Văn xuôi  Tác giả & tác phẩm

Nhà văn VŨ XUÂN TỬU và truyện ngắn "Người sông nước"

Thứ Bảy, 30/06/2018 00:16
truyen ngan hay tac gia tu chon
 
vu xuan tuu nvtphcm Năm 2001, tôi viết truyện ngắn Cánh chân sào. Sau đó, viết tiếp Yếm thắm và Con chim lửa. Đến năm 2005, dự trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà văn Sương Nguyệt Minh góp ý, hợp lại thành ba truyện liên hoàn, lấy tên chung Người sông nước.
Mười lăm năm qua, truyện ngắn này đã được đăng tải trên hai mươi sách, báo, tạp chí và đài phát thanh.
Bối cảnh truyện lấy từ làng quê tôi, chỗ Cầu Gián, bên hữu ngạn sông Hoàng Long, thuộc xóm Ninh Tân, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

 
                Nhà văn VŨ XUÂN TỬU
Cánh chân sào
 
Nhà tôi ở bên sông.
Con sông quê tôi mênh mênh mang mang. Bọn trẻ chúng tôi hay ra bờ sông, ngắt những cuộng hành trong vườn, để thổi kèn te te và chờ xem tàu guồng chở khách ngược qua nhà. Tàu chạy qua, sóng đánh dập dềnh bến nước, những bàn chân lẫm chẫm, sóng táp ướt cả đũng quần, không dám về nhà, phải rủ nhau chạy dọc bờ sông cho gió thổi, quần se se khô mới dám về, sợ bị thầy bu đánh cho. Thầy bu đánh không phải vì nhẽ áo khô quần ướt, mà là không ăn nhời, tự lội bến sông, thế nào cũng có ngày thuồng luồng nó bắt đưa về thủy cung. Thủy cung thì toàn nước là nước, người không thở được đâu!

Lớn lên tôi đi làm chân sào.
Suốt ngày đi đi lại lại trên be thuyền, hai tay cầm sào hóp lên nước nhẵn bóng, vai tì đẩy sào. Bột sào chọc vào bên bờ sông, nom như những mà cua, lỗ chuột. Khi mới vào nghề lóng ngóng, cắm sào vào vở mà không rút ra được, thuyền cứ trôi băng băng, thế là lăn tùm xuống nước. Cánh chân sào ngã xuống nước là chuyện thường, nhưng các tay anh chị cười hô hố, tôi xấu hổ, mặt đỏ lựng như da bàn tay cầm sào vậy.

Cánh chân sào nay đây mai đó. Hôm nay ở Xanh, Vệ, Bợi, thì mai đã Gián, Khuất, mốt ngược Đầm Đa, Chi Nê... suốt ngày những sông nước là sông nước.

Chủ thuyền bảo:
- Mày nháy chúng nó, hôm nay cướp bến!
Thế là chúng tôi hò nhau dừng lại nấu cơm ăn. Các thuyền bạn cũng dừng chèo, vạ vào bờ nấu cơm. Nhưng kì thực, bà vợ chủ thuyền chúng tôi đã nấu cơm rồi. Thế là chúng tôi buông chèo, cắm sào và vội bát cơm. Tôi to khỏe nhất, mỗi bát cơm chỉ và ba miếng là hết. Một bữa vị chi chín miếng và. Cơm còn đầy trong mồm đã vội nhón cái tăm, khoác dây kéo thuyền, nhảy lên bờ.

Các thuyền bạn nhao nhao:
- Làm gì mà như đi ăn cướp không bằng?
Tôi gò lưng kéo thuyền, vừa đi vừa xỉa răng. Cánh chân sào cũng cuống cuồng đẩy thuyền. Ông chủ vừa lấy chân cầm lái, vừa húp nốt bát canh tráng miệng, vừa cười hể hả. Chuyến này chúng ông sẽ cập bến trước, bốc hàng trước, xếp hàng trước. Nhưng sự ranh ma của chúng tôi bị hà bá ngầm sai xếp đá hộc ở bến sông. Chúng tôi không biết, cứ như mọi khi lao thuyền vào, liền bị đá hộc mới kè bến xuyên cho một lỗ. Nước tràn ào ào vào mũi thuyền. Ông chủ thuyền thất thanh kêu lên:
- Thôi chết bỏ bu tôi rồi. Chúng bay đâu, lấy bì kiện nhét vào. Một thằng lấy thúng gio, nhảy xuống nước mà rà.

Thế là mấy tay chân sào lấy bao tải đay nhét lại. Còn tôi lấy một thúng gio, lặn xuống nước, áp vào lỗ thủng. Một chốc thì bịt kín lỗ rò. Bốc hàng xong, nhưng không xuống hàng ngay được như dự định, mà phải mất mấy tiếng đồng hồ kéo ghếch mũi thuyền lên, để sửa cho chóng. Mấy thuyền đến sau, sướng ra mặt:
- Tham thì thâm nhá.

Có anh còn làm điệu bộ như diễn chèo và ư ử ngâm nga một điệu sử dầu:
Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá mà quàng phải dây
Ông chủ thuyền giận tím cả mặt. Chúng tôi cũng bẽ bàng, câm lặng lui cui lấy gỗ lòn lại chỗ thủng, rồi lấy sơn ta chít vào.
*
*    *
Mùa hè, nắng như thiêu như đốt, chúng tôi chống sào đẩy thuyền chỉ đội cái nón mê. Anh nào anh nấy da đen sạm. Mùa đông, gió rét như cắt da cắt thịt, chúng tôi chống sào đẩy thuyền khoác thêm cái bì kiện. Anh nào anh nấy da tím tái.

Ông chủ thuyền vừa cầm lái vừa ê a hát:
                                                Gió thuôn thuôn anh luồn vào vú
                                                Hỏi cô mình có thú hay không?

Cánh chân sào khúc khích cười. Bà chủ thuyền đỏ mặt, lườm chồng một cái, rồi lủng bủng trong mồm:
- Phải gió!

Ông chủ thuyền gầy quắt xà lai. Người ta bảo, ông khôn ngoan lọc lõi quá nên gầy quắt lại. Mà nghiệm ra cũng phải, phàm những tay khôn ngoan đều nhỏ thó. Ông ta lại keo kiệt, bữa nào cũng xem cánh chân sào ăn uống ra sao. Ban đầu ngỡ ông thương chúng tôi lam lũ. Mãi sau mới biết là, nếu bữa nào chúng tôi ăn thừa, thì bữa sau ông rút bớt đi. Về sau chúng tôi nháy nhau, ăn thừa là đổ xuống sông. Mang tiếng làm chân sông nước, mà quanh năm suốt tháng, thức ăn chỉ có muối vừng và cá lẹp rang mặn chát.

Ông chủ thuyền kể, như thể phân bua:
- Phải năm loạn cá, cá bay đầy sông, đậu ngập khoang thuyền, thuyền nhỏ còn bị cá nhấn chìm. Cá chết trắng sông. Phải năm ấy, thì chỉ nhặt cá mà ăn, khỏi phải mua đắt, khỏi phải ăn cá lẹp.

Tôi đọc câu sấm trạng, nghe lỏm từ hồi còn mồ ma ông nội tôi:
Trên rừng thì loạn hổ lang
Dưới sông loạn cá, thế gian loạn tiền
Bao giờ loạn lúa mới yên
Bà chủ thuyền có ý khen tôi hay chữ. Gọi là bà, chẳng qua là vợ ông chủ, chứ thực ra còn kém tôi một cái tết. Bà chủ thuyền lúc nào cũng phây phây, tính lại xởi lởi, hay giấu ông chủ, cho chúng tôi thêm khúc cá kho, muôi tương, ấm chè xanh, phong thuốc lào Vĩnh Bảo.

Ông chủ thuyền có người anh họ, mở cửa hàng làm bánh kẹo trên Hà Nội, cũng mướn người làng lên làm thuê. Cánh trai đinh nhà quê, lên chốn thị thành, thấy con gái tân thời thì mê lắm, hay kiếm cớ đi ra phố để ngó gái. Thế là ông chủ bực mình, giao hẹn:
- Anh nào chịu làm thuê ở đây, thì phải gọt trọc đầu cho chấy khỏi rơi xuống bánh kẹo, khách hàng họ có ý chê rồi đấy.

Thế là, để có chỗ kiếm công ăn việc làm, mấy cậu chàng phải gọt trọc đầu lông lốc như ông bình vôi. Trọc đầu thì ai dám ra phố, nhưng mắt vẫn để ngoài đường. Ông chủ lại thấy các chàng lơ đãng ngó ra đường, nhất là khi trường con gái  tan lớp. Thế là ông hạ ngay mấy tấm rèm cửa. Cái chiêu ấy nữa, thì khác gì lấy nút đậy hũ.

Ông chủ thuyền cũng học cách người anh họ, gọt trọc cánh chân sào chúng tôi. Đến bến, chúng tôi cũng chả dám lên bờ. Anh nào cần mua bán gói diêm, hay sợi dải rút đều nhờ bà chủ.
*
*    *
Một đêm, giăng thanh gió mát, cánh chân sào túm tụm trên mui thuyền, uống nước chè xanh, hút thuốc lào và nghe cá đớp động chân bèo bên mạn thuyền. Tôi nằm khểnh nghêu ngao, vận vần:
Chúng anh là cánh chân sào
Đầu thì trọc lốc ma nào dám mê...

 
Cánh chân sào khoái chí cười hơ hớ, vang cả khúc sông.                
Chuyện ấy tôi cũng quên đi, cánh chân sào cũng coi như bỏ ngoài tai, nhưng bà chủ thì nhớ.

Một hôm, thuyền cập bến Nho Quan, ông chủ thuyền dẫn con lên bờ. Cánh chân sào cũng vác đầu trọc lên chợ. Vì ở đây toàn người Mường, chẳng ai còn ngại gì cái đầu trọc của mình. Nhìn thấy cảnh ông chủ đang ăn bánh đa kẹp mỡ sống, cánh chân sào cám cảnh, rỉ tai nhau: “Chão chàng đang cố bổ dương, để bà chủ khỏi xị mặt đấy”.

Trên thuyền, chỉ còn mỗi tôi với bà chủ thuyền. Bà chủ thuyền gội đầu bồ kết thơm lừng. Đàn bà mà gội đầu, hình như trẻ lại và đẹp ra. Tôi nhìn chăm chắm vào ngực bà chủ. Bà chủ má đỏ au, gọi tôi, bảo:
- Này, cái nhà anh kia...
Tôi hãi như kẻ ăn trộm bị bắt quả tang, vội thưa:
- Bà cho gọi ạ.
- Phải, anh lại đây tôi nhờ...

Tôi sán lại gần, bà chủ thỏ thẻ:
- Thế anh cũng hay chữ, cũng biết vận vần à?
Tôi còn hồ nghi chưa hiểu bà chủ hỏi gì, thì đã nghe hơi thở nóng hổi của bà chủ bên tai:
- Người hay chữ thế, có khối cô chết mê chết mệt, chứ sao lại bẩu chẳng ma nào...
Tôi ớ người, bẽn lẽn thưa:
- Chẳng qua là cái sự đùa thôi ạ!
- Này, sửa hộ người ta cái dải yếm.

Tôi ngập ngừng, bà chủ lại bảo:
- Anh hay chữ, anh thử giải cái câu: gió thuôn thuôn... là gió thế nào ấy nhỉ?
Nhìn tấm lưng nõn nà, dải yếm thắm lơi lơi, tôi không cầm được lòng mình. Bàn tay trai tráng chuyên cầm sào của tôi vồ vập ôm lấy khuôn ngực thây lẩy, nóng hôi hổi. Bà chủ khẽ giật tay tôi ra. Tôi toan rút tay lại, bà chủ lại níu vào. Thế rồi, như đôi giao long, chúng tôi quấn quít lấy nhau.

Từ đấy, chúng tôi bén hơi nhau, có đêm ấp nhau đến năm, sáu bận. Ông chủ thì không hay biết gì, nhưng cánh chân sào thì biết. Có anh cũng định giở trò tòm tem, bị bà chủ cho cái tát, nảy đom đóm mắt, nên cạch. Cánh chân sào không ton hót ông chủ thuyền, mà còn coi tôi như kẻ trả thù thay cho họ.

Đận sau, tôi bảo bà chủ:
- Có khi, tôi lên bờ thôi.
Bà chủ ngập ngừng:
- Thế... 
- Tôi chỉ phải lòng mỗi cô... Này, về với tôi nhá?
Bà chủ nước mắt lưng tròng, thổn thức:
- Nhưng tôi không bỏ con tôi được.
Tôi bảo:
- Tôi thương cô, nhưng đâu dám ép cô. Biết phận mình tài hèn đức kém, cô chả thương cùng, nhưng cũng cho tôi hàng đêm được tương tư với hình, với bóng... Bây giờ, cô chay tịnh giữ mình độ ba ngày, rồi lên bến, mua hộ tôi một ít hương, hoa để tạ thần sông nước...
*
*    *
Tôi trở về ngôi nhà bên sông của thầy bu tôi để lại.
Một bận, thấy con thuyền xưa qua bến. Tôi lấy cuộng hành thổi te te. Ông chủ thuyền và cánh chân sào í ới gọi. Nhưng tôi chỉ để ý một người mặc yếm thắm, thấp thoáng trong khoang thuyền.

Tôi chạy xuống bến nước, bắc loa tay mà vận vần, hò với theo:

 
Bây giờ thuyền ngược, nước xuôi
Chống sào cho khéo, kẻo lơi bến bờ...

 
Sóng đánh ướt cả dải rút, mà tôi vẫn đứng chôn chân dưới bến. Không biết người yếm thắm có thấu lời tôi không? Cánh chân sào giơ sào lên, lắc lắc. Bột sào lấp lóa trong nắng như ngọn giáo. Con thuyền cũng như chững lại.
Hình như có cái gì đó màu đỏ, từ khoang thuyền vương xuống dòng sông.
                                  

Yếm thắm

 
    Biết ai yếm thắm, mà xe chỉ hồng...
 
Bạn đọc còn nhớ cái vật màu đỏ, từ khoang thuyền vương xuống dòng sông, trong truyện Cánh chân sào của tôi không? Đó chính là cái yếm thắm của bà chủ thuyền đấy.

Nhìn cái yếm thắm vương xuống dòng sông, tôi giắng cây gáo bên sông làm cữ, rồi nhao ra, lặn ngụp lần mò vớt lấy.

Yếm thắm ngày ấy là đây. Nó như vẫn mới. Bà chủ nguyện với tôi là chỉ mặc yếm thắm khi có hai người với nhau thôi. Chắc từ khi tôi lên bờ bà chủ cũng chẳng mặc nữa. Chỉ hôm nay thuyền đi qua, bà chủ mới mặc, rồi cởi ra, thả xuống dòng sông cho tôi đây.

Yếm thắm như còn phảng phất hương lửa nồng nàn. Thế là từ nay, tôi lại có yếm thắm để thương, để nhớ.

 
nguyen minh
Minh họa: Nguyễn Văn Minh

Bây giờ một mình, tôi mới ngắm nhìn kĩ càng cái yếm. Vải lụa điều Nam Định, khâu đột bằng chỉ hồng, chỉ người ấy mới có thể tỉ mẩn, khéo léo như thế. Vòng cổ tròn tròn, lơi lơi mà không trễ nải. Dải yếm mềm mại để thắt múi sau lưng.

Tôi mua về một khúc luồng Thanh Hoá mau đốt và kì cạch đẽo một cái gối. Tôi lột cật bốn phía cho vuông vức. Mặt trên, vạc lõm vào để gối đầu. Mặt dưới, tôi bóc ra, cho yếm thắm vào, rồi hèm lại như cũ. Trước đây, hàng ngày, tôi ngủ trên cái chõng tre, hôm bức thì gối đầu bằng áo cánh, hôm giá thì gối đầu tay. Bây giờ, trên cái chõng tre của thầy bu tôi để lại, tôi đã sắm được cái gối vỏ luồng, cốt yếm thắm. Cái này, tôi chắc mẩm cả làng, cả nước không có, đến địa chủ phú ông cũng chẳng dám mơ màng.

Thế là đêm đêm, tôi lấy yếm thắm ra phủ gối, ban ngày lại cất vào vỏ luồng. Khi gối luồng thấm mồ hôi lên nước nhẵn bóng, thì yếm thắm có chỗ đã sờn. Tôi hãi quá. Thế là từ đấy, thỉnh thoảng mới mang ra để ngắm nghía, rồi lại cất vào vỏ luồng.
*
*    *
Một hôm, có tay chân sào hớt hải chạy lên bờ. Tôi giật mình, hỏi:
- Bà chủ?
- Phải. Bà chủ đã... qua rồi!
Tôi lặng người. Mắt đăm đăm ngó trông phương nam. Cơn gió nồm thổi một hơi dài.

Tôi bất giác vào nhà, ngồi ôm cái gối luồng trên chõng tre. Bạn chân sào đứng bên tự lúc nào. Bây giờ tôi sực tỉnh, hỏi:
- Thế ông chủ đưa về quê à?
- Quê ông chủ cũng không có đất chôn. Lão ta sợ, ôm con lên bờ, bỏ lại thuyền.
- Thuyền ấy mà nó dám bỏ cơ à?
- Sau cái đận ông lên bờ rồi, chúng tôi hỏi ra mới biết là có phải tiền của nó sắm đâu? Thuyền của bà chủ tậu đấy. Lão ta lại sợ oan hồn bà chủ nên không dám ở.

Tôi hốt hoảng, hỏi dồn:
- Bà chủ đâu? Thuyền đâu?
- Cánh chân sào chúng tôi đã đưa về bến, kia kìa.
Tôi lao bổ xuống khoang thuyền, ôm lấy cái xác lạnh giá, hộc lên mà khóc:
- Người xưa sao lại héo hon thế này?

Nước mắt tôi lã chã rơi xuống, tức thì cái xác như tươi lại, mái tóc như có mùi bồ kết tỏa ra.
Cánh chân sào phải khuyên can mãi, tôi mới nguôi ngoai.
Làng tôi có bãi Chóp Chài, vừa để làm nghĩa địa, vừa để phơi chài lưới của các nhà làm nghề đánh cá sông. Nghĩa địa chỉ cho người làng chết được chôn. Ai mà bỏ làng ra đi, chết chỉ có nước là táng xuống đáy sông mà thôi. Vậy thì người tứ xứ ai dám dòm dỏ.
Tôi nghĩ nát nước, bảo với cánh chân sào:
- Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận... Anh em cũng biết cái tình của tôi. Việc này hệ trọng, không được cho làng biết. Đêm nay, nhờ anh em lên vườn, đào một cái huyệt... để bà chủ.
- Nấm mồ trong vườn thì ai mà chẳng biết.
- Ấy, bởi vậy mới phải làm kín. Rồi tôi khấn xin vong linh bà chủ, cho gạt phẳng đi. Tôi sẽ giồng lên mấy luống hành...

Ngày ngày, tôi giữ lệ cúng cơm. Tôi có gì cúng nấy, miễn sao bộc bạch được lòng thành của mình. Hôm thì đĩa khoai, hôm thì bát cá... Dù nghèo hèn, nhưng tôi lúc nào cũng trọng việc thờ. Cái yếm thắm tôi cũng lấy giấy trang kim gói lại để thờ, tịnh trong ba năm không dám ôm ấp, mà coi như hồn người.

Mấy luống hành tươi tốt lạ thường. Ngày ngày, có con bươm bướm trắng to như lá bàng đậu trên luống hành mạn bắc. Đêm đêm, có con đom đóm to như ngọn phong đăng đậu trên luống hành bên nam. Người làng ai cũng bảo hành ma. Tôi ngắt một cuộng thổi tò tò te te. Khi lòng tôi vui, tiếng kèn hành tựa như lời hát ca. Khi lòng tôi buồn, tiếng kèn hành tựa như lời khóc than. Hành tốt, nhưng tôi không bán bao giờ. Thỉnh thoảng, tôi thả xuống sông hàng bè. Bè hành luẩn quẩn ở bến nước một lúc mới trôi xuôi. Khi bè hành trôi xa xa, thì có con chim lửa đỏ như yếm thắm bay ngang, kêu lên mấy tiếng thao thiết cả một khúc sông. Bao giờ tôi cũng đứng ngóng cho bè hành và con chim lửa khuất bóng mới cất bước vào nhà.
*
*    *
Ba năm sau.
Tôi cùng cánh chân sào âm thầm sang cát cho bà chủ. Hài cốt rồi cũng lưu lại ngay trong mảnh vườn hành.
Từ đây, đêm đêm tôi lại tình tự với yếm thắm. Thỉnh thoảng, cánh chân sào ghé qua, lân la trò chuyện, rồi hỏi tôi về chuyện vợ con. Tôi khoanh tay lên ngực, bảo:
- Anh em cũng biết bụng tôi rồi, trong vườn đã có chủ, không đón ai vào được nữa. Tôi sống chết với hồn người ấy thôi.
Cánh chân sào như lặng đi, một lúc lảng chuyện, hổ hởi khoe:
- Cái thuyền bà chủ để lại, chuyến nào cũng được phù hộ, thuận buồm xuôi gió lắm, vợ con chúng tôi cũng có bát cơm manh áo. Giá ông cũng xuống đi với chúng tôi...
 Tôi khoát tay, bảo:
- Lộc bà chủ để lại, thương anh em thì anh em cứ hưởng. Còn tôi, tôi phải trông nom cái vườn...

Tôi nhớ, có một chuyến, cánh chân sào đưa về một thầy phù thủy. Vừa đến bến sông nhà tôi, thầy phù thủy đã phán:
- Ở đây có gần nghĩa địa không?
- Nghĩa địa Chóp Chài ở mãi ngã ba sông kia cơ mà?
Ngẫm ngợi một chốc, thầy phù thuỷ bảo:
- Âm khí nặng lắm... Không khéo quanh quất đâu đây có đàn bà chết oan khuất vì tình.
Tôi kinh hãi, vội nói thác đi:
- Chắc tự ngàn xưa.

Thầy phù thủy ngắt mấy cuộng hành to, nhúng nước sông, vẩy tứ phía trong vườn, vận vần khấn rằng:

                                                                Bảo cho oan khuất vì tình
                                                         Thương nhau kiếp khác có mình, có ta
                                                                Bây giờ niệm chú giải hòa
                                                         Để cho nam chủ khỏi lòa đường duyên.


Từ đấy, ban ngày, không thấy con bươm bướm trắng to như lá bàng. Ban đêm, cũng không thấy con đom đóm to như ngọn phong đăng về đậu. Luống hành cũng héo dần. Tôi thả bè hành không thấy còn luẩn quẩn ở bến nước và cũng không thấy con chim lửa đỏ như yếm thắm trên đường chân trời bay xuống nữa.
*
*    *
Nhưng cái yếm thắm thì vẫn đêm đêm ngày ngày ở bên mình. Tôi lấy cái dùi, nung nóng trong bếp tro, khắc lên hai bên gối luồng mấy câu văn vần:
- Hỡi người yếm thắm ngày xưa
Phải đường duyên phận, gió mưa càng nồng
- Tình tôi như núi, như sông
Núi mòn, sông cạn tình không đổi dời

 
Chạng vạng tối hôm đó, tôi ôm cái gối có yếm thắm trong lòng, ra bến sông hóng mát cho khuây tuổi già. Tôi giật mình, chợt thấy con bươm bướm trắng to như cái lá bàng vừa từ luống hành mạn bắc bay ra sông. Con đom đóm to như ngọn phong đăng lại về đậu trên luống hành bên nam.

Hình như từ chân trời có con chim lửa đỏ như yếm thắm bay ngang. 
                                                                    

Chim lửa
 
Truyện này, tôi viết tiếp theo truyện Cánh chân sào và truyện Yếm thắm. Tuy vậy, tôi cũng phải nhắc lại hai chi tiết có liên quan:
Thứ nhất, nhà tôi ở bên sông. Tôi đã từng nhập đoàn với cánh chân sào, biết vận vần. Bà chủ mặc yếm thắm có một đứa con. Tôi với bà chủ có sự phải lòng.

Thứ nhì, ngôi mộ bà chủ táng trong vườn hành nhà tôi. Hành to như trong chuyện cổ tích, có bươm bướm, đom đóm ma và chim lửa về chầu.

Lại vào truyện:
Như thường lệ, chiều nay, tôi ra vườn tỉa hành và thả bè hành. Mọi bận, khi bè hành trôi xa, con chim lửa đỏ như yếm thắm mới bay ngang trời, kêu lên những tiếng thao thiết cả một khúc sông; nhưng hôm nay, tôi vừa ôm bó hành xuống bến sông thì con chim lửa đã sà xuống. Tôi buột miệng kêu lên:
- Ôi chim lửa... yếm thắm... bà chủ...

Tôi thoáng thấy bà chủ hiển hiện giây lát trong bóng hình chim lửa. Con chim nhìn tôi chăm chắm, mắt ứa lệ. Đoạn, chim bay liệng bảy vòng xung quanh tôi rồi như tan biến vào trời xanh.

Tàu thủy chạy qua, kéo một hồi còi trầm trầm, sóng đánh ướt cả lá tọa tôi mới sực tỉnh. Bè hành trôi xa xa mà không thấy chim lửa trở lại. Tôi hồ nghi hay là mình vừa trải qua một giấc mơ...

Tự nhiên tôi thấy trong mình là lạ khác thường, ghê ghê gió, ghê ghê nước. Tôi cảm thấy như chim lửa báo trước một điều gì. Tôi cố lần về vườn hành, nhặt ba cục đá đặt trên ngôi mộ bà chủ, rồi thiếp đi.
*
*    *
Tôi mê man như lạc vào tiên động, những tà áo thướt tha yêu kiều, hương thơm ngào ngạt. Một tiên nữ mặc xiêm áo màu vàng, cổ đeo chuỗi ngọc, trông dung nhan quen quá, chợt nghe tiếng gọi:
- Này, cái nhà anh kia...
Tôi nghe tiếng quen quen, câu nói cũng quen quen như đã nghe, đã gặp thuở nào.
- Tôi đây, không nhận ra à? Thế mà cứ bẩu rằng cái sự chờ...
Lời trách móc làm tôi tỉnh ngộ.

Mùi bồ kết thơm thơm, khuôn mặt tròn như trăng rằm tỏa sáng rời rợi, trên má có vết sẹo nhỏ như vảy cá là dấu tích xưa kia bị chủ thuyền phang trượt cái cọc chèo... Thôi đúng bà chủ rồi. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, rồi lại như đôi giao long quấn quýt. Tôi mơn man khuôn ngực thây lẩy và giật mình, hỏi:
- Yếm thắm đâu?
- Còn làm ruột gối cho người ta đấy thôi.
- Phải rồi, tôi lấy ngay.

Bà chủ mừng mừng, tủi tủi:
- Thong thả hãy đi lấy, vội gì, không thích gì... nữa à? Hay bỏ chục năm quên rồi? Thôi, nhớ nhung quá thì đùa vậy. Ông dành cho tôi nhiều quá. Người hay chữ lại biết vận vần thì khối cô chết mê chết mệt ấy chứ, thế mà chỉ phải lòng mình tôi thôi à?
- Bà cũng dâng cả tình đời cho còn gì. Ngày xưa, bà chả kể là bà nhớ thương tôi đến đau cả ngực đấy thôi.
- Lương duyên kiếp trước khổ ải quá ông nhể? Tại tôi cả.
- Phải, thế mới tỏ lòng nhau. Tôi trách bà tính lưỡng lự, nhưng cũng trọng bà cái sự nhân nghĩa. Vả, cũng tại tôi.
Bà chủ ngập ngừng:
- Thôi, ông ngủ đi, tôi phải đi đằng này, bên nhau mình cũng chẳng ngủ được. Còn lâu còn dài...
Bà chủ đi. Tôi ngủ thiếp trong hương lửa nồng nàn.
*
*    *
- Ồ, tỉnh rồi.
Tôi tỉnh lại. Cánh chân sào và hàng xóm xúm xít xung quanh:
- Gớm, chúng tôi đến thấy ông nằm gục trong vườn hành, sợ quá. Nói dại, nhỡ có mệnh hệ nào, một thân một mình thì khổ.
Trong đám người lờ mờ lố nhố xung quanh, tôi thấy một người con trai ra dáng học trò, gương mặt cũng có nét quen quen. Cánh chân sào hỏi:
- Ông có nhận ra ai đây không?
Tôi vẫn nhìn chằm chằm, cố nhớ mà không nhớ nổi. Cậu ta quỳ gối bên tôi, mắt rớm lệ. Tôi vội nhỏm dậy, nhưng lại gục xuống. Mọi người xúm vào đỡ tôi. Cánh chân sào có phần rụt rè, ý tứ bảo:
- Cậu cả, con trai bà chủ thuyền đấy ông ạ.

Tôi nắm chặt lấy bàn tay ấm:
- Cậu cả...
Tôi nhớ, ngày cậu cả biết chạy lon ton trên mui thuyền, có đêm, bà chủ dắt cậu từ khoang lái đến mũi thuyền, cậu đã thỏ thẻ:
- Bu đến chỗ bác chân sào à? Bác ấy không có ở đấy đâu?
- Có khi bác chân sào chờ bu cả đêm ấy chứ. Bác ấy cái gì cũng biết, cũng làm được, bác ấy là người trời phái xuống cho bu. Bác ấy quý bu lắm. Bác ấy chờ bu, nhưng bu thương cậu cả lắm, cậu cả ạ.
Thấm thoắt thế mà...

Cánh chân sào kể mấy hôm vừa rồi có con chim lửa tự đâu bay về thuyền. Anh em chúng tôi lao đến vồ được. Con chim ngoan ngoãn không cào bới, không mổ ai sất cả. Chúng tôi thấy sờ sợ, nghĩ cái điềm chim sa cá nhảy liền thả ra. Con chim không bay mà lểu thểu đi về khoang thuyền bà chủ ngày xưa. Khoang ấy, chúng tôi lập bát hương thờ bà chủ. Rồi con chim lại bay đậu lên cột buồm, ngoái cổ kêu lên ba tiếng, vỗ cánh bay đi, vừa bay vừa ngoái lại như gọi, như mời. Chúng tôi sợ hãi đẩy thuyền theo bóng chim. Bảy ngày bảy đêm thì cập con bơn nhỏ giữa sông và gặp cậu cả đi học về, đang đuổi theo quyển sách bị gió cuốn xuống bến sông, bà dì cũng đang giặt giũ dưới bến. Ai trông cũng ngờ ngợ, hỏi chuyện một lúc thì biết đích thực là con bà chủ, là cậu cả ngày xưa. Cái tích này cứ y như thần xui thánh khiến vậy. Mà này, ông chủ đã đi lấy người khác rồi bỏ đi biệt xứ. Cậu cả về ở với bà dì. Bà dì giống bà chủ như hai giọt nước, không khéo ông cũng lẫn đấy nhá.

Cánh chân sào cố pha trò cười. Cậu cả thủ thỉ:
- Mấy hôm trước, có con chim lửa đến nhà, kêu lên những tiếng thao thiết lắm. Dì cháu bảo, có khi là oan hồn bu cậu cả không chừng! Thế mà không ngờ, lại có sự này...
Tôi thiêm thiếp. Cậu cả hoảng hốt lay gọi:
- Mộ đâu, bu ơi?
Tôi chợt tỉnh, run run giơ ba ngón tay lên thều thào:
- Vườn hành... chỗ ba hòn đá...

Rồi tôi cố gượng sức tàn, đưa mắt chỉ vào cái gối. Cánh chân sào cầm lên, vỗ bồm bộp, hỏi:
- Cái này?
Tức thì yếm thắm rơi xuống, cánh chân sào cùng ồ lên thảng thốt:
- Bà chủ...

Cậu cả run rẩy nhặt lên, ôm vào mặt khóc nức nở. Cánh chân sào bảo:
- Thôi, cậu cả phủ lên ngực cho vẹn nghĩa trọn tình, mà bà chủ cũng mát mẻ.

Khi yếm thắm đắp lên ngực, tôi bỗng bật cười khanh khách, rồi lịm dần.
Hàng xóm, cánh chân sào và cậu cả ai nấy đều sợ hãi và thương khóc.
Ngoài kia, con chim lửa đỏ như yếm thắm lại chao liệng bảy vòng, rồi như tan biến vào trời xanh...
 
Thị xã Tuyên Quang, 26/1/2001
Nhà sáng tác Đại Lải, 3/2005

V.X.T
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)