Tiếng đào huyệt trong đêm

Thứ Tư, 09/01/2019 00:48

. HOÀNG ĐÌNH BƯỜNG

Đào huyệt xem ra chẳng có gì lạ. Người sống đào huyệt mai táng người chết, việc đó xảy ra khi số phận người chuẩn bị nằm trong hầm huyệt đã an bài, chí ít cũng là những giây phút ngắn ngủi hấp hối đợi người thân để đi vào cõi vĩnh hằng.

Ở các đô thị phương Tây, đào huyệt được xem như một nghề của những người thất thế, khó kiếm sống trong xã hội. Hành nghề này không ai ham mê, chẳng qua là vì miếng cơm manh áo. Trái tim họ dần dần băng giá theo thời gian và công việc. Người sẽ nằm dưới hầm huyệt là ai, số phận ra sao, họ không mấy quan tâm. Quy luật sinh lão bệnh tử, ai cũng một lần nằm xuống nơi đó.

Cái chết đã được định mệnh. Lẽ đời đơn giản vậy thôi ư?

Người phương Đông, đặc biệt là ở Việt Nam, sống chết day dứt, vương vấn và trăn trở vô cùng. Thọ đến trăm tuổi cũng vậy.

Đào huyệt mai táng người đã khuất, cơ bản là việc nghĩa tình nằm trong đạo lí sống và làm người. Đương nhiên, việc làm này lắm khi gây sốc, có người né tránh. Nghi lễ kèn trống đám ma sinh ra cũng để thể hiện nỗi niềm, tình cảm với người quá cố. Không ai điên rồ nghĩ đến chuyện sẽ nằm trong hầm huyệt mà chính bàn tay mình đào bới, định vị tọa độ chốn thiên thu.

Nếu không có chiến tranh, mọi việc nói trên đều đúng. Những quốc gia không trải qua binh đao là đại hồng phúc. Diễm phúc đó không có ở Việt Nam. Hơn bốn ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đã đi từ thung lũng chiến tranh đau thương đến cánh đồng vui. Hạnh phúc trả giá không hề nhỏ và chẳng chia đều cho từng con người.

Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước diễn ra vô cùng khốc liệt. Trên chiến trường, bộ đội hi sinh không có điều kiện để mai táng, chẳng có chuyện kèn trống lễ nghi. Ở những “vùng đất chết” có khi nhìn đồng đội nằm trên đất rồi phân hủy dần, xót xa đau đớn vô cùng nhưng không có cách gì lấy được xác. Năm 1972, trên toàn chiến trường miền Nam, đặc biệt là ở Trị Thiên, ta và địch đánh nhau liên tục kéo dài từ mùa khô đến mùa mưa, vắt sang mùa xuân năm 1973. Đạn bom không ưu ái cho phía nào. Nổ súng là thương vong. Chiến dịch quy mô càng lớn và kéo dài thì thương vong càng nặng nề. Một trận đánh diễn ra hàng giờ đồng hồ, hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp. Quân chiến đấu trực tiếp hao hụt nghiêm trọng. Lực lượng hậu bị phía sau lại càng khan hiếm. Vậy nên, đơn vị chiến đấu phải tự xoay xở, lo liệu mọi bề, kể cả việc đào huyệt trước giờ ra trận.

Việc chuẩn bị vũ khí súng đạn, gạo cơm và điều nghiên trận địa là chuyện bình thường. Đào huyệt chuẩn bị cho cái chết thì thật khó tin, kiêng kị vô cùng. Vậy mà ở đơn vị chúng tôi việc đó diễn ra gần như bình thường. Là lính B41, phải “chạy sô” về các đơn vị tác chiến liên tục, tôi nhiều dịp chứng kiến những việc nhức buốt trái tim như thế đến nỗi không nhớ rõ bao nhiêu lần cùng đồng đội của các Đại đội trong Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Quân khu Trị Thiên đã làm việc ấy trước giờ ra trận. Nhưng tiếng cuốc Mĩ, tiếng cuốc chim bổ vào đất đá cộc cộc, cạch cạch… đào huyệt trước để chôn đồng đội hoặc chôn mình thì tôi không bao giờ quên được. Những tiếng ấy nghe lạnh lẽo, người yếu bóng vía có thể đứng tim, cộng với tiếng chim từ quy trong đêm vọng về càng thêm xót xa, não ruột... Vừa đào vừa nghĩ, mỗi hầm huyệt sẽ là một chiến sĩ (có khi hai) yên nghỉ cho đến ngày kết thúc chiến tranh may ra mới có cơ hội đưa hài cốt về quê. Đó là chưa nói đến chuyện bom pháo cày xới, mưa lũ cuốn trôi khiến cho những liệt sĩ trở thành mất tích, vô danh... Cảnh đó, tôi đã từng gặp sau lần đi viện về...

Bom xới tung những nấm mộ chập chờn

Nhìn xuống hố bom ngậm ngùi đôi mắt

Một góc rừng đứng lặng dưới mưa bay

Trải qua mấy chục trận đánh, tôi đã cùng đồng đội đào nhiều hầm huyệt rải dọc chiến trường Trị Thiên. Nhiều lắm, tôi chỉ nhớ được mấy nơi như: Ở chuồi Yên mười cái, ở chân đồi 282 phía tây Thành Huế bảy cái, ở Mỏm Xanh khu vực Bình Điền, đường 12 năm cái...

Trong chiến trận, cả hai phía đều không thể lường trước mọi tình huống. Đào hầm huyệt là một sự tính toán cân não của các bậc chỉ huy, đặc biệt là cán bộ đại đội. Thế nhưng chuyện thừa thiếu vẫn xảy ra. Trận đánh xe tăng ở đường 12 hồi tháng 7 năm 1972, đồng chí Tạo, Đại đội phó chỉ huy đào huyệt, kết thúc trận đánh, anh cũng là người nằm trong đó ở hậu cứ Mỏm Xanh của Trung đoàn 6, Quân khu Trị Thiên. Và chiều hôm đó, hậu cứ bị lộ, địch dội bom pháo gần mười tiếng đồng hồ, đơn vị lại chịu tổn thất, lại mai táng tử sĩ. Chiến sĩ B41 của Tiểu đoàn Đặc công K12 phối thuộc chiến đấu, hi sinh, phải mai táng ở một hố bom vì không còn hầm huyệt đào sẵn.

Năm, bảy, mười... hầm huyệt là năm, bảy, mười… cán bộ chiến sĩ nằm lại trên chiến trường và cũng là năm, bảy, mười,… bà mẹ Việt Nam mất con. Số hầm huyệt đào xong, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị. Rồi lại cùng đơn vị tiền nhập lên một cao điểm, nghỉ lại qua đêm, đợi trời sắp sáng sẽ nổ súng tấn công. Sáng ngày mai, ai mất ai còn, ai nằm trong hầm huyệt sẽ rõ.

Tôi may mắn không nằm lại trong những hầm huyệt mà tự mình đào như nhiều đồng đội. Lâu lắm rồi, tiếng cuốc cộc cộc, cạch cạch năm xưa vẫn vọng về trong sự ám ảnh của những hầm huyệt âm u khoảng tối. Giữa rừng đêm, tiếng từ quy gọi bạn tình gợi bao niềm trắc ẩn.

Qua nhiều lần đào huyệt và chứng kiến cảnh đồng đội nằm trong hầm huyệt tự đào, tôi đã viết bài thơ cùng tên với bài viết này tại chiến trường Trị Thiên:

Những nhát cuốc bổ xuống đồi khô khốc

Tiếng cuốc chim đào huyệt chôn người

Một, hai, ba, bốn… chín, mười…

Chỉ huy nhẩm tính số người!

 

Đất xé ruột kêu trời

Người nhìn người đỏ mắt

Nước mắt không rơi

Người không nói

Tiếng cuốc chim đau nhói

Máu chảy trong mắt ta và đồng đội!

 

Tiếng đào huyệt hụt hơi

Nhỏ dần trong đêm tối

Chuẩn bị xong rồi

Trận đánh đêm nay...

 

Tôi không biết nơi đây bao người nằm lại

Là đồng đội

Là tôi

Là những CON NGƯỜI

 

Hầm huyệt âm u khoảng tối

Tiếng từ quy gọi bạn bồi hồi

Nhìn lên đồi Không Tên

Pháo cầm canh đỏ trời hoa lửa

(Bài thơ số 42 - Điểm danh)

Mấy chục năm sau chiến tranh, nhiều đồng đội - liệt sĩ vẫn chưa đưa được hài cốt về quê. Hơn mười hai ngàn cán bộ chiến sĩ đơn vị tôi - Trung đoàn 6, Quân khu Trị Thiên hi sinh trên chiến trường nhưng quá nửa số đó chưa xác định được mộ chí hoặc chưa tìm ra hài cốt. Bản thân tôi nhiều lần cùng các gia đình vào chiến trường tìm mộ liệt sĩ nhưng đều bất thành. Tôi hiểu lí do không tìm được bởi sự tàn khốc của chiến tranh. Ngay ảnh liệt sĩ, nhiều gia đình cũng không có để thờ. Gần đây, chúng tôi đã sưu tầm và gửi về cho gia đình liệt sĩ Phan Văn Bảo ở Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An và liệt sĩ Lê Công Lính ở Hồng Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Hai liệt sĩ trên đều là lính sinh viên khoa Văn - Đại học Sư phạm Vinh.

Tiếng cuốc chim cộc cộc, kệch kệch… đào hầm huyệt trong đêm thật ghê rợn nhưng là việc làm đầy tình nghĩa thấm đẫm nước mắt đau thương chảy suốt thời gian, tràn ngập không gian bưng biền chiến tranh.

Trở về sau cuộc chiến, thương tật hoành hành, không lành lặn nhưng chúng tôi có gia đình, cháu con, càng ngậm ngùi thương cảm những đồng đội nằm trong các hầm huyệt tự mình đào trước giờ ra trận trong tiếng từ quy khắc khoải gọi bạn tình.

Đất nước máu và hoa, tự hào và xót xa khắc sâu vào xương tủy.

H.Đ.B

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)