Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Những nguyên mẫu “bất đắc dĩ” trong “Sóng ở đáy sông”

Thứ Ba, 22/06/2021 17:07

. LÊ THỊ THỦY

 

Cùng với Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông là tiểu thuyết làm nên tên tuổi của nhà văn Lê Lựu. Nếu như Thời xa vắng ngay khi mới xuất bản đã gây tiếng vang, thu hút sự chú ý của bạn đọc trong nước, thì Sóng ở đáy sông chỉ được dư luận chú ý đến sau thành công vang dội của phim truyền hình cùng tên. Với khả năng nhập vai “rất ngọt” của các nghệ sĩ Duy Hậu, Xuân Bắc, Kim Oanh… cùng kịch bản phim chặt chẽ, chân thực, xúc động, giàu tính nhân văn, phim Sóng ở đáy sông nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả, trở thành hiện tượng của truyền hình Việt Nam những năm 2000. Sự thành công của phim truyền hình này khiến bạn đọc tò mò, tìm đọc lại tác phẩm của nhà văn Lê Lựu.

Tiểu thuyết Sóng ở đáy sông là một câu chuyện dài về cuộc đời của những con người trong một gia đình tiểu tư sản thành thị ở mảnh đất Sáu kho trước năm năm tư thế kỉ hai mươi. Núi - nhân vật chính của tác phẩm - vốn là con của bà vợ lẽ kiêm người ở, từ nhỏ đã phải chịu nhiều cay đắng bởi sự phân biệt hắt hủi của chính cha ruột - ông Đại. Khi Núi bước vào tuổi thiếu niên thì mẹ mất, bị bố bỏ rơi. Ở nơi sơ tán thiếu thốn, Núi phải lăn lộn vào đời để kiếm miếng ăn nuôi các em và bắt đầu trượt dài vào vòng xoáy tội lỗi. Con đường tha hóa của Núi ghi dấu những người đàn bà đi qua đời anh: Hiền, Mây, Hồng. Sau rất nhiều lần vào tù ra tội, nhờ sự cảm hóa của những cán bộ quản giáo và tình yêu chân thật từ Hồng, cuối cùng Núi đã trở thành một công dân có ích cho xã hội.

Câu chuyện về nhân vật Núi, với hành trình hoàn lương đầy gian nan và cảm động, vốn được xây dựng từ “nguyên mẫu” là một tử tù người Hải Phòng tên Sơn mà nhà văn Lê Lựu có dịp tiếp xúc ở trại tù Phi Liệt cuối năm 1992. Trong lần trò chuyện ấy, người tù đã “phác qua” cho nhà văn về gia đình và cuộc đời “vào tù ra tội” như cơm bữa của mình. Dựa trên những lời tâm sự của người tù, bằng trí tưởng tượng và tài năng văn chương, nhà văn Lê Lựu đã xây dựng nên hai nhân vật là ông Đại và Núi trong tiểu thuyết Sóng ở đáy sông.

Ông Đại trong tiểu thuyết có nhiều nét khá tương đồng với bố của người tù tên Sơn ngoài đời thật. Ông cụ vốn là một công chức thời thuộc Pháp. Tiếng Pháp cụ nói thạo hơn tiếng mẹ đẻ. Cụ cũng ba đời vợ, đông con cháu, chỉn chu và khá hóm trong sinh hoạt. Trong cách dạy dỗ con cái, cụ nổi tiếng nghiêm khắc. Con cái cụ, vì thế được ảnh hưởng nhiều tính cách của ông bố: ưa sạch sẽ, ngăn nắp, cẩn thận. Cụ hà khắc nhưng những hàng xóm từ ngõ Mai Viên, phố Trần Bình Trọng gần ga Hải Phòng cho đến khu tập thể Cát Bi những năm trước Đổi mới có thể làm chứng là cụ không lạnh lùng tàn nhẫn một cách phớt tỉnh như “lão Đại”. Cụ công nhận là có ưu ái những đứa con bà cả hơn (điều này cũng dễ hiểu trong bối cảnh thời đại ấy), nhưng chưa bao giờ coi mấy đứa con bà vợ ba là những công dân hạng hai hay những sinh vật hạ đẳng được sinh ra bởi sự dư thừa bản năng giống đực như ông Đại trong tiểu thuyết. Trên thực tế, mẹ của người tù tên Sơn được lấy làm bà ba. Trước khi mất, bà cả đã trăng trối nhờ một người bạn thân (là mẹ Sơn) gá nghĩa với chồng mình. Bà hai về làm vợ một thời gian, chẳng hiểu sao không có con. Rồi bà hai bỏ đi, lúc đó bà ba mới chính thức có danh phận trong gia đình chồng. Cụ ông nhiều vợ nhưng đường hôn thê lận đận vì các bà đều sớm rời cụ để cụ phải sống đời “gà trống nuôi con” khi chưa đến ngũ tuần. Và cũng chính những người hàng xóm nói trên vẫn còn có thể nhớ rất rõ đứa con của người vợ thứ ba đã làm khổ ông cụ đến mức nào vì sự bất kham, biếng học. Khác với những anh con bà cả, anh ta khi bước vào tuổi thiếu niên đã sớm bộc lộ bản chất ma cà bông: học hành lớt phớt dở dang, rồi bị lôi kéo vào chợ đời, chỉ muốn lấy của người làm của mình. Hẳn điều đó đã khiến ông cụ rất phiền lòng. Và đó cũng là đầu mối khiến cho hai cha con ngày càng xa cách. Nhưng cho đến lúc hấp hối, có bao nhiêu con thì cụ vẫn còn nguyên cả, vì cụ chưa từng tuyên bố từ mặt đứa nào. Cũng cho đến cái giây phút ấy, cụ không hề hay biết mình đã được/bị bước vào văn chương, để rồi bị đóng đinh câu rút vào cái vai ác nhân, bị người đời phẫn nộ như thế nào.

Tiểu thuyết "Sóng ở đáy sông" mới được tái bản bởi công ti Sbooks. 

Về nhân vật Núi, nếu như trong tiểu thuyết (và cả phim truyền hình), anh ta có cái kết khá viên mãn làm hài lòng đa số người đọc (và người xem), thì nguyên mẫu ngoài đời thực sau khi rời khỏi cánh cửa phòng giam để trở về với cuộc đời lại không may mắn như vậy. Anh bị hàng xóm dị nghị, cảnh giác, khiến luôn phải “sống trong sợ hãi”. Khi Sóng ở đáy sông lên sóng truyền hình và nổi tiếng thì người tù năm nào cảm thấy “thiệt thòi” quá nên đã tìm đến địa chỉ số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội gặp nhà văn Lê Lựu để yêu cầu bốn điểm:

Thứ nhất, nhà văn phải trả tiền cho anh vì nhờ có câu chuyện của anh mà nhà văn mới viết nên tiểu thuyết danh giá như thế.

Thứ hai, nhà văn phải tạo công ăn việc làm cho anh vì sau khi bộ phim khởi chiếu, anh không thể hành nghề “5 ngón” như trước.

Thứ ba, nhà văn phải thanh toán mọi phí tổn đi lại giữa Hải Phòng - Hà Nội và chuộc cho anh chiếc xe đạp đã “cắm” để làm lộ phí.

Thứ tư, nhà văn phải chia tiền nhuận bút kịch bản (nghe đâu rất “khủng”) cho anh.

Ngoài bốn “điều khoản” chính, người tù tên Sơn còn yêu cầu nhà văn Lê Lựu phải chịu trách nhiệm trong mối quan hệ căng thẳng giữa “Núi” và bố anh ta, bởi lẽ, khi cả cái đất Hải Phòng ai ai cũng quan tâm Sóng ở đáy sông thì mối quan hệ giữa hai cha con vốn đã tệ nay càng thêm tệ.

Dĩ nhiên những điều kiện không tưởng của người tù tên Sơn ấy đã bị nhà văn Lê Lựu từ chối một cách nhã nhặn và khéo léo, rằng toàn bộ câu chuyện cuộc đời bất hạnh của anh chàng Núi kia đều là sản phẩm trí tưởng tượng của ông; những giờ gặp gỡ ngắn ngủi trong trại tù với anh không thể nào giúp ông dựng một cuốn tiểu thuyết dài mấy trăm trang như thế…

Câu chuyện kiện cáo của người tù tên Sơn với nhà văn Lê Lựu khép lại khá lâu nhưng dư âm của nó vẫn còn mãi đến hôm nay. Mối quan hệ giữa nhân vật và nguyên mẫu luôn là “tệp đính kèm” nhiều kích thích đối với độc giả trên hành trình họ thám mã “tệp chính” tác phẩm.

L.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)