt bọn địch canh cầu và để trả thù cho năm chiến sĩ của ta đã hi sinh trong trận đánh trước. Bọn em bố trí nhiều hướng tiền nhập khác nhau: từ bờ sông, từ bờ biển, từ những xóm làng ở Hòa Hiệp, Hòa Liên… Chúng không thể lường hết một trận địa thiên la địa võng như thế. Phía bên em giữ được bí mật đến cùng, bám được đầu cầu, tiêu diệt gọn quân địch. Phía đầu bên kia có trục trặc ít nhiều nhưng khi bên này nổ súng đã phân tán lực lượng của chúng. Bộ đội bên kia không chiếm được đầu cầu nhưng trước khi rút vẫn diệt được quá nửa đội hình địch. Trên cho biết, trong trận đánh ta đã tiêu diệt gần một trăm tên, hai đầu cầu bị ta làm hỏng nặng. Cả tháng trời địch không dám hành quân, chạy tàu, chạy xe qua cầu…

Tôi biết Giang là Chính trị viên nhưng rất thông thạo quân sự. Điều đó thể hiện trong trận đánh vừa kể. Năm 1975 Giang còn lập một chiến công xuất sắc. Anh được Quân khu 5 cử dẫn quân của tiểu đoàn phối hợp với bộ đội đặc công nước của Bộ đánh địch giải phóng các đảo ở Trường Sa. Dũng cảm xả thân vì chiến thắng đã đành, anh còn là người chỉ huy mưu trí, sáng tạo, được cấp trên cấp dưới mến phục. Tại cuộc giao lưu của tiểu đoàn, khi anh trình bày những trận đánh địch ngoài đảo Trường Sa, đã nhận được những tràng vỗ tay như pháo ran của mọi người…

 

Hồi ở Tiểu đoàn 471 tôi được chứng kiến những lần luyện tập của chiến sĩ đặc công nước. Thật “dễ sợ”. Họ ngâm cả tiếng đồng hồ dưới nước lạnh mùa đông, bơi chìm dưới sông, dưới biển cả ngày lẫn đêm. Thế nên việc họ bơi trên biển hàng chục cây số để bám đảo, bám tàu địch là chuyện thường.

Ngày mai trong buổi lễ, Liên sẽ báo cáo thành tích của tiểu đoàn. Tôi biết Giang, biết Bình và một số anh em khác liệt Liên vào những người đóng góp rất nhiều cho thành tích chung. Tôi muốn Liên kể một vài trận anh đã tham chiến. Chắc vì khiêm nhường, anh chỉ vào Bình:

- Anh muốn tìm hiểu thêm về đánh tàu, đánh đảo phải hỏi Bình, “một cây” đấy. Cũng may chiến tranh kết thúc 1975 chứ không cũng “tèo” rồi.

- Sao vậy? - Tôi hỏi.

- Ở 471, mỗi lần chọn người đi đánh, đặc biệt những trận đánh khó, ngoài các tiêu chuẩn anh biết rồi, muốn chắc thắng là phải tìm người có nhiều kinh nghiệm. Người nhiều kinh nghiệm là người đi đánh nhiều. Đi đánh nhiều “dễ bị” thế thôi. Ở Đội 1, Bình là người đi đánh liên tục. Trong khi có anh ở tiểu đoàn, ba bốn năm trời chờ vẫn chẳng đến lượt.

Tôi nhìn Bình:

- Đánh cầu mình biết rồi, đánh trên đảo, đánh tàu địch trên biển chỉ mới biết sơ, đang muốn nghe Bình kể đây.

- Được ạ… lâu quá rồi… nhưng…

Bình bỗng lặng đi, mắt xa xăm nhìn đâu đó, bồi hồi, nôn nao. Anh nói, nghẹn ngào, lắp bắp. Chợt nghĩ cái anh cựu chiến binh sau ngày đất nước thống nhất về Nam Định chuyên làm nông, nhận ao hồ của hợp tác xã, nuôi tôm, nuôi cá, không chắc đã nhớ những chuyện cách đây 50 năm, mà có nhớ chắc gì đã nói được gãy gọn. Nhưng tôi nhầm, anh là người làm được, nói được. Anh chỉ hơi bị động, lúng túng lúc đầu. Càng kể càng say, đắm mình vào kỉ niệm, lưu loát, đâu vào đấy. Chuyện là thế này…

Đó là những ngày cuối tháng 4 năm 1974, tiểu đoàn giao cho Bình cùng Nguyễn Xuân Đạt mang thuốc nổ đến bán đảo Sơn Trà, chờ tàu địch vào cảng, tiêu diệt. Bình là tổ trưởng, Đạt tổ viên. Những người đưa rước trong tiểu đoàn chia tay họ ở chân đèo Hải Vân. Từ đó, họ phải bơi hai mươi cây số trên biển mới bám được nơi cần tới. Bán đảo Sơn Trà, ngoài khu ra đa ngất ngưởng trên đỉnh núi còn có các kho chứa đạn, súng, khí tài quân sự. Trại lính đóng trong khu vực ra đa, gồm nhiều dãy nhà mái tôn. Kế đó là nhà máy điện, kho xăng… Lưng chừng núi và chân núi có các trạm canh của lính bảo vệ. Dẫu là thế, chúng vẫn không đủ tai mắt kiểm soát được bước đi của những “lính nước.” Tìm được một ví trí khá an toàn, quan sát được tàu ngoài biển, theo dõi được địch trên đảo, Bình và Đạt “hạ trại.” Xa đơn vị, vũ khí, lương thực mang theo có hạn, địch thường lùng sục ráo riết, họ chỉ mong tàu địch xuất hiện sớm. Mai phục được một tuần, đúng vào thứ 7, ngày 28/4/1974, một chiếc tàu lớn của địch lù lù tiến vào khu cảng sâu, neo lại, cách chỗ nấp của Bình và Đạt chừng bảy ki lô mét. Theo Hiệp định Paris, Mĩ buộc phải rút quân nhưng tàu của của chúng chở súng đạn, khí tài quân sự cùng các cố vấn vẫn ra vào cảng sâu thường xuyên. Nhìn chiếc tàu ngỗ ngược, ngạo mạn, Bình thấy vừa ghét vừa mừng. Anh ra hiệu cho tổ viên Đạt sẵn sàng cơ động. Đang xem xét lại khối nổ, Bình bỗng giật thót, mắt tròn xoe nhìn chằm chặp vào chiếc kíp:

- Cha mẹ ơi! Hình như kho phát nhầm kíp cho chúng ta rồi! - Anh nói khẽ, răng nghiến lại.

Đôi mắt mở to run rẩy của Đạt cũng đang đăm đắm nhìn vào khối nổ của mình. Cả hai đều biết trong kho không có chốt một giờ nên chủ kho chỉ phát cho họ chốt hai giờ, rồi chỉnh lại thành chốt một giờ. Dẫu vậy, cả hai đều nghi đây không phải là kíp mìn đánh tàu. Bình bàn với Đạt rút thử chiếc kíp dự phòng xem thế nào. Điểm hẹn của ngòi nổ liên quan đến tính mạng của họ. Nếu là kíp tức thì, rút chốt, khối thuốc nổ ngay, người sẽ tan biến cùng khối thuốc. Ngòi một giờ, rút chốt rồi đủ thời gian để thoát khỏi vùng nguy hiểm. Quả nhiên, chiếc ngòi bấm thử chỉ hơn bảy phút đã sập. Như vậy, chiếc ngòi này là chiếc ngòi hẹn mười lăm phút, đã gạt đi một nửa. Bây giờ tính sao? Câu hỏi xoáy vào óc cả hai, nhức nhối. Quyết đánh thì không thể bảo toàn tính mạng. Hơn bảy phút, quá ít để tránh được sức ép của khối thuốc.

- Về thôi anh. Có phải tại mình đâu? - Sau một lúc chần chừ, Đạt để xuất.

Là tổ trưởng, Bình biết mình sẽ chịu trách nhiệm chính về trận đánh. Không có tập thể, không có chỉ huy cấp trên, không có người thứ ba để bàn, để hỏi. Hai người, chỉ hai người thôi, tự biết mình phải làm gì. Bình biết Đạt nói đúng. Lỗi không tại họ. Trở về là hợp lí, không ai chê trách. Dù thế, Bình vẫn áy náy không yên. Đã bơi hai chục cây số biển, chịu đựng biết bao nguy khốn mới tới được đây. Đã có lúc gió biển đột ngột nổi lên như bão. Những cột nước chồm lên như những ngôi nhà rồi ập xuống, tạo thành những vụng sâu hun hút. Cả người cả khối thuốc lộn nhào, tưởng không cách gì thoát nạn. Rồi những ngày chờ tàu địch đến mòn mỏi, cháy ruột cháy gan mới có được một thời cơ thuận lợi thế này. Tiếc lắm chứ! Bình hình dung ra các thủ trưởng của mình, đồng đội của mình đang mong ngóng chờ tin chiến thắng từng giờ, từng ngày. Trời ạ! Kết quả chỉ là thế này thôi ư? Hai bàn tay trắng?(2) Thực ra cấp trên quy định một giờ khi rút chốt là an toàn, rõ rồi, nhưng thực tế đã có trường hợp nào xảy ra như trường hợp này đâu. Tất nhiên, hi sinh là cầm chắc nhưng hi sinh mà chiếc tàu khổng lồ chở đầy khí tài quân sự, lương thực và những thằng địch hiếu chiến trên tàu tan xác thì cũng đáng lắm chứ! Không nói ra những điều ấy nhưng Bình tin Đạt sẽ ủng hộ ý định của mình.

Xác định vậy, đầu óc Bình trở nên minh mẫn lạ thường. Xong anh tự hỏi có cách nào khác hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn trở về được không nhỉ? Và anh tự vấn tại sao lại phải đặt hai khối thuốc nổ cách xa nhau mới được chứ? Quy định vậy, không sai, nhưng là khi mình có một giờ để xoay xở mọi việc. Còn như hiện tại, mình chỉ được hơn bảy phút, có nhất thiết phải theo quy định ấy không? Hơn bảy phút, phải tính từng giây, dù chỉ để kéo dài thêm chút sự sống. Nếu đặt hai khối thuốc nổ gần nhau cũng tiết kiệm được chí ít là một hai phút. Sức công phá của mìn vẫn tăng gấp đôi, tàu nhất định bốc cháy, nhất định sẽ chìm xuống đáy biển. Muốn thế, chỉ cần buộc hai khối thuốc gắn kết với nhau bằng một vật gì đấy. Việc này không khó. Bình chặt ba đoạn cây, buộc song song vào hai khối thuốc. Khối này cách khối kia chừng năm mươi phân. Như vậy chỉ một người rút chốt. Khi đã gắn được khối vào tàu, Bình sẽ ra hiệu cho Đạt bơi xa con tàu, anh sẽ chờ cho bạn rời xa con tàu mới rút chốt. Như vậy, tàu sẽ tan xác mà chỉ mình anh hi sinh. Bình bàn với Đạt mọi việc cụ thể. Cả hai thống nhất phương án đã bàn. Họ xuống nước lúc tám giờ.

Chừng mười một giờ, tổ tiếp cận được tàu. Thủy triều đang xuống, nước sông Hàn đang đổ ra. Giờ này, địch ít đề phòng hơn. Nhưng điều Bình và Đạt không lường: Ngoài chiếc tàu lớn còn có ba chiếc tàu tuần tiễu lượn quanh bảo vệ. Muốn gắn được khối thuốc vào tàu lớn phải lách qua được tàu tuần tiễu. Cả hai đang đưa khối thuốc vào mũi tàu thì địch nổ súng. Thủ pháo và các loại đạn đổ xuống biển như mưa trút nước. Bình phát tín hiệu cho Đạt cùng rút về phía bờ. Chắc chưa bị lộ nhưng còn lởn vởn quanh đây, thế nào cũng dính đạn bọn tuần tiễu. Họ thoát ra khá nhanh. Sóng to gió lớn bỗng nổi giận đùng đùng. Nghề đặc công, tình huống này dễ đột nhập mục tiêu. Địch lơ là, ít dòm ngó. Họ lại tranh thủ mật tập. Nhưng lợi bất cập hại, bơi được nửa chừng, tổ đành quay lại. Sóng to quá, dữ quá. Người và khối thuốc bật lên, chìm xuống liên hồi, không ngậm được ống thở.

Đến quá nửa đêm, gió lặng dần, sóng dịu hơn, Bình lại nháy Đạt tiếp cận mục tiêu. Quá tam ba bận, họ bảo nhau lần này phải bắt được tàu mới về bờ. Chọn cách bơi cá chép, cách tàu chừng trăm mét họ mới thả ống. Đạt canh bên ngoài, Bình đưa khối vào. Rờ được mũi tàu, anh nhanh chóng gắn khối thuốc, ra hiệu cho Đạt thoát khỏi vòng nguy hiểm… Biết chắc mọi việc đã ổn, anh mới rút chốt, chọc thủng phao và bơi phóng về bờ. Bơi được khoảng hai mươi mét, mìn nổ. Sức ép làm tay chân anh rã rời. Sóng đập vào người như điện giật. Chắc chết, có biết gì nữa đâu. Cơ thể như cái phao nổi phềnh mặc cho con nước xô đẩy. Mấy chiếc tàu tuần tiễu hốt hoảng, bắn túa lua, đạn vãi như gieo mạ. Nhưng chúng thua rồi.

Bình đang tỉnh dần. Anh ngậm ống bải hoải bơi về nơi trú ẩn. Phía sau anh, chiếc tàu khủng đang rần rật cháy, khói đen khói đỏ ngùn ngụt bốc lên che khuất một vùng trời. Anh thấy mình khỏe hẳn ra. Anh biết Đạt đã cập bờ lâu rồi. Hẳn là khi thấy anh Đạt sẽ rú lên, ngỡ anh là ma.

Gần sáng, anh bấu được bờ, tí tửng sẽ gặp Đạt, không ngờ nghe động, quay lại, Đạt bơi ngay phía sau anh. Ô hay! Thế này là thế nào? Anh chưa hết ngạc nhiên, Đạt đã cười ngặt nghẽo: “Ông tưởng tôi sẽ nghe lời ông đấy à? Thà chết chứ ai lại bỏ mặc bạn trong hoạn nạn cơ chứ? Sống chết gì cũng cùng nhau chịu chứ!” Trời ạ, còn thế nữa cơ đấy. Cả hai leo lên bờ, vui đấy mà nước mắt cứ trào ra. Làm sao tin họ còn có giây phút này. Khi đã ngồi trong hang đá, hết bàng hoàng, Bình dọa Đạt: “Về đơn vị tớ sẽ tố với các thủ trưởng cậu chống lệnh của tớ.” Đạt cười khì: “Về bờ trước, ông ở lại loay hoay một mình, bọn tuần tiễu phát hiện thịt ngay thì sao?” “Còn sao nữa, giật chốt tức thì cho nó cùng về chầu Diêm Vương chứ sao.” “Thế thì nói chuyện làm quái gì nữa!” Cả hai lại ôm lấy nhau cười phớ lớ...

Phải nghỉ hai ngày ở bán đảo Sơn Trà, Bình với Đạt mới có sức bơi về Hải Vân. Ở doanh trại, mọi người túa ra từ những căn nhà, vây lấy họ, ôm lấy họ, công kênh họ lên. Mừng ơi là mừng. Liền sau đó, Tôn đội trưởng đưa Bình và Đạt lên nhà chỉ huy tiểu đoàn trình hai cái chốt và báo cáo chuyến đi. Bình đang nói nửa chừng, thủ trưởng Hòa xua tay:

“Thôi không cần, bọn mình biết cả rồi, hai cậu về nghỉ, ngủ cho đã. Chiều lên đây ăn cơm với bọn mình. Tin thêm cho hai cậu biết, cơ sở báo chiếc tàu bị đánh chìm nặng một vạn hai nghìn tấn, chứa nhiều xe tăng, xe thiết giáp và hàng quân sự.

Với thành tích xuất sắc ấy, Bình được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, Đạt được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba…

*

*         *

Nghe xong chiến công năm đó, tôi hỏi Bình:

- Sau trận đó Bình còn đánh trận nào nữa không?

Bình chưa kịp trả lời Liên đã nói thay:

- Riêng đánh tàu còn ba trận nữa anh ơi. Trận ngày 21/7/1974, tổ của Bình bị địch phục ngay chân đèo Hải Vân, năm người đi thì ba bị thương, trong đó có Bình, đành quay về. Trận thứ ba vang dội hơn, khó khăn hơn, Bình được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Riêng năm 1974 Bình được thưởng ba Huân chương Chiến công hạng Nhì. Bình kể trận thứ ba đi…

Tôi liền bảo:

- Thôi, không cần. Nghe nói trong năm 74 Bình có tham gia đánh Khu ra đa trên đỉnh Sơn Trà. Mình muốn nghe Bình kể trận đó.

Bình cười rất tươi, giọng trong, khỏe. Ở tuổi gần bảy mươi không phải ai cũng giữ được sức vóc như Bình:

- Em vừa đến đó sáng qua. Mấy anh em đi đánh Khu ra đa lần đó rủ nhau cùng đi. Bán đảo Sơn Trà thay đổi chóng mặt. Rìa chân đảo đường nhựa phẳng lì. Phía trên, nhà cửa mọc lên đủ dáng, đủ kiểu. Không thể nhận ra chỗ nào mấy anh em đã từng “làm tổ.” Ngước lên, vẫn hình dung được Khu ra đa cũ. Háo hức, hồi hộp lắm, nhưng đến cổng gác, cả nhóm bị lính ách lại. Mấy chú bộ đội tuổi con cháu, tươi mởn, ngoan nhưng rất kiên quyết: “Bọn cháu nhận lệnh cấp trên không cho bất cứ ai lên Khu ra đa nếu không có giấy của Bộ.” Huân tổ trưởng tổ đánh Khu ra đa hồi ấy, là người khéo miệng, thay mặt anh em nói: “Các chú từ xa đến, trước đây đánh Khu ra đa của địch. Bây giờ muốn lên thăm lại nhân về dự Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng của tiểu đoàn. Trường hợp đặc biệt, các cháu linh động giải quyết đi.” “Chu cha, vậy để cháu báo lên trên xem sao, các chú thông cảm nhé.” Chú bộ đội chạy vào bốt gác gọi điện cho ai đó, ít phút sau chạy ra, mặt hơn hớn, giọng lễ độ: “Mời các chú, trên đồng ý rồi ạ.”

Cũng phải vừa đi vừa định hướng khá lâu mọi người mới nhận ra nơi đã “chọi” nhau với địch. Đường lên, khung cảnh hai bên đường hiện ra đẹp khôn tả. Xa xa kia là khu doanh trại ngay ngắn, sạch đẹp của bộ đội ta. Nơi Khu ra đa bị đánh sập giờ phẳng lì, rợp một màu xanh mát mắt. Rau muống, rau cải, rau dền, mồng tơi, rau đay trồng theo ô, vuông vức thẳng thớm. Biết bao các loại rào kẽm gai nơi đây giờ sạch bong, không còn một dấu tích, nhưng kí ức trận đánh hồi nào trong tâm trí mọi người vẫn hiện lên rõ mồn một…

Ra đa viễn thông của Mĩ - ngụy được dựng lên ở hai khu vực. Địch vẫn gọi Khu ra đa là mắt thần của biển. Nó là trở ngại lớn của những đoàn tàu Không số của ta đi qua biển miền Trung. Năm 1972, Anh hùng Đặng Tiến Lợi cùng đồng đội đã đánh tan tành Khu ra đa 1. Từ đó địch bỏ luôn khu này tập trung củng cố Khu ra đa 2. Năm 1974 tình hình cuộc chiến đang ở giai đoạn nước rút, chuyên chở vũ khí lương thực của ta từ Bắc vào Nam như một huyết mạch. Trên lệnh cho tiểu đoàn tiêu diệt Khu ra đa hỗ trợ cho huyết mạch đó. Nhận lệnh trên, thủ trưởng tiểu đoàn giao cho Đội 1 cử người đánh chiếm Khu ra đa. Huân được cử làm Tổ trưởng, ba tổ viên gồm Bình, Tùy, Hợi. Mỗi người mang theo hai khối nổ, không kể thủ pháo, lựu đạn treo đầy thắt lưng.

Ngày 13/9/1974 tổ rời nơi xuất phát. Từ chân đèo Hải Vân, tổ phải mất năm ngày năm đêm, vừa bơi vừa leo dốc mới bám được mục tiêu. Gần tới Trạm vô tuyến viễn thông của địch, tổ chia làm hai mũi. Mỗi mũi hai người. Khu vực đặt ra đa cao 619m so với mặt biển. Hệ đèn chiếu sáng dày đặc. Ban đêm sáng rõ ràng. Hướng Bình đột nhập là hướng chính, phải gỡ mười ba lớp rào kẽm gai. Anh và Tổ trưởng Huân có nhiệm vụ đánh vào kho xăng, khu để xe và phá Khu ra đa. Tùy và Hợi đánh vào trại lính và nhà chỉ huy. Mũi của Tùy sớm cắt xong các lớp rào đang trườn vào mục tiêu, bỗng có một thằng địch từ trong khu nhà đi ra. Tùy đã ở gần cánh cửa vừa hé mở trước mặt. Anh nín thít, chờ hắn đi khỏi nhưng chắc đang mắt nhắm mắt mở, hắn vấp vào Tùy. Hắn thét lên một tiếng hoảng hốt rồi lao vào trong nhà. Lộ rồi, cưỡng tập thôi. Đây là điều không ai muốn nhưng không thể khác. Tùy tương luôn khối thuốc nổ năm kí ngay sau lưng thằng địch. Tiếng nổ long trời lở đất làm cho bọn địch trong trại kinh hồn. Mọi người trong tổ biết yếu tố bí mật không còn, cần đánh nhanh, rút nhanh, bảo toàn lực lượng.

Sau tiếng nổ lớn tung hê mọi căn nhà của khu lính, bọn sống sót bắt đầu phản ứng. Súng các loại nhả đạn tứ tung. Nguyễn Đình Hợi mang khối thuốc nổ mười kí cũng đã áp sát nhà máy điện. Anh dùng hết sức bình sinh ném khối thuốc vào phía ấy. Đèn điện của toàn bộ Khu ra đa phụt tắt. Huân và Bình lợi dụng bóng tối chạy lên, trút tất tật vũ khí mang theo vào mục tiêu rồi chạy cật lực về phía cửa mở. Không thấy Tùy, Hợi ở chỗ hẹn, họ chạy về phía kho xăng đang cháy rừng rực. Thì ra Tùy và Hợi đều bị thương. Hợi còn tấp tểnh đi được. Tùy bị mảnh đạn găm vào cánh tay trái, lửa kho xăng táp vào người bị bỏng nặng. Bình xốc Tùy lên lưng lập bập chạy xuống, đạn địch đuổi sau lưng. Huân dìu Hợi từng bước bám theo. Không tìm được vị trí cũ, họ đành kiếm một hang đá mới gần biển chui vào. Không còn vũ khí, không có gì lót bụng, thuốc cứu thương không có. Tùy đau mệt lả, mảnh đạn nằm sâu bên trong bắp tay nhức nhối. Bình đề nghị Huân và Hợi về đơn vị báo cáo tình hình, anh ở lại chăm sóc Tùy. Huân ái ngại: “Sống cùng sống, chết cùng chết chứ hai bạn ở lại, bọn này đi sao đành.” Bình tha thiết: “Anh khỏi băn khoăn, đấy mới là con đường sống của chúng ta. Ở lại em sẽ tìm cách kiếm thức ăn, đợi tiểu đoàn ứng cứu.” Huân nghĩ nhanh, anh và Hợi ở lại cũng không giải quyết được gì. Bình ở lại với Tùy không khỏi gặp khó khăn nhưng cũng không còn cách nào khác.

Họ đi rồi, Bình nói với Tùy: “Tối nay Tùy chịu khó nằm đây chờ. Mình sẽ lần vào doanh trại chúng xem kiếm được cái gì ăn tạm không. Chúng vừa bị đánh phá tan tác chắc đề phòng lắm. Nếu không xong mình sẽ xuống biển mò cua bắt ốc bắt tôm tép gì đấy. Phải có cái gì ăn mới sống được, vết thương mới lành được.”

Chuyện của Bình còn dài. Tìm thức ăn như thế nào, cứu chữa vết thương cho Tùy ra sao, cách gì để tồn tại được bốn lăm ngày đêm trong hoàn cảnh thiếu thốn, éo le như vậy? Đấy là cả một thiên kí sự dài, chúng tôi hi vọng sẽ viết tiếp trong một dịp khác…

Vâng! Dịp may hiếm có, tôi được trở lại Tiểu đoàn 471, trở lại vùng biển thẳm, ăm ắp những kỉ niệm vui buồn của mình. Tôi không thể gặp hết những con người, những chiến công của họ trong mấy ngày ngắn ngủi. Một số người tôi nhắc đến trong bài viết này cũng chưa nói hết những gì họ đã sống, đã chiến đấu quên mình để chúng ta có được những ngày sum vầy, hạnh phúc như hôm nay. Dù họ chưa được tuyên dương Anh hùng, nhưng với tôi từ lâu họ đã là những Anh hùng thực thụ.

Hà Nội 30/4/2024
N.B

_________________

1. Trường huấn luyện Bộ đội Đặc công.

2. Người đánh tàu trở về phải trình đơn vị kíp đã rút từ khối thuốc nổ.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)