Tôn Phương Lan - người nặng lòng với đề tài chiến tranh cách mạng

Thứ Hai, 15/11/2021 00:07

. TRẦN THỊ TRÂM
 

Âm vang từ chiến tranh (tập tiểu luận - phê bình của Tôn Phương Lan, Nxb Văn học, 2019), theo tác giả, được khởi hứng từ tên một truyện ngắn của nhà văn Xuân Thiều. Cuốn sách được cấu trúc thành hai phần. Phần một gồm các tiểu luận khái quát diện mạo, sự vận động, thành tựu, hiện tượng và những vấn đề đang đặt ra trong văn xuôi đề tài chiến tranh trước và sau 1975. Phần hai là các bài phê bình về những tác phẩm đề tài chiến tranh của các nhà văn - chiến sĩ: Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Thi, Anh Đức, Dương Thị Xuân Quý, Văn Lê, Nguyễn Bảo, Lê Thành Nghị, Trần Hữu Tòng và hai nhà văn nữ Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trầm Hương. Nếu như phần trước là cái nhìn rộng với những đánh giá nhận định mang tính khái quát thì phần sau là những ví dụ sinh động, từng bước làm sáng tỏ các luận điểm mà người viết đã trình bày trong các tiểu luận trước đó của mình.

Như vậy, mảng đề tài chiến tranh cách mạng không chỉ được Tôn Phương Lan quan tâm rất sớm mà còn được chị dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu - phê bình. Càng ngày đối tượng càng được chị nhìn nhận một cách toàn diện, kĩ lưỡng, sâu sát trên cả hai bình diện lí luận và thực tiễn sáng tác, khái quát và cụ thể, từ nhiều góc độ, ở các thể loại khác nhau như tiểu thuyết, truyện ngắn, kí, truyện kí, nhật kí, và cả điện ảnh. Vì thế công trình không chỉ làm rõ được sự vận động, khuynh hướng phát triển tất yếu của đề tài chiến tranh cách mạng trước và sau 1975 mà còn có thể khái quát được quá trình vận động của công cuộc đổi mới nền văn học cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI cũng như những vấn đề đặt ra từ những hiện tượng cụ thể.

Kết hợp lí luận với thực tiễn, Âm vang từ chiến tranh đã tập trung tổng kết, đánh giá lại một cách khách quan thành tựu và hạn chế của văn xuôi đề tài chiến tranh xung quanh những vấn đề trọng tâm như: Đặc điểm của văn xuôi viết về đề tài chiến tranh cách mạng là gì? Vì sao trong lịch sử văn học Việt Nam, đề tài chiến tranh lại có vị trí đặc biệt quan trọng? Những khác biệt giữa văn xuôi viết về chiến tranh trước và sau 1975 và nguyên nhân của những khác biệt đó?…

Một sự thật hiển nhiên là, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, đề tài chiến tranh giữ vị trí vô cùng quan trọng với những đóng góp to lớn vào thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến tranh và cổ vũ chiến đấu. Với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, văn học cách mạng 1945 - 1975 tập trung phản ánh những vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc, cộng đồng. Suốt ba mươi năm ấy, chủ lưu của nền văn học là âm hưởng hùng tráng, là tinh thần khẳng định, ngợi ca. Những tác phẩm văn xuôi tiêu biểu như Xung kích, Vỡ bờ, Đất nước đứng lên, Hòn Đất, Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng, Chiến sĩ… đều “mang đậm tính chất sử thi, mang đậm âm hưởng sử thi, được viết bằng tư duy sử thi và được công chúng tiếp nhận bằng cảm quan sử thi”.

Sau 1975, từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, nhất là từ khi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước nhanh chóng được tiến hành và quá trình giao lưu hội nhập ngày càng diễn ra sâu rộng thì “sự thức tỉnh của ý thức cá nhân” xuất hiện phổ biến trong giới hoạt động nghệ thuật, kéo theo những thay đổi trong quan niệm về hiện thực, về con người, về nhà văn và công chúng. Nhu cầu tự đổi mới của đời sống văn học đòi hỏi phải viết khác trước và đọc khác trước. Nếu nền văn học sử thi chọn cách phản ánh số phận con người qua sự kiện lịch sử thì giờ đây “nhà văn nghiêng về việc lấy số phận con người để dựng lại sự kiện lịch sử”, vì thế “vấn đề số phận con người trở thành đối tượng khám phá của văn học nghệ thuật”…

Việc quan tâm đến số phận con người và phản ánh lịch sử thông qua số phận của con người đã làm cho văn xuôi viết về chiến tranh sau 1975, đặc biệt là từ 1986, có những chuyển dịch trên cả hai phương diện nội dung và hình thức. “Văn xuôi viết về chiến tranh ngày càng vận động theo hướng tích cực”, “vấn đề thân phận con người đã trở thành mối quan tâm của nhiều thế hệ người viết trong chiến tranh và từ đó mà có những cách tiếp cận độc đáo”. Các nhà văn đã vượt thoát khỏi tính đơn điệu của cách “kể nội dung”, tìm tòi những cách viết mới mẻ, đa dạng. Chất sử thi nhạt dần, chất thế sự và đời tư đậm lên, từ đó chất tiểu thuyết được gia tăng đáng kể. Người đọc, qua một số phận, một gia đình có thể nhìn thấy cả một giai đoạn lịch sử (Tư Thiên của Xuân Thiều, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh…)

Rõ ràng, sau 1986, việc đổi mới tư duy tiểu thuyết, quan niệm mĩ học đã cho phép nhà văn miêu tả chiến tranh dữ dội, sinh động, chân thực và thuyết phục hơn trước; dĩ nhiên, qua đó con người cũng được tiếp cận và miêu tả một cách toàn diện và người hơn. Trong các tiểu luận của mình, Tôn Phương Lan nhận diện và giải phẫu nhân vật đa tính cách, nhiều con người trong một con người. Nhân vật người lính bên cạnh những phẩm chất “anh hùng trong chiến đấu, giản dị trong suy nghĩ, và rất giàu tình thương đồng đội” thì cũng có lúc chủ quan sai lầm (T trong Bức tường lửa - Khuất Quang Thụy), suy thoái đạo đức (San trong Xiêng Khoảng mù sương - Bùi Bình Thi), hay hèn nhát, tham lam và cơ hội (Sơn trong Chân trời mùa hạ - Hữu Phương)... Những bi kịch cá nhân của nhân vật mà Thời xa vắng của Lê Lựu là một trong những tác phẩm đầu tiên quan tâm phản ánh đã dần trở nên phổ biến trong văn xuôi của nhiều tác giả như tướng Thuấn trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Hai Hùng và Tư Lan trong Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Vạn trong Bến không chồng của Dương Hướng…

Nếu trước đây kẻ thù thường được nhìn bằng một cái nhìn định kiến - xấu xa, kém cỏi, hèn nhát, mất nhân tính, thì sau 1986, như Tôn Phương Lan thấy, “nhân vật kẻ thù ngày càng được nhìn sâu hơn và được đặt trong mối quan hệ với cha mẹ, vợ con nên đã có hình hài, da thịt”. Chẳng hạn hai tên ác ôn Sáu Thìn và Bảy Hổ trong Mây cuối chân trời được Nguyễn Trọng Oánh đặt trong mối quan hệ mẫu tử đầy tính người, đồng thời đi sâu vào tâm lí nhằm cắt nghĩa những hành vi chống phá cách mạng điên cuồng của chúng để thấy chúng không chỉ đáng căm giận mà còn đáng thương. Quận trưởng thiếu tá Hùng trong Thượng Đức (Nguyễn Bảo) “về tính cách là một nhân vật có bản lĩnh quyết đoán, xét về phương diện cá tính hắn là một con người điềm tĩnh”. Hùng là người biết thương yêu binh lính, bản thân dám hi sinh và luôn tự trọng: “…không muốn những chiến binh khỏe mạnh phải chết. Và hắn đã chọn cho mình một cái chết trong tư thế nghiêm chỉnh chứ không đầu hàng...”

Có thể nói, chính “việc di chuyển điểm nhìn đã khiến cho những tác phẩm viết về chiến tranh ngày càng trở nên sinh động” kéo theo sự đổi mới về tư duy tiểu thuyết, sự đa dạng về phong cách, giọng điệu, sự đổi mới về ngôn ngữ cùng với việc sử dụng nhiều phương thức biểu hiện trước đó ít có, như yếu tố tâm linh, kì ảo, dòng ý thức… Nhờ thế nhà văn có thể nhìn sâu vào nhân vật, giúp cho các tác phẩm viết về chiến tranh tránh được bệnh công thức để trở nên sâu sắc và hấp dẫn hơn. Với cảm hứng nhìn thẳng vào sự thật, các nhà văn không còn né tránh những hi sinh mất mát (Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh, Người sót lại của rừng cười - Võ Thị Hảo), không chỉ quan tâm phản ánh sự kiện khách quan mà còn đi sâu vào cõi thầm kín của con người. Bên cạnh âm hưởng hùng tráng là âm hưởng bi tráng. Ngoài bi kịch lạc quan là bi kịch không lạc quan. Đề tài chiến tranh được mở rộng theo nhiều chiều kích; nhiều vùng cấm kị đã được gỡ bỏ. Hàng loạt tác phẩm kí với những tư liệu quý hiếm của Trần Mai Hạnh, Minh Chuyên…, một loạt nhật kí của các liệt sĩ như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Chu Cẩm Phong, Hoàng Thượng Lân… được công bố. Những tác phẩm kí chân dung về những nhà tình báo với những chiến công thầm lặng của họ như Ông cố vấn của Hữu Mai, Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời, Trần Quốc Hương - người thầy của những nhà tình báo huyền thoại và một số tác phẩm của Nguyễn Thị Ngọc Hải ra mắt và được đông đảo công chúng đón nhận… Những hướng tiếp cận hiện thực và đời sống khác nhau được mở ra, sức sáng tạo theo đó có điều kiện bung trổ. Cái nhìn về chiến tranh vì thế “...không còn rạch ròi trắng - đen, ta - địch như trước mà khốc liệt hơn, dữ dội hơn và cũng nhân bản hơn… Có lẽ chiến tranh chưa bao giờ được nhìn từ nhiều góc nhìn đến thế, với nỗi trở trăn đến thế.”

Những bài nghiên cứu - phê bình chủ yếu về văn xuôi đề tài chiến tranh được Tôn Phương Lan viết linh hoạt và giản dị, không nặng tính hàn lâm và cũng không nghiêng quá về bình. Trước những vấn đề đặt ra của đời sống văn học, chị thường có cách đánh giá chừng mực, khoa học, thể hiện văn hóa tranh luận của người viết. Chẳng hạn trong khi không ít người cực đoan phủ nhận thành tựu của văn học viết về chiến tranh trước 1975, chị nhiệt tình khẳng định những giá trị chân - thiện - mĩ, những đóng góp tích cực của giai đoạn văn học này cho hai cuộc kháng chiến: “Những ai từng sống vào thời đó hẳn đều công nhận những phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong tiểu thuyết, lòng yêu nước của một thế hệ thanh niên, sự hi sinh tận tụy của người dân với cách mạng, với sự nghiệp độc lập của dân tộc… không phải là không có thật. Và cảm hứng anh hùng trở thành cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của người cầm bút là một điều dễ hiểu… Các tác giả Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Nguyễn Khải, Hữu Mai… đã trở thành những người truyền lửa cho bao thanh niên… đã viết với một tinh thần trách nhiệm cao trước sự sống còn của Tổ quốc…” Đồng thời nhà nghiên cứu - phê bình không quên chỉ ra những hao khuyết, giới hạn của bộ phận văn học này.

Đi sâu vào đề tài chiến tranh cách mạng, hiểu thấu đáo về những đóng góp của các nhà văn mặc áo lính, Tôn Phương Lan làm rõ được những đặc điểm của nền văn học nước nhà. Là một quốc gia thường xuyên trải qua chiến tranh nên ở văn học Việt Nam, nội dung yêu nước, đề tài chiến tranh có vị trí quan trọng và sang trọng. Nhân vật trung tâm của văn học thường là người chiến sĩ bởi đó là những công dân ưu tú, những con người đẹp nhất đại diện cho dân tộc và thời đại. Mô hình nghệ sĩ Việt Nam là mô hình kép: nghệ sĩ - chiến sĩ. Dường như những tác phẩm hay nhất về chiến tranh đều được viết bởi những nhà văn cầm súng.

Văn là người. Nhìn chung, văn Tôn Phương Lan dịu dàng như con người chị. Những bài viết của chị giàu thiên tính nữ và cảm xúc, nhất là khi chị viết về tình cảm gia đình, về sự chia xa, về những day dứt. Xuất phát từ tình mẫu tử, chị thấy được hành động phi thường của nhà báo liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý khi người mẹ trẻ ấy phải trải qua những tháng ngày đằng đẵng xa đứa con nhỏ sáu tháng tuổi của mình. Bài viết về Mùi cỏ cháy, bộ phim về cuộc chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị và sự hi sinh đau đớn của các chiến sĩ chủ yếu là sinh viên các trường đại học những năm 1971 - 1972, được chị mở đầu như sau: “Những dòng chữ cuối cùng trên màn ảnh đã chạy hết, đèn đã bật sáng mà nhiều khán giả trong khán phòng dường như chưa muốn đứng dậy. Nhiều người vẫn còn giơ tay chùi nước mắt.” Đoạn chị viết về nhân vật Long và mối tình mới chớm nở với thôn nữ nơi anh đóng quân rất giàu cảm xúc. (Nhân vật Long có một phần nguyên mẫu là liệt sĩ Hoàng Thượng Lân, người chiến sĩ - nghệ sĩ tài hoa đã anh dũng hi sinh ở chiến trường Quảng Trị trong cuốn nhật kí Tài hoa ra trận.)

Tuy sinh ra và lớn lên ở vùng tuyến lửa khu Bốn, chưa một lần vào chiến trường, lại là một phụ nữ, nhưng Tôn Phương Lan rất tâm huyết và thủy chung với đề tài chiến tranh cách mạng. Từ điểm nhìn đương đại, Âm vang từ chiến tranh và những bài viết khác của chị về đề tài này đã góp phần giải quyết không ít vấn đề đang được lí luận văn học quan tâm khi dựng lại sinh động phần nào diện mạo, quá trình vận động của văn xuôi đề tài chiến tranh trước và sau 1986.

T.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)