Những chú ngan mang nghĩa tình người lính

Thứ Ba, 05/12/2023 15:12

Cứ mỗi khi ngược lên Ba Nang để công tác, trong ba lô đựng quân tư trang của mình, tôi đều phải chuẩn bị thật đầy đủ mọi thứ cho dù vào mùa nào bởi trên vùng biên cương ấy, khí hậu, thời tiết vô cùng khắc nghiệt và chẳng hề đi theo bất kì một quy luật nào. Lần này cũng không là ngoại lệ. Mặc dù ở dưới xuôi lúc này đang là cuối thu nhưng tôi đã dặn vợ bỏ vào ba lô những chiếc áo ấm cho mình. Tôi ngược Ba Nang lần này từ lời mời của Đại úy Nguyễn Văn Tám, Đội trưởng đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Nang (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) với nội dung: Chú lên xem mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ” của chúng cháu nhé.

Tôi quen Tám trong thời điểm chúng tôi cùng công tác tại Ban Tuyên huấn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Thời gian làm việc với nhau không dài nhưng tôi quý người sĩ quan trẻ này bởi sự năng nổ, nhiệt tình và luôn sáng tạo trong công việc, nên khi Tám ngỏ lời tôi đã gật đầu ngay. Tám đón tôi tại cổng trụ sở UBND xã Ba Nang (Đăkrong, Quảng Trị) vì người cho tôi đi xe quá giang chỉ đến địa chỉ này. Biên cương mưa phùn, gió lạnh. Ngồi phía sau lưng Tám trên chiếc xe máy chắc đã gắn bó với cung đường này nhiều lắm rồi nên cảm nhận rõ sự già nua, run rẩy. Tám nói trong tiếng gió lạnh:

- Biên cương Ba Nang khác xa với dưới xuôi chú hè?

- Dưới ấy đang nắng nóng, vậy mà trên này mỗi cơn gió đã phả hơi lạnh của núi đá săn se làn da người.

Chúng tôi chưa về đơn vị ngay mà vòng vo quanh sườn núi. Tám đưa tôi ghé vào gia đình anh Hồ Văn Bin, 42 tuổi, trú tại thôn Sa Trầm, xã Ba Nang. Từ ngoài ngõ, tôi đã nghe tiếng anh Bin gọi bầy ngan: “Ầy, ầy, túc.. túc... túc, ăn no cho mau lớn nghe”. Tám cười “Anh Bin đang cho ngan ăn đó chú”. Quả thật, thấy có người vào nhà mình, anh Bin đi từ dưới khu chăn nuôi ra chào. Anh Bin khoe với Tám, ngan nhanh lớn, lông ống đã mọc kín người, và quan trọng là “còn đủ 50 con chú ạ”. Chưa kịp hỏi nhưng tôi cũng cảm nhận được niềm vui hiện lên trên khuôn mặt in đậm sự gian khó của người đàn ông Vân Kiều. Gia đình Bin gồm có 6 thành viên và luôn là một trong những hộ đặc biệt khó khăn của địa phương. Những người con của anh hôm thì đến trường, hôm phải nghỉ học để theo bố lên rẫy tìm cái ăn cho gia đình. Cái nghèo, cái khổ trú ngụ trong ngôi nhà của Bin như người già lười ra khỏi tấm chăn ấm những ngày đông giá. Sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhiều phía đã vực gia đình anh qua cái khổ nhưng vẫn chưa thể vươn lên thoát nghèo. Mà cũng thật lạ, anh Bin rất siêng năng, vợ anh cũng vậy, song gia cảnh nhà anh lại thua kém đại đa số các gia đình khác về kinh tế. Thời gian trôi đi, dần rồi anh và vợ con cũng quen với sự khó khăn và xem đó là điều bình thường như không khí hít thở mỗi ngày.

- Đàn ngan nhanh lớn như vậy là mừng rồi. Bây giờ anh phải thường xuyên theo dõi, hễ có vấn đề gì là phải báo ngay cho anh em trên đồn để hỗ trợ thêm. - Sau khi kiểm tra đàn ngan Tám dặn anh Bin.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ba Nang đến kiểm tra và hướng dẫn chăm sóc đàn ngan đẻ trứng tại hộ gia đình chị Hồ Thị Lua ở thôn Ba Nang, xã Ba Nang. Ảnh: ĐVCC

Chúng tôi ngồi lại trò chuyện cùng anh Bin, hơi ấm từ bếp lửa phả ra đã làm vơi đi cái lạnh nơi biên thùy. Gia đình anh Bin là một trong số các hộ tham gia mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ” do Đồn Biên phòng Ba Nang triển khai cho bà con trên địa bàn. Việc chăn nuôi ngan không lạ đối với người dân Vân Kiều vì từ khi tổ tiên họ sinh tụ ở rừng sâu, hang núi thì trong mỗi gia đình đã có dăm ba chú ngan sống cùng. Thế nhưng chưa một ai hay một gia đình nào lại có ý tưởng nuôi ngan theo phương thức thương mại mà chủ yếu nuôi để giải quyết vấn đề tự cung, tự cấp. Con ngan ở đây sinh ra và lớn lên mặc số mệnh của trời, chẳng ai quan tâm đến việc nó ăn cái gì, đêm ngủ ở đâu, lớn thì làm thịt, ngan đẻ thì lấy trứng ăn hoặc cất để dành cho ấp phục vụ duy trì nòi giống, nếu bị dịch bệnh chết thì đem vất ra rừng hoặc chôn, không tiếc nuối, không xót xa. Nghĩa là họ chăn nuôi loại gia cầm này theo kiểu được chăng hay chớ.

Tháng 6 năm 2022, được sự tài trợ của nhóm “Ong chăm” từ Hà Nội do Đồn Biên phòng Ba Nang và anh Hoàng Hải Lâm, làm việc tại Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị kêu gọi, đàn ngan giống hơn 1.000 con đã đến với bà con Vân Kiều trên vùng đất biên cương Ba Nang và Tà Long với tên gọi “Đàn ngan yêu thương”. Thế nhưng khi trực tiếp xuống địa bàn nắm tình hình, theo dõi việc bà con chăm sóc ngan thì các chiến sĩ biên phòng nhận thấy họ chẳng mấy nhiệt tình và vẫn theo nếp quen cũ. Thức ăn, thuốc phòng chống dịch bệnh phát về, họ không sử dụng cho đàn ngan mà cất vào góc chuồng. Sau một vòng quan sát, thấy nếu cứ để tình trạng này diễn ra thì mô hình sẽ không đạt được như mong muốn, ngược lại còn giảm niềm tin đối với đồng bào. Thế là những chiến sĩ biên phòng bám bản đã nghiên cứu và đề xuất lên Ban Chỉ huy đơn vị, nếu có đợt ngan giống tiếp theo sẽ giao cho các hộ gia đình có các cháu học sinh trong diện “Con nuôi đồn Biên phòng” hay trong chương trình “Nâng bước em tới trường” và những cháu điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nhưng có ý chí vươn lên để giao ngan và đồng hành trong việc chăm sóc. Đợt ngan giống thứ 2, Tám và đồng đội đã triển khai thực hiện như vậy và hiệu quả đem lại ngoài cả sự kì vọng. Chỉ sau 2 tháng, các gia đình đã chăm sóc số ngan nhận nuôi đạt hơn 2kg mỗi con với tỉ lệ sống trên 95%. Kể từ ngày đàn ngan giống được trao tặng cho bà con thì những thành viên trong đội Vận động quần chúng của Tám và đội Trinh sát ngày nào cũng phải thay nhau có mặt dưới địa bàn để “bám ngan”. Giai đoạn đầu, khi ngan còn nhỏ là vất vả nhất vì bất kì có dấu hiệu gì xảy ra là người dân gọi Tám và đồng đội phải có mặt ngay để kịp thời xử lí. Nhờ sự sâu sát với mô hình, tận tuỵ cầm tay chỉ việc, hướng dẫn chu đáo mà giờ đây mô hình đã chứng minh tính hiệu quả, tạo được niềm tin và sự thay đổi nhận thức trong bà con.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ba Nang trao ngan giống cho các hộ gia đình có các cháu học sinh trong chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”. Ảnh: ĐVCC

Bin chia sẻ, lúc đầu được vận động tham gia mô hình anh cũng không mấy tin tưởng vào việc nuôi ngan để bán. Ngay cái hôm trưởng thôn đến thông báo với vợ anh sáng hôm sau ra đồn nhận ngan về nuôi anh vẫn nói với vợ “Nhận làm cái chi, nhà mình nuôi 4 con mà chưa có cái chi cho nó ăn no, chừ nhận 50 con thì kiếm mô ra thức ăn, hơn nữa ngan nhỏ đưa từ chỗ mô về nhỡ nuôi chết thì cả thôn cười cho”. Anh nghĩ như vậy là bởi trước đây địa phương cũng có dự án nuôi gà đẻ trứng, lấy thịt nhưng nuôi chỉ được mấy ngày, chúng đều lăn ra chết, rồi còn lây lan sang cả gà của nhà nữa. Khi anh hỏi cán bộ lí do gà chết, họ trả lời do thời tiết, khí hậu không thuận lợi nên gà bị dịch bệnh. Dù vậy thì sáng hôm sau vợ anh Bin vẫn ra đồn Biên phòng Ba Nang để nhận ngan giống do các anh biên phòng và nhóm từ thiện “Ong chăm” từ Hà Nội vô tặng. Nhận 50 con ngan giống về đến nhà kèm thức ăn và thuốc phòng bệnh, vợ chồng anh Bin làm theo hướng dẫn trong nỗi thấp thỏm, bởi trước đây, dự án nuôi gà cũng bảo có gì thì gọi cho thú y địa phương nhưng khi gà chết gọi chẳng ai đến. Nhưng lần này thì khác, thi thoảng các chú biên phòng vẫn đến hỏi thăm đàn ngan.

- Thế bây giờ, anh Bin đã thật sự yên tâm chưa? - Tôi hỏi Bin.

- Mình tin rồi, ngày nào mình cũng ra xem đàn ngan hết, nhìn đàn ngan mau lớn, mình mừng lắm.

Nhớ hôm mới đem về được mấy ngày, có bốn, năm con ngan bỏ ăn, Bin sợ quá liền gọi cho bộ đội Tám, chỉ hơn 15 phút sau, anh Tám đã có mặt hướng dẫn anh cho ngan uống thuốc, lấy đồ ủ ấm, sáng hôm sau, mấy con ngan bị ốm đã nhanh nhẹn và ăn cám cùng cả đàn. Câu chuyện cứ lan man kéo dài vì anh Bin vẫn say sưa kể cho chúng tôi nghe việc chăn nuôi trong niềm vui của một người không thể ngờ nhà mình đã nuôi được những 50 con ngan nhanh lớn và khỏe mạnh. Đàn ngan lớn cũng đồng nghĩa với việc gia đình anh sẽ có thêm thu nhập, con anh cũng vì thế mà có thêm bộ quần áo mới, đôi dép mới để đến trường. Bóng đêm đã bắt đầu bước ra từ cánh rừng cạnh thôn, chúng tôi chào tạm biệt gia đình anh Bin.

Gió lạnh thổi ù ù bên tai, bóng tối trườn xuống con đường nhỏ đặc quánh sương mù. Tôi và Tám có mặt tại đơn vị sau một hành trình khá dài và tương đối vất vả. Đêm biên cương lui tận xuống thung sâu bằng cái lạnh phả ra từ núi đá, dẫu đã chuẩn bị áo ấm nhưng vẫn không chịu nổi. Tôi và Tám cùng trở lại câu chuyện về những chú ngan của mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ”. Tôi có chút thắc mắc:

- Sao không lấy tên gọi như “Đàn ngan phát triển kinh tế”, “Đàn ngan yêu thương” hay “Đàn ngan hạnh phúc”.....mà lại là “Đàn ngan khăn quàng đỏ” nghe nó cứ là lạ thế nào ấy?

Tám giải thích:

- Lúc đầu cũng chẳng ai gọi tên “Đàn ngan khăn quàng đỏ” đâu chú. Là vì khi giao ngan giống cho gia đình các em nhỏ Đồn đang đỡ đầu thì bố mẹ các em này đều nói “Ngan ni là của mấy đứa nhỏ nên người lớn phải chăm tốt để bán lấy tiền cho chúng nó đi học”. Thế là từ mô hình “Đàn ngan yêu thương” đã đổi tên thành “Đàn ngan khăn quàng đỏ” đó chú.

Trao tặng ngan giống cho người dân để mở rộng mô hình chăn nuôi ngan phát triển kinh tế ở xã Ba Nang. Ảnh: ĐVCC

Tám dừng câu chuyện nuôi ngan chuyển sang bàn bữa tối chúng tôi còn chưa kịp ăn. Đã quá 21 giờ. Đêm biên cương tĩnh lặng, gió lạnh và sương mù nên con người ta có cảm giác thời gian trôi đi thật dài. Tám đi ra ngoài và chừng 20 phút sau trở lại với 2 gói mì tôm cùng 2 quả trứng trên tay, hì hụi nhen lửa, bắc bếp, một lúc sau, hai chú cháu tôi cũng có được tô mì tôm trứng ấm bụng. Chưa đầy 5 phút, tôi đã lùa xong tô mì, thế nhưng miếng cuối cùng chưa kịp trôi xuống đến dạ dày thì điện thoại của Tám đổ chuông dồn dập. Tám nghe máy và thông báo, 10 con ngan nhà chị Lua chiều nay không chịu ăn, chị gọi điện cầu cứu, bảo chúng cứ rúc vào một chỗ, đôi mắt nhìn rất mệt mỏi, chị sợ nó chết mất. Nghe xong cuộc điện thoại, Tám bảo tôi đi nghỉ, còn anh đi báo cáo với Ban chỉ huy đơn vị và cùng với anh em xuống thôn Ba Nang ngay bây giờ để xem đàn ngan nhà chị Lua bị ốm như thế nào. Nghe Tám nói vậy tôi đòi theo. Tám ái ngại vì quãng đường gần hai mươi cây số, đường khó đi mà đêm thì gần khuya, nhưng tôi vẫn quyết tâm đi cùng.

Sau khi nắm tình hình, may sao hôm nay chỉ huy không có ai đi công tác xa nên đồng chí Đồn trưởng đã đặc cách cho xe ô tô đơn vị chở chúng tôi đi. Chiếc xe của Đồn Biên phòng Ba Nang chở Đại uý Nguyễn Văn Tám cùng Đại úy Hồ Văn Hùng và tôi lao vút ra khỏi cổng đồn, chui tọt vào màn đêm ken dày. Sương mỗi lúc càng đậm đặc, có nhiều đoạn đường chiếc xe phải “bò” rất chậm để khỏi gây nguy hiểm cho những thành viên có mặt trên xe. Cung đường 18km trên vùng cao thật dài, tôi nhìn ra ngoài cửa kính, hàng cây hai bên đường chạy giật lùi lại phía sau bởi chúng tôi đang tiến về phía trước. Chiếc xe dừng lại trước công một ngôi nhà sàn nhỏ. Nhìn thấy chúng tôi, chị chủ nhà đã vội lên tiếng khẩn khoản:

- Các bộ đội ơi, giúp gia đình mình với chứ ngan mà chết là mình khổ lắm.

Tám hỏi chị chủ nhà:

- Thế chị có cho ngan ăn đầy đủ và uống thuốc phòng dịch đều không?

- Có, có! Hôm mô mình cũng cho ăn hai đến ba lần còn uống thuốc phòng dịch thì theo đúng lời dạy của cán bộ hướng dẫn hôm mình nhận ngan.

- Thế số ngan bị ốm nằm ở đâu, chị chỉ cho tôi xem?

Người phụ nữ tất tả:

- Đây này bộ đội Tám, chúng nằm lì ở góc ni, mà mới chiều ni thôi, chứ khi sớm còn đang ăn bình thường với cả đàn.

Sau khi trao ngan giống, cán bộ Đồn Biên phòng Ba Nang đã đến tận nhà từng hộ dân để hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi cũng như phòng bệnh cho ngan. Ảnh: ĐVCC

Tám bước vào chiếc chuồng chật chội và nặng mùi phân ngan, đi đến chỗ số ngan bị ốm, anh sờ kĩ từng con với vẻ mặt đầy lo âu. Mấy phút sau, Tám nói với chị chủ nhà:

- Mấy con ni bị sốt rồi, thế cả ngày ni chị có bật đèn sưởi cho ngan không?

- Ầy, mình quên mất, mình nghĩ trời chưa lạnh lắm nên không bật bóng đèn sưởi.

- Đó chính là nguyên nhân làm cho mấy chú ngan này bị cảm lạnh. Đèn sưởi mà chúng tôi cấp cho nhà chị là loại đèn có tia hồng ngoại giúp sưởi ấm cho ngan còn nhỏ. may mà số ngan này chưa bị nặng lắm, bây giờ tôi sẽ pha thuốc chống cảm lạnh cho uống, xong rồi chị bật đèn sưởi cả ngày lẫn đêm, chắc đến trưa mai là những con ngan này sẽ trở lại bình thường thôi.

Chị Lua cám ơn bộ đội Tám rồi tất tả làm theo. Giải quyết xong công việc, chúng tôi trở về đồn trên chính cung đường lúc trước. Trong màn đêm gió lạnh, tiếng những chú chim từ quy cất tiếng tìm gọi bạn tình nghe cứ khắc khoải đến nao lòng. Bây giờ thì đêm đã khuya thật sự, chẳng còn lấy một âm thanh nào của con người đang thức. Đêm cũng trở mình vì cơn gió lạnh. Chiếc xe dừng lại giữa sân đơn vị, tôi nhìn xuống nhà bếp và thấy ánh lửa bập bùng, các chiến sĩ nuôi quân đã dậy nấu bữa sáng cho bộ đội. Một ngày mới đã sang nơi vùng biên giới.

NGUYỄN THÀNH PHÚ

VNQD
Thống kê