Một mùa xuân mới đang về, Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội xin chúc bạn đọc xa gần một năm mới nhiều an vui, may mắn. Xin giới thiệu đến bạn đọc Tạp chí Văn nghệ Quân đội số đặc biệt mừng xuân Ất Tỵ với những bài viết, tác phẩm ấn tượng, mang đến nhiều cảm xúc tươi đẹp, trọn vẹn trong những ngày tết đến xuân về này.
Phần Văn xuôi mở đầu với bài đối thoại Trong màu xanh đại ngàn là màu xanh áo lính. 40 năm đưa cây cao su đến các vùng đất Tây Nguyên cũng là 40 năm hành trình của những người lính Binh đoàn 15 mang màu xanh và sự no ấm, bình yên đến với vùng đất này. Cao hơn thế, một vành đai xanh dọc biên giới quốc gia kéo dài hơn 251km đã tạo nên một dải phên giậu vững chắc của Tổ quốc. Trong chuyến về thực tế tại Binh đoàn 15 những ngày cuối năm 2024, chúng tôi càng nhận thấy những giá trị cao quý của hình tượng Bộ đội Cụ Hồ đã được những người lính Binh đoàn 15 khẳng định và phát huy trên vùng đất Tây Nguyên nắng gió, nơi mặt trận B3 xưa. Bên cạnh những chuyến thâm nhập thực tế tại các đội sản xuất sát biên giới, cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ - Tư lệnh Binh đoàn 15 đã giúp các nhà văn VNQĐ hiểu hơn về sự tận hiến, vì nhân dân, vì đồng bào các dân tộc của những người lính thời bình trên mặt trận kinh tế - quốc phòng.
Tiếp nối câu chuyện về cây cao su ở Tây Nguyên, ở một góc nhìn khác, ghi chép Những dấu chân gọi tên đất tên làng của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy chân thực và sinh động khi khắc họa chân dung những người đi mở đất và gắn bó với cây cao su ngay từ những ngày đầu gian khó. Cũng từ đây, bạn đọc sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, chi tiết hơn và cũng cảm xúc hơn về vùng đất Mo Rai huyền thoại trong đời sống hôm nay.
Nhắc đến nhạc sĩ Minh Quang chúng ta nhớ ngay đến những giai điệu đẹp, những ca từ đậm chất trữ tình trong các ca khúc viết về người lính đã gắn bó với biết bao thế hệ bạn yêu âm nhạc như Sông Lô chiều cuối năm, Hoa sim biên giới, Cây đàn ghi ta một dây, Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara,… Có thể nói, những ca khúc này được xem như những bản tình ca đi cùng năm tháng của người lính, không chỉ trong chiến tranh mà ở cả thời bình. Để phần nào giúp bạn đọc hiểu hơn về hoàn cảnh ra đời của những ca khúc ấy và vì sao nhạc sĩ Minh Quang lại tâm huyết với đề tài người lính đến vậy, Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với ông. Không chỉ là âm nhạc, cuộc trò chuyện đã đem đến nhiều hơn những góc nhìn về người lính và người sáng tác. Bài trò chuyện mang tên Nghệ sĩ thời nào cũng phải biết đồng hành với người lính.
Truyện ngắn Bạn có thông báo mới của Lệ Hằng khiến không ít người trong chúng ta giật mình nhìn lại bản thân, bởi ít nhiều nhận ra bóng dáng mình đâu đó trong tác phẩm. Không còn đơn giản là "sống ảo" như lâu nay chúng ta vẫn thường dùng để chỉ những người chỉ quan tâm chăm chút cho đời sống trên mạng xã hội. Hiện tượng “nhũn não vì sống ảo” mà tác giả đề cập tới, thực sự là một thông điệp ý nghĩa dành cho bạn đọc cảm nhận, suy ngẫm. "Brain rot" được Từ điển Oxford lựa chọn làm từ khóa nổi bật năm 2024 như một sự cảnh báo toàn cầu về sự lạm dụng mạng xã hội đã được tác giả chọn làm luận đề triển khai câu chuyện tạo nên sự tiếp nhận khác biệt và ấn tượng.
Bóng tùng của Triều La Vỹ mượn lịch sử để tỏ bày muôn nỗi nhân sinh. Qua khứ không chỉ là quá khứ, quá khứ đang nói với chúng ta câu chuyện của hôm nay, của mai sau. Truyện lôi cuốn bởi sự huyền ảo và giọng văn đậm chất lịch sử. “Làm sao kẻ sĩ mở được dạ từ bi”. “Nhớ mà không đắm. Tưởng mà không mê. Phải chăng đã là Bồ tát?” Nhẹ nhàng mà thâm sâu, ảo mà rất thực, truyện gợi cho bạn đọc nhiều suy ngẫm.
Truyện ngắn Đứa con của biển của Sơn Trần xúc động với câu chuyện người cha trên đảo nhỏ đợi chờ đứa con nuôi mất tích ngoài khơi xa. Biển cho con người sự ấm no nhưng biển cũng mặn chát những phận người. Ông Bảo đã mất đi những người thân yêu nhất ở đảo này nhưng cũng ở đây ông có được Lượm. Ông gắn bó với đảo bởi những yêu thương sâu nặng ấy dù biết biển khơi luôn thử thách lòng người... Sau tất cả chờ trông, tuyệt vọng rồi hi vọng, sự trở về của Lượm, dù là với ông, người cưu mang hay với ba mẹ ruột cũng đều là sự nhân văn ấm lòng khi khép lại một năm nhiều thử thách.
Truyện kí Chuyện chú Tư Nam của Lê Văn Trường khắc họa chân thực và sinh động chân dung một người du kích trong chiến tranh kháng chiến chống Mĩ của dân tộc ta. Chú Tư Nam là đại diện tiêu biểu cho biết bao du kích mưu trí, quả cảm đã sống và chiến đấu để bảo vệ quê hương, đất nước. Hòa bình, ông sống giản dị, vô tư, "nếu phải chuốc lấy cái khổ về vật chất để được nhiều hơn niềm vui, sự thanh thản trong tâm hồn thì cũng là một sự đánh đổi xứng đáng".
Truyện ngắn Hoa đào trên đảo vắng của Phạm Duy Nghĩa đưa bạn đọc cùng hai cô gái xinh đẹp lạc vào một không gian mùa xuân trong veo và thơ mộng. Nhưng cũng từ đó mà những câu chuyện, những số phận trong quá khứ và hiện tại dần được hé lộ giữa đôi bờ hư thực. Truyện hấp dẫn bởi giọng văn đẹp, chất hiện thực đan xen yếu tố tâm linh làm cho tác phẩm càng trở nên huyền ảo. Có những nỗi buồn, có những tổn thương, những dằn vặt về lỗi lầm xuyên kiếp, nhưng dường như mùa xuân và sự ấm áp của tình người đã xoa dịu đi tất cả, hóa giải tất cả để con người tìm lại vẻ đẹp bản nguyên…
Cành đào tết của Đoàn Ngọc Hà kể câu chuyện đi tìm mua cành đào cho ngày tết của cụ Bính. Lối kể giản dị, chân thực mà toát lên cốt cách của con người, cốt cách của hoa đào trong không gian truyền thống của người Việt.
Giêng, hai, ba mùa xuân là bút kí đầy cảm xúc và vẻ đẹp mùa xuân, vẻ đẹp của văn hoá vùng miền trong dìu dặt nhịp xuân của nhà văn Đỗ Bích Thuý viết về vùng Tày “vùng văn hoá mà ở đấy tôi đã nhú lên như một cái mầm cây mà cha mẹ cùng nhau gieo hạt. Nhưng cũng bởi vì lớn lên trong nó, mọi thứ thân thuộc quá nên cứ phải đi xa, thật xa, rồi thảng hoặc ngoảnh lại mới thấy nó thật là khác biệt.”
Phần Thơ số này là sự xuất hiện của những nhà thơ tên tuổi đã góp phần làm nên diện mạo của nền thơ ca Việt Nam trong nhiều năm qua cũng là những tên tuổi đã gắn bó với Nhà số 4 như: Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Vương Trọng, Trần Anh Thái, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Linh Khiếu, Hồ Minh Tâm, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Thuý Quỳnh, Lê Thanh My… và nhiều tác giả khác đang góp mình vào dòng chảy thi ca đương đại hôm nay. Mỗi bài thơ là một góc nhìn độc đáo, sâu sắc, riêng biệt. Sự phong phú của đề tài, đa dạng của thể loại làm cho những trang thơ mùa xuân sinh động, ấm áp và gợi mở nhiều cảm xúc…
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả áo lính trẻ Trần Việt Hoàng cùng chùm thơ ấn tượng.
“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Những khoảng lặng sau lời của Lê Anh Phong giới thiệu tập thơ Hoa vàng mấy độ của nhà thơ Lê Thành Nghị.
Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Ánh sáng xanh trên bầu trời của Tàn Tuyết do Đinh Phương Ly dịch từ bản tiếng Anh.
Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Hà Thanh Vân, Nguyễn Trương Quý, Hoài Nam, Lê Thị Dương, Chu Vĩnh Yên, Phạm Minh Quân, Nguyễn Hữu Quý, Ngô Vĩnh Bình, Đỗ Anh Vũ.
Chủ đề mùa xuân trong văn học Việt Nam từ xưa đến nay được thể hiện qua nhiều góc nhìn phong phú, mang đậm chất trữ tình, lãng mạn và gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần, văn hóa của người Việt. Tết đến xuân về đem lại nhiều cảm hứng cho các tác giả, từ văn học dân gian đến văn học viết, tạo nên những tác phẩm mãi in đậm dấu ấn trong lòng người đọc. Bài viết Du xuân qua miền văn chương Việt Nam sẽ có những luận bình về đề tài này.
“Mùa xuân mới đang về, khi viết những dòng này lòng tôi xốn xang bâng khuâng quá. Trước mắt tôi đang hiện lên những trang báo tết cùng những gương mặt các anh chị em ở nơi mình đã gắn bó suốt 20 năm.” Bài viết Văn nghệ Quân đội làm báo tết của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý khắc hoạ không khí làm báo sôi động, khẩn trương và ấm áp trong những ngày làm báo tết của Nhà số 4 một thời.
Phim truyền hình thường không có được lợi thế về truyền thông như phim truyện điện ảnh (do đặc thù dung lượng, phương tiện trình chiếu). Nhưng mấy năm gần đây, phim truyền hình Việt Nam đã chứng tỏ được vị trí của nó trong đời sống tinh thần của người Việt, với phạm vi khán giả ngày càng mở rộng về không gian (nông thôn, thành thị), lứa tuổi, trình độ... Bài viết Nhìn lại phim truyền hình Việt Nam năm 2024 sẽ điểm lại những tác phẩm nổi bật ở thể loại này trong năm qua.
Trong thi ca Việt từ xưa đến nay, chiến tranh và con người trong chiến tranh luôn là một mảng đề tài quan trọng, được mọi thế hệ cầm bút tập trung khai thác. Bên cạnh nhiều trang viết về người lính, hình ảnh người vợ lính cũng hiện lên qua không ít tác phẩm với rất nhiều cảm xúc, nhiều cung bậc nỗi niềm. Bài viết Hình tượng người vợ lính trong thi ca Việt sẽ mang đến góc nhìn riêng về câu chuyện này.
Còn nhiều bài viết về các vấn đề đáng quan tâm, các vấn đề của đời sống hôm nay, chân dung nhân vật qua cái nhìn của văn nghệ sĩ... cũng được phản ánh một cách sinh động và thuyết phục.
Tạp chí VNQĐ số xuân Ất Tỵ dày 200 trang, dự kiến phát hành ngày 15/1/2025. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
VNQĐ Trong màu xanh đại ngàn là màu xanh áo lính 3; Lệ Hằng Bạn có thông báo mới 16; Nguyễn Xuân Thuỷ Những dấu chân gọi tên đất tên làng 27; Đoàn Ngọc Hà Cành đào tết 57; Đỗ Bích Thuý Giêng, hai, ba mùa xuân 61; Triều La Vỹ Bóng tùng 78; Sơn Trần Đứa con của biển 86; Lê Văn Trường Chuyện chú Tư Nam 96; Nguyễn Thị Kim Nhung - Minh Quang: Nghệ sĩ thời nào cũng phải biết đồng hành với người lính 114; Phạm Duy Nghĩa Hoa đào trên đảo vắng 122
Thơ
Hữu Thỉnh Tạ ơn 41; Anh Ngọc Bao giờ cho đến tháng giêng 42; Nguyễn Việt Chiến Màu mây đó trên đỉnh đồi A1 43; Nguyễn Đức Mậu Đám cưới làng chài 45; Trần Anh Thái Không đề 46; Vương Huy Quê tôi 47; Dương Kỳ Anh Đi giữa vườn xanh 48; Vương Trọng Tắm tất niên 49; Nguyễn Thuỵ Kha Ngước lên mùa xuân 50; Vũ Quần Phương Mùa cốm 51; Nguyễn Linh Khiếu Phù dung 52; Trần Hùng Không mã nguồn 53; Hữu Việt Mùa đông 54; Võ Sa Hà Mơ chiều 55; Hồng Thanh Quang Sẽ đến lúc không thể nào từ chối 56; Nguyễn Trác Ở cuối dòng sông 102; Đỗ Trọng Khơi Một chiều 103; Nguyễn Thanh Kim Nhớ quê 104; Bùi Phan Thảo Ở độ cao 1.600 mét 105; Hải Thanh Con đường không có vết chân 106; Đoàn Mạnh Phương Về quê 107; Vi Thuỳ Linh Vân môi 108; Nguyễn Đăng Độ Xuân cao nguyên 109; Nguyễn Quang Hưng Đâu cũng như ai đã đến đây rồi 110; VNQĐ giới thiệu thơ Trần Việt Hoàng: Mật ngữ Xín Cái; Tiếng vọng của đêm; Nguyễn Trọng Văn Cây hoa đại Nhà số 4 141; Hồ Minh Tâm Xuân về hé nụ 142; Đoàn Hữu Nam Gặp lại 143; Hữu Nhân Tản mạn năm 144; Nguyễn Thuý Quỳnh Nghĩ cùng năm mới 145; Tạ Bá Hương Làm khoăn 146; Nguyễn Giang San Thơ viết ở ban công 147; Lê Anh Phong Những khoảng lặng sau lời (Đọc Hoa vàng mấy độ của Lê Thành Nghị) 148; Nguyễn Ngọc Phú Tết quê ra đảo 169; Pờ Sảo Mìn Tổ chim 170; Lê Thanh My Chạm vào miền nhớ 172; Mai Thìn Những ngọn lửa trong veo 173; Dương Khâu Luông Tiếng lày cỏ 174; Hoàng Thuỵ Anh Đêm ba mươi 175; Bình Nguyên Trang Môi hôn nào rạng rỡ tháng hai 176; Ngọc Bái Hát thầm một khúc dân ca 177; Phùng Thị Hương Ly Lặng thầm Quây Sơn 178; Minh Hạ Buổi sáng ở Hà Giang 179; Đậu Hoài Thanh Nhớ tết xưa 180; Thy Nguyên Tiếng xuân 181; Kiều Maily Kí ức miền biển 182
Văn học nước ngoài
Tàn Tuyết Ánh sáng xanh trên bầu trời (Đinh Phương Ly dịch từ bản tiếng Anh) 67
Bình luận văn nghệ
Hà Thanh Vân Du xuân qua miền văn chương Việt Nam 151; Nguyễn Trương Quý Ta biết xuân nhau có một thì 155; Hoài Nam Tiểu thuyết Việt Nam 2024 - một số tác phẩm đáng chú ý 159; Lê Thị Dương Nhìn lại phim truyền hình Việt Nam năm 2024 164; Chu Vĩnh Yên Tiếp thêm sức xuân từ những bài thơ của Bác 183; Phạm Minh Quân Sắc xuân và tâm hồn dân tộc trong tranh Việt Nam 186; Nguyễn Hữu Quý Văn nghệ Quân đội làm báo tết 191; Ngô Vĩnh Bình Mấy kỉ niệm về nhà thơ Chính Hữu 195; Đỗ Anh Vũ Hình tượng người vợ lính trong thi ca Việt 198
Minh hoạ, ảnh
Bìa 1: Nhành xuân, Tranh của họa sĩ Lê Trần Hậu Anh
Phụ bản: Tranh Ất Tỵ của hoạ sĩ Lê Huy Văn
Minh họa: Thành Chương, Trương Đình Dung, Đỗ Dũng,
Lê Trí Dũng, Phạm Hải Hà, Nguyễn Bá Kiên, Hải Kiên,
Ngô Xuân Khôi, Đặng Tiến, Lê Anh Vân, PV,...
VNQD