Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

“Một tấm gương sống còn hơn cả một trăm bài diễn văn tuyên truyền”

Thứ Ba, 15/09/2020 00:15

. NGUYÊN THANH

Sinh thời Bác Hồ từng căn dặn cán bộ “Một tấm gương sống còn hơn cả một trăm bài diễn văn tuyên truyền” để giáo dục sự làm gương của đảng viên. Trong tác phẩm cũng như ngoài đời Người luôn nhất quán với điều ấy. Sự làm gương là cách giáo dục tốt nhất.

Bác Hồ giải thích câu ca dao quen thuộc với mỗi người dân Việt: “Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn. Lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam đã ghi những trang oanh liệt của nhân dân đấu tranh để xây dựng nước nhà và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc mình.

Ca dao có câu: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng. Câu đó nói lên sự đoàn kết chặt chẽ của nhân dân trong đấu tranh”[1]. Năm 1959 Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (Liên Xô) xuất bản một số bài nói, bài báo của Hồ Chí Minh thành cuốn sách có tên Hồ Chí Minh: Những bài viết và nói chọn lọc. Lời tựa cuốn sách do Hồ Chí Minh viết có tiêu đề: Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay, trong đó Người có đoạn trích với câu ca dao trên để giới thiệu bản sắc truyền thống yêu nước thương người của nhân dân Việt Nam.

Giá gương để đỡ gương soi. Ngày trước người ta thường phủ một mảnh vải nhiễu điều lên giá gương cho đẹp. Khi soi gương ai cũng đều nhìn thấy mảnh vài nhiễu điều quấn quýt lấy giá đỡ để tôn vẻ đẹp của cả cái gương. Hơn nữa, màu đỏ của vải phản chiếu vào gương làm đẹp thêm chân dung người soi.

Những năm đánh Mỹ ác liệt đồng bào miền Bắc phải sơ tán để tránh máy bay, Hồ Chí Minh căn dặn mọi người sơ tán và đón người sơ tán bằng cách lấy câu ca dao ấy và chỉ thay mấy chữ ở câu bát: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Đồng bào cả nước phải thương nhau cùng!”[2]. Hai chữ “đồng bào” mang sắc thái biểu cảm rõ hơn, thấm thía hơn!

Nói chuyện tại Đại hội liên hoan phụ nữ “năm tốt”, Bác Hồ giải thích nghĩa hẹp và rộng của hai chữ “gia đình”, nhắc mọi người nên hiểu theo nghĩa rộng: “Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ, những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng ra nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một đại gia đình. Ta có câu hát: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng. Rộng hơn nữa, chúng ta có đại gia đình xã hội chủ nghĩa: Lọ là thân thích ruột rà/ Công nông thế giới đều là anh em”[3].

Mở đầu bài báo Tình đoàn kết quân dân ngày thêm bền chặt, Bác Hồ trích nguyên câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước, thì thương nhau cùng”. Không bao giờ ý nghĩa câu hát ấy được thực hiện rõ rệt như ngày nay trong chính sách đại đoàn kết của Đảng, Mặt trận và Chính phủ”[4]. Khép lại bài viết cũng là câu ca dao ấy nhưng câu cuối được thay bằng chân lý “Quân dân đoàn kết, là đường thành công”[5].

Trong bài viết Tình đoàn kết quân dân ngày thêm bền chặt (báo Nhân dân, số 47-48, 1952, và Bài nói tại Đại hội liên hoan phụ nữ năm tốt”, nói ngày 30-4-1964 (báo Nhân dân, số 3685 ngày 1-5-1964) với đối tượng là người Việt Nam, Bác dùng một câu ca dao mà ai cũng hiểu, cũng nhớ, cũng thuộc: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng. Trong một hoàn cảnh đặc biệt Người lại dùng: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Đồng bào cả nước phải thương nhau cùng![6]. Câu tập ca dao này được Bác dùng trong bài Chúng ta phải làm thật tốt việc sơ tán in trên báo Nhân dân số 4477, 1966. Đúng là hoàn cảnh đặc biệt vì khi đó máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, nhân dân phải sơ tán, Người dùng hai chữ đồng bào có nghĩa là cùng chung một bọc để nhắc nhở mọi người hơn lúc nào hết phải đùm bọc lẫn nhau. Nhưng với đối tượng là “các đoàn đại biểu công đoàn quốc tế” thì: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người chung giai cấp phải thương nhau cùng!”[7]. Trong Lời kêu gọi nguỵ binh quay về với Tổ quốc lại là: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng[8]. Cũng câu ca dao ấy, để kêu gọi sự đoàn kết quân dân, Người nói: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Quân dân đoàn kết, là đường thành công”[9].

Vẫn là cấu trúc của câu ca dao cổ nhưng rõ ràng với từng đối tượng thì Bác vận dụng khác nhau, với công nhân thế giới thì thương nhau cùng chung giai cấp,với những nguỵ binh lầm đường lạc lối có thể do bị ép buộc hay hiểu biết kém, nhưng dù có theo giặc thì họ vẫn là Con Hồng cháu Lạc, còn quân dân phải đoàn kết vì đấy là đường thành công. Người luôn giữ nguyên câu đầu của ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương làm điểm tựa cho ý mới của mình, vừa dí dỏm, giản dị, dễ hiểu vừa sâu sắc, thấm thía.

Trong lời phát biểu chào mừng các đoàn đại biểu công đoàn quốc tế dự họp tại Hà Nội tháng 10- 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy câu ca dao của truyền thống Việt Nam yêu nước yêu con người và câu nói nổi tiếng của Mác làm nổi bật lên tư tưởng đoàn kết giữa các dân tộc: “Hội nghị này đủ mặt đại biểu của giai cấp công nhân khắp năm châu, đã nêu cao tình đoàn kết chặt chẽ của giai cấp công nhân quốc tế như lời dạy của Mác: “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!”. Thật là: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người chung giai cấp phải thương nhau cùng!”[10].

Bác kêu gọi lính nguỵ: “Tôi thiết tha kêu gọi các người mau mau quay về với Tổ quốc, các người sẽ được đối đãi tử tế. Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng”[11]. Chứng minh như vậy để thấy Bác Hồ rất ưa thích câu ca dao này. Nó thể hiện một tư tưởng quan trọng nhất của Người là tư tưởng đoàn kết.

Bác nhắc nhở các thầy cô giáo, với ngày hôm nay càng phải là vấn đề thời sự: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt. Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài. Trước hết phải dạy trẻ yêu Tổ quốc, yêu lao động, yêu đồng bào và yêu chủ nghĩa xã hội…Trẻ em như cái gương trong sáng, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu, cho nên phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng trước, chính thầy giáo, cô giáo cũng phải tiến bộ về tư tưởng”[12]

Cố gắng có một cơ hội hoà bình, năm 1946 Hồ Chí Minh đi Pháp, ngày 2-9-1946 tại Pari trong Diễn văn tại lễ kỷ niệm quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam, Hồ Chí Minh nhắc lại lời của một chính khách cao cấp nước Pháp như là một sự hy vọng cho cả hai dân tộc: “Xin nhắc lại lời lẽ hùng hồn của chính Chủ tịch Hội đồng Chính phủ Gioócgiơ Biđôn là: Chúng ta có thể chờ đợi một cách chính đáng một tương lai tốt đẹp hơn trong quan hệ giữa hai nước chúng ta như một tấm gương lớn trên thế giới”[13]. Đó là cách nhắc khéo nước Pháp: thành thật tôn trọng nước Việt Nam mới như đã thừa nhận để “làm gương” cho thế giới!

Người mượn kinh Phúc âm để nói chuyện với đồng bào Thiên chúa giáo: “Phúc âm dạy chúng ta rằng: Chúa Cơ đốc sinh ra làm gương mọi giống phúc đức như: hy sinh vì nước vì dân, làm gương lao động, công bằng ruộng đất, tin thờ Chúa bằng tinh thần. Chúng ta kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc Chính phủ và nhân dân ta làm, đều hợp với tinh thần Phúc âm. Cho nên tôi chúc đồng bào công giáo làm trọn chính sách của Chính phủ cũng là làm trọn tinh thần của Chúa Cơ đốc”[14]. Đây là mẫu mực của “tuyên truyền”: thấu hiểu dân mới có thể thấu cảm lòng dân!

Lời của Bác, sâu sắc, thấm thía vô cùng: “Một tấm gương sống còn hơn cả một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bác là nhà triết học thực hành như thế đó!

N.T


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 313

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 12, tr 106.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 257,258.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 426.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 429.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 12, tr 106.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 160.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 333.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 429.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 160.

[11Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 333.

[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 491, 492.

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 4, 285.

[14] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 197.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)