. LƯU QUẢNG
Sự giản dị, điềm đạm, chân thật, hồn hậu, có phần lặng lẽ và khá kiệm lời đó là cảm nhận của nhiều người đã từng tiếp xúc với Đại tá, NSND Đặng Xuân Hải. Hình như nụ cười nhủm nhỉm, ánh mắt thân thiện từ ông đã thay cho ngôn ngữ giao tiếp với mọi người. Chỉ khi trao đổi chuyên môn, mới thấy ông hồ hởi bộc lộ chính kiến, quan điểm thẳng thắn và đậm chất lính.
sinh ngày 19/10/1944 ở thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tháng 4/1963, ông nhập ngũ khi vừa bước vào tuổi 19. Sau thời gian huấn luyện ở miền Bắc, năm 1964, ông vào chiến trường Trị Thiên - Huế.
Chiến trường – nơi khắc nghiệt đào tạo người chiến sĩ
Năm 1966, khi đơn vị cử chiến sĩ Đặng Xuân Hải theo học lớp quay phim cấp tốc tại mặt trận Trị Thiên - Huế do nhà quay phim Tô Cương trực tiếp hướng dẫn, ông đã say sưa nắm bắt những nghiệp vụ được truyền dạy từ người thầy nhiều kinh nghiệm để có thể hết mình với những thước phim ghi lại những trận đánh ở mặt trận, những kí ức chiến trường của biết bao đồng đội. Đối với ông, đó không chỉ là thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của người cầm máy quay phim mà còn là nghĩa vụ cao đẹp của người lính đối với Tổ quốc.
Bộ phim tài liệu đầu tay Tập ảnh Thừa Thiên do ông quay với bút danh Nam Hải hoàn thành năm 1967, với chất liệu và bối cảnh chân thực của chiến trường Thừa Thiên, bộ phim đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ I (năm 1970). Sự mở đầu thành công của phóng viên chiến trường đang từng ngày học hỏi, trưởng thành đã giúp Đặng Xuân Hải không ngừng hoàn thiện bản thân, vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh để những thước phim dần có chiều sâu về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật. Những bộ phim đầu tiên có phần chập chững vào nghề, nhưng chính điều đó cho Đặng Xuân Hải thêm trân quý thực tiễn để tích lũy kinh nghiệm, cô đọng những thước phim và hiện thực hóa thành các tác phẩm hoàn thiện.
NSND Đặng Xuân Hải.
Những thước phim nhuộm màu đỏ
Năm 1968, Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh trên cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam. Trong bối cảnh cả nước có chiến tranh, đội ngũ làm phim tài liệu đã kịp thời có mặt trên các mặt trận quên đói, quên mệt phản ánh các cuộc chiến đấu ác liệt qua từng thước phim. Xưởng phim Quân đội khi đó tiên phong thực hiện bộ phim tài liệu đầu tiên Vài hình ảnh chiến thắng đầu Xuân 1968 (kịch bản và đạo diễn Dương Minh Đẩu) do Đặng Xuân Hải với bút danh Xuân Thảo cùng tổ quay phim thực hiện trực tiếp tại Thừa Thiên - Huế. Ông đã trực tiếp cầm máy quay lại cảnh kéo lá cờ ở cố đô Huế và những trận đánh trong đường phố.
Sau bảy ngày miệt mài với những thước phim quay trực tiếp tại các trận địa, đến cuộc tấn công vào sân bay Tây Lộc ở nội thành Huế thì chiến sĩ quay phim Đặng Xuân Hải bị thương nặng ở trong Đại nội Huế khi trên tay vẫn ôm máy. Anh được đưa về cấp cứu còn máy quay được đồng đội tiếp tục mang ra mặt trận. Nói về sự kiện đó, NSND Đặng Xuân Hải chia sẻ: “Ở Huế, quân và dân ta hoàn toàn làm chủ thành phố, đánh lui hàng trăm đợt phản kích của địch. Chúng tôi cố gắng vừa di chuyển theo những cánh quân, vừa phải bấm máy liên tục. Gian khổ, khó khăn là điều khó tránh khỏi. Nhưng nhiệt huyết tuổi 20 khiến chúng tôi quên hết mệt nhọc, chỉ tập trung vào nhiệm vụ của phóng viên chiến trường là làm sao ghi được những hình ảnh quý giá nhất về sự kiện lịch sử này”.
Bộ phim của Xưởng khi đó đã nhận Bông sen Vàng và giải Nhất cho người quay phim tại LHP Việt Nam lần thứ II (năm 1973). Là bộ phim duy nhất thực hiện về cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, ekip thực hiện trong đó có Đặng Xuân Hải đã đưa đến cho công chúng những gì chân thực mà khắc nghiệt nhất về cuộc chiến không cân sức khi đó.
Năm 1972, sau vết thương tạm lành, ông cùng các đồng nghiệp tiếp tục lên đường đi quay hai bộ phim Quân dân Trị Thiên tấn công và nổi dậy và Chiến thắng lịch sử xuân 1972 tại mặt trận Thành Cổ - Quảng Trị. Đây là mặt trận ác liệt bậc nhất trong Chiến dịch xuân hè 1972.
Tư liệu quý của Chiến thắng 30/4/1975
Năm 1975, ông được vinh dự tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Trưa ngày 30/04/1975, Đặng Xuân Hải cùng tổng đạo diễn Trần Việt đã có mặt ở Sài Gòn. Sau đó ông cùng đội quay Bùi Xuân Thiện của Điện ảnh Quân đội ghi được hình ảnh nội các ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng. Từ những hình ảnh tư liệu quý giá đó, ông cùng tập thể cán bộ sáng tác của Xưởng phim Quân đội hoàn thành bộ phim “Chiến thắng lịch sử Xuân 1975”. Bộ phim trình bày một cách khái quát quá trình diễn biến cuộc tấn công và nổi dậy từ trận mở màn Phước Long - Buôn Ma Thuột tiến về Sài Gòn dẫn đến toàn thắng. Phim đã làm nổi bật một cách rõ ràng và chính xác sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và cho người xem thấy được khí thế hào hùng của dân tộc trên cả hai miền trong giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. “Chiến thắng lịch sử Xuân 1975”được đánh giá cao không chỉ về ý nghĩa lịch sử, nó còn nổi bật ở giá trị chính luận. Đó không phải chỉ là những ghi chép sinh động những sự kiện diễn ra trước ống kính máy quay, mà trong những cảnh phim này còn chứa đựng tâm hồn, xúc cảm, cách nhìn nhận, đánh giá, thái độ và tình cảm của các nhà làm phim. Với giá trị tư liệu, chính luận và giá trị nghệ thuật, “Chiến thắng lịch sử Xuân 1975” là bộ phim tổng kết cả một giai đoạn chiến đấu vô cùng gian khổ và ác liệt. Ông tự hào là đã cùng đồng đội bám sát thực tế các cuộc chiến đấu, luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất, luôn phát huy tinh thần tự lực tự cường, vượt mọi khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Tại LHP Việt Nam lần thứ IV tổ chức ở Tp. HCM, “Chiến thắng lịch sử xuân 1975” đã được trao giải thưởng Bông sen vàng.
Phong cách nghệ thuật của ông được thể hiện thông qua hàng loạt các tác phẩm mang hơi thở nơi chiến trường khốc liệt, khả năng khái quát, tư duy mạch lạc, tính chính luận cao, cùng với đó là sự mộc mạc trong cách thể hiện phim đã đem đến cho khán giả những cảm xúc đẹp đẽ. Nó có sức lay động và để lại ấn tượng đẹp trong sâu thẳm con tim khán giả. Ông tâm sự “tôi không thể nào quên được những giờ khắc mà tôi đã có mặt ở cả 3 mốc quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 tại Huế, Quảng trị năm 1972 và cuộc Tổng tấn công năm 1975. Để tham gia làm 3 bộ phim về 3 sự kiện nổi bật đó, đã có rất nhiều kỷ niệm trong thời gian làm phim, có cả đổ máu, có cả những giọt nước mắt. Đó là 3 bộ phim mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất…”
Sau thành công của những bộ phim trước đó, đạo diễn Trần Việt tiếp tục mời Đặng Xuân Hải quay bộ phim “Cuộc đụng đầu lịch sử”. Đây là một trong những tác phẩm lịch sử làm theo sự chỉ đạo của Ban tuyên huấn Trung ương, tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam. Quay xong Cuộc đụng đầu lịch sử thì cuộc chiến đấu bảo vệ hai đầu biên giới xảy ra, Đặng Xuân Hải lại có mặt ở biên giới phía Bắc làm bộ phim “Thị xã vẫn yên tĩnh”. Tại LHP Việt Nam lần thứ VII năm 1985, tổ chức tại Hà Nội, phim “Thị xã vẫn yên tĩnh” được trao giải Bông sen bạc và Giải A của Bộ Quốc phòng. Sau “Thị xã vẫn yên tĩnh” ông lại quay về biên giới phía Nam thực hiện bộ phim “Nước mắt nụ cười” bộ phim đã nhận được Giải Bông sen bạc LHP VN lần thứ XIX tổ chức tại Nha Trang năm 1990.
Tháng 8/1995, ông được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Hãng phim Quân đội và đảm nhiệm Giám đốc Điện ảnh QĐND từ năm 1995-2005. Mặc dù trên cương vị quản lý nhưng ông vẫn tham gia làm một số bộ phim: Đường mòn Hồ Chí Minh - Đường Trường Sơn, Mùa xuân toàn thắng (04 tập), Cột mốc vàng Điện Biên Phủ. Những phim này đều đoạt giải thưởng cao quý trong các kỳ LHP Việt Nam.
Nhân kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 2004, Đặng Xuân Hải thực hiện Cột mốc vàng Điện Biên Phủ. Ông kể lại: “Sau khi hoàn thành bộ phim, tôi có mời đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình đại tướng đến tham dự buổi chiếu phim. Xem phim xong đại tướng chia sẻ: “Trong các phim làm về Điện Biên Phủ, thì tôi thích bộ phim này”. Cột mốc vàng Điện Biên Phủ đã phân tích, trình bày tương đối đầy đủ, rõ ràng về vai trò, ý nghĩa chiến thắng của Điện Biên Phủ và mưu trí, tài thao lược của hệ thống tướng lĩnh và đơn vị quân đội ta tham gia trận chiến. Tại LHP Việt Nam lần thứ XIV tổ chức ở Buôn Ma Thuột, Cột mốc vàng Điện Biên Phủ được trao giải Bông sen bạc.
Từ năm 1995-2005 Đại tá, NSND Đặng Xuân Hải đảm nhiệm Giám đốc Điện ảnh QĐND. Trong suốt quá trình hoạt động, công tác Đại tá, Đạo diễn NSND Đặng Xuân Hải đã nhận được nhiều giải thưởng làm phim, trong đó có ba bông sen vàng của Liên hoan phim Việt Nam.
Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và quá trình hoạt động nghệ thuật trong quân đội, trên lĩnh vực điện ảnh. Đại tá, NSND Đặng Xuân Hải đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huy hiệu, huân chương cao quý: danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1993, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân 2012, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2012.
Những thước phim của ông ngày đó không chỉ được đánh đổi bằng thanh xuân, tuổi trẻ mà còn cả bằng máu và nước mắt. Giá trị đó không chỉ là cột mốc lịch sử của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn mang ý nghĩa lớn lao về những năm tháng cống hiến hết mình của chàng trai thành Nam. Ngày nay, những bộ phim đó là bằng chứng lịch sử có giá trị giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau này. Đất nước đã thống nhất, người chiến sĩ quay phim năm xưa giờ đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những thước phim của ông vẫn đã và đang được sử dụng nhiều trong các bộ phim và đó là vinh dự lớn trong cuộc đời người chiến sĩ.
LQ
VNQD