Truyện ngắn HAI ĐỨA BÉ của HUY SÔ trên VNQĐ số 10 tháng 10-1957

Thứ Ba, 08/11/2011 01:00
Bốn chiếc khu trục từ dưới biển nối đuôi nhau vụt lên, lượn một vòng hối hả thay phiên nhau đâm đầu trút tai họa xuống cái xóm nghèo này.

... Con Cái đang chơi với em. Vẫn là cái trò chơi thường ngày của bọn trẻ ở những vùng gần biển. Nó lượm khu chén, khu tộ, mẻng sành, vỏ ngao, vỏ ốc, chan chan... dọn ngôi hàng xén thật là ngay ngắn. Nó chạy ù ra lu, múc một gáo nước đầy đổ vào cái nồi bể, rồi lấy cái ngao dòm trộn thật đều, dích ra từng cục sênh sếch... và bắt đầu đổ bánh bèo. Với những động tác quen thuộc, nó làm khéo chẳng thua gì má nó. Rồi cũng học được cái thói của má nó, ngồi bệt xuống, một đầu gối co lên, cầm đôi đũa tre, bỏ một ít hành, chế một ít nước mắm và đưa lên miệng lùa như thật. Thằng cu nhìn nó chằm chặp, có vẻ thèm thuồng. Cái bưng một chén bánh bèo, chọn một đôi đũa tốt, mời em nó như với một khách hàng: “Ăn đi anh! Bánh bèo tôi đúc, ngon lắm!”.

Để đáp lại lòng tốt của chị, thằng Cu trét đất cát đầy mũi đầy miệng. Cái phải lia bát đũa, bước tới ôm nó, móc đất trong miệng nó ra, mắng em: “Ông ơi! Sao ông ngu quá vậy?!”.

Nó liệng cho em nó những trái mãng cầu khô, cái trống bằng lon sữa bịt da ếch, rồi nó sắp bánh vào đôi gióng bằng dây chuối, đặt gánh lên vai, bắt đầu rao với giọng dẻo nhẹo:

- “Ai... mua ba… ánh bè...o không?”.

Em nó nhìn theo, cười híp cả mắt, nheo cả mũi. Nó đi qua đi lại, tiếng rao càng lanh lảnh hơn, tay đánh đồng xa dẻo hơn cả cô Ba của nó.

... Nhưng tiếng hát của nó vụt tắt như người ta tắt một ngọn đèn. Nét mặt nó thay đổi một cách đột ngột. Nó ném cái gánh không thương tiếc, chạy lại xách em, cúi cổ ù chạy ra hầm...

Trên đầu nó một tiếng rít dài khủng khiếp. Mặt nó tái xanh như tầu lá. Nó sợ còn hơn những tiếng con cú, con rù ì khóc lên trong những đêm tối đen một cách cô đơn. Nó cảm thấy một kẻ nào ác độc sắp trút cả một thúng vỏ ốc vào đầu nó. Bụng nó thót lại, quần nó tuột xuống, vướng chân, nó ngã nhào.
Những tiếng nổ kinh khủng như chuyển động cả trời đất xé tan từng mảnh ánh sáng trước mặt, làm nó chỉ còn thấy những hào quang đom đóm, những con sao rơi lả chả... làm dội nó lên, như đâm lủng hai tai nó, hốt cát bụi đắp lên mình nó.

Nó lồm cồm ngóc dậy. Thằng Cu đang nằm ngửa, mặt nó sĩnh lên, miệng nó mếu, nhưng không nghe tiếng khóc. Cái trườn tới ôm lấy em, lôi tuột xuống hầm...

Sự hăm doạ trên mặt đất đối với nó bây giờ kém hiệu quả hơn. Cuộc sống của nó giờ đây thu hẹp dưới đáy hầm, chỉ có nó và em nó. Cái phủi bụi cho em, nước mắt chảy ròng ròng trước sự bất lực không biết làm thế nào cho em nó sống lại được. Sao bây giờ nó mong tiếng khóc của em như muốn cháy cả ruột gan như thế này. Dường như nó sẽ nói với em: “Cu! Em khóc lên đi em! Chị sẽ không bao giờ đánh em như những lần em đã khóc!”.

Cái ôm em sát vào lòng, như mỗi khi má cho thằng Cu bú. Nó không biết tên một ông thần nào linh thiêng nhất để van vái cho em. Thằng Cu hình như hiểu được sự ăn năn của chị, nó bắt đầu cựa mình, rồi khóc... và khóc thật to, át cả những tiếng đạn bôm bốp trên đầu. Cái vỗ vào đít em, dỗ em nín bằng những lời lừa gạt:

- “Nín đi em! Em khóc nó nghe, nó thả bom bây giờ...!”.

Rồi như để chứng minh, chiếc khu trục khờ dại tuân theo mệnh lệnh của nó, nhũi đầu và trút xuống những tràng bom độc ác. Cái hầm rung lên như muốn lật úp, cát rơi xào xào trên đầu. Thằng Cu cũng thấy những lời của chị nó là thật, nó thút tha thút thít, ôm chặt lấy chị như cầu mong một sự che chở. Cái ép thằng Cu vào ngực, đưa hai bàn tay đầy cát bụi lên bịt lỗ tai. Mùi đất ẩm hòa với mùi khét nghẹt làm nó như ngây ngất, nhưng nó cũng còn nghe được tiếng con chó Mốc tru thảm hại trên mặt đất...

Không hiểu thời gian trôi qua đã bao lâu... Cho đến khi có người kêu tên nó và kéo hai chị em lên miệng hầm. Bà Sáu nhìn nó, nói những lời êm dịu mà nó ít nghe thốt ra trên miệng một bà già thường chửi mắng những trẻ con tinh nghịch: “Nó đi rồi... lên đi con!”. Rồi bà bồng thằng Cu đến lu nước, rửa mặt. Con chó Mốc chạy về ngoáy đuôi lia lịa, mặt hí hửng như sắp được cho một củ khoai. Cái theo bà vào nhà. Cái giường của má nó vẫn còn chỗ cũ, cát bụi phủ một lớp mỏng trên chiếc chiếu mới mua. Bà đến bàn thờ, sửa lại mấy cái chân đèn đã ngã lộn nhào, đặt lại bài vị cho ngay ngắn, phủ bụi bám trên những chiếc khăn để khó vách. bà dắt nó ra bếp: “Nó ném bom bên nhà ông Hương...”. bà chỉ nói đến đấy rồi im lặng lấy cơm cho hai chị em ăn, bảo nó ăn xong thì đưa em đi ngủ, rồi bà đi về...

Tàng cây me tỏa ra bóng mát hiền lành và quen thuộc trên cửa hàng bánh bèo của nó. Không khí yên lặng và nóng bức sau một trận dội bom, có vẻ trang nghiêm một cách đáng sợ hơn những ngày thường.

Thằng Cu mới đặt lên võng đã ngủ khì, không làm khó làm dễ như mọi bữa. Nó đã trở lại cái vô tư của tuổi. Ngồi trên bệ cửa, Cái chỉ cần kéo cái dây. Tiếng võng cột kẹt buồn buồn... Nó muốn bỏ em nằm đấy, chạy sang con Cún, con Xíu để xem chúng có buồn như mình không, nhưng nhớ lời dặn của cô Ba khi sáng: “Ở nhà đừng có tụm ba tụm bảy, có máy bay thì chết cả đám đấy”... nên nó đành thúc thủ trên bệ cửa. Sự lẻ loi như làm cho nó khô héo đi. Nhớ má, nhớ đến muốn khóc! Đêm qua nó ngủ với cô mà không được ngủ với má. Ngủ với má thích hơn ngủ với cô, vì được má vuốt đầu và co măng vú. Má đã đi Hàm-Trí từ sáng hôm qua. Nghe má nói bên ấy gạo nhiều và rẻ, chỉ gánh qua một gánh vừa đậu, khoai khô, một ít bột mì cũng đã đổi một gánh gạo đầy và vài xắp thuốc lá.

Nó nhớ có một đêm, má với cô ngồi lặt đậu phộng và nói chuyện mãi đến khuya. Cô bảo: Có túng có thiếu thì tạm ăn khoai ăn cháo, đi qua con đường sắt ấy thì mười phần chỉ sống có một, đi chưa chắc đã về. Rồi cô kể chuyện một vài người ở Bàn Đế, Bàn Thiên... cả thím Bảy ở đầu xóm bỏ lại mấy đứa con! Có những người không lấy được xác, đồng bào qua lại thường gặp xương, gạo, thúng gióng vất vãi trong những đám tranh.

Má thì lúc đầu cũng lưỡng lự, sau phân giải với cô là thấy con ăn đói mặc rách không đành tâm, không phải ai đi cũng không về cả. Má nói bộ đội ngày này cũng qua lại, sáng thường tập trung tại giếng đó, có trinh sát kỹ lưỡng. Các anh đi có súng, thạo đường, cắt rừng giỏi, mình đi theo sau có gì cũng dễ. Rồi cuối cùng hai người cũng đánh liều đi vài chuyến xem sao, thay phiên nhau một người đi thì một người ở nhà với chị em nó.

Cái chẳng thấy cây lúa bao giờ, và cũng không hiểu tại sao ở đây chẳng ai trồng lúa, nhưng từ ngày má và cô đi Hàm-Trí thì nó được má may cho cái áo mới, được ăn cơm và ăn no hơn.

Nó ước gì trong lúc này có chú Tâm ghé ngang chơi với nó cho đỡ buồn. Nhớ cái dáng cao cao của chú, cái răng vàng nơi khoé miệng, cứ mỗi lần chú đi công tác ngang là ghé vào nhờ má nấu cơm, ôm và xoa đầu nó. Nó còn nhớ câu nói của chú Tâm với má:

- Con Cái nó giống anh Hai như hệt. Con gái gì mà giống cha... nhưng má chỉ cười nhìn nó rồi cúi mặt xuống cái áo đang vá dở.

Có một bữa chú Tâm bảo nó:

- Ăn cho no cho mau lớn đi cháu! Lớn lên theo chú đi bộ đội làm cứu thương, đánh Tây thế cho ba mày. Ba mày đánh giặc gan lỳ lắm! Nhưng má nhìn lên hỏi chú Tâm với cái giọng thách đố:

- Bộ anh tưởng kháng chiến có thể kéo dài mãi đến cả đời cháu sao?...

Cái còn nhớ một buổi sáng đang ngon ngủ thì cô Ba chạy vào xốc nó dậy. Cô với xách ba lô, mang xắc tài liệu rồi cõng nó lên lưng chạy qua Gộp. Má cũng bỏ thằng Cu vào gánh, đủng đỉnh chạy theo sau. Tiếng mi-tai-dết nổ như bắp rang ở phía Dộc Rạng, đạn bay cheo chéo trên đầu...

Trưa hôm ấy, cô Ba lại cõng nó về. Nhà nó đông nghịt các chú du kích và bộ đội. Nó đinh ninh thế nào cũng sẽ được các chú bế, chuyền tay. Nhưng đột nhiên má vất tung gánh, làm thằng Cu khóc rống lên, chạy ập vào nhà. Cô Ba cõng nó chạy theo, cũng khóc.

Người ta bảo ba nó chết rồi, đã trúng đạn trong khi đang chỉ huy tiểu đội du kích chặn đường Tây vào xóm. Ba nằm dài trên chiếc chiếu mới dưới có lót một miếng ván ngựa. Nó nhìn chiếc khăn đỏ, cảm thấy một cái gì lo sợ, khủng khiếp... Má lật tung chiếc khăn đỏ ra, mắt ba nhắm như đang ngủ mê. Má ôm lấy ba cấu xé, đập đầu xuống ngực ba, chửi rủa cái quân dã man, than trời trách đất, gào khóc như điên như dại.

Chiều hôm ấy, người ta để ba vào cái hòm... Nó không gặp ba vĩnh viễn từ đó.

Những ngày sau, nó thấy trên đầu rối tung của má quấn tròn một chiếc khăn trắng. Má ưa khóc, có bữa mắt sưng húp lên, hay buồn... rồi hay có những cái nhìn yên lặng nghiêm trang làm nó cũng đâm rụt rè. Má hay gắt gỏng với nó.

Nhưng bữa sáng hôm qua, má yêu nó hơn lúc nào hết. Chị Hai ôm nó vào lòng, nhìn một cách trìu mến, tước trứng chí trên đầu cho nó. Chị nhớ đến câu nói của chú Tâm: “Con gái giống cha...”. Chị nhìn kỹ mặt con như mới nhìn lần đầu. Chị thấy nét mặt anh Hai thu gọn trong khuôn mặt xinh xắn của con, trong đôi mắt sáng như hột nhãn của con. Chị hôn, ôm xiết nó vào lòng như thèm khát lâu ngày. Nó cũng ngẩng lên nhìn chị, ôm lấy cổ chị và ngạc nhiên trước những cái hôn nồng nhiệt của chị. Nó thấy yêu má hơn bao giờ hết, nhưng sao đôi mí mắt của má đỏ ửng lên, đôi lông mày nhíu lại để lộ những nét nhăn trên trán.

Những nét nhăn trên mặt người đàn bà goá bụa này ít được người bắt gặp. Nó chỉ có vào những phút như thế này, những buổi đi làm rẫy về thấy nhà quạnh hiu vắng vẻ, trong những đêm thao thức trằn trọc bên con với những tiếng thở dài. Ngoài những phút ấy, nét mặt hiền lành của chị, dù lam lũ nhưng cũng tươi tắn, ăn nói lanh lẹ và khôn ngoan, tiếng cười hơi nhanh trên đôi môi có duyên như khi còn con gái.

Để tránh cặp mắt của con, chị Hai quay sang bồng thằng Cu. Chị cho nó bú một lần nữa thật no để rồi đi. Chị thường nghĩ: “Mình cũng không có con nữa, cứ để sữa cho nó bú”. Với cảnh ngộ của chị, cho con bú cũng là một niềm vui và an ủi.
*
* *
Mặt trời đã xế bóng. Con gà trống cất tiếng gáy với cái giọng chiến thắng kiêu ngạo. Có những tiếng nói rộn ràng, tiếng gánh kĩu kịt, tiếng chân thình thịch ngoài đường hẻm. Cái mừng quá, chạy ra cửa để đón má về. Má về đã dặn: “Con ở nhà chơi với em con nhé! Đừng đánh em khóc con nhé! Chiều mai má sẽ về mua bánh cho con”.

Nó đã làm đúng những lời má dạy, nó sẽ khoe với má, nó sẽ kể lại cái việc chạy máy bay như thế nào... rồi má sẽ ôm hôn nó, tước trứng chí cho nó, đền ơn nó...

Những gánh gạo ăm ắp chạy qua trước mặt. Hôm nay họ không nghỉ ở Trại-Nấu, không tạt qua Triềng mà chạy một mạch về nhà. Những bãi sa mạc nhỏ của khu Lê Hồng Phong không nóng bằng lửa đang đốt gan ruột họ.

Nó hỏi một cách tha thiết:

- “Má cháu về chưa hở bác?”.

Quay đầu lại, bác Tư đưa tay lau những dòng mồ hôi chảy thành sọc trên mặt, nhìn nó rồi ngần ngừ:

- Má cháu... về sau cháu ạ...!

Có những người khác chỉ cắm cổ chạy, không trả lời. Cái rất giận những người như thế này. Sao họ lớn mà họ không hiểu được sự mong nhớ tầm thường của nó, sự trống trải của chị em nó.

Cho đến người đàn bà cuối cùng là dì Ba. Dì đặt gánh, ôm cháu rồi khóc oà lên. Cái chưa hiểu gì cả nhưng Cái cũng không cầm được nước mắt trước một người lớn đang khóc.

Dì Ba nhìn cháu. Dì thấy cũng không cần thuật lại cho nó nghe câu chuyện qua đường sắt khi sáng làm gì với tuổi của nó, nếu càng che giấu được những cái đau thương có thể xúc phạm đến tâm hồn nó, nếu có thể kéo dài được những phút hồn nhiên trong trắng để cuộc đời của nó chỉ thấy toàn là tiếng cười thì càng tốt.

Dì lau nước mắt, bảo cháu:

- Em đâu?... Thôi để em ngủ. Dì về nhà rồi dì qua. Chiều nay con ăn cơm với dì và... ngủ với dì... Tội nghiệp!

Hai cánh tay dì trùm lấy cháu như tàng cây me cổ thụ đã ngả bóng mát che phủ lên đám bắp non héo lá bên đường. Dì nhìn gương mặt lo âu của cháu với đôi mắt sáng long lanh như những con sao nhấp nháy trong đêm tối, không bao giờ tắt...

HUY SÔ
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)