Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu:

Chỉ có tình người sống mãi với thời gian

Thứ Tư, 29/11/2023 07:57

. NGÔ ĐỨC HÀNH
 

Cho đến bây giờ Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu vẫn chưa thể quên ngày mẹ giúi vào tay 7 đồng bạc, tiễn ông lên đường nhập ngũ. Đó là một ngày mùa thu năm 1964. Thời điểm này, chiến trường miền Nam rực lửa. Đế quốc Mĩ thực hiện Kế hoạch Staley - Taylor, hay còn gọi là Kế hoạch Chiến tranh đặc biệt; đồng thời, gây ra Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở đầu cho chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.

Nguyễn Mạnh Đẩu sinh ngày 17/10/1948 tại xã Nghi Hợp (nay là xã Khánh Hợp), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông chính là hậu duệ của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí - người hai lần khai quốc, là một vị tướng, nhà chính trị và đại thần trải qua 4 đời vua thời Hậu Lê.

“Tôi mới 16 tuổi nhưng khai tăng thêm 1 tuổi để nhập ngũ. Thậm chí đang viêm amidan nên nhờ bạn khám tai mũi họng. Ngày đó cả bố và chị thoát li ở xa không về được, nhà chỉ có 4 mẹ con, 3 em thì nhỏ dại. Cả đêm hai mẹ con không tài nào chợp mắt”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu nhớ lại. Đó là thời mà cuộc đời đẹp nhất của thanh niên là trên trận tuyến đánh quân thù.

Ngày 15/10/1964, Nguyễn Mạnh Đẩu trở thành binh nhì. Sau mấy tháng huấn luyện, từ miền Tây Quảng Bình, đơn vị ông “đi B”, vượt đường 9, đi dọc Trường Sơn vào chiến trường. Tuy nhiên, do sốt rét rừng ngay từ đầu nên Nguyễn Mạnh Đẩu phải nằm lại điều trị và sau khi khỏi được biên chế vào đơn vị khác, tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào. Sau 2 năm, ông cùng đơn vị trở lại chiến trường bắc Quảng Trị. “Đã là chiến trường, đâu cũng khốc liệt, gian khổ hi sinh, nhưng mặt trận Trị Thiên - Huế thực sự nghiệt ngã, có thời điểm chúng ta tổn thất lớn về lực lượng, như trận đánh ở cao điểm 817 - Tà Tách, có mũi hi sinh không còn ai. Giữa cái sống và chết, tình đồng đội, đồng chí thực sự cảm động, cùng nhau vượt lên với tất cả niềm tin chiến thắng”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu xúc động nhớ lại.

Sau 7 năm trên chiến trường, tháng 3/1971, trong một trận chỉ huy đơn vị đặc công tấn công cao điểm 550 trong Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Nguyễn Mạnh Đẩu bị thương nặng và được chuyển ra Bắc điều trị. Ông được công nhận thương binh với thương tật 63% và ảnh hưởng chất độc màu da cam 35%. Ông thường nói vui: “Cộng hai thứ lại thì sức khỏe của tôi chỉ còn 2%.”

Sau đó Nguyễn Mạnh Đẩu được tổ chức bố trí và lần lượt nhận công tác ở Tổng cục Chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân I và Tổng cục Kĩ thuật với nhiều cương vị công tác khác nhau. Ông từng giữ chức Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kĩ thuật về chính trị từ năm 2005 đến năm 2006; Chính ủy Tổng cục Kĩ thuật từ năm 2005 đến năm 2007. Nguyễn Mạnh Đẩu được phong hàm thiếu tướng năm 1999 và trung tướng năm 2006. Ông nghỉ hưu năm 2009, sau 45 năm binh nghiệp.

Tháng 4/1972, Nguyễn Mạnh Đẩu được đưa về Cục Chính sách. “Tôi làm nhiều công việc nhưng giai đoạn tôi làm Cục trưởng Cục Chính sách, 8 năm, là tôi nhớ nhất, bởi hoạch định, tham mưu nhiều vấn đề về chính sách với người lính, trong đó có các thương binh, liệt sĩ”, ông cho biết. Thời gian Nguyễn Mạnh Đẩu làm Trưởng phòng Tổng hợp của Văn phòng Tổng cục Chính trị, thì Tướng Lê Khả Phiêu là Phó Chủ nhiệm, Đại tướng Nguyễn Quyết là Chủ nhiệm. Sau này, Thượng tướng Lê Khả Phiêu (nguyên Tổng Bí thư), người thầy, người thủ trưởng, người anh lớn đã nhận xét về ông: “Nguyễn Mạnh Đẩu là một cán bộ nhiệt tình, xông xáo, quyết đoán, có tầm nhìn và sống nghĩa tình. Ở cương vị công tác nào anh cũng để lại dấu ấn cho đơn vị và ấn tượng, tình cảm tốt đẹp cho đồng chí, đồng đội.” Chính vì thế, đã rất nhiều bạn bè viết về ông, rất nhiều nhà báo phỏng vấn ông. Cuốn sách Nguyễn Mạnh Đẩu từ binh nghiệp đến văn chương tập hợp 23 bài viết về ông, đã được Nxb Hội Nhà văn xuất bản năm 2020. Ông chia sẻ: “Mỗi người có thể chọn cho mình những việc phù hợp sau khi được nghỉ, tôi chọn đọc sách và cầm bút để ghi lại những hồi ức lính, suy ngẫm của mình về con người và cuộc đời. Đọc nhiều thành nghiện, viết mãi thành đam mê. Được sống và viết cùng khoảng lặng cuộc đời là một hạnh phúc.”

Một vị tướng đi qua nhiều cuộc chiến tranh, cả thời chiến lẫn thời bình như Nguyễn Mạnh Đẩu, câu chuyện không phải chỉ là của ngày hôm nay, mà những kí ức đó vẫn còn nguyên vẹn, tươi rói. Ông còn lưu giữ trong mình quá nhiều kỉ niệm về đồng đội năm xưa, những con người vô danh đã bị cuốn trôi trong lớp bụi của thời gian.

Đã gần 60 năm gia nhập quân ngũ, nhưng đến bây giờ, Nguyễn Mạnh Đẩu vẫn nhớ như in từng dòng nhật kí đời lính. Những câu chuyện hào sảng thời chiến trận với tâm thế lãng mạn, lạc quan làm sao có thể quên. Ông luôn nhớ đồng đội, trong đó có những người đã anh dũng hi sinh trong những trận chiến ác liệt. Về hưu, ông có thời gian hơn nên hay trở lại chiến trường xưa, nơi nhiều đồng đội đã ngã xuống trước ngày chiến thắng. Tất cả đều trở thành nỗi ám ảnh trong tâm khảm. Nhiều câu chuyện buồn thời hậu chiến đã được ông tìm hiểu, hóa giải, với tâm thế của người đi qua cuộc chiến. “Ôn lại những nẻo đường đã qua, hiện lên trong tâm trí tôi như những thước phim quay chậm. Những thước phim lung linh sắc màu thời gian, bao kỉ niệm, kí ức, những hình ảnh thân thuộc. Tương tư gõ vào kỉ niệm. Tôi bồi hồi nhớ về quê hương, gia đình yêu dấu, nhớ lại cánh đồng lúa chiêm mùa một nắng hai sương, với hạt gạo củ khoai cha mẹ tảo tần nuôi tôi từng ngày khôn lớn, nhớ lại người thân bè bạn một thời hồn nhiên trìu mến…”, ông tâm sự.

Cho đến nay, Nguyễn Mạnh Đẩu đã cho ra đời các tác phẩm: Một chữ tình (thơ, năm 2006); Những nẻo đường thời gian (hồi kí, năm 2010); Những kỉ niệm đời tôi (2013); Tướng lĩnh quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết chung, 2013); Suy ngẫm - Luận bàn (2014); Chuyến tàu đời (thơ, 2016); Tìm trong kí ức (kí, 2017); Tướng lĩnh và anh hùng quê hương Nghi Lộc, Nghệ An (chủ biên, 2017); Nguyễn Mạnh Đẩu - tác phẩm (2017); Trước đèn (tiểu luận - phê bình, 2017); Thẳm sâu miền kí ức (kí, 2021).

Nguyễn Mạnh Đẩu đã viết bằng cảm xúc thật của một người đi qua cuộc chiến, vì thế những tác phẩm kí, hồi ức của ông thực sự làm lay động lòng người. Đó không chỉ là những hào quang của chiến thắng, mà có cả sự mất mát, cả những đau thương. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến khi đọc Thẳm sâu miền kí ức đã nhận xét: “Trung thành với sự thật lịch sử luôn là tiêu chí hàng đầu của người cầm bút. Tôi khâm phục thái độ sống và viết ấy của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu.”

Tâm hồn Nguyễn Mạnh Đẩu vẫn bị ràng rịt bởi “những nẻo đường thời gian”: Chẳng có sự đối đầu muôn thuở/ Không có cái xấu vĩnh hằng/ Chỉ có tình người sống mãi với thời gian (Thời gian cuộc đời). Nếu như thơ nặng nỗi nhân tình, thì văn Nguyễn Mạnh Đẩu ăm ắp sự kiện, tình đồng đội, nghĩa nhân dân. Nguyễn Mạnh Đẩu cầm bút với tất cả sự khiêm nhường. Kể cả những trang viết về thời bình, ông luôn “nhìn cây thấy rừng”, đặt mình trong lớp lớp thế hệ đồng đội. Ta chỉ là hạt cát/ Giữa sa mạc vô cùng (Ta là).

Ở tuổi 75, Nguyễn Mạnh Đẩu vẫn lăn lóc cùng trang văn, vẫn làm nhiều việc vì cộng đồng, tiếp tục thắp lên đốm lửa của nhân nghĩa, của cái đẹp.

N.Đ.H

VNQD
Thống kê