“Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc” - quan điểm đúng đắn trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta

Thứ Năm, 06/06/2024 00:33

. LÊ THỊ HUYỀN
 

Mỗi nền văn hoá trên thế giới đều có bản sắc văn hoá riêng nhằm nhận diện hệ giá trị văn hoá của dân tộc đó trong sự đa dạng của văn hoá nhân loại. Bản sắc văn hoá dân tộc là một yếu tố đảm bảo để văn hóa của từng cộng đồng, từng quốc gia không bị hòa tan, không bị trộn lẫn. Vì vậy, giữ gìn bản sắc văn hoá là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, gắn liền với quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hoá đối với sự phát triển toàn diện đất nước, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định “giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam…”(1) Tính đúng đắn trong quan điểm trên của Đảng được thể hiện ở ba khía cạnh:

Một là, xác định phát triển văn hoá là mạch nguồn xuyên suốt, là cơ sở đảm bảo cho “giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc” trong giai đoạn hiện nay. Trên tinh thần “hoà nhập không hoà tan”, đáp ứng được yêu cầu xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã xác định phát triển văn hoá là trục xuyên suốt, có vị trí ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Đại hội Đảng lần thứ XIII

Bản sắc văn hoá dân tộc là hồn cốt của văn hoá dân tộc Việt Nam, là những gì tinh hoa, tinh tuý nhất, được kết tinh bởi lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Xác định đúng vị trí, vai trò của văn hoá, Đảng ta đã ban hành những nghị quyết có ý nghĩa chiến lược về phát triển văn hoá Việt Nam, thể hiện sự phát triển ngày càng hoàn thiện về tư duy lí luận: từ Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII; Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, đến Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI. Từ việc xác định văn hoá “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội”(2) năm 1998, đến năm 2014 khẳng định “văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”(3) và năm 2016 tiếp tục nhấn mạnh “văn hoá là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”(4). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá”… nhằm “giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam…”(5) bởi “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn.”(6) Điều này xuất phát từ thực trạng quá trình hội nhập hiện nay, văn hóa Việt Nam bên cạnh việc đã tiếp thu nhiều tinh hoa tri thức của nhân loại, đón nhận những ảnh hưởng văn hoá mới, tiến bộ, còn có nhiều nọc độc văn hoá đang âm thầm phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc. Trong khi đó, các thế lực thù địch lợi dụng toàn cầu hóa và chính sách đối ngoại mở cửa của Việt Nam để thực hiện âm mưu phá hoại văn hóa, tư tưởng, thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm tạo ra tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” về văn hóa, tư tưởng. Vì thế, cần đặc biệt chú trọng tới việc “chấn hưng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời gian tới”(7), mà trọng tâm là giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Hai là, xác định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng xây dựng nội dung cơ bản của hệ giá trị văn hoá Việt Nam. Đây là yêu cầu căn bản của việc xây dựng hệ giá trị văn hoá Việt Nam, làm cơ sở chính trong việc “giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc”. Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ, hiện nay nước ta đang ở vào thời kì then chốt của sự phát triển, cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia trên phạm vi thế giới ngày càng gay gắt, các nền văn hoá, các loại hình văn hoá đan cài nhau, các thế lực thù địch đã lợi dụng cơ hội này để thực hiện mưu đồ “diễn biến hoà bình”, tự diễn biến, tự chuyển hoá trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng đối với nhân dân ta. Do đó, việc xây dựng hệ giá trị văn hoá Việt Nam dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tính khoa học, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn sẽ có tác dụng quan trọng trong việc bảo vệ sự thống nhất quốc gia, giữ gìn được đoàn kết dân tộc, xúc tiến xã hội hài hoà, tăng cường sức mạnh tổng hợp, đồng thời sẽ phát huy tác dụng trong việc chống lại sự thẩm thấu và ảnh hưởng của các loại trào lưu tư tưởng xã hội, quan niệm, lối sống không phù hợp từ bên ngoài.

Đảng ta kiên định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng nhưng trên tinh thần: “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.”(8) Lấy lí luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm thống nhất về tư tưởng và hành động, dẫn dắt luồng tư tưởng xã hội đúng đắn, phát huy được đúng công năng thực lực mềm của văn hoá và xác lập được ý thức xã hội tiên tiến, xây dựng bức tường thành văn hoá tư tưởng vững chắc, trong đó hạt nhân bên trong là hệ giá trị văn hoá Việt Nam. Bởi vì: “Một dân tộc nếu mất đi lực chủ đạo văn hoá, thì có nghĩa là mất đi linh hồn, mất đi sức mạnh tinh thần để dựa vào đó mà tụ hội. Một quốc gia nếu trụ cột tinh thần suy sụp, trận địa văn hoá không còn, cảnh giác an toàn văn hoá thấp, lực tụ hội thành viên xã hội sẽ yếu đi…”(9)

Ba là, xác định xây dựng hệ giá trị văn hoá làm trụ cột trong giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Những tác động của quá trình toàn cầu hoá, sự cạnh tranh quốc tế, những thách thức của an ninh phi truyền thống, công nghệ số, xã hội số, văn hoá số… sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển văn hoá và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Do vậy, cần xây dựng hệ giá trị văn hoá nhằm xác định và sắp xếp các giá trị riêng lẻ, liên kết với nhau tạo thành một hệ thống các giá trị có ý nghĩa đối với cộng đồng, bao hàm cả xác định vị trí, tầm quan trọng của từng giá trị trong hệ giá trị đó. Hệ giá trị văn hoá của một nền văn hoá được xác lập dựa trên nền tảng truyền thống văn hoá lâu đời, tính cách dân tộc, tầm vóc văn hoá, nền tảng kinh tế - xã hội, sự giao lưu, giao thoa, tiếp thu phù hợp tinh hoa văn hoá bên ngoài... Văn kiện Đảng lần thứ XIII đã xác định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá…”(10) Quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị văn hoá đặc biệt chú trọng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện bởi con người là chủ thể sáng tạo văn hoá, vừa là khách thể của văn hoá. Chỉ khi con người phát triển toàn diện, có lòng tự tôn, tự hào dân tộc thì mới phát huy và sáng tạo những giá trị văn hoá mang đậm bản sắc của dân tộc và mới có ý thức hoàn thiện chính mình.

Nghiên cứu để xây dựng hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam cần được thúc đẩy mạnh mẽ và cần có biện pháp quảng bá, tuyên truyền trong và ngoài nước để mọi người Việt Nam hưởng ứng, thực hiện. Phải coi đây là việc làm của mọi ban, ngành, của cả hệ thống chính trị, đặc biệt đưa vào giáo dục trong các nhà trường, hướng con người Việt Nam vào việc phát huy các giá trị chung của dân tộc, từ đó tạo nên cốt cách, bản lĩnh riêng của con người và văn hoá Việt Nam. Quá trình ấy cần sự đồng thuận, vào cuộc của mọi người dân nhằm sáng tạo văn hoá mới, bởi lẽ “…phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí, nhân dân là chủ thể sáng tạo.”(11)

Việc xác định đúng vị trí, vai trò của bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng được hệ giá trị văn hoá phù hợp với đặc điểm, điều kiện lịch sử, tâm thức, lối sống của con người Việt Nam, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, “...nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.”(12).

L.T.H

-------------------

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143.

2. Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.36.

3. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu học tập Nghị quyết và một số chủ trương của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.15.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.126.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, sđd, tr.143.

6. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.157.

7. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, sđd, tr.168.

8. Hệ giá trị văn hoá Việt Nam trong đổi mới hội nhập, Kỉ yếu hội thảo khoa học, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2013, tr.127.

9. Hệ giá trị văn hoá Việt Nam trong đổi mới hội nhập, tlđd, tr.127.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, sđd, tr.143.

11. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu học tập Nghị quyết và một số chủ trương của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI, tlđd, tr.16.

12. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, sđd, tr.177.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)