VNQĐ online: Có lẽ không mấy ai còn xa lạ với vùng đất xứ Đoài nổi tiếng tự ngàn xưa về nhiều lĩnh vực như: quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao và văn hóa. Tuy nhiên do những điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau mà những di sản tinh thần do các thế hệ cha ông để lại, cũng như những gì mà các thế hệ con cháu hôm nay đang làm chưa được tập hợp lại, tạo nên một diện mạo mang đặc trưng của một vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nhất là về lĩnh vực văn chương. Sau “Xứ Đoài thơ” là “Xứ Đoài văn” ra đời vừa đáp ứng nhu cầu bảo tồn, lưu giữ những di sản qúy báu ấy, đồng thời còn khẳng định những đóng góp của những người con Xứ Đoài và những ai gắn bó máu thịt với vùng đất cửa ngõ phía Tây thủ đô Hà Nội về lĩnh vực văn chương.
Lễ giới thiệu sách “Xứ Đoài Văn”, do Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống và Hội Liên hiệp VHNTHN tổ chức mới đây đã diễn ra tại trụ sở Hội, 19 - Hàng Buồm- Hà Nội. Cầm trên tay cuốn sách bìa cứng, giấy trắng, in ấn mạch lạc, tôi thực sự ngạc nhiên và trân trọng. Tập sách dày gần 1.000 trang, gồm 52 tác giả, được chia làm 2 phần. Phần I/ Từ thời trung đại đến 1930, có 15 tác giả, mở đầu là Nguyễn Phi Khanh và kết thúc là Tản Đà. Ở phần này các nhà biên soạn sắp xếp theo thời gian xuất hiện của tác giả. Chẳng hạn như Nguyễn Phi Khanh (1355- 1428); Phan Huy Ích (1751- 1822) và cuối cùng còn Tản Đà (1889- 1939). Như vậy phần văn chương cổ trải dài hơn 5 thế kỷ; Phần II/ Từ 1930 đến nay, có 37 tác giả. Ở phần này không xếp theo lịch đại mà xếp theo thứ tự vần ABC, mở đầu là Tạ Duy Anh, kết thúc là Phượng Vũ.
Đây là hướng làm sách khá khôn khéo, vì tác giả văn chương cổ thì nên trọng cách “kính lão đắc thọ”. Còn đối với tác giả hiện đại thì chọn lối xếp theo vần tên chữ cái tác giả ABC sẽ tránh được sự hiểu lầm người trước, kẻ sau thành ra chuyện đánh giá xếp hạng, rách việc lắm.
Ở phần II, với sự góp mặt của các nhà văn tên tuổi như Tô Hoài, Quang Dũng, Trần Đăng, Nguyễn Kiên, Nguyễn Hiến Lê, Hồ Phương, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Quang Thiều,…nói lên một điều rằng Xứ Đoài không chỉ trước đây, mà ngay thời hiện đại cũng là mảnh đất hội tụ nhiều cây bút có tên tuổi trong làng văn chương Việt Nam. Cũng vì thế hy vọng cuốn sách sẽ đem đến cho công chúng những trang văn có giá trị về tư tưởng và thẩm mỹ.
Cũng cần nói thêm rằng đối với các tác giả văn chương cổ, việc tìm kiếm tư liệu đã khó, việc chọn được tư liệu tin cậy lại càng khó hơn, vì ở xứ ta chuyện gì mà chẳng có “tam sao thất bản”. Vì thế, chắc chắn rằng sẽ có những tác phẩm được tuyển chọn trong “Xứ Đoài văn” chưa hẳn đã là tác phẩm hay và có giá trị nhất đối với một tác giả văn chương cổ nào đấy. Do hạn chế nguồn tư liệu, vì công tác lưu trữ của chúng ta còn nhiều bất cập, hạn chế, rồi đến quan niệm, năng lực thẩm định tác phẩm, gu thẩm mỹ, ngôn ngữ văn bản học cũng như thời gian vật chất mà các nhà biên soạn dành cho công việc đầy khó khăn vất vả này không được là bao.
Ngay cả đối với tác giả hiện đại từ 1930 đến nay, nhóm biên soạn đã nhường quyền lựa chọn tác phẩm của mình đối với những người hiện còn sống và viết được. Nhưng ngặt một nỗi là tác giả bao giờ cũng chọn cái mình thích, tâm đắc và mình cho là hay, chứ không hẳn là cái bạn đọc cần. Độ vênh ấy đặt ra cho những người biên soạn không ít khó khăn. Lại ngặt thời gian ngắn ngủi, kinh phí hạn hẹp mà đội ngũ tuyển chọn lần cuối lại ít, những người tham gia nhóm biên soạn lại toàn là các nhà thơ, làm sao tránh khỏi những khiếm khuyêt chỗ này chỗ khác,... Nhưng cứ ra được một cuốn sách như thế này, trong thời buổi hiện nay là quí lắm rồi.
Một tập hợp văn chương, dù những người đảm trách có cố gắng đến đâu cũng không thể tránh hết được điều này, tiếng nọ. Ngay cả cái nốt ruồi trên gương mặt một mỹ nhân vẫn có người khen, kẻ chê. Âu đấy mới là cuộc sống. Đáng sợ nhất là chẳng ai thèm ngắm nốt ruồi kia, cũng như chẳng bàn đến “Xứ Đoài văn”.
Đáng quí là, cuốn sách có thể đem đến cho mỗi người một thú vị bất ngờ khác nhau. Ấy chính là việc có những tác phẩm, tác giả lần đầu xuất hiện, được giới thiệu một cách trang trọng trong một tập hợp tác phẩm bề thế như thế này, nhất là đối với những tác giả văn chương cổ. Ngay cả những tác giả hiện đại, có những tác phẩm vẫn nằm yên trong di cảo cá nhân, vì những lý do nào đấy mà không thể hoặc chưa hề được xuất hiện.
Vậy chăng ta nên trọng khâu tìm tòi, khám phá tác phẩm hơn là việc chọn ai, chọn cái gì và chọn như thế nào, chỉ biết rằng những tác phẩm được đưa vào trong cuốn sách đều thuộc loại “văn chương sạch” có lợi cho sức khỏe tinh thần của mọi người, thay vì không may vớ phải những loại “văn chương nhiễm khuẩn”, vì chuộng lạ mà ních vào có khi phải đi cấp cứu vì bị “ngộ độc” thì khốn.
Được biết, đây mới là tập 1 của “Xứ Đoài văn”, các nhà làm sách đang triển khai tập 2 của bộ sách, những mong quy tụ một cách đầy đủ hơn những gương mặt văn nhân xứ Đoài, mà vì một vài lý do nào đấy chưa kip được góp mặt ở trong tập Một. Âu đấy cũng là cách khẳng định vị thế của một vùng đất văn chương hùng hậu nhất nhì cả nước.
Đỗ Ngọc Yên