VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Bâng khuâng nhớ (HẢI HỒ)

Thứ Hai, 03/10/2011 09:22

Thấm thoát đã 40 năm, nhẩm tính số người làm biên tập, hành chính trị sự của số tạp chí đầu tiên tháng 1 năm 1957 độ khoảng 20 người. Vâng! Chỉ ngần ấy thôi mà đến nay đã hơn phần ba vĩnh biệt chúng ta tới cõi vĩnh hằng. Tám người đã cùng chúng tôi rộn rã bàn luận vui sướng chuyền tay nhau số tạp chí đầu tiên vừa ra lò từ nhà in chuyển về tòa soạn còn thơm mùi mực mới.

Nó là đứa con đầu lòng sinh ra từ nhà số 4 Lý Nam Đế. Nó như quả bói mùa đầu của cây Văn nghệ quân đội nay đang xum xuê vững trãi sau 480 lần đơm hoa kết trái. Số báo đầu ấy với cái bìa dung dị do họa sĩ Mai Văn Hiến trình bày, màu nâu nhã nhặn vẽ cảnh mấy anh bộ đội đứng quanh chiếc lồng chim, con sáo trong lồng như đang nhảy nhót. Nay mỗi lần nhớ lại cái không khí rộn rã háo hức của ngày có số báo đầu tiên ấy tôi nhớ nhiều đến tám người đã ra đi. Đi xa, xa mãi mãi. Đấy là các anh: Thanh Tịnh, Nguyễn Ngọc Tấn, Tạ Hữu Thiện, Phùng Quán, Hà Mậu Nhai, Doãn Trung, Nguyễn Trọng Oánh, Phác Văn.

Thời gian nhịp nhàng đều đều lặng lẽ chuyển vần mà vút nhanh kỳ lạ. Điểm lại số người khởi đầu của tạp chí, ngoài tám người đã mất, cho tới hôm nay duy nhất có đúng một người đang lĩnh lương ở tạp chí. Đấy là nhà văn Hồ Phương. Còn lại lần lượt đã nghỉ hưu hoặc chuyển ra các cơ quan văn học nghệ thuật, xuất bản báo chí trung ương và các tỉnh. Hầu hết cũng đã nghỉ hưu nay chỉ còn đúng ba người. Ấy là anh Văn Phác – Chủ nhiệm đầu tiên của tạp chí và hai nhà văn Hữu Mai, Nguyên Ngọc hiện đang ở Hội nhà văn.

Còn nhớ từ số tạp chí đầu lòng cho tới số tháng 4-57 vẫn chỉ phát hành trong nội bộ quân đội. Mãi đến số tháng 5-57 mới phát hành công khai, chính thức chen vai thích cánh cùng báo chí văn học nghệ thuật toàn quốc. Số báo trình làng ấy do họa sĩ Huy Toàn trình bày, bìa màu xanh vẽ cảnh bộ đội hành quân dưới trăng đêm, nom hùng tráng, thi vị. Số báo trình làng ấy có thêm tờ quảng cáo in rời vẽ cô văn công chít khăn mỏ quạ, áo dải tứ thân, khăn lụa hoa đào hoa lý mớ bảy mớ ba, cầm quạt như đang hát mời bạn đọc.

Ngày ấy báo phát hành toàn quốc có nghĩa là toàn tòa soạn phải lao vào cuộc cạnh tranh độc giả, lo sao số lượng ngày một tăng thêm. Bởi lẽ hồi ấy không chỉ có báo chí xuất bản quốc doanh mà còn có cả báo chí xuất bản ấn phẩm do tư nhân phát hành nữa. Thuở đó chúng tôi còn trẻ lắm. Chúng tôi viết và làm việc với tư cách, dáng vẻ người cán bộ trung sơ cấp trong quân đội, nào mấy ai dám tự nhận là nhà văn trừ các anh Thanh Tịnh,Vũ Cao, Từ Bích Hoàng. Các cán bộ ở trong thành thường gọi chúng tôi là lớp cán bộ làm văn, làm báo trẻ. Thảng hoặc có ai vui miệng thân tình gật gù: “Chào nhà văn”. Chúng tôi đều khiêm nhường trả lời: “Chỉ mới là “lều văn” thôi ạ”. Chúng tôi làm đủ mọi việc của tòa soạn. Ai cũng biết chữa morat, biết thành thạo mọi ký hiệu, cách thức ghi vào bản in thử biết các cỡ chữ của ngành in. Rồi đi bán báo, rao hàng. Chia nhau đi các tỉnh. Ai đi tỉnh nào chủ nhiệm Văn Phác giao luôn: - Phải đạt số lượng độc giả mua dài hạn!

Vậy là ba lô lên vai ra ga nhảy tàu đi luôn. Đến nơi lo bàn với bưu điện, với phát hành sách báo địa phương, xông đến các trường phổ thông nói chuyện, cổ vũ, tìm tới hiệu sách tư nhân, tập hợp các bác bán báo rong động viên, khích lệ, mách nước cách rao bán tạp chí Văn nghệ quân đội sao cho hấp dẫn. Tối tối đến rạp chiếu bóng đưa kính ảo đăng quảng cáo Văn nghệ quân đội nhờ họ chiếu lên màn ảnh trước giờ chiếu phim. Công việc này người tài ba nhất là anh Doãn Trung. Còn nhớ ngày ấy anh nhận hai tỉnh miền trung du Việt Trì - Phú Thọ với số lượng 2000 số. Vậy mà chả biết anh dùng phép lạ nào chỉ hơn một tuần đã điện về tòa soạn vượt số lượng yêu cầu. Còn tôi với Nguyên Ngọc được phân về Hải Phòng – vùng đô thị thứ hai ở miền Bắc – mà loay hoay trì trật hàng nửa tháng trời mới nuốt nổi 1000 số. Phải đâu chúng tôi có mải rong chơi. Lo lắm chứ!... Có hôm hai đứa ra ngồi ghế đá ngoài vườn hoa cứ hỏi nhau: “Làm cách nào nữa nhỉ? Đến đâu tuyên truyền cho thêm số lượng nhỉ?”. Nghĩ chẳng ra đành kéo nhau đi ăn bánh tôm và uống nước mía vậy. Thuở đó chúng tôi như thế đấy! Rất biết lo mà cũng rất vui. Tuổi trẻ mà! Đúng! Tạp chí Văn nghệ quân đội rất trẻ. Báo trẻ, cơ quan trẻ, đa số là những chàng trai chưa vợ. Hai người trẻ nhất lúc đó là Phùng Quán, Nguyên Ngọc, mới 25 tuổi. Chủ nhiệm Văn Phác 29 tuổi. Người nhiều tuổi nhất, già nhất trong cơ quan văn học nghệ thuật dọc phố Lý Nam Đế là anh Thanh Tịnh cũng chỉ 46 tuổi. Thứ đến hai anh Vũ Cao – Từ Bích Hoàng mà chúng tôi đều coi là bậc đàn anh cả về tuổi đời và tuổi nghề. Hai anh đều 35 tuổi, tính ra còn thua Trần Đăng Khoa ba tuổi, người trẻ nhất cơ quan tạp chí hiện nay. Còn lại đông đảo lớp rong rong chúng tôi đều trứng gà, trứng vịt trên dưới nhau một vài tuổi và chưa ai bị liệt vào loại “Ông ba mươi” theo cách nói của các cô gái Hà Nội thời ấy.

*

* *

Nghề làm báo chí, dù báo thông tấn hay báo văn chương ai mà chả quen với việc ứng phó “chữa cháy” nhất là khi xuất hiện tình thế bất ngờ. Báo in xong buộc phải cấp tốc bóc bài, thay bài, thêm bài. Lẽ thường của nghề báo mà. Ai làm biên tập chẳng phải trải qua đôi ba lần vất vả ngặt nghèo ấy.

Với tạp chí Văn nghệ quân đội nhớ nhất cũng là lần duy nhất báo in xong sắp chuyển đi phát hành mà phải cấp tốc thay đổi hầu như toàn bộ số báo. Đó là số tháng 9 năm 1969. Vâng! Đầu tháng chín những ngày mưa tầm tã. Tối mồng 1 tháng 9 vào lúc 9 giờ toàn biên tập, sáng tác được triệu tập đến tòa soạn gấp. Anh Vũ Cao vừa lên nhận chỉ thị ở trên về phổ biến cho chúng tôi tin đau buồn nhất trên đời. Bác Hồ khó qua khỏi. Hiện Bác đang trong cơn nguy kịch, trầm trọng lắm! Chúng ta phải cấp tốc chuyển nội dung số tháng 9 này phù hợp với tình hình. Các đồng chí viết ngay. Từ ngay bây giờ đến hết ngày mai phải viết ngay. Mỗi người một bài: thơ hoặc bút ký, tùy bút, truyện, v.v… toát lên nỗi niềm tâm sự của chúng ta ơn sâu nghĩa nặng như Bác. Đây là số tạp chí Văn nghệ quân đội để tang Bác. Thôi, giải tán, bắt tay vào việc ngay! Chẳng ai bảo ai chúng tôi đều vào việc ngay tắp lự. Có người ở lại luôn tòa soạn, vào phòng mình, bật đèn suy tư, trăn trở và gửi gấm lòng mình vào trang viết. Người đội mưa về nhà và cũng ngồi ngay vào bàn. Thật kỳ lạ! Trong tâm trạng đau buồn, nỗi niềm mất Bác chúng tôi đều nộp bài đúng hạn. Chỉ trong vòng một đêm một ngày nội dung số báo tháng 9-69 đã hoàn tất. Khâu in ấn cũng xong rất nhanh, tạp chí ra đúng thời hạn phát hành như mọi tháng. Kỳ lạ và đáng nhớ lắm chứ!

*

* *

Nhà số 4 Lý Nam Đế chẳng những hấp dẫn với các cộng tác viên, các văn nghệ sĩ từ lớp tiền chiến đến lớp kế tiếp, mà Văn nghệ quân đội cũng thường hay được một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của quân đội tới chơi. Tôi dùng từ chơi với ý những lúc rảnh việc, lúc nghỉ ngơi hay tạt vào với anh em tòa soạn, ngoài những lần kỷ niệm, có lễ lạt, đến để tham dự, động viên và chỉ thị công tác. Người hay đến nhất là đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Đến bất ngờ và không báo trước, với bộ bà ba nâu, rất nông dân, rất dung dị. Những bài mà tạp chí Văn nghệ quân đội viết về tòa soạn đăng hoặc phỏng vấn đồng chí Thanh đều không phải ở hội trường Tổng cục Chính trị mà chính là tại ngay tạp chí, trong căn phòng đồng chí Văn Phác khi đại tướng đến chơi. Như bài: “Viết về cái mới, Thế nào là mới hoặc Chống chủ nghĩa cá nhân”. Còn nhớ một lần không báo trước đồng chí Thanh lững thững cuốc bộ đến chơi. Ngày đó đường Lý Nam Đế còn có trạm gác ở hai đầu. Muốn vào Văn nghệ quân đội phải qua trạm ở ngay đầu nhà số 2. Thấy một người quần áo nâu sang, rất nông dân muốn vào thăm Văn nghệ quân đội, chiến sĩ gác hỏi giấy tờ. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh lục túi nói: “Mình không có giấy chứng chỉ chi cả!”

- Thế thì không được! Bác muốn gặp ai, tý nữa có ai qua tôi nhắn cho.

- Ồ! Thế nhờ đồng chí nhắn tôi là Nguyễn Chí Thanh muốn gặp thủ trưởng Văn Phác của tạp chí Văn nghệ quân đội. Chỗ số 4 gần kia.

Biết tin, anh Văn Phác vội chạy ra đón và mời lên phòng chủ nhiệm. Chúng tôi ùa theo sau và cùng theo lên gác. Hồi đó anh Thanh vừa viết mấy bài vè “Chống chủ nghĩa cá nhân” đăng báo Quân đội nhân dân. Vừa bước lên cầu thang, anh nói: “Chống cái gì, chống thứ gì đều phải chống từ trên xuống dưới. Ví như các cậu quét cầu thang này. Ai mà lại đi quét từ bậc dưới quét ngược lên. Vậy sao sạch hết rác rưởi. Phải quét từ trên quét xuống chứ! Phàm làm việc gì cũng vậy. Đầu đi đuôi mới lọt”.

Câu nói đó hẳn ai trong tòa soạn có mặt hôm đó chắc đều nhớ hết. Thật là dung dị, thật chí lý và cũng rất kinh điển. Rất đúng với mọi nơi, mọi lúc, mọi chốn trên thế gian này. Lúc ra về anh Thanh còn nói đùa – “Giờ Văn Phác phải đưa mình ra, kẻo trạm gác bắt phải quay vào thì mình gay!”

Lại nhớ vào một dịp Tết. Đó là tối mồng một không biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi chúc Tết hoặc mừng xuân ở đâu về ngang qua nhà số 4 Lý Nam Đế. Thấy đèn các phòng sáng trưng, lại vẳng tiếng nhạc dặt dìu bài “Đa-nuýp xanh”, Đại tướng bảo dừng xe và nói với mọi người: “Ta ghé vào Văn nghệ quân đội xem họ ăn Tết! Nhạc hay thế, chắc vui…”.

Mọi người vào. Phòng khách sáng trưng. Trang trí cành đào rất to. Trên bàn bày đủ mứt kẹo. Cả rượu nữa. Ngoài thềm xác pháo đỏ lung. Nhưng vắng vẻ chẳng có một ai. Ngắm nghìn cành đào nở thắm, đồng chí Giáp báo bí thư: “Cậu lên gác xem. Chắc họ đang mải vui!”.

Đồng chí bí thư lên gác thấy phòng nào cũng bật đèn sáng trưng và đều vắng vẻ không người. Tới phòng cuối cùng, nơi phát ra tiếng nhạc liền gõ cửa. Khi cửa mở chỉ có mỗi nhà văn Hà Mậu Nhai với cái máy quay đĩa mở to hết cỡ. (Cái máy này của hãng Suprafon do đồng chí Nguyễn Chí Thanh thăm hữu nghị với Tiệp Khắc, họ tặng đồng chí liền cho luôn tạp chí Văn nghệ Quân đội với mấy chục đĩa nhạc classique.)

- Ôi! Có mình anh thôi à?

Hà Mậu Nhai cười:

- Anh em về ăn Tết với gia đình. Tui miền Nam tập kết nên xung phong trực Tết luôn. Cơ quan vắng hoe! Nhớ quê thúi ruột! Tui bật nhạc, mở đèn cho nhà rôm rả với hàng phố.

Khi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới đang chờ dưới phòng khách, Hà Mậu Nhai “Chui cha” một tiếng, rồi cùng đồng chí bí thư chạy vội xuống. Ngày hôm sau anh em đến tòa soạn, Nhai khoe:

- Tết này mình có lộc lớn dữ. Một mình tiếp Đại tướng.

- Đại tướng có nói gì không?

- Không! Ổng khen cành đào nhà ta đẹp.

Sau buổi ấy ai cũng tiếc. Nhiều nơi ước mong được đón tiếp Đại tướng đến mừng năm chẳng được. Tạp chí mình lại bỏ lỡ dịp may đầu xuân hiếm có.

Đồng chí Lê Quang Đạo cũng là người hay đến với tạp chí. Có lần sau kỳ vào chiến trường ra, một buổi chiều đồng chí ra chơi. Lúc đó anh Thanh Tịnh thường hay ở căn buồng nhỏ phía đầu tầng dưới. Câu đầu tiên anh hỏi:

- Vậy chứ đồ cổ của anh đâu hết rồi!

- Thưa anh! Vẫn nguyên xi ở phòng cũ! Dưới này lại toàn kỷ vật thắng Mỹ thôi ạ.

Nói xong anh Thanh Tịnh say sưa giới thiệu từ quả bom bi, quả dứa, quả ổi đến chiếc lược, cái điếu cày thuốc lào bằng xác máy bay Mỹ. Cả những hòn cuội, viên đá anh lấy ở dọc suối hoặc dọc nơi trận địa pháo.

Anh Đạo cười:

- Ở mặt trận nhiều hôm tôi nhớ Văn nghệ quân đội. Nhớ những lúc đến chơi nghe anh kể về lai lịch các kỷ vật đồ cổ. Nay từ mặt trận về đến thăm tòa soạn lại được xem những kỷ vật thắng Mỹ với lời dẫn giải rất là Thanh Tịnh.

- Dạ! Tại chúng nói nói cho ta quay lại thời kỳ đồ đá nên tôi muốn sưu tầm tang vật chiến bại của nó làm chứng cứ để xem ai đá ngã ai, ai làm cho vũ khí hiện đại hóa thành đất đá.

Văn nghệ quân đội chúng tôi có anh Thanh Tịnh nhà văn duy nhất thuộc lớp tiền chiến gắn bó suốt đời với quân đội với tòa soạn. Người kể chuyển, nói chuyện rất nên duyên, rất hài hước, rất hấp dẫn với mọi người, mọi lứa tuổi, mọi vị thế xã hội. Các đồng chí lãnh đạo yêu mến lui tới thăm chơi nhà số 4 Lý Nam Đế hẳn nửa phần do mến yêu nhà văn đầu đàn của Văn nghệ quân đội chúng tôi.

*

* *

Hôm nay, nhà số 4 khang trang hơn xưa nhiều. Hội trường rộng. Phương tiện làm việc, mọi tiện nghi nội thất sang đẹp. Cái hay là dáng vẻ mặt tiền của ngôi nhà vẫn nguyên si như xưa. Vẫn cây đại già nua trầm mặc. vòm cửa, mái ngói, màu tường nguyên hình thuở thời có nó. Êm đềm, lặng lẽ ấp ủ nhiều kỷ niệm khó thể phai mờ. Bốn mươi năm, thế hệ nối tiếp thế hệ đã tiếp sức xây dựng. Tạp chí Văn nghệ quân đội, tờ tạp chí có chiều dài lịch sử, độ dày vững chắc, rất sáng giá trong làng báo chí, văn chương. Ngôi nhà số 4 hiển nhiên trở thành một địa danh văn hóa rất quen thuộc với bộ đội, với nhân dân. Rất thân quen với anh em bè bạn công tác văn học và nghệ thuật cả nước.

HẢI HỒ

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)