Dòng chảy  Văn nghệ

Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối

Thứ Sáu, 18/01/2019 17:21

Ngày 18/01/2019, tại VUSTA 53 Nguyễn Du, Hà Nội, Nhà xuất bản Tri thức phối hợp với Book Hunter tổ chức buổi seminar “Những trải nghiệm Kito giáo trong xã hội vô thần của S.L. Frank”. Điều phối chương trình là GS Nguyễn Trọng Chuẩn và diễn giả là nhà văn Hà Thủy Nguyên.

Nhà văn Hà Thuỷ Nguyên và GS Nguyễn Trọng Chuẩn tại buổi seminar

Tại buổi seminar, nhà văn Hà Thuỷ Nguyên đã giới thiệu sơ lược về Semen Lyudvigovich Frank và cuốn sách “Ánh sáng trong bóng tối - trải nghiệm đạo đức học Kito giáo và triết học xã hội” của S.L. Frank, đồng thời tương tác với cử toạ về những vấn đề xung quanh tác giả - tác phẩm nói trên.

Semen Lyudvigovich Frank (1877 - 1950) là một trong các triết gia trong “chuyến tàu triết học”, chuyến tàu chở những nhà triết học bị trục xuất khỏi nước Nga vào năm 1922. Cũng giống như nhiều nhà triết học trên con tàu ấy, S.L. Frank mang nặng những tâm tư thời đại, và vượt trên các vấn đề thời đại để hướng tới các trải nghiệm tinh thần cao hơn. “Ánh sáng trong bóng tối - trải nghiệm đạo đức học Kito giáo và triết học xã hội” là một trong số các trước tác nổi tiếng của ông, được viết bằng tiếng Nga, xuất bản năm 1989. Cuốn sách lần đầu tiên được Nguyễn Văn Trọng dịch ra tiếng Việt và được Nhà xuất bản Tri thức ấn hành năm 2018.

Bìa dịch phẩm do Nguyễn Văn Trọng chuyển ngữ

Tựa đề “Ánh sáng trong bóng tối” được lấy từ Phúc âm Yoan.1,5: “Kai to phos en te skotia phainei kai e skotia auto ou katelaben”, có nghĩa là “ánh sáng chiếu rạng trong bóng tối, và bóng tối không chiếm lĩnh nó”. Sử dụng hình ảnh ánh sáng và bóng tối, S.L. Frank đã có những biện luận về thời đại vô thần và hơn cả thế, những trải nghiệm Thượng Đế bên trên hiện hữu ở cõi trần gian. Sâu sắc hơn thế, ông còn viết về những biểu hiện của Thượng Đế ở cõi trần và trong kết cấu đạo đức của xã hội.

Luận về ánh sáng và bóng tối trong Phúc âm Yoan chỉ là một tiền đề cho những bàn luận của S.L. Frank về vấn đề tinh thần trong thời đại vô thần hiện đại. S.L Frank cho rằng, thời hiện đại là thời “uy quyền của bóng tối trên thế gian”. Nước Đức với chủ nghĩa phát xít là một ví dụ tầm cỡ được S.L. Frank đưa ra để mổ xẻ. Tư tưởng của S.L. Frank về cái ác tương đồng với Tuân Tử khi ông cho rằng cái ác là “đặc trưng nội tại cho thế gian và bản chất con người” và do đó cuộc chiến chống lại cái ác ở trần gian là không thể. Và bản chất của cuộc chiến ấy là một nỗ lực cứu vãn loài người khỏi diệt vong bởi chính bản chất của mình gây nên.

S.L. Frank nhắc lại lời Nietzsche “Con người là một thứ gì đó phải được vượt qua” và cho rằng đó là hồi kết của chủ nghĩa nhân văn. Thế nhưng, S.L. Frank lại đập vỡ “thần tượng” của mình khi ông đánh giá Nietzsche đã lầm lạc trong tư tưởng khi Nietzsche quá say sưa đạp đổ Thượng Đế của Kito giáo, tới mức sa vào sự sùng bái một chủng tộc cao quý và kết quả là tạo ra những “kẻ vô lại tóc vàng” huênh hoang về đẳng cấp trong thời kỳ cai trị của Đức quốc xã.

Nhà văn Hà Thuỷ Nguyên bình luận: “Tôi không đồng tình với cách phê phán này của S.L. Frank. Ngay trong sự phê phán chủ nghĩa Marx hay tư tưởng của Nietzsche, S.L. Frank đã quên mất trọng điểm mà ông khám phá ra, đó là vấn đề không phải những chủ nghĩa mà là mầm mống cái ác của con người. Bất cứ chủ nghĩa nào, dù nghe có vẻ tuyệt vời đến đâu, đều có thể bị bóp méo bởi cái ác của loài người và đều có thể dung túng cho bóng tối trỗi dậy”.

S.L. Frank đã đặt ra một câu hỏi lớn: Đâu là cuộc cải tạo trần gian trong tương lai? Đây có lẽ là câu hỏi mấu chốt nhất mà cuốn sách đã đặt ra. Ánh sáng và bóng tối sẽ tiếp tục giằng co trong cả bi quan và lạc quan đến tận bao giờ? Đó thực sự là một câu hỏi mang tính thời đại và cũng vượt ra khỏi thời đại.

Đạo đức Kito giáo chân chính nhất, đơn giản nhất, dễ dàng nhận thức nhất nhưng lại khó thực hiện nhất chính là tình yêu thương. Chỉ bằng tình yêu thương ấy, tính thần thánh thiêng liêng mới được hiện hữu bên trong con người vốn chứa nhiều phần bóng tối. S.L. Frank viết: “Nhưng sức mạnh của tình thương yêu, theo thực chất chính là tình trạng tỏa sáng nào đó phát ra bên ngoài, thể hiện một cách cụ thể ở trong tính tích cực đạo đức, trong hoạt động tình thương yêu vì lợi ích của người gần, trong việc lan tỏa điều thiện vào cõi trần gian. Tính tích cực đạo đức ở cõi trần gian, cái mệnh lệnh nhất quyết chung của lời dạy tình yêu, như vậy trùng khớp với nhiệm vụ hoàn thiện cõi trần gian trong ý nghĩa bao quát nhất của khái niệm này.”

GS Nguyễn Trọng Chuẩn nói thêm: “Thượng Đế yêu cõi trần gian” đến nỗi hiến sinh cả người con trai ruột duy nhất của mình. Con đường cứu chuộc được đúc kết trong một câu: “Hãy hoàn hảo như Cha trên trời hoàn hảo”, tức là cần không ngừng hoàn thiện bản thân cũng như hoàn thiện cõi trần gian.

HẢI VÂN

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)