Làng Hùm xa lắc

Thứ Ba, 01/02/2022 00:58

. ĐOÀN NGỌC HÀ
 

Năm Hùm tặng những người tuổi Hùm

- Đằn nó ra!

- Cho nó một cái vồ!

- Dao đâu? Nín vào chỗ ức của nó!

Tiếng mài xoẻn xoẻn. Sinh chồm dậy. Toát mồ hôi hột. Nhà vắng không. Đêm đen kịt. Có ánh lửa lấp ló ngoài sân. Thấp thoáng vài bóng đen lù lù. Một tiếng “oét” rít lên khủng khiếp. Lúc ấy, Sinh mới kịp hoàn hồn.

Minh họa: Thành Chương

Mấy bóng đen bắt đầu cúi xuống. Ánh đuốc bần bật rung mớ ánh sáng đỏ ngòm tua tủa trên đầu. Sinh nhận ra ông bà chủ, người chăn bò, người nhà bếp và cả cô Thi, con gái ông bà chủ nữa. Cố nhiên cô này vẫn lầm lì. Ánh đuốc đỏ rực làm bồng bềnh tấm thân ngồng ngỗng cô gái 18 tuổi. Gương mặt tròn tròn. Cặp môi hơi mím. Cô có phận sự soi đuốc cho bố mẹ làm hàng để kịp đi chợ. Ở cái nhà này, người nào cũng trùng trục. Chỉ ông chủ là lèo khèo. Oét! Con vật lại rít lên. Con dao của cái ông lèo khèo trượt ra. Con vật giãy tóe, cả gáo nước sôi dội vào hầu nó. Lập tức bà chủ, cái bà vật voi ấy, xông vào giật con dao bầu sáng chóe trên tay chồng. Tấm lưng cánh phản trườn lên như sóng, cặp vú ngồn ngộn bật khỏi mảnh yếm mỏng manh. Mảng váy tốc lên. Hai tấm đùi thửa rạch màn lửa hồng đang tí tách rơi rổng rểnh trên sân. Thoắt cái, hai tấm đùi đổ bộ trên lưng con lợn to ình. Một tì, đè riết con lợn xuống, cái còn lại roãi ra làm trợ thủ cho tay cầm dao, bàn tay kia ngoạm vào mạng sườn con lợn ấn mạnh đến nỗi con vật to đùng hoàn toàn bị khuất phục, roãi bốn chân nằm im đợi lưỡi dao sập xuống.

Đấy là đàn bà ở cái làng tăm tiếng này!

Lương Bằng Sinh, thợ trống, người làng Tam, chuyên lúng lắng đôi bồ đi khắp thiên hạ. Mẹ mất sớm, khi còn ít tuổi, Sinh đi phụ với cha. Cha Sinh, gần như một ông tổ làng trống kèm cặp Sinh cho đến khi ông già yếu thì Sinh hoàn toàn đảm đương lấy công việc. Nghề trống chỉ kiếm đủ ăn. Được cái, gánh âm thanh đi rao bán khắp thiên hạ, bồng bềnh với cái nghề còm này kể cũng thích. Sinh đi hàng trăm làng. Mỗi làng có một thú riêng. Cứ nhằm đường xa dặm thẳng mà đi, mênh mông, mù mịt, xa lắc, thấy đâu có lùm lùm lên một đống tre pheo trước mặt thì ghé vào dăm bữa nửa tháng. Chẳng cần biết tên làng, cứ đi, đi như mộng. Đến làng này, mãi sau Sinh mới biết là làng Hùm, đàn bà độc một nghề làm hàng thịt, nên còn gọi là làng Hùm Cái, cũng một lí do nữa, làng này thờ bà Hùm, Hùm hay ăn lợn nên gọi Hùm Cái là phải.

Thấy Sinh hiền lành lại nhanh việc, ông bà chủ dọn cho một chỗ ở. Đi làm về, Sinh thường lăn vào pha thịt với chủ. Sinh khỏe. Sức vóc ăn nổi một buồng gan lợn tạ, lại khoái khẩu món dồi lợn, có thể chén phăng một đoạn năm gang tay mới luộc còn nghi ngút khói. Cô con gái bà chủ thường lặng im nhìn Sinh ăn. Hình như cô ghét Sinh. Ghét thì ghét, Sinh được ông bà chủ chiều, đếch cần. Sinh nghi cô này mắc chứng lầm lì, chỉ độc một việc soi đuốc, thỉnh thoảng cầm gáo dội nước sôi cho bà chủ dang tay roạt roạt làm lông lợn. Nhưng may còn cứu lại ở nước da trắng đến mê mẩn. Trắng hơn cả da lợn cạo. Là vì có một lần, Sinh nhìn trộm được cô thay váy. Một lần khác, ông bà chủ đi chợ sớm, nhà vắng, Sinh thập thò ở cửa buồng cô, cũng chỉ để cầu may được nhòm, không ngờ bị một quả đấm giáng thẳng vào mặt, ngã ộc máu mũi.

Làng Hùm có cái đầm gọi là đầm Thiên Mẫu rộng mênh mông, nước sâu và trong vắt. Từ thượng cổ, các cụ bảo, đầm ấy có thuồng luồng, thỉnh thoảng vẫn nhô đầu như cái gầu dây tát nước. Chẳng biết thế nào nhưng cái này là thật, đầm Thiên Mẫu có hai cầu tắm rửa, gạch xây bổ cau từ đời nảo, đời nào, nay lì đi, xám lại như đá đen gọi là cầu Đông và cầu Tây. Cầu Đông cho đàn ông. Cầu Tây cho đàn bà. Đàn ông ra cầu tắm chỉ lắt lẻo tí khố, còn đàn bà thì để “vườn không, nhà trống”. Cương vực đã định chắc chắn như thế rồi mà cánh đàn ông nghịch ngợm vẫn lén trèo lên cây cao để dòm trộm đàn bà tắm. Có anh còn ngoi ngửa, đắp bèo tây lên mặt làm con thuồng luồng đến rờ đùi con gái. Rồi xảy ra một vụ hú vía, cánh đàn bà bắt được một con thuồng luồng đực liền túm vào kéo lên bờ mà đè vần, suýt nữa thì tắc thở. Từ đấy bọn đàn ông kinh. Cũng từ đấy bọn đàn bà con gái cứ đua nhau bịt lá súng nghễu nghện đi lại trêu ngươi. Thành ra bên kia chỉ còn biết hát ghẹo, hát trêu cho mỏi mồm chứ chẳng nước non gì. Tức nước, cánh đàn bà sinh ra ngoa ngoắt hát đả lại không kém.

Sinh đi tắm, nhập vào bọn đàn ông làng. Anh ta củ mỉ cù mì, chẳng biết hát ghẹo là gì. Hết loạt bọn đàn ông ngoi như trắm. Họ còn khỏe hơn thuồng luồng dồn cả một bên đầm nghiêng đi tung sóng, hò hét, trêu chọc cánh đàn bà cho thỏa chí. Có khi hai bên còn rẽ sóng ngoi ra giữa đầm giáp chiến, té nước vào mặt nhau. Ấy, tay té mà người vẫn léo vào nhau, khỉ thế. Rồi một đêm, có cuộc thi bơi của hai bên, Sinh cố đạp sóng theo họ nhưng đuối dần, dạt vào gần bờ, đạp phải mảnh sành kiệt sức, chỉ còn nhấp nhô cái đầu. Lúc nguy cấp, Sinh thấy có một người áp sát dìu vào. Người ấy kéo Sinh lên một doi cát sỏi. Trăng. Trăng đêm ấy sáng lạ lùng. Trăng như tháo cống trời, như đổ bạc đầm đìa xuống đầm Thiên Mẫu. Sinh thấy rõ đó là một người đàn bà tóc xõa che hết mặt, tấm thân uyển chuyển, cặp vú chín trắng chòi lên. Quả thật, Sinh chưa thấy ở đâu có đàn bà đẹp như thế. Đau ít mà tê mê nhiều. Sinh lăn lộn trên đám cát sỏi. Tự dưng cái của đàn ông lâu ngày chưa vợ thượng lên gật gật. Người đàn bà ghé vào tai Sinh hét: “Nằm yên. Muốn sống thì nằm yên!” Sinh tuân lệnh, duỗi thẳng cẳng. Máu ở bắp chân rỉ đỏ sỏi cát. Người đàn bà vào một bụi cây rồi thoắt cái đi ra, trên tay có mấy sợi loăn xoăn đen nhánh. “Cái gì thế này?” Sinh vờ hỏi. Người đàn bà gắt: “Lại còn phải hỏi. Dơ!” Ầm ừ, Sinh vê vê mấy sợi tơ. Người đàn bà giật phắt lấy, mắng: “Khỉ ơi khỉ! Rịt vào là cầm máu ngay thôi mà!”

Người ấy chính là cô con gái ông bà chủ, cô Thi, cái cô thì lì đêm đêm dậy soi đuốc cho ông bà chủ thịt lợn. Hóa ra cái cô ấy chẳng thì lì tí nào. Tay chủ soái trong đám đàn bà hát ghẹo đấy! Tay có cái lá súng to nhất đấy! Ngoa ngoắt và táo tợn ra trò. Từ bài thuốc tiên màu nhiệm và thần kì ấy mà Sinh và Thi phải lòng nhau và thành vợ chồng. Ngày cưới Thi, năm con lợn tạ phủ vải điều nằm phủ phục trên ba cái án thư to được các trai đinh ì ạch khiêng ra miếu thờ. Tiếp đến đoàn hộ tống cuồn cuộn đưa cô dâu, chú rể vào bái yết bà Hùm. Ngài vuốt râu mừng, rồi ba bát hương ở Tam Tòa đùng đùng bốc cháy. Ai nấy vừa mừng, vừa sợ dựng tóc gáy. Ngày hôm sau, cả làng đồn rực lên về cái lễ bà Hùm linh ứng và to tát. Ở làng này, Sinh càng hiểu ra vì sao đến đâu người ta cũng nói về bà Hùm. Người ta sợ người làng Hùm còn bởi sợ cả thần linh của làng ấy. Làng Hùm, làng Hổ đấy! Hùm mặc áo the! Hùm đội khăn xếp! Hùm váy đầm xòe… Một làng lạ! Lạ nhất là đàn bà, khi đã có tới ba đứa con rồi, Sinh vẫn ngờ ngợ, ám ảnh về họ. Khỏe mạnh, giỏi giang đã đành nhưng hình như đàn bà nào cũng dữ tính. Lúc hạ sát con vật, mông họ cong lên nảy chồm chồm, tấm lưng rập rình nghiêng ngả trông đã khiếp. Có người kể rằng lúc tang tảng sáng vào làng gặp đám các ông cong đuôi ve vẩy đi ra đầm Thiên Mẫu, sợ hết hồn, nhưng chớp mắt một cái, lại chỉ thấy đám đàn bà con gái đang giặt giũ. Có người còn đóng sống bảo rằng, cứ nhìn kĩ mà xem, về đêm đàn bà ở làng ấy mắt sáng như đèn. Chưa hết, người ta cam đoan rằng, lúc vào mua thấy một phản thịt đầy chồi chội, quay ra quay vào đã hết béng, hỏi bán gì mà nhanh thế, cô hàng thịt làng Hùm chỉ im thít, ở mép vẫn còn dính vệt máu tươi. Chuyện từ xửa, từ xưa thì vanh vách kể có một chàng nọ lấy vợ làng Hùm, đêm vào động phòng, mở chiếu thấy nguyên hình con hổ nhe nanh dữ tợn. Chạy thì chết, đánh liều, anh chàng liền ập xuống ôm ghì lấy lại hóa ra một đàn bà. Sống bên vợ, Sinh chẳng thấy gì nhưng vẫn thắc thỏm, lo lo về điều nọ. Lúc giao hoan với nhau, đôi khi Sinh thấy cô vợ bật rên “gừ gừ”, thỉnh thoảng lại nghển cổ lên đớp một cái đau nhói vào mặt, rồi trườn cuộn lấy Sinh cắn tới tấp vào tai, mũi, cổ. Sinh đã khỏe vậy mà xương sống vẫn bị vặn lên rông rốc, tứ chi dúm lại như sắp bị nuốt, là sao nhỉ? Năm tháng qua rồi cũng quen dần, vợ chồng Sinh ra ở riêng, vẫn nghề giết mổ, cô Thi hành nghề giỏi hơn cả mẹ. Có sức khỏe, lại chịu khó nên họ khấm khá, có lúa cho vay. Sinh chợt nhớ nghề cũ, bảo vợ: “Dạo này đình đám nhiều, tôi muốn trở lại nghề trống. Mà nghề trống là phải đi lang thang.” Không ngờ cô vợ vui vẻ: “Khó gì. Tôi đi gánh bồ cho bố mày.” Vợ chồng nhờ ông bà ngoại chăm cháu rồi cất gánh ra đi.

Nghề trống lắm việc, dễ kiếm, lại được tiếng có tay nghề cao, vợ chồng làm hái ra bạc. Họ tới nhiều vùng lễ hội làm trống rước, rồi tới hội Đình Láng, một hội làng to nức tiếng, “quan viên làng Láng, cáng cả ông trời”. Làng này thờ Thủy Thần, quan viên đông như trấu, quần áo là lượt, oai vệ. Trong hậu cung đình làng có cái giếng nước trong vắt, sau khi cúng lễ xong, người ta trút xôi thịt xuống dâng thần. Để gọi thần, làng có cái lệnh to bằng cái nong, chỉ đánh gầm lên khi có điều trọng, điều nguy cấp, điều bạo ngược làm xao động đến cả quỷ thần. Nghe đâu làng còn một cái tang trống sấm to lắm.

Minh họa: Thành Chương

Hôm vợ chồng Sinh đến, viên trùm làng và đám kì mục cho tuần phu khiêng ra cái tang trống to bùng bình. Miệng ngoen ngoẻn nhai trầu, viên trùm bảo: “Có cái da trâu nào trùm khít thì làm.” Sinh thưa: “Nghề của chúng tôi còn làm quả trống to hơn thế này.” Lại hỏi: “Làm trong bao lâu?” Thưa: “Một tháng là cùng.” Viên trùm ném miếng trầu: “Làng không phục vụ được đâu.” Thưa: “Chúng tôi lo lấy. Chỉ cần một vuông đất quây cót và mấy cái nồi.” Viên trùm gật đầu “được” rồi bỏ đi. Lát sau có mấy quan viên lảng vảng đến, cũng nhai trầu ngoen ngoét. “Anh kia. Nồi đây. Nhưng chị ấy là đàn bà, không được phép ở trong nội tự.” Sinh thấy vô lí nhưng không dám cãi. Cô vợ đốp luôn: “Tôi ở trong nội tự nhưng hễ buồn đái thì ra ngoài cửa đình.” Đám quan viên quát: “Láo. Cái con này láo quá!” Vợ Sinh cương lên xoe xóe: “Láo cái gì mà láo. Làm không cho chỗ ở thì đây xéo!” Mấy cái mồm đỏ ngòn quết trầu há ra choang choảng: “Đái thì phải đái sau đình. Nghe chửa. Mà chúng ông đóng cổng đấy.” Ngay hôm đầu đã thế rồi, thật chả ra làm sao, Sinh bảo vợ, kệ họ. Vợ cãi: “Đúng là quan viên Láng, toàn những loại thổ tả, chết dịch, dốt như chó.” Sinh giật mình, ấy mẹ nó, họ mà nghe thấy thì khốn.

Đúng như vợ Sinh nói, đám quan viên Láng nhiễu quá. Ngày nào họ cũng lệnh đệnh ra đình, áo the khăn xếp, tay thủ bọc, miệng nhai trầu nghiêng ngó vợ chồng Sinh làm rồi hạch lạc, lí sự, ỏm nhả. Nhất là lí sự thì nhằng nhằng như đỉa đói. Rằng thì, gõ vừa vừa chứ, hỏng cái tang gỗ nghiến thì bỏ bố đấy. Rằng thì, đai trống gì mà như dẻ rách. Rằng thì da thuộc kĩ chưa, được ba ngày trống toãng thì phải đền chúng ông, nghe chửa...

Sinh chỉ cắm cúi làm. Công việc quá nặng nhọc. Trống càng to, việc càng khó. Phải công phu dựng cất để làm tang. Tang trống có mảnh đã mục, phải thay. Da trống đã thuộc kĩ nhưng việc néo cái cốn, găng đai, phất bì rất khó khăn. Chỉ cần thiếu một cái néo, một con song hoặc néo không đều, căng nín không chuẩn thì bị vênh, chỗ căng, chỗ chùng, âm không thoát, chỗ bị bục, chỗ ủng oảng, tiếng trống không vang tròn. Làm có tay nghề, Sinh đo được cả thanh âm trên mười đầu ngón tay. Khổ nỗi, quả trống làm trong tiết tháng bảy, sũng nước. Hai vợ chồng phải thức thâu đêm căng lều làm cật lực cho kịp thời gian.

Thời tiết đã không thuận, đám quan viên lại còn gây sự ngày một phiền toái hơn. Vợ Sinh không chịu. Tình hình càng trở lên căng.

Buổi chiều ngày hoàn thành quả trống.

Làng đổ ra đình đông như hội. Cả những làng xung quanh cũng túc mục kéo đến xem quả trống sấm lạ lùng. Giữa sân đình làng, lừng lững một quả trống xưa nay chưa từng có. Mặt trống cao chạm cành muỗm. Người ta giãn ra cho các vị quan viên, kì mục bước vào. Rồi đó, đám quan viên leo lên mặt trống thi nhau đập gõ và thi nhau bĩu môi, lắc đầu. Trùm làng chỉ vào mặt vợ chồng Sinh:

- Anh kia. Làng phạt tội bội tín!

Sinh chắp tay:

- Thưa, trời mưa, trống làm ngoài trời, che cót. Mặt trống chưa được khô.

Trùm làng nổi khùng:

- Đập trống có khác gì đập mẹt, hả lũ sấp mặt.

- Thưa...

Chẳng cần thưa gửi, ngay lập tức, Thi nhảy lên mặt trống lấy chân giậm thình thình. Tiếng trống mỗi lúc một rền vang dưới lực ghê gớm của người đàn bà. Sau hết, thu người lại, Thi dồn sức giậm từng tiếng, mỗi tiếng ầm vang trời lại kèm tiếng hét: “Thế này mà không động đến Đế Đình à. Này! Này! Này!”

- Tuần!

Tiếng gầm từ đám đông. Mấy kẻ liều mạng nhảy vọt lên mặt trống toan tỉ thí với con giặc cái đều bị nó hất chỏng gọng trên mặt đất. Một giàn câu liêm tua tủa giương lên nhằm kéo xuống để giáp chiến nhưng giặc cái vơ đám câu liêm như vơ một nắm đũa ném vèo xuống đám người đang ôm đầu chạy toán loạn. Được đà, Sinh xông ra chia lửa với vợ, liền bị quật xuống, giẫm lên mặt. Lúc ấy, bọn trai đinh hùng hổ tiến vào giơ khí cụ.

- Soạt! Soạt!

Hai mảnh váy tung lên. Hết thảy rùng mình, sợ sự uế tạp động đến cả thần thánh. Đám quan viên liền đánh lệnh thu quân. Choảng! Choảng! Oảng!… Oảng!… Oảng! Tiếng lệnh gào lên rùng rợn. Điềm trọng! Điềm gở! Điềm tru diệt tiệt tộc! Bọn trai đinh bật ra. Tiếng thở gấp. Tiếng kêu, chửi. Tiếng trầm trồ run rẩy. Gái làng Hùm. Gái làng Hùm!... Cái gì? Cái gì hả? Còn cái gì! Nó như mâm xôi mùa khía ra, có cái đầu hổ lấp ló trong ấy...

Trở lại, Thi thấy chồng nằm bất động, người đẫm máu, liền kêu hộc lên: “Giời ơi, ai cứu chồng tôi với!” Trời tối nhanh. Cuồng lên, Thi vội vã lau rửa, hà hơi cho chồng rồi sấp ngửa cõng chồng lao ra đường lẩn vào một cái miếu hoang. Mấy ngày giời mải làm, không ăn uống gì lại bị đòn đau, cơ chừng Sinh bị lả. Không còn cách nào khác, Thi giật phăng mảnh yếm, ẵm chồng lên, ấp miệng chồng vào ngực mình, mếu máo gọi: “Thày nó ơi. Thày nó ơi!” Sinh nằm trong vòng tay vợ như một đứa trẻ và cũng như đứa trẻ, để yên cho dòng sữa ngọt chảy vào mình. Lạ, dòng sữa vào đến đâu, anh tỉnh lại đến đấy. Giời ơi, anh muốn kêu lên, muốn khóc nấc lên. Đời anh, một thợ trống cô đơn, mất mẹ từ nhỏ. Một nỗi ấm áp, tê mê khó tả. Căn miếu đen sệt, đen đến nỗi anh cảm thấy cặp vú đồ sộ của vợ làm sáng bừng lên tất cả. Anh ân oai rồi choàng riết lấy, vờn trên cặp vú cứu sinh, nở bồng bồng, trắng ngần ngật trong đêm tối. Không giữ được nữa, anh xiết răng vào cái núm hồng ngọc của trời. Thi giật người lên đau nhói nhưng vẫn ghé vào tai chồng thì thào: “Cắn đấy à, hả con chó con!” Lúc này Sinh cảm thấy thương vợ biết chừng nào. Cái ám ảnh vợ hổ, gần như tan biến. Ừ, có là hổ đi nữa thì vợ anh vẫn là đàn bà, người đàn bà hết lòng thương yêu anh.

Bỗng một luồng sáng cuộn lên như lửa cháy ùa vào căn miếu. Sự không ngờ, người Đình Láng hình như đã nghĩ lại khi tự nhiên trời cho họ một quả trống sấm có thể gầm rung đến tai Ngọc Hoàng. Thế là lễ vật trùm vải đỏ, nhiễu vóc trùm vải vàng và cả một tráp bạc tiền công được đội vào. Sinh ngồi dậy lặng yên nhìn họ. Thi nhận lễ rồi bước ra ngoài miếu, cô quay lại đám đông, hai tay dâng tráp bạc lên quá đầu thi lễ cảm tạ tấm lòng của làng rồi bất ngờ tung tráp bạc lên trời. Bạc rơi tung tóe trong ánh đuốc đỏ rực như đêm tái sinh thuở hồng hoang…

*

*          *

Vào dịp tết Nhâm Dần, tôi, người viết truyện này từng đi điền dã trong vùng đến thăm cụ Lương Bằng Sinh khi cụ đã ở tuổi 99. Cụ đi phép dài dài dưới trần, chưa hết để được về Thiên Đình cùng cụ bà đã về đấy vài năm. Làng Hùm đang sửa soạn rước lợn dâng bà Hùm mừng năm mới. Bây giờ làng Hùm, cái làng Hùm xa lắc, xa lơ ngày ấy người ta đổi thành làng Quyết Thắng. Tôi thưa, sao các cụ không để tên cũ, tiếc quá. Cụ ông chỉ còn là một cái hộp xương nói lào thào, đại ý: Bà Hùm thiêng lắm! Làng muốn đổi tên cũ nhưng mấy lần xin đài âm dương, ngài đều lắc đầu. Ngài đồng ý đặt tên Quyết Thắng vì làng tôi nếu kể tá – úy cũng có đến vài chục vị. Có tới 5 vị là tá úy – cái, hùm cái đánh giặc khét tiếng!

Hình như cụ cười trong cái bọc râu bập bùng trắng xóa.

Đ.N.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)