Ngã ba Nguyễn Thành Phong

Thứ Hai, 08/11/2021 00:50

(Đọc Đêm ngồi ngã ba sông của Nguyễn Thành Phong, Nxb Hội Nhà văn, 2021)

Đêm ngồi ngã ba sông, bài thơ mở đầu tập thơ mới cùng tên của Nguyễn Thành Phong là một câu hỏi về nỗi buồn nhân thế. Tại sao lại ở ngã ba sông? Bởi nơi ấy tối linh, tràn trề sóng và gió. Chỉ nơi ấy nhà thơ mới gột bỏ mọi ưu tư, phiền muộn để có được thuần khiết. Cái ngã ba Nguyễn Thành Phong chứng kiến: Mấy ngàn năm bao triều đại nối nhau/ Đế khuyết lửa máu gươm đao, thì nó không còn là ngã ba mang tên địa danh, một thực thể đơn thuần nữa mà đã chuyển sang trạng thái khác, trạng thái ngã ba tâm tưởng. Chỉ trong tâm tưởng mới thấu suốt lịch sử: Quân vương ngờ tôi trung, tiện nhân vầy kẻ sĩ/ Trùng trùng tráng ca bi kịch/ Sông Hồng nóng đỏ phù sa. Chính sự thấu suốt này tạo ra cơ hội cho nhận thức cùng sự nếm trải tình cảm, thôi thúc nhà thơ đi vào thế giới sáng tạo của riêng mình. Nhà thơ chăm chú: Nghe nước thở mấy ngàn năm vẫn thở/ Nghe nước kể chuyện những đời người/ Cay đắng và vinh quang. Đó là tiếng vọng từ cõi thẳm sâu tâm tưởng, là khả năng cảm nhận và lắng nghe tinh tế từ cõi nhân sinh: Đàn vờ giao hoan rồi lao thân xuống nước/ Một kiếp sống chỉ tính bằng chớp mắt/ Cũng lộng lẫy huy hoàng trời nước giao nhau. Ở đây hiện thực không chỉ là vẻ đẹp của sinh tồn mà nó còn chất chứa âu lo, cả sự bất cần nữa. Những biến cố thăng trầm của cõi người đẩy nhà thơ vào tâm thế hoài nghi trước ngã ba. Nhà thơ tự tra vấn: Ta sống vậy đã là như sống/ Hay phải sống làm sao?/ Trời im lặng, ta cúi nhìn mặt nước. Cuộc tra vấn nội tâm xoay quanh câu hỏi: Sống như mình đã sống đúng là sống chưa? Sống thực sự phải như thế nào? Câu độc thoại giằng xé, đầy phân vân. Bài thơ là một câu hỏi về kiếp sống con người, cho chính mình và cho muôn người. Đây chính là thông điệp mà Nguyễn Thành Phong gửi gắm trong tập thơ Đêm ngồi ngã ba sông.

Bài thơ Từ mình lại đặt ra loạt câu hỏi khác về cõi nhân sinh. Những câu hỏi dồn dập, lặp đi lặp lại, cho thấy sự bối rối của cá nhân nhà thơ trước thực tại: Có hay không sự vững bền: Muốn ngắm vững bền tôi nhìn đá/ Nhưng đất đá rồi sẽ nát tan/ Vì chính tôi đã thấy bao phế tích. Đất đá tôn lên núi non hùng vĩ, dựng nên thành quách nguy nga, nhưng sau cùng cũng chỉ là phế tích. Nhà thơ tiếp tục đi tìm: Muốn hỏi vững bền tôi gặp cỏ/ Nhưng cỏ cần hơi mát những cơn mưa. Bài thơ đẩy đến cao trào khi không thấy câu trả lời, không tìm thấy thứ bền vững nào trong tình yêu, tình người, tình bạn… Nhà thơ đánh cược sự bền vững vào tình mẫu tử. Nhưng không, ngay cả chút hi vọng tưởng như chắc nịch, bất biến này cũng: Con và mẹ từ nhau thiên hạ vẫn khối người.

Đồng nhân nghĩa bạc mặt người đi mót/ Lội phía nào cũng quẩn gió quạnh hiu (Chuyển mùa). Hai câu thơ trên là một ẩn dụ về mối quan hệ con người với con người. Nó xảy ra đúng lúc giao mùa. Ôi cái mùa sao làm ta trĩu nặng, cái mùa ấy đầy nghịch lí. Cánh đồng nhân nghĩa rộng mênh mông kia mà người đi tìm đến bạc mặt cũng chỉ thấy, phía nào cũng quẩn gió quạnh hiu. Sự trống vắng xen lẫn nỗi thất vọng làm trái tim nhà thơ bải hoải. Vì thế, phải lựa chọn con đường khác: Con cá buồn bơi đi tìm biển khác, khao khát được giải thoát, nôn nao hi vọng về một chuyển mùa mới. Sự ra đi này có nguyên nhân sâu xa. Ra đi vì thấy bất an, vì thất vọng. Ra đi vì không bình yên, vì muôn chuyện trái ngang mà nhà thơ từng chứng kiến, đối diện. Ngồi ở ngã ba sông, lắng nghe chính mình, lắng nghe cõi người, mọi thứ hiện ra rõ ràng, không bị bụi trần khuất lấp.

Xa khuất rồi phố xá đông vui/ Biền biệt luôn những tiếng nói cười (Nhớ phố). Cuộc đời giông bão bất ngờ ập đến đẩy nhà thơ vào thế giới khác. Thế giới của cánh cửa khép lại; sự đơn độc, cô quạnh xuất hiện, trái ngược với phồn hoa náo động phố phường. Hiện thực chỉ còn: Mắt đăm đắm tường trần trắng lóa màu vôi. Ở tình huống này, mọi mơ mộng là hão huyền. Nhà thơ mong một ngày hái lá bàng non đang trong mùa lộc mới, nhưng không thể, nỗi hoài nghi tràn ngập Liệu có kịp cho ta vươn tay hái đôi nhành. Kiếp đời nhỏ nhoi như hạt cát nằm im trong khổ nạn giữa hun hút đêm đen nào ai từng đặt bước… Những câu thơ như tiếng thở dài mệt mỏi, chán chường của thân phận. Tuy nhiên con người khi lâm vào tận cùng nỗi đau lại nảy sinh hi vọng, vậy thì hãy tin vào chính mình, nhẹ lòng nghĩ đến ngày mai. Cái ngày mà tình yêu thương, sự dịu dàng của em mang đến: Gió xuân kìa và náo động thanh âm. Cuộc sống là thế, không khuất phục, sau bóng tối là ánh sáng. Đó là quy luật, là vẻ đẹp của sinh tồn.

Thơ Nguyễn Thành Phong còn mở rộng tới nhiều chiều kích của hiện thực. Cuộc sống buộc nhà thơ Đi qua ngang dọc đường rừng/ Xước mặt vì một cành gai nhưng anh tin vào chính mình, vào cuộc đời. Rằng ở đó còn có hương thơm những bông hoa, có Bàn tay ấm áp không lời nên đã cho anh hi vọng: Hết đông hoang tàn rét buốt/ Xuân đang nhú màu lá mới (Theo ta). Sau những mệt mỏi, nhà thơ tìm về miền dân dã Sơn La, xuôi Xứ Thanh, đến Hương Sơn, Vũng Tàu, Gia Lai… Ở đó, kí ức trỗi dậy, có bóng hình người con gái năm xưa, một vùng đất ghi dấu kỉ niệm cùng thiên nhiên hoang sơ trong trẻo: Núi hoa ban tím ngày sương mỏng/ Lau trắng ngời lên một khởi hành/ Tiếng chim lành ngã ba sông/ Gọi vầng mây sà xuống thấp. Vẻ đẹp kí ức cùng hiện thực hiện lên. Tại nơi ấy, kí ức lưu giữ nguyên vẹn, ấm áp, ngời sáng: Bếp của mẹ lửa hồng dốc suối/ Sân nhà anh hoa nắng vương đầy. Đó là vẻ đẹp, vẻ đẹp này không dễ dãi bỗng dưng, mà nó bầm dập qua thăng trầm, vật vã của cuộc đời.

Cái đẹp ấy tồn tại khi nhà thơ sống chết cùng nó, đầy ắp cảm xúc, khát vọng cùng nỗ lực sáng tạo, tự nó sẽ nảy sinh những “tia sáng của trái tim”. Thơ ca với Nguyễn Thành Phong mang một ý nghĩa cụ thể vì hạnh phúc con người. Vì vậy ngày càng mạnh bạo, trực diện, quyết liệt hơn, trầm đọng hơn.

TRẦN ANH THÁI giới thiệu và chọn

Ngùn ngụt gió Cao Pha

Hơn hai mươi năm xa lắc
Ta trở về ngùn ngụt gió Cao Pha
Tóc lại xanh màu lá
Lòng vẫn sáng màu mây
Mắt trải dài Mường Bú
Sông Đà mơ vang một sớm nước đầy…

Ngực dào dạt gió tuổi mười bảy
Đang dâng từ bản Hụm, Phiêng Hay…
Nước chảy qua bao chân cầu
Nậm Trai, Nậm La, Nậm Rốm…
Ta chưa trở thành người khác
Để lạ lùng trước bao mắt cây đèo Cao Pha!

Gió lay gió lay đại ngàn hoang dã
Sông Đà còn vương bóng thuyền độc mộc
Soi trong màu nước một thời xa
Đang dâng một ngày mới
Thêm bao người đang tới
Gió Cao Pha loang xanh màu lá non tươi

Mai lại về thành phố rồi
Nhớ gió Cao Pha từ lúc bước chân đi
Ta chưa thành người khác
Bởi vẫn thấy gió Cao Pha
Trên những tầng trời cao
Những đêm thành phố lòng không ngủ…


Những hàng dừa nước

Như đội quân kỳ
Những lá cờ biểu trưng cho sức sống
Xanh ngút ngàn dọc các triền kênh rạch
Châu thổ Cửu Long giang tràn tầm mắt...

Người đã sống với những hàng dừa nước
Học được nhiều những phóng khoáng xanh tươi
Học được những nhẫn nại và bền bỉ
Để làm nên Nam Bộ chẳng nhiều lời...

Em đã sống với những hàng dừa nước
Mơn mởn giữa đời bên sóng gió thiên nhiên
Chị đã sống với những hàng dừa nước
Khuôn mặt luôn ngẩng cao kiêu hãnh dịu dàng
Má đã sống với những hàng dừa nước
Là bóng mát chan hoà da diết ấp iu con!

 

Dưới mái hiên quê

Đã đi suốt những chặng đường tít tắp
Những khúc bằng, khúc ngoặt, khúc ngang
Nghe chuyện lạ bốn phương không lạ nữa
Về ngồi dưới hiên quê thư thả ngắm làng

Lá khô cũ vun thêm vào đống rấm
Trong vườn xưa khói ấm thơm nồng
Nghe rét ngọt giữa chiều đang trở gió
Cây âm thầm chuyển nhựa cuối ngày đông

Rồi ràn rạt nảy búp chồi xuân mới
Những vòm xanh khao khát lá cành
Rồi qua nắng qua mưa qua bão tố
Rụng xuống vườn nhẹ những bước chân

Nào người mới hãy lên đường đi nhé
Đừng ngại gì gian khó với tai ương
Rồi thanh thản trở về nơi chốn cũ
Chỗ tôi ngồi đây hiên vắng cây vườn…

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)