Văn nghệ Quân đội số 909+910 (Tết Kỷ Hợi)

Thứ Tư, 16/01/2019 14:41

Văn nghệ là phải đẹp. Văn nghệ Quân đội lại càng phải đẹp. Lời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trả lời người con trai khi con ông còn thơ bé cũng là lời giải thích vì sao các nhà văn của Quân đội lại được ưu ái cấp cho ngôi biệt thự đẹp nhất nhì Hà Nội để ngôi đền văn sau này gắn với tên gọi “Nhà số 4” thân thương đong đầy kỉ niệm với văn nghệ sĩ cả nước. Nhiều câu chuyện cảm động về Đại tướng - nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam với các văn nghệ sĩ Quân đội đã được ôn lại trong dịp Tết Kỷ Hợi qua hồi tưởng của con trai ông - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong cuộc trò chuyện với các nhà văn Văn nghệ Quân đội cùng nhiều trăn trở với công tác văn hóa văn nghệ, với đội ngũ văn nghệ sĩ toàn quân hôm nay. Cuộc gặp thân tình ấm áp giữa vị Thứ trưởng với các nhà văn Nhà số 4 đã mở đầu cho ấn phẩm đặc biệt chào Xuân Kỷ Hợi của Văn nghệ Quân đội.

Ở mục Trò chuyện cuối tháng bạn đọc sẽ được gặp gỡ với Đạo diễn, NSƯT Trần Lực. Ai đó đã nói, đi đến tận cùng dân tộc sẽ gặp nhân loại, Trần Lực đã chọn lối đi ấy để lặn sâu vào các loại hình nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo, lẩy ra các đặc trưng, cái hồn cốt, cái tinh túy mang đậm bản sắc để tái hiện lại trên sân khấu kịch nói theo phương pháp Ước lệ - Biểu hiện, phương pháp mà các đạo diễn thế giới cũng thường vận dụng quen thuộc cho các vở diễn để chinh phục khán giả. Không chỉ dừng ở đó, Trần Lực tiếp tục lần đầu tiên dựng kịch phi lí nghịch dị trên sân khấu kịch Việt Nam, trong dịp Tết Nguyên đán, công chúng yêu kịch Thủ đô sẽ được thưởng thức vở diễn Nữ ca sĩ hói đầu của Ionesco - ông trùm kịch phi lí của Pháp, điều thú vị là vở kịch cũng được dựng bằng phương pháp Ước lệ - Biểu hiện đậm chất Á Đông, gần gũi với khán giả Việt Nam.

Phần Văn xuôi có sự góp mặt của các nhà văn Ma Văn Kháng, Thu Trân, Chu Lai. Cùng với đó, Lửa Mới tiếp tục thắp lên những ngọn ấm áp trong tiết xuân bằng các sáng tác của Hữu Phương, Triều La Vỹ, Nguyễn Thị Lê Na - những tác giả đã bám sát ngay từ chặng đầu cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội.

Những rung cảm trước mùa xuân, những cảm hứng thế sự, thế thái nhân tình, cảm hứng về đất nước, dân tộc là điều thường bắt gặp ở thơ, nhất là ở thời điểm năm cũ khép lại, năm mới mở ra với những tên tuổi như nhà thơ Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Thi Hoàng, Phan Vũ, Vương Trọng, Lê Thành Nghị… Bạn đọc sẽ bắt gặp những thi hứng gắn với tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc, như cảm hứng dạt dào của nhà thơ Anh Ngọc trước tình yêu bóng đá, thứ tình yêu trong sáng, nhiệt thành và hào sảng đã được những cầu thủ đội tuyển Quốc gia Việt Nam thổi bùng lên trong trái tim chín mươi triệu dân trong năm qua. Tôi bâng khuâng gặp lại những khung thành/ Cây cột gỗ như người không có tuổi/ Bao mưa nắng đọng đầy trong mắt lưới/ Sân cỏ nằm nhớ những bàn chân/ Để bây giờ như một tấm gương/ Những chàng trai đến soi mình trước cỏ. Văn nghệ Quân đội số này sẽ giới thiệu một gương mặt thơ miền Trung, tác giả Phạm Tấn Dũng, một người Quảng Nam, người coi thơ như thứ quà tặng của trời, là trò chơi của sự tự do hoang tưởng. Thơ trong những tập thơ giới thiệu gương mặt thơ nữ đã trở nên quen thuộc với bạn đọc, Nguyễn Thúy Quỳnh với những câu thơ “thoát khỏi sự lệ thuộc vào vần điệu, cấu tứ thường thấy” để trở nên “tự tại, đẫm vị nhân sinh” như cảm nhận của Lý Hữu Lương - người chọn và giới thiệu tập Hai phía phù sinh.

Ở phần Bình luận văn nghệ, nhà phê bình Bùi Việt Thắng sẽ cùng bạn đọc du khảo qua những trang văn Nguyễn Minh Châu để tìm ra “hương vị xuân, tết” như một thẩm thấu và tái hiện tự nhiên ở nhà văn mà những tác phẩm để lại của ông đều thấm đẫm cảm hứng nhân văn và mối quan hoài da diết với con người, cuộc đời. Nhà văn cũng là người tạo ra những kí hiệu thẩm mĩ, là người tạo ra những “mã” để bạn đọc và nhà phê bình giải cũng như đi tìm cách giải. Mùi hương (hữu hình và vô hình) được tác giả Lê Thị Hường coi như một kí hiệu thẩm mĩ để mổ xẻ qua một số tác phẩm văn học Việt. Tác giả Mai Anh Tuấn cũng có bài nhìn lại thể du kí trong vài năm qua, tưởng như đã lắng lại sau những ồn ào thì theo nhìn nhận của tác giả, thể kí vẫn đang lặng lẽ làm mới thể loại bằng cách tự pha trộn, tạo ưu thế níu kéo độc giả.

Hướng tới kỉ niệm 75 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019), Văn nghệ Quân đội số này cũng trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, người vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào tháng 3/1961.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số Tết Kỷ Hợi dày 200 trang với 60 trang màu sẽ có trên sạp và đến với bạn đọc từ 20/1/2019.

 

Văn

VNQĐ

Nghệ thuật đích thực phải nâng đỡ tâm hồn con người

Ma Văn Kháng

Tàu xuyên Việt

Nguyễn Luân

Xuân về nơi con sông chảy ngược 

Chu Lai

Mất

Thu Trân

Giải thưởng cống hiến trọn đời

Triều La Vỹ

Hoàng Mai tửu 

Phan Trung Nghĩa

Quà tết

Hữu Phương

Chuyện sực nhớ ở ấp Sơn Khê

Nguyễn Thị Lê Na

Vùng rừng sáng

Nguyễn Xuân Thủy

Đạo diễn, NSƯT Trần Lực: Không đồng hành với khán giả, nghệ sĩ sẽ bị bỏ rơi

 

Thơ

Hữu Thỉnh

Chùm thơ ngắn

Vũ Quần Phương

Hiện vật

Nguyễn Đức Mậu

Chùa chưa xây xong

Anh Ngọc

Trời xanh trên cỏ xanh

Thi Hoàng

Lạc cảm

Phan Vũ

Thời gian

Vương Trọng

Trên đá

Lê Thành Nghị

Cổ tích ngày ngâu

Trần Anh Thái

Những dấu chân

Lê Huy Quang

Giao thừa

Nguyễn Hữu Quý

Chép lại bầu trời

Lý Hữu Lương

Một khúc niệm này riêng cõi trần ai (Đọc Hai phía phù sinh của Nguyễn Thúy Quỳnh)

Pờ Sảo Mìn

Có một vầng trăng tròn treo hai đỉnh núi

Nguyễn Thanh Kim

Mùa xuân quan họ

Hồ Minh Tâm

Cỏ thay em nằm xuống cạnh anh

Lương Tử Đức

Tấm áo im lặng mới

Nguyễn Trọng Văn

Bức họa Hải Phòng

Vi Thùy Linh

Tháng Mười hai

Đặng Nguyệt Anh

Mộc Châu đêm Lễ hội Mèo

Lê Huy Mậu

Rằm xuân

Trần Quang Quý

Đêm Cúc Phương 

Nguyễn Việt Chiến

Cờ người 

Mai Văn Phấn

Trồng rau 

Hồng Thanh Quang

Và buồn thật, như chưa bao giờ thế 

Hữu Việt

Đêm ở bản Pom Coọng 

Đoàn Hữu Nam

Con đường từ những núm nhau 

Thái Nam Anh

Đuổi theo 

Phạm Hồ Thu

Giấc sâm cầm  

VNQĐ giới thiệu thơ Phạm Tấn Dũng

Quê hương; Bóng núi; Thôi về 

Người Biên Tập

Mùa xuân thầm nói điều gì 

Phan Thị Thanh Nhàn

Huế yêu 

Võ Sa Hà

Vọng thơ xuân 

Đỗ Thị Tấc

Tháng Một 

Nguyễn Quang Hưng

Dương Kiều Minh lòng hồ 

Nguyễn Minh Cường

Chiều cuối năm làng lụa 

Lê Tấn Lộc

Mưa trong rừng đước Cà Mau 

Huỳnh Thúy Kiều

Mùa xuân châu thổ

Phạm Vân Anh

Phiên xuân

 

Văn học nước ngoài

Vladimir Vladimirovich Nabokov

Cho tuổi trẻ của tôi; Hành trình; Tiếng êm (Nguyễn Thị Thúy Hạnh dịch từ bản tiếng Anh) 

 

Bình luận văn nghệ

Lê Khả Phiêu

Nhớ Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu 

Ngô Vĩnh Bình

Đến Quy Nhơn về thăm vạn Gò Bồi 

Lê Thị Hường

Mùi hương - kí hiệu thẩm mĩ trong văn xuôi đề tài lịch sử 

Bùi Việt Thắng

Hương vị xuân, tết trong những trang văn Nguyễn Minh Châu 

Khánh Huyền

Lịch tết - nơi thời gian hòa quyện với hồn dân tộc 

Trần Đăng Khoa

Không chỉ là kí ức 

Mai Anh Tuấn

Du kí: Nhìn lại vài năm qua 

Nhật Chiêu

Zeami và sân khấu của U Huyền 

Đỗ Anh Vũ

Phiếm luận về lợn trong văn học Việt Nam 

Đỗ Thị Thu Thủy

“Chú ỉn” trong mĩ thuật Việt Nam hiện đại 

 

Mĩ thuật, ảnh

Bìa 1: Xuân phương Nam Ảnh: Nguyễn Vinh Hiển

Phụ bản 1: Ảnh của Vũ Anh Dũng

Phụ bản 2: Tranh của họa sĩ Lê Huy Văn

 

VNQD
Thống kê