Ismail Kadare, người mang Albania đến với thế giới, qua đời ở tuổi 88

Thứ Ba, 09/07/2024 10:12

Thường được so sánh với những tên tuổi như George Orwell và Franz Kafka, Kadare đi trên “sợi dây chính trị” với những tác phẩm chỉ trích ngấm ngầm nhà nước toàn trị.

Ông qua đời vào đầu tuần rồi tại tại Tirana, thủ đô Albania, hưởng thọ 88 tuổi. Bujar Hudhri, giám đốc Nhà xuất bản Onufri và cũng là người biên tập, xuất bản các tác phẩm của Kadare, xác nhận Kadare đã lên cơn đau tim tại nhà riêng và qua đời tại bệnh viện.

Nhà văn Ismail Kadare

Ismail Kadare, tiểu thuyết gia và nhà thơ người Albania, là người đã độc hành để đưa quê hương Balkan biệt lập lên bản đồ văn học thế giới. Trong sự nghiệp văn chương kéo dài nửa thế kỉ, ông đã cho ra mắt rất nhiều tác phẩm bao gồm tiểu thuyết, thơ ca, truyện ngắn và tiểu luận. Ông nổi tiếng thế giới vào năm 1970, khi cuốn tiểu thuyết đầu tay Viên tướng của đạo quân chết được dịch sang tiếng Pháp. Các nhà phê bình châu Âu ca ngợi đây là kiệt tác.

Tên tuổi Kadare đã được đề cử nhiều lần cho giải Nobel Văn chương, nhưng vinh dự này chưa kịp đến. Năm 2005, ông nhận giải Man Booker Quốc tế đầu tiên (nay là Giải Booker Quốc tế), được trao cho một nhà văn còn sống thuộc bất kì quốc tịch nào vì cả sự nghiệp trong mảng hư cấu. Những người cùng vào chung kết với vị nhà văn bao gồm những tên tuổi lớn như Gabriel García Márquez và Philip Roth.

Khi trao giải thưởng cho nhà văn gốc Albania, nhà phê bình người Anh John Carey, chủ tịch hội đồng, đã gọi Kadare là “nhà văn có ảnh hưởng toàn cầu trong truyền thống kể chuyện đã có từ thời Homer”. Các nhà phê bình thường so sánh ông với Kafka, Kundera và Orwell. Trong ba thập kỉ đầu sự nghiệp, ông sống và viết ở Albania, nơi vào thời điểm đó nằm dưới sự kiểm soát của một trong những nhà độc tài tàn bạo và lập dị nhất khối Đông Âu, Enver Hoxha.

Để thoát khỏi sự đàn áp ở một đất nước nơi hơn 6.000 người bất đồng chính kiến ​​đã bị hành quyết và khoảng 168.000 người bị đưa đến nhà tù hoặc trại lao động, Kadare đã đi trên một “sợi dây chính trị” đầy bất trắc. Ông đã phục vụ suốt 12 năm với tư cách là đại biểu trong Hội đồng Nhân dân Albania và là thành viên của Liên đoàn Nhà văn. Một trong những tiểu thuyết của Kadare, The Great Winter, được viết một cách giả trá, khắc họa chân dung của nhà độc tài như sau này chính ông thừa nhận. Trong khi đó, các tác phẩm xuất sắc nhất của ông bao gồm The Palace of Dreams (1981) đã ngầm tấn công chế độ độc tài khi lách được luật kiểm duyệt thông qua các hình tượng được ẩn dụ, châm biếm và thần thoại hóa.

Một số tác phẩm của Ismail Kadare

Ismail Kadare sinh ngày 28/1/1936 tại thị trấn Gjirokaster, miền nam Albania. Cha ông, Halit Kadare, là một công chức, trong khi mẹ ông, Hatixhe Dobi là người nội trợ, xuất thân từ một gia đình giàu có. Khi Hoxha nắm quyền kiểm soát Albania vào năm 1944, Ismail mới 8 tuổi và đã đắm mình vào nền văn học thế giới. Ông nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn năm 1998 với The Paris Review: “Lúc 11 tuổi, tôi đã đọc Macbeth, và nó tác động đến tôi như là sét đánh. Các tác phẩm kinh điển của Hi Lạp cũng vậy. Sau đó không có gì có thể chế ngự được tinh thần tôi như những thứ đó”.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Tirana, Kadare được gửi đi học sau đại học tại Viện Văn học Thế giới Gorky ở Moscow (Nga), nơi mà sau này ông mô tả là “một nhà máy sản xuất những tác phẩm giáo điều của trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Năm 1963, khoảng 2 năm sau khi trở về từ Moscow, Viên tướng của đạo quân chết được xuất bản tại Albania. Cuốn sách kể về một vị tướng người Ý trở về vùng núi Albania 20 năm sau Thế chiến II để khai quật và hồi hương thi thể những người lính của mình. Đây là câu chuyện về cách phương Tây tiên tiến xâm nhập vào một vùng đất xa lạ, được cai trị bởi một bộ luật cổ xưa về các cuộc đối kháng đẫm máu.

Trong khi được nhiều độc giả đánh giá cao, thì những nhà phê bình ủng hộ chính phủ lên án cuốn tiểu thuyết này vì nó quá quốc tế và không thể hiện đủ sự căm ghét đối với vị tướng người Ý. Dẫu thế ít nhiều nó đã giúp Kadare trở thành một người nổi tiếng toàn quốc. Năm 1965, chính quyền đã cấm cuốn tiểu thuyết thứ hai The Monster của ông sau khi một phần của nó xuất hiện trên một tạp chí. Năm 1970, khi Viên tướng của đạo quân chết được xuất bản bằng tiếng Pháp, tác phẩm này đã “làm dậy sóng nền văn học Paris” như tờ The Paris Review nhận định.

Sự nổi tiếng đột ngột của Kadare đã thu hút sự giám sát của chế độ độc tài. Để xoa dịu tình hình, ông đã viết The Great Winter. Sau này nhà văn cho biết bản thân có ba lựa chọn: “Tuân theo niềm tin của riêng tôi, điều đó có nghĩa là cái chết; im lặng hoàn toàn, điều đó có nghĩa là một kiểu chết khác; hoặc trả một khoản cống nạp”. Vì vậy ông đã chọn cách thứ 3, và cho ra đời cuốn tiểu thuyết ấy. Năm 1975, sau khi viết The Red Pashas, một bài thơ chỉ trích các thành viên của Bộ Chính trị, Kadare đã bị trục xuất đến một ngôi làng xa xôi và bị cấm xuất bản trong một thời gian dài.

Màn trả đũa của ông đến vào năm 1981, khi ông xuất bản The Palace of Dreams như lời chỉ trích gay gắt đối với chế độ. Lấy bối cảnh Đế chế Ottoman, tác phẩm này mô tả một bộ máy quan liêu chuyên thu thập những giấc mơ của công dân, tìm kiếm dấu hiệu của sự bất đồng chính kiến. Tờ The Times nhận định tác phẩm này như một “câu chuyện ngụ ngôn trong bóng tối, nói về sự điên rồ của quyền lực, vừa giết người vừa tự sát cùng một lúc”. Cuốn tiểu thuyết này đã bị cấm ở Albania, nhưng trước đó đã bán hết veo trong lần in đầu.

Thành công của Kadare ở nước ngoài mang lại cho ông sự an toàn ở quê nhà. Tuy nhiên, như ông nói, mình vẫn sống trong một nỗi e sợ rằng chế độ toàn trị có thể “giết mình và nói rằng đó là vụ tự sát”. Để bảo vệ tác phẩm của mình khỏi bị tiêu hủy trong trường hợp qua đời, Kadare đã lén lút chuyển các bản thảo ra khỏi Albania vào năm 1986 cho người phụ trách xuất bản tại Pháp của ông, Claude Durand.

“Trò chơi mèo vờn chuột” mà trong đó chế độ lần lượt cho phép và rồi cấm in các tác phẩm của Kadare vẫn tiếp tục sau cái chết của Hoxha năm 1985, cho đến khi ông chạy trốn đến Paris năm 1990. Năm 1997, khi tên ông được nhắc đến cho giải Nobel Văn chương, một bài báo trên tờ Weekly Standard bảo thủ đã thúc giục ủy ban không trao giải thưởng cho ông vì “sự hợp tác có chủ ý” với chế độ Hoxha.

Rõ ràng là để bảo vệ bản thân khỏi những lời chỉ trích như vậy, Kadare đã xuất bản một số cuốn tự truyện vào những năm 1990, trong đó ông khẳng định mình đã phản kháng chế độ cả về tinh thần cũng như nghệ thuật thông qua văn chương. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn: “Mỗi lần viết một cuốn sách, tôi có cảm giác như đang đâm dao vào chế độ độc tài”.

Sau giai đoạn này, Kadare vẫn tiếp tục đặt tiểu thuyết của mình vào bối cảnh nghi hoặc và đầy e sợ của người dân dưới chế độ Hoxha. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông bao gồm Chronicle in Stone (1971), The Three-Arched Bridge (1978), Agamemnon's Daughter (1985) cùng phần tiếp theo của nó The Successor (2003) và The Accident (2010). Nhà phê bình Charles McGrath đã viết trên tờ The Times vào năm 2010 rằng tất cả các tác phẩm của ông đều có một điểm mạnh, rằng Kadare “dường như không có khả năng viết một cuốn sách không thú vị”.

Năm 2005, sau khi giành giải thưởng Booker International, Kadare đã phát biểu rằng: “Hành động phản kháng duy nhất có thể thực hiện khi các chế độ toàn trị vẫn đang bao phủ đó là viết văn”.

LINH TRANG dịch từ The New York Times

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)