Lên án, kết tội chủ nghĩa thực dân –Một phương pháp đấu tranh vì con người của Nguyễn Ái Quốc

Thứ Ba, 15/09/2020 09:22

. PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

Trên báo Le Paria, số 5, ngày 1- 8-1922 có bài viết với tiêu đề: Khai hoá giết người của tác giả Nguyễn A.Q. Ngay cái tiêu đề này đã gây sự chú ý ở sự mâu thuẫn: khai hóa là mở ra những điều tốt đẹp; giết người là tội ác dã man nhất, tàn bạo nhất. Nội dung bài báo cũng là sự tương phản triệt để hai không gian: Xứ Đông Dương và Mácxây: “Trong lúc ở Mácxây, người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương thì ở An Nam đang có những người bị chết đói. Ở bên này, người ta ca tụng lòng trung thành, còn ở bên kia, người ta đang giết người! Như vậy nghĩa là thế nào hỡi đấng chí tôn Khải Định và cụ lớn Xarô?”.Năm 1922, Hội chợ triển lãm thuộc địa Macxây được tổ chức với mục đích trưng bày các sản vật mang từ các thuộc địa của Pháp về với dụng ý nói lên sự giàu có của thuộc địa và “công lao khai hoá” của thực dân Pháp, qua đó mời gọi tư bản Pháp bỏ vốn kinh doanh và khai thác ở các thuộc địa. Bài báo này đó vạch trần sự giả dối của Hội chợ: người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương.

Để lột trần tội ác giết người, Nguyễn Ái Quốc để cho những nhân vật - người lính tự kể về quá trình và “hành vi” giết người. Tại sao lại là những người lính kể? Vì họ là những người trực tiếp thi hành. Đúng hơn họ là “đao phủ”!

Đây là những câu chuyện của người kể tự kể lại chuyện của mình, hoặc mình trực tiếp chứng kiến nên các sự kiện kể ra được “bảo hiểm” bằng cái “tôi” với những trải nghiệm thực tế. Có ba loại kể đáng tin cậy: lời kể, nhật ký và thư.

Lời kể, cố nhiên đây là lời kể lại của nhân vật nhờ vào sự tham gia trực tiếp hoặc tận mắt chứng kiến các biến cố của câu chuyện. Chuyện tàn phá, chém giết… không ai đủ tư cách kể hơn những người lính trực tiếp làm những chuyện ấy:

“Một người lính khác kể: “Trong thời kỳ tôi ở đó (Bắc Kỳ) không có tuần nào là không có vài cái đầu rơi.

Trong tất cả những cảnh tượng đó, tôi chỉ còn nhớ được một điều, là chúng ta còn tàn bạo, còn dã man hơn cả những tên cướp biển. Tại sao lại có những hành vi quái ác đến thế đối với một kẻ bị kết án sắp phải chết? Tại sao lại có những cuộc hành hạ thể xác, tại sao phải giải những đoàn tù đi bêu khắp xóm làng?”[1].Đây là lời kể khách quan về sự “tàn bạo, dã man” của chính họ, đồng thời trong lời kể vẫn đậm ấn tượng chủ quan: “chúng ta còn tàn bạo, còn dã man hơn cả những tên cướp biển”. Sự khách quan tạo nên độ trung thực của lời kể, ấn tượng chủ quan góp phần đưa lời văn nghiêng về sự cật vấn, tự thú. Hai câu hỏi liên tiếp nhau như làm rõ hơn tính cật vấn, tự thú này. Cả lời kể cho thấy một chủ thể kể còn có tính người, do vậy mà lời kể càng đáng tin hơn.

Trong các thể loại văn học thì thể nhật ký luôn tôn trọng sự thật, khách quan vì nhật ký có đặc điểm là viết ra cho chính người viết đọc, suy ngẫm. Người phương Tây lại có thói quen viết nhật ký, nhất là đối với những người đi xa, Nguyễn Ái Quốc đã tận dụng thế mạnh của thể nhật ký để phơi bày sự thật, một sự thật tàn bạo, mất tính người của thực dân Pháp.

“Chúng tôi xin trích trong nhật ký đi đường của một anh lính thuộc địa, sự việc sau đây:

“...Ngay bên dưới tôi, một người An Nam bị giội nước sôi, bỏng từ đầu đến chân, phát điên lên muốn nhảy xuống biển. Người anh của anh ta, quên cả nguy hiểm, bỏ chèo, ôm lấy anh, bắt anh nằm xuống lòng thuyền. Cuộc vật lộn chớp nhoáng vừa chấm dứt thì một thùng nước sôi khác do một bàn tay thành thạo lại giội xuống; thế là đến lượt chính người đi cứu, bị luộc chín. Tôi trông thấy anh ta giẫy giụa trong thuyền, da bị lột ra tròi thịt đỏ rói gào rống lên như một con vật. Thế nhưng cảnh đó lại làm cho chúng tôi cười, chúng tôi cho là rất ngộ nghĩnh. Quả thật chúng tôi đã có tâm hồn thực dân!”[2]. Đây là lời kể của “một anh lính thuộc địa” kể lại câu chuyện của chính những người lính thuộc địa. Nội dung lời kể toát lên những ý sau: Sự lừa đảo, một hành vi vô giáo dục: “đáng lẽ trả tiền, thì người ta lại có nhã ý bỏ vào giỏ đủ thứ như sau: ống điếu, khuy quần, mẩu tàn thuốc…”. Sự tàn bạo, phi nhân tính: “Đôi khi để đùa vui, một anh sốp phơ hắt một thùng nước sôi xuống lưng những người bán hàng khốn khổ”. Sự tàn bạo, phi nhân tính này được nhân đôi khi “trò vui” tiếp diễn: “thì một thùng nước sôi khác do một bàn tay thành thạo lại giội xuống; thế là đến lượt chính người đi cứu, bị luộc chín”. Đây không hề là “trò vui” của người mà là của quỷ, quỷ dữ. Một câu kết luận mang tính “tự thú”: “Quả thật chúng tôi đã có tâm hồn thực dân!”. Bạn đọc tự thấy một “định nghĩa” rất sinh Sđd.tập động, rõ ràng, cụ thể về “tâm hồn thực dân”, là: lừa đảo, vô giáo dục, là tàn bạo, là giết người, là không tính người.

Tác giả để cho một tên thực dân tự kể lại tội ác của họ:

“Nhật ký hành quân của một tên thực dân kể lại với chúng ta: “Sau khi chiếm được chợ Mới, vào buổi chiều, một sỹ quan của tiểu đoàn lính Phi trông thấy một người châu Á bị bắt làm tù , còn sống, không có thương tích gì. Buổi sáng ngày hôm sau, người sỹ quan nhìn thấy người ấy chết, bị đốt cháy, đã chín, mỡ chảy ra, da bụng trương phồng lên, sém vàng. Bọn lính đã thức suốt đêm để quay chín con người đã bị tước mất vũ khí, trong khi những tên khác hành hạ một phụ nữ.

Mọt tên lính muốn bắt một phụ nữ An Nam phải hiến thân cho con chó của nó. Người phụ nữ ấy không chịu, liền bị đâm chết bằng một nhát lưỡi lê vào bụng”[3].

Chúng tôi xin mượn lời của Nguyễn Ái Quốc để nhận xét và khẳng định bản chất xấu xa của chính sách thực dân: “Người ta thường nói: “Chế độ thực dân là ăn cướp”. Chúng tôi xin thêm: là hiếp dâm và giết người”[4].

Chính sách cai trị của thực dân Pháp là bóc lột là ngu dân, là cấm đoán, là tìm mọi cách để đưa dân tộc An Nam trở về thời nô lệ. Nguyễn Ái Quốc mỉa mai chính sách tàn bạo ấy qua một giả thiết, giả thiết nghịch lý để nói về một sự thật nghịch lý ở Đông Dương: “Một khi chúng tôi là người Pháp, lập tức chúng tôi sẽ gửi một đoàn khai hoá đến khắp nước Pháp. Chúng tôi sẽ làm cho đất nước người Gôloa ngập lụt rượu và thuốc phiện. Ở đây, chúng tôi sẽ đánh thuế muối, thuế nhập thị, sẽ cho bắt giam theo lệnh hành chính, phạt tiền tập thể, sẽ cho mở những toà án đặc biệt để đàn áp, hoạt động thường xuyên, lập kiểm duyệt, v.v. và v.v.. Nói gọn lại, chúng tôi sẽ làm lại ở đây tất cả những gì mà những kẻ nguyên là bề trên của chúng tôi đã làm trên đất nước chúng tôi, cho chúng tôi hoá ra là người Pháp”[5].

Nguyễn Ái Quốc đã đối thoại một cách suồng sã nhất với chế độ thực dân. Vì với kẻ giết người, có gì mà phải kính trọng, tôn trọng.

Theo lôgich tâm lý thông thường người ta chỉ có thể suồng sã được với nhau khi đã hiểu chân tơ kẽ tóc về nhau, chẳng ai dám suồng sã với người lạ. Để mỉa mai chế giễu nhau người ta thường tìm ra những điểm yếu nổi bật của nhau. Nguyễn Ái Quốc đã mỉa mai “dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa” bằng chính sách kết hợp sự “ngu xuẩn và đểu cáng” của các quan cai trị và “cây thánh giá của Hội Thánh đĩ bợm”: “Các quan cai trị cả lớn lẫn bé, được nước mẹ giao vận mệnh xứ Đông Dương cho, nói chung đều là những bọn ngu xuẩn và đểu cáng. Hội Thánh chỉ cần nắm được trong tay một vài giấy tờ bí mật, thuộc đời riêng, có tính chất nguy hại đến thanh danh, địa vị của các quan, là có thể làm các quan hoảng sợ và phải chiều theo ý họ muốn. Chính vì thế mà một viên toàn quyền đã nhường cho nhà chung 7.000 hécta ruộng đất sa bồi của những người bản xứ, ấy thế là những người bản xứ này trở thành những người đi ăn xin.

Phác qua như thế, chúng ta thấy rằng dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa, kể cả chế độ thuế muối; rằng người nông dân An Nam bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa, vừa bằng cây thánh giá của Hội Thánh đĩ bợm”[6].

Người đối thoại Nguyễn Ái Quốc mượn lời một nhân vật: “Ông Cuốctelơmăng kể chuyện một cách mỉa mai: Tôi có quen một ngài có một lối khai hoá thật đáng học tập. Khi ngài ta ra khỏi cửa, các xe kéo, theo một thói quen như những người đánh xe ngựa ở bên Pháp, xô đến mời ngài. Bực mình quá, ngài nắm chắc batoong trong tay, quật vào những người culi, và thừa biết rằng những người culi khốn khổ này chẳng thể ăn miếng trả miếng với ngài, ngài ta càng ra tay quật. Buổi chiều ngài muốn đi chơi, nhưng culi xe đã biết tính ngài, không dám lại gần ngài nữa. Thế là ngài lại với họ, rồi cầm cái gậy quý hoá của ngài, quật lên lưng họ để dạy dỗ cho họ biết phải đến hầu ngài. Ngài ấy bảo: “Vả lại, biết làm thế nào được với cái hạng người ấy, dù chúng đã gần gũi chúng mình bấy lâu nay mà vẫn chưa dám ăn thịt quay!”. Người ta nghe thấy vô số người Pháp, và không phải là hạng kém cỏi gì đâu- lý luận như thế đấy”[7].

Chủ thể của lời văn suồng sã thường xuất hiện qua lời bình luận mỉa, thường là ý tứ để trong ngoặc đơn: “Một nhà truyền giáo (Vâng! một vị linh mục nhân từ) nghi một học sinh trường thầy dòng người bản xứ ăn cắp của mình 1.000 đồng, ông ta trói người học sinh này lại, treo lên xà nhà, tra khảo. Người học sinh đáng thương ấy ngất đi. Họ hạ anh xuống. Khi anh hồi tỉnh, họ lại treo lên tra khảo. Anh đã gần chết. Có lẽ hôm nay thì chết rồi.

Vân vân và vân vân.

Toà án có trừng phạt những tên đó, những con người đi khai hoá đó hay không?

Có tên thì trắng án, có tên thì không ai đụng đến lông chân. Sự tình là như vậy”[8]. Nói mỉa cũng tức là nói ngược, bạn đọc hiểu: “Vâng! một vị linh mục nhân từ” phải là “Vâng! một vị “linh mục” tàn bạo!”. Và tàn bạo thật, có tàn bạo mới tra tấn rồi đánh chết người vô căn cứ như thế.

Bản án chế độ thực dân Pháp được Nguyễn Ái Quốc cho in lần đầu tại Pari có thể coi như là một trong những bản kết tội đanh thép nhất, lay động lòng người cao nhất, có sức thuyết phục nhất về tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở các nước thuộc địa. Bút pháp chủ đạo của tác phẩm là bút pháp trào phúng đả kích, mỉa mai, châm biếm sâu cay chiến tranh mà thủ phạm chính là chủ nghĩa thực dân. Những kẻ gây ra chiến tranh đồng nghĩa với những kẻ lừa đảo dối trá:

“Trước năm 1914, họ chỉ là những tên da đen bẩn thỉu, những tên "Annamít" bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta. Ấy thế mà cuộc chiến tranh vui tươi vừa bùng nổ, thì lập tức họ biến thành những đứa "con yêu", những người "bạn hiền" của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé nữa. Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho cái danh hiệu tối cao là "chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do". Nhưng họ đã phải trả bằng một giá khá đắt cái vinh dự đột ngột ấy, vì để bảo vệ cho cái công lý và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào, họ đã phải đột ngột xa lìa vợ con, rời bỏ mảnh ruộng hoặc đàn cừu của họ, để vượt đại dương, đi phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu. Trong lúc vượt biển, nhiều người bản xứ, sau khi được mời chứng kiến cảnh kỳ diệu của trò biểu diễn khoa học về phóng ngư lôi, đã được xuống tận đáy biển để bảo vệ tổ quốc của các loài thuỷ quái. Một số khác đã bỏ xác tại những miền hoang vu thơ mộng vùng Bancăng, lúc chết còn tự hỏi phải chăng nước mẹ muốn chiếm ngôi nguyên phi trong cung cấm vua Thổ, - chả thế sao lại đem nướng họ ở những miền xa xôi ấy? Một số khác nữa thì đã anh dũng đưa thân cho người ta tàn sát trên bờ sông Mácnơ, hoặc trong bãi lầy miền Sămpanhơ, để lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế”[9]. Đoạn văn là tầng lớp các hình ảnh tương phản. Cùng một hình tượng dân bản xứ nhưng trước 1914 và sau đó thì khác hẳn, trước 1914 là “những tên da đen bẩn thỉu, những tên "Annamít" bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn…”. Sau 1914 lại là “những đứa “con yêu”, những người “bạn hiền” của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé nữa”. Thậm chí họ đựơc coi “chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do”. Lại một sự tương phản tiếp theo: “để bảo vệ cho cái công lý và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào”. Họ phải trả giá cho “cái danh hiệu tối cao là "chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do" bằng cái chết thảm thương: “phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu”… Và đặc biệt là sự tương phản gay gắt: “lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế”. Một sự tương phản qua cách nói vòng. Nếu nói thẳng: họ chết để cho các ngài thực dân hưởng lợi thì là nói trắng ra không còn gì là hài hước mỉa mai; phải cho câu văn “vòng vèo” để chêm vào đó những danh từ đáng phỉ nhổ. Ý nghĩa phổ quát từ hình thức tương phản này toát lên một sự thật: sự không thể dung hoà giữa chủ nghĩa thực dân và các dân tộc thuộc địa. Chủ nghĩa thực dân là chiến tranh, là dối trá, là sống trên máu xương của người dân thuộc địa!

Để diễn tả chính sách giả dối tàn bạo của thực dân Pháp thì chỉ những câu văn như thế này mới nói lên được bản chất của vấn đề:

“Ở đây, chúng tôi không nói về những vụ âm m­ưu nổi tiếng trong năm 1908 hay 1916. Lúc đó, nhiều thần dân bảo hộ số đỏ của n­ước Pháp đó được may mắn nếm đủ mùi ân huệ của nền văn minh thực dân hiền hoà trên máy chém, trong nhà tù hay ở những nơi bị đưa đi đày. Những vụ âm m­ưu ấy đã qua lâu rồi, và bây giờ chỉ còn lại những nét ảm đạm trong trí nhớ của ngư­ời dân bản xứ đã héo mòn vì đau khổ”[10]. Những cụm từ mỹ miều: “bảo hộ số đỏ”, “ân huệ”, “văn minh”, “hiền hoà” hoàn toàn trái nghĩa với “máy chém”, “nhà tù”, “đi đày”.

N.T.T


[1]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000,tập1, tr 365, 366.

[2]Sđd.tập 2, tr 62,63.

[3]Sđd.tập 1, tr 54.

[4]Sđd.tập 2, tr 106.

[5]Sđd.tập 1, tr 185.

[6]Sđd.tập 1, tr 229.

[7]Sđd.tập1, tr 365.

[8]Sđd.tập1, tr 86.

[9]Sđd.tập 2, tr 23.

[10]Sđd.tập 1, tr 37.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)