"Điều còn mãi", thổn thức những đau thương mất mát

Thứ Ba, 13/12/2022 07:09

Đà Nẵng, tháng 12 năm 2022. Cuối tuần, trời lắc rắc mưa. Cầm cuốn sách Điều còn mãi (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2022) được tác giả Trần Chiến Chinh tặng trong một đêm cùng đi xem World Cup mà chưa kịp đọc, tôi nhẩn nha lật từng trang. Càng đọc càng thấy lạ và cuốn hút. Ông sinh năm 1952, khi quê hương Hòa Vang (Đà Nẵng) còn in dấu gót giày của thực dân Pháp, ba mẹ đặt cho cái tên Trần Chiến Chinh. Không biết có phải tên người vận vào số phận hay không mà đời binh nghiệp của ông đã rong ruổi suốt từ chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng sang tận đất bạn Campuchia. Ông có thói quen viết nhật ký. Vì vậy, sách cũng lạ: Một tập bút ký nhưng được chắt lọc, tổng hợp từ 3 cuốn nhật kí chiến trường.

Tôi đọc liền một mạch từ Điểm tựa, Biệt động thành Đà Nẵng, Trinh sát huyện Hòa Vang, Trợ lý đặc công Khu 2 Hòa Vang… Đề tài chiến tranh cách mạng đã được khai thác trên nhiều lĩnh vực như: lịch sử, văn học, nghệ thuật quân sự, tâm lí… Tuy nhiên, muốn tiệm cận sự ác liệt của chiến tranh phải bắt đầu từ trang viết của người trong cuộc. Ở Điều còn mãi, sự hấp dẫn chính là được tác giả viết khi còn khói súng, nghĩa là viết ngay sau khi vừa nhìn thấy, vừa trải qua. Một người lính trận mang tâm hồn nghệ sĩ nên trang viết của Trần Chiến Chinh vừa tả thực nhưng rất giàu hình ảnh. Ông viết về ngôi nhà của mình: “Có được ngôi nhà này, gia đình tôi phải đội từng thúng đất từ ngoài Nà đắp lên để tránh mưa lũ lụt đổ về. Hết giặc Pháp đốt đến giặc Mỹ phá để bây giờ mái ngói âm dương đã phủ lớp rêu xanh bị cày xới lên, tường nhà còn in đầy dấu vết đạn bom”. Khi tham gia biệt động thành Đà Nẵng, bị địch bắt, ông miêu tả sự độc ác của cảnh sát ngụy Sài Gòn tra tấn tù nhân: “Đóng đinh, cột dây điện vào mười đầu ngón tay, ngón chân; đổ nước ớt, xà phòng vào miệng cho đến khi bất tỉnh; lúc đứng trên ghế vuông hai tay nắm lấy sợi lạt giang bén ngọt rồi bất thình lình đạp chiếc ghế, lạt cắt đến tận gân bàn tay”. Càng đọc, càng có cảm giác rờn rợn bởi cũng là con người với nhau, tại sao chúng có thể nghĩ ra những trò tra tấn dã man đến vậy? Đồng thời, thêm cảm phục sự kiên trung của người cộng sản. Mặc cho những tên đồ tể dụ dỗ đủ trò, họ vẫn lạc quan tin tưởng vào ngày thắng lợi của cách mạng. Hết giờ đi cung, trong phòng giam tù nữ lại âm vang tiếng hát thể hiện khí tiết, động viên nhau để ngày mai sẵn sàng chịu đựng đợt tra tấn mới dã man hơn: “Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung/ Không thể giết được em người con gái anh hùng”. Bị nhốt ở phòng bên cạnh, những bài thơ, câu hát của các chị đã tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ biệt động Trần Chiến Chinh vững tin trong cuộc đấu trí với quân thù. Địch không moi được tin tức, chúng cho ông đi đối chất với những tên chiêu hồi. Lợi dụng tên lính gác sơ hở, ông trốn thoát, sau đó thoát li lên căn cứ nhập ngũ. Ngày đầu tiên rời quê hương, Trần Chiến Chinh bùi ngùi đứng trên đỉnh núi mờ sương nhìn về hướng vùng A Đại Lộc (Quảng Nam). Trong ánh mắt của người thanh niên 17 tuổi, những ngọn đèn dầu lúc ẩn, lúc hiện, bồng bềnh vài cột khói từ đám rạ ngoài đồng. Trong khung cảnh làng quê yên bình đó, Chiến Chinh còn ngửi thấy cả hương thơm của cánh đồng lúa Bàu Rén.

Cuốn nhật kí của tác giả Trần Chiến Chinh. 

Chiến tranh, người lính không chỉ hi sinh bởi mưa bom, bão đạn mà còn lịm đi vì đói khát. Đọc Điều còn mãi, tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh thê lương: “Trên con đường lên đỉnh dốc Mây, những chiếc võng nằm lặng lẽ bên đường. Từ trong một chiếc võng kaki màu xanh, một cánh tay run rẩy đưa ra, tôi bước đến nghe được giọng nói yếu ớt của một anh bộ đội miền Bắc:“Đói quá”. Tôi lấy nắm cơm bẻ làm đôi, đặt vào tay, sau khi đưa cho anh uống một ngụm nước…Trở về đơn vị, đến dốc Mây, tôi thấy anh bộ đội hôm trước vẫn nằm trên võng, nắm cơm vẫn kề bên miệng, đôi mắt nửa nhắm nửa mở. Anh Lạc đặt nắm cơm sang bên và đưa tay vuốt mắt đồng đội”. Sự khốc liệt của chiến tranh còn cuốn theo tuổi xuân của những người con gái của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm như: Trần Thị Hường, Nguyễn Thị Ánh Hồng, Trần Thị Thanh Bòng, Võ Thị Thê, Đặng Thị Cúc… Người ra miền Bắc chữa bệnh, người ở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu. Một sáng tháng 10, trên dốc Đại Đội, họ tiễn biệt nhau ở nơi mà cánh rừng không còn màu xanh vì bom napan, chất độc hóa học. Một mảnh dù hoa để quấn chặt mái tóc khi xung trận của người đi gửi người ở lại chiến trường, chiếc ănggô để dọc đường nấu cơm cho người về hậu phương. Da diết, lưu luyến nhưng không một ai mềm lòng. “Họ ở lại cũng như bao người con trai khác, cũng ôm khẩu trung liên, bắn B40, cũng dõng dạc hô xung phong dưới làn đạn giặc”. Vì tất cả cùng mơ đến ngày chiến thắng.

Tác giả Trần Chiến Chinh (ngoài cùng bên trái) trong một buổi tặng sách độc giả. Ảnh: An Nhiên

Sau 21 năm đằng đẵng, đất nước bị chia lìa hai miền Nam - Bắc mới đến ngày ca khúc khải hoàn. Trong số những người lính đi ra từ cuộc chiến, Trần Chiến Chinh đã may mắn hơn nhiều đồng đội. Đêm 29 tháng 3 năm 1975, đêm đầu tiên thành phố Đà Nẵng “thuộc về ta”, ông nghĩ đến những ngày nắng bụi mưa dầm, những đêm mải miết bước chân trên mặt đất đầy chớp lửa bỗng nhìn lên trời xanh thấy những vì sao lấp lánh: “Hôm nay tuy niềm vui chưa trọn vẹn nhưng đã thấy ngày mai có cả đất nước rồi!”. Ông nhớ về ngôi nhà ở xóm sau Bồ Bản, nơi làm điểm tựa để người lính Trần Chiến Chinh ra đi làm cách mạng. Ông nhớ Trung đội trưởng Nguyễn Thị Xuân Mai, người đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng khi địch thực hiện “tràn ngập lãnh thổ”: “Nhìn về những hang đá mà trước đây còn rộn ràng tiếng cười mỗi khi đánh trận trở về bây giờ im ắng quá. Từ trong mơ tưởng, tôi bắt gặp những ánh mắt cháy rực lời thề “giữ chốt”, những cánh tay vung lên nguyện làm “người chiến binh gang thép của nhân dân” mà lòng quặn đau đến tức thở vì xót xa và thương tiếc”.

Tháng 12, đọc sách viết về người lính để hiểu sâu hơn về giá trị cuộc sống hôm nay.“Điều còn mãi” của Trần Chiến Chinh không chỉ âm vang hào khí cách mạng từ quá khứ vọng về mà còn thổn thức bởi những đau thương mất mát mà thế hệ cha ông từng nếm trải. Bước chân người chiến sĩ vẫn còn mãi với thời gian, như tên của cuốn nhật kí của Trần Chiến Chinh, và như lời giới thiệu của đồng chí Nguyễn Văn Chi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư huyện ủy huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng ở những trang đầu cuốn sách: “Ai đã từng sống, chiến đấu trên chiến trường Hòa Vang sẽ tìm thấy mình qua từng trận đánh, những chuyến công tác mà đồng chí Chinh kể lại một cách chân thực, như nhắc nhở chúng ta phải sống xứng đáng với những người đã hy sinh và có trách nhiệm với quê hương đất nước. Đó cũng là thông điệp mà “Điều còn mãi” muốn gửi lại cho thế hệ sau”.

NGUYỄN SỸ LONG

VNQD
Thống kê